| Hotline: 0983.970.780

Người dân Na Hang ‘sống khỏe’ từ nuôi cá lồng

Thứ Tư 15/04/2020 , 15:43 (GMT+7)

Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản của huyện Na Hang đạt 850 tấn, tăng 26% so với năm 2018. Nghề thủy sản đã trở thành “cần câu cơm” của nhiều hộ dân nơi đây.

Nhờ có diện tích mặt Hồ thủy điện Tuyên Quang khá rộng, nhiều hộ dân của huyện Na Hang đã có thu nhập khá với nghề thủy sản. Ảnh: Đào Thanh.

Nhờ có diện tích mặt Hồ thủy điện Tuyên Quang khá rộng, nhiều hộ dân của huyện Na Hang đã có thu nhập khá với nghề thủy sản. Ảnh: Đào Thanh.

Phát triển nghề thủy sản, huyện Na Hang đã triển khai nhiều chính sách đồng hành cùng người dân. Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND tỉnh Tuyên Quang về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi huyện đã giải ngân 8,32 tỷ đồng cho 54 hộ tham gia vay vốn nuôi cá đặc sản bằng lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Nhờ đó, sản lượng thủy sản và hiệu quả kinh tế không ngừng tăng lên. Đến nay, toàn huyện có 900 lồng cá, tăng 73 lồng so với năm 2018.

Gia đình anh Trương Tuấn Minh ở tổ 2, khu Thác Mơ, thị trấn Na Hang nuôi cá lồng hơn 6 năm nay, với các loại cá lăng, cá quả, cá bỗng, cá chép… Anh Minh cho biết, hiện nay gia đình anh có 20 lồng cá, cung cấp ra thị trường 40 tấn cá/năm. Nuôi cá trên hồ sinh thủy điện Tuyên Quang được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính khi triển khai làm hồ sơ nuôi trồng cũng như những thủ tục liên quan đến vốn vay.

Với giá cá lăng đạt 80.000 đồng/kg, cá bỗng 250.000 đồng/kg, cá chép 70.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh Minh có doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí đầu tư giống, thức ăn, công chăm sóc, anh còn lãi 700 triệu đồng/năm.

Đà Vị là điểm sáng phát triển nghề nuôi cá lồng của huyện Na Hang. Hiện xã Đà Vị hiện có 13 hộ nuôi cá lồng với 93 lồng nuôi. Các hộ gia đình nuôi cá thường làm lồng có kích thước từ 9 đến 12 m3, mỗi m3 lồng cho thu từ 25 - 30 kg cá/năm.

Anh Lương Văn Tần, thôn Xá Thị, xã Đà Vị gắn bó với nghề nuôi cá lồng từ năm 2010. Lúc đầu vốn ít, lại thiếu kinh nghiệm, anh chỉ dám đầu tư nuôi 1 lồng cá bỗng. Sau mấy năm nuôi, bán lứa cá đầu anh thu lãi gần 40 triệu đồng.

Hiện nay, tổng sản lượng thủy sản của huyện Na Hang đạt 850 tấn/năm. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay, tổng sản lượng thủy sản của huyện Na Hang đạt 850 tấn/năm. Ảnh: Đào Thanh.

Thấy có thể gắn bó với nghề cá, năm 2015, anh Tần quyết định vay thêm vốn của Ngân hàng NN-PTNT huyện đầu tư nuôi 10 lồng cá bỗng, cá lăng, cá trắm đen… Vốn tích lũy được kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên đàn cá của gia đình đanh luôn phát triển tốt, cho thu hoạch đúng thời điểm. Trung bình mỗi năm anh Tần thu lãi trên 100 triệu đồng.

Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Na Hang cho biết, hơn 10 phát triển nghề chăn nuôi thủy sản, người dân trên địa bàn huyện đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc. Hiện nay, các hộ gia đình nuôi cá trên hồ đang dần chuyển đổi loại hình nuôi cá bằng lồng kích thước 9-12m3 khung gỗ, tre... độ bền không cao sang lồng kích thước 108 m3 khung sắt kiên cố. Điều này cho thấy đã có sự chuyển biến rõ rệt về ý thức chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình. Đây cũng là cơ sở góp phần nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản hàng năm trên địa bàn huyện.  

Đến nay, toàn huyện Na Hang có 110 hộ, 3 hợp tác xã, 2 doanh nghiệp tham gia vào nuôi trồng thủy sản. Khuyến khích nghề thủy sản phát triển, huyện cũng đã triển khai thành công nhiều mô hình nuôi cá đặc sản như lăng, chiên, bỗng, tầm… Đặc biệt, năm 2019 huyện triển khai mô hình nuôi cá tầm hạ lưu hồ thủy điện Tuyên Quang từ nguồn vốn Khuyến ngư Quốc gia do Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang thực hiện với số lượng thả 1.300 con. Hiện tại, trong lượng bình quân đạt từ 0,7 đến 0,9 kg/con, tình hình sinh trưởng đàn cá phát triển tốt không xuất hiện dịch bệnh.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.