Dấu hiệu ô nhiễm môi trường
Bao đời nay, người dân các thôn Nà Ó, Nà Giảo, Nà Đeo (xã Thanh Thịnh) gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Cánh đồng trồng lúa của người dân lấy nguồn nước từ suối Piầu, bắt nguồn từ những ngọn đồi gần đó. Bao năm nay dòng nước suối Piầu mát lạnh đã nuôi sống nhiều thế hệ người dân ở đây.
Cuối năm 2023, trên địa bàn thôn có trại lợn của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Bắc Kạn (sau đây gọi tắt là Công ty) đi vào hoạt động. Trang trại lợn này có công suất 2.400 con lợn nái, tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng.
Điều đáng nói là trại lợn này xây dựng ở đầu nguồn suối Piầu, đây là nguồn nước chính cung cấp cho sản xuất nông nghiệp của người dân các thôn Nà Ó, Nà Giảo, Nà Đeo. Sau một thời gian đi vào hoạt động, người dân ở đây phản ánh dấu hiệu có thời điểm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí.
Ông Lường Văn Cừ, Bí thư Chi bộ thôn Nà Ó cho biết, khoảng tháng 6/2024, nhận được thông tin của người dân, ông đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, phát hiện trại lợn xả nước thải bốc mùi hôi thối ra khu vực đầu nguồn suối Piầu.
“Vào trong khe thấy nước đen xì chảy ra suối, vào bên trong nữa gần khu trại lợn thấy nước thải chảy tràn trong bãi trồng cây keo bốc mùi hôi thối. Thời điểm đó hộ ông Hoàng Hữu Oanh đi kiểm tra ao thấy cá bị chết lác đác, ao cá này lấy nước từ suối Piầu”, ông Cừ nói với phóng viên.
Bà Hà Thị Diệu, Trưởng thôn Nà Ó cho biết, cách đây vài tháng bà con trong thôn có ý kiến là trại lợn xả thải ra rừng keo rồi chảy ra khe suối làm chết một số cây keo. Khu vực xả thải là đầu nguồn suối Piầu ở gần trại lợn của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Bắc Kạn. Người dân đã có ý kiến lên xã, sau đó nhận được thông tin là do sự cố bục đường ống của trại lợn chứ không phải xả thải ra môi trường.
Ngoài ra người dân khu vực này còn phản ánh tình trạng mùi hôi từ trại lợn, những ngày có gió cách xa vài trăm mét vẫn ngửi thấy mùi hôi.
Để mục sở thị, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng một số người dân trong thôn đã đến thực tế tại khu vực trại lợn của Công ty này. Trại lợn này ở ngay đầu nguồn dòng suối Piầu, trại lợn ở trên cao còn dòng suối chảy phía dưới. Thời điểm phóng viên tác nghiệp không phát hiện dấu hiệu dòng suối bị ô nhiễm.
Đi đến đầu nguồn, cách trại lợn khoảng vài trăm mét, chúng tôi phát hiện 1 đường ống màu đen, đường kính khoảng 50cm xuất phát từ khu vực trại lợn dẫn thẳng ra giữa dòng suối Piầu. Người dân đi cùng chúng tôi không biết đường ống này dẫn ra suối để làm gì. Dọc đường đi, lác đác một vài cây keo chết khô xen lẫn giữa bạt ngàn rừng cây xanh tốt.
Người dân phản đối xây thêm trại lợn
Khi người dân 3 thôn Nà Ó, Nà Giảo, Nà Đeo đang lo ngại trại lợn gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí thì bất ngờ họ nhận được thông tin, trên địa bàn thôn sẽ tiếp tục xây dựng thêm một trại lợn nữa, cách không xa trại lợn đang hoạt động.
Tìm hiểu được biết, đây là dự án giai đoạn II cũng của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Bắc Kạn. Dự án này có tên “Dự án đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao giai đoạn II tại xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn”. Địa điểm thực hiện tại thôn Nà Ó, khu đất dự kiến thực hiện dự án rộng hơn 28ha, thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân.
Theo hồ sơ dự án phía Công ty cung cấp cho người dân, hiện nay các cổ đông của Công ty đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ dân với diện tích khoảng 16ha.
Hồ sơ này cũng thể hiện lý giải của phía Công ty: “vị trí thực hiện dự án nằm trong vùng đồi khá hoang vắng, các phía xung quanh đều được bao bọc bởi đồi cao và xa khu dân cư sinh sống, không có nguồn nước dùng cho sinh hoạt, đảm bảo khoảng cách chăn nuôi quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT … và Luật Chăn nuôi”.
Tuy nhiên, khi Công ty lấy ý kiến nhân dân sống ở gần khu vực thực hiện dự án, đa số người dân phản đối. Người dân các thôn Nà Ó, Nà Giảo, Nà Đeo cho rằng, trên địa bàn 3 thôn này hiện nay đã có 2 trại lợn quy mô lớn, nếu xây dựng thêm trại lợn nữa mật độ sẽ rất cao. Về lâu dài nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm sẽ rất lớn, đặc biệt vị trí xây dựng lại ở đầu nguồn nước.
Trưởng ban mặt trận thôn Nà Ó, ông Ma Phúc Thục cho biết đại đa số người dân trong thôn không đồng ý cho làm thêm trại lợn ở trên đầu nguồn nước của thôn. Lý do là bây giờ trại lợn ở trên cao sau này nước thải sẽ ngấm xuống nước mặt, nước ngầm, khi đó sẽ rất khó khắc phục hậu quả.
Bà Hà Thị Diệu, Trưởng thôn Nà Ó cho biết, đã họp lấy ý kiến nhân dân 2 thôn Nà Ó, Nà Đeo đa số dân phản đối dự án. Tuy nhiên, sau hôm họp, người của Công ty tự đi đến một số nhà để lấy ý kiến vào phiếu, họ đi vận động như thế nào mình cũng không rõ, cũng không biết có hộ nào đồng ý không, nhưng ở trong cuộc họp đa số người dân phản đối xây trại lợn.
Ông Lường Văn Cừ, Bí thư Chi bộ thôn Nà Ó than thở, nếu xây thêm trại lợn nữa chả khác nào “bao vây” thôn. Bây giờ khu vực đầu nguồn nước đã cạn dần, sau này nếu bị ô nhiễm nữa người dân sẽ không còn nước để sản xuất, giặt giũ.
Làm việc với chính quyền xã Thanh Thịnh, ông Lý Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, rất hoan nghênh doanh nghiệp đến xã đầu tư, nhưng phải đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu. Về việc người dân thôn Nà Ó phản ánh dấu hiệu ô nhiễm môi trường từ trại lợn, xã đã nắm được, xã cũng đã yêu cầu lực lượng công an vào cuộc thường xuyên kiểm tra, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo thẩm quyền.
Về Dự án đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao giai đoạn II tại thôn Nà Ó, dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư của tỉnh, các sở, ngành và địa phương cũng đã đi khảo sát. Tuy nhiên, về lâu dài dự án có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước nên khi họp lấy ý kiến người dân hầu hết không nhất trí.
Ông Quế lý giải, do trước đây trại lợn đã đi vào hoạt động chưa làm tốt việc bảo vệ môi trường nên người dân lo lắng, khi người dân lo lắng thì sẽ không nhất trí tiếp tục xây dựng thêm một trại lợn nữa ở khu vực đó. Thực tế về lâu dài nếu nguồn nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống bà con nên người dân chưa đồng thuận cũng là điều dễ hiểu.
“Nếu trước đây Công ty làm tốt việc bảo về môi trường bà con sẽ đồng thuận, nhân dân ủng hộ các dự án mới thành công, còn nhân dân không ủng hộ dự án sẽ khó thành công”, ông Lý Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thịnh nhận định.