| Hotline: 0983.970.780

Người đau đáu nghĩ về nông dân

Thứ Năm 06/11/2014 , 08:13 (GMT+7)

Người mà tôi ấn tượng nhất là Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, bởi ông luôn đau đáu nghĩ về người nông dân và đặt lợi ích của họ lên trên hết.../ Một tấm lòng thiết tha với nông dân

Tôi đã nhiều lần được cơ quan cử đi “tháp tùng” các vị lãnh đạo của Bộ NN-PTNT, Chính phủ lên làm việc tại các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Chừng tháng 8/1997, tôi theo đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn dẫn đầu lên Lào Cai làm việc. Buổi sáng sau khi làm việc với tỉnh Lào Cai đoàn lên Sa Pa ngay, khi đó tôi mới ở Báo Lào Cai chuyển về Báo NNVN được hơn một năm nên khá thông thạo mảnh đất Sa Pa.

Chiều hôm ấy ông có chương trình làm việc với Nông trường quốc doanh Sa Pa thuộc Tổng Cty Rau quả Trung ương (nay là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây ôn đới, thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc), người ta chuẩn bị hội trường để đón tiếp vị Bộ trưởng.

Khi đoàn tới nơi, cánh phóng viên cứ nghĩ Bộ trưởng vào hội trường nghe báo cáo trước khi ra đồi cây, ai ngờ ông không vào hội trường mà leo thẳng lên đồi. Tại đây đang trồng thử nghiệm một số giống cây ăn quả ôn đới: Đào Pháp, táo Israel, nho Mỹ, mận Pháp... do mỗi lần ông đi công tác nước ngoài mang về gửi lên đây trồng thử.

11-38-40_h2
Ông Nguyễn Công Tạn nói chuyện với người dân vùng cao Hà Giang

Giám đốc Nguyễn Danh Tuyên dẫn ông tới thăm từng cây, ông rất vui khi thấy một số cây táo đã ra quả màu tím rất đẹp. Ông đứng ngay giữa đồi cây hỏi về chế độ chăm sóc, nhiệt độ từng mùa...

Rồi ông gật gù: Như vậy Sa Pa và nhiều nơi của khu vực miền núi phía Bắc có độ cao từ một ngàn mét trở lên có thể trồng được cây ăn quả ôn đới. Tuy nhiên, cần phải theo dõi thêm vài năm nữa. Với điều kiện thời tiết của miền núi phía Bắc, nếu đưa thành công tập đoàn cây ăn quả ôn đới sẽ giúp cho đồng bào và người nông dân sống trên núi có nguồn thu nhập cao. Họ không còn phát rừng làm nương như hiện nay nữa...

Sáng hôm sau đoàn công tác lên đèo Ô Quy Hồ, đứng dưới chân Thác Bạc, ông hỏi Giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai Hoàng Mịch về cây trúc ở Sa Pa, ông Mịch lắc đầu không biết, bởi khi đó ông Hoàng Mịch mới từ huyện Bảo Yên lên làm Giám đốc Sở, ông lại hỏi mấy người đi cùng chẳng ai biết cả.

Tôi khi đó đang đứng gần ông để chụp ảnh, tôi mới bảo: Trúc trên núi Sa Pa từ Thác Bạc trở lên chỗ nào chả có... Ông mới bảo: Cậu biết hả, dẫn tớ đi xem nào.

Tôi lên xe của ông, trong xe có Thứ trưởng Ngô Thế Dân, xe chạy chừng nửa cây số tôi bảo dừng lại rồi rẽ vào khe nước cạn ven đường: Trúc ở đây bạt ngàn, chẳng phải tìm ở đâu xa...

Ông xuống xe, xăn xắn theo tôi lội vào khe nước rồi bẻ một cây măng cao chừng nửa mét, bóc vỏ và nếm thử xem măng trúc có đắng không. Ông gật gù: Hôm rồi tớ làm việc với một người Đài Loan, ông ta nói muốn nhập khẩu loại măng này để làm thực phẩm, trong câu chuyện của ông ấy tớ tổng kết được 9 chữ nói về ưu thế của loại măng sinh sống ở đây: Nhiệt độ thấp, lượng mưa cao, sương mù nhiều.

11-38-40_h4
Người dân Hoàng Su Phì đón chào Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn

Rồi ông hỏi tôi: Phía bên kia đèo có loại trúc này sinh sống không? Tôi đã đi nhiều lần qua đỉnh đèo Ô Quy Hồ nên rất biết về cây trúc ở đây, người dân Sa Pa làm giàn su su bằng trúc, hàng trăm ngàn cây trúc được khai thác mỗi mùa.

Tôi chỉ tay xuống ven rừng: Thưa Bộ trưởng, phía bên kia đèo, trúc cũng mọc dày như thế này, trúc bạt ngàn cả ngàn héc ta... Ông gật đầu: Thế là tốt rồi, bây giờ thì tớ biết cây trúc ở Sa Pa, vì sao người Đài Loan họ lại muốn nhập khẩu loại thực phẩm này...

Trên đường trở về ông hỏi tôi rất nhiều về các loại cây rừng. Do sống ở rừng nhiều năm, nên tôi khá hiểu biết về rừng, tôi phàn nàn với ông về tình trạng người dân trồng rừng nguyên liệu giấy các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ... bị các đầu nậu của Cty Giấy Bãi Bằng ép giá do cơ chế xin-cho, mỗi năm Cty chỉ thu mua mỗi tỉnh mấy trăm ngàn mét khối. Người trồng rừng mấy năm chỉ được lãi cành ngọn để làm củi. Cuộc sống của công nhân lâm trường và người dân trồng rừng vô cùng khốn khổ. Ông nghe tôi nói đôi mắt nheo lại: Thế thì chết, người dân trồng rừng còn gì?

11-38-40_h5
Ông Nguyễn Công Tạn xem cây ngô giống mới trồng trên vùng cao

Sau khi giữ chức Phó Thủ tướng, ông triệu tập một cuộc họp tại Phú Thọ có đầy đủ các bộ: Bộ NN-PTNT, Bộ Công nghiệp, Tổng Cty Giấy Việt Nam và các tỉnh trồng cây nguyên liệu giấy. Tại đây ông kết luận: Cty Giấy Bãi Bằng phải công bố giá mua gỗ nguyên liệu giấy từng năm và tổ chức mạng lưới thu mua tới tận người dân, không thu mua qua đầu nậu...

Ông Đỗ Thập, Giám đốc Doanh nghiệp trồng rừng 327 sau đó bảo tôi: Kết luận của cụ Tạn buộc nhà máy phải mua gỗ của doanh nghiệp, đã giúp cho hàng chục ngàn hộ nông dân trồng rừng bán được gỗ cho nhà máy mà không bị các đầu nậu ép giá...

Trong chuyến đi công tác lên Hà Giang, tôi ngồi nhờ xe của Thứ trưởng Ngô Thế Dân, anh bảo tôi: Ông nào đi công tác với ông Tạn là mệt lắm đấy, ăn nhanh và đi nhanh. Ông ấy hỏi liên tục, chất vấn liên tục. Ông ấy lại nhớ lâu, anh nào lơ mơ tháng trước nói thế này, tháng sau ông ấy hỏi nói khác đi là bị “ăn đòn” luôn. Đó là cách làm việc của ông Tạn, sâu sát và cụ thể chứ không chàng màng, đại thể thế này, thế kia được...

11-38-40_h3
Ông Nguyễn Công Tạn xem mô hình xây dựng nước ăn vùng cao Hà Giang

Rồi anh kể cho tôi nghe việc nhập khẩu giống lúa lai của Trung Quốc vào Việt Nam thế nào. Nhân chuyến đi công tác ở Quảng Ninh, khi đó anh còn làm ở Viện Khoa học Nông nghiệp được mời sang thăm cánh đồng lúa bên kia biên giới. Quá bất ngờ vì sao cách nhau chỉ một con suối mà lúa của họ tốt như thế, còn bên mình lúa cứ loe hoe năng suất tậm tịt dăm ba tấn/ha. Hỏi ra mới biết họ trồng lúa lai. Mình về trao đổi với ông Tạn, ông bảo: Cậu nhập về làm thử, nếu được ta nhân rộng mô hình ra các tỉnh...

Còn nhớ từ năm 1990 trở về trước, Việt Nam thiếu lương thực triền miên, chỉ tiêu lương thực đầu người được ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng các tỉnh. Điều đó chứng tỏ sự thiếu hụt lương thực của Việt Nam vô cùng trầm trọng. Khi cây lúa lai được nhập khẩu, năng suất tăng vọt, Việt Nam không chỉ đủ lương thực mà còn xuất khẩu.

11-38-40_h6
Ông Nguyễn Công Tạn trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Giang trồng cây ăn quả ôn đới

Thứ trưởng Ngô Thế Dân bảo tôi: Đó là công lao của ông Tạn đấy. Ông ấy là người luôn đi tiên phong trong việc tiếp nhận khoa học kỹ thuật và các giống cây trồng mới...

Đầu năm 1998, Chính phủ triệu tập lãnh đạo một số tỉnh miền núi phía Bắc lên Lào Cai góp ý cho dự thảo Quyết định 661 thay thế cho Chương trình trồng 5 triệu ha rừng do Phó Thủ tưởng Nguyễn Công Tạn chủ trì, ông điện cho Phó Tổng Biên tập Báo NNVN Trịnh Bá Ninh bảo: Báo cử Thái Sinh đi dự nhé, cậu này hiểu biết về rừng đấy...

Tôi không ngờ ông lại nhớ đến tôi. Gặp tôi ở Lào Cai ông bảo: Biết cậu là nhà báo đi nhiều, hiểu cuộc sống của người dân trồng rừng, nếu có ý kiến góp ý gì cậu cứ nói đừng ngại nhé. Chính sách để phục vụ người dân, người dân phải được hưởng lợi từ chính sách đó...

11-38-40_h7-2
Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn chủ trì Hội nghị phát triển cây ăn quả ôn đới tại Sa Pa

Sau đó tôi mấy lần tôi được cơ quan cử đi “tháp tùng” ông lên làm việc ở các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái...  Tôi đã chụp hàng trăm bức ảnh về ông, ông là một chính khách nhưng vô cùng giản dị, tới đâu ông cũng gặp nông dân, hỏi han và lắng nghe ý kiến của họ. Bởi thế, ông cũng được người dân chào đón và coi như người thân của mình.

 Quả thật đi “tháp tùng” ông rất mệt, như lời Thứ trưởng Ngô Thế Dân: Ai đi làm với ông Nguyễn Công Tạn là phải nhanh, nếu không là bị rớt luôn.

11-38-40_h8
Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn bên cây táo Israel do ông mang giống về trồng tại Phó Bảng- Hà Giang

Khi đã nghỉ hưu, ông vẫn coi các nhà báo NNVN như những người bạn, ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 ông thường đến chúc mừng, một lần gặp tôi ở trụ sở báo 14 Ngô Quyền, ông bảo Tổng Biên tập Lê Nam Sơn (nay đã nghỉ hưu): Cậu này hiểu biết về rừng và cuộc sống của người dân miền núi lắm đấy nhé. Tổng Biên tập Lê Nam Sơn cười vui: Phóng viên Báo NNVN thường trú ở miền núi mà không hiểu về rừng và cuộc sống của người dân miền núi là hỏng anh ạ...


Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (thứ hai từ phải sang) bên cạnh là Tổng Biên tập Lê Nam Sơn, bên phải Phó Tổng Biên tập Trịnh Bá Ninh, tác giả đứng ngoài cùng bên trái (Ảnh: Trần Lâm)

Trong câu chuyện ông hỏi tôi rất nhiều về cuộc sống người dân vùng cao và những người trồng rừng. Tôi có cảm giác lúc nào ông cũng đau đáu nghĩ về nông dân.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm