Chỉ cần 10% đại lý bán là phủ đủ cả vùng
Nhưng nó lại có tác động rất lớn đến sức khỏe của người dân Việt Nam nên tôi buộc phải nói ra. Tôi làm ở doanh nghiệp quốc tế về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, trên danh nghĩa thì không có tư cách để phát ngôn vì nó là trách nhiệm của bộ phận đối ngoại nên xin được ẩn danh. Thực sự không phải vì cạnh tranh với thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu mà tôi nói đâu bởi đa số các công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lớn hiện nay không tham gia mảng kinh doanh những loại thuốc có độ độc quá cao.
Trước đây chúng tôi có một số sản phẩm trừ các đối tượng hay bị kháng thuốc như rệp sáp, sâu tơ, nhện nhưng trước khi Việt Nam cấm thì công ty đã cắt chúng ra khỏi danh sách kinh doanh rồi vì độ độc khá cao. Hiện thị trường có 4 nhóm thuốc chính gồm: trừ cỏ, trừ bệnh, trừ sâu và cuối cùng là trừ ốc, trừ nhện. Thuốc lậu của Tàu thường sẽ tập trung ở 2 nhóm là trừ sâu; trừ nhện và trừ cỏ. Đó là phân khúc của những đối tượng sâu bệnh kháng nhanh, phải đổi thuốc liên tục nhưng nông dân không làm như vậy, cứ thấy cái gì tốt cứ dùng mãi.
Khi sâu bệnh kháng thuốc, loại cũ của Việt Nam dùng kém hiệu quả, nông dân thường chuyển sang dùng hàng vẫn nhãn Việt nhưng trộn thêm những chất không đăng ký, gọi chung là thuốc độ. Vì lén trộn nên không cần quan tâm là hoạt chất đó có bị cấm hay không. Thường thuốc độc, hiệu quả sẽ mạnh, rẻ nhưng lại ảnh hưởng sức khỏe và môi trường. Sau một giai đoạn dùng thuốc độ thì hiệu quả kém đi, nông dân lại chuyển sang dùng thuốc Tàu, nhập lậu.
Tôi đi thị trường thấy nông dân ở những vùng trồng rau, trồng hoa, trồng cây ăn quả 10 người thì hầu như 6-7 người biết đến thuốc lậu, cứ nghe theo đại lý mà dùng. Còn các đại lý ở những vùng như vậy, 10 người thì ước khoảng 1-2 người có bán thuốc lậu. Cách giao dịch thuốc lậu khác hẳn thuốc bình thường, ngoài bán trực tiếp cho khách quen còn bán online, bán qua zalo, facebook đủ kiểu. Chỉ cần cỡ 10% đại lý bán là phủ được cả một vùng rồi.
Trên rau, hoa hay cây ăn quả thường tần suất phun liên tục dẫn đến sâu bệnh kháng lại, hay phải dùng đến thuốc có độ độc cao như thuốc Tàu nhập lậu. Còn vùng lúa thì tần suất phun mỗi vụ chỉ 2-3 lần nên ít dùng hơn nhưng lại có thuốc diệt chuột của Tàu. Chuột rất thông minh nên khó đánh, một con đã dính độc thì kêu báo hay phát ra mùi gì đó khiến cả đàn lần sau sẽ không ăn nữa. Thêm vào đó chuột lại đẻ rất nhiều, rất nhanh.
Khi đánh thuốc cũ không hiệu quả thì nông dân sẽ dùng thuốc Tàu, giá rẻ với hi vọng sẽ chết nhanh hơn nhưng gây độc với người sử dụng khi phối trộn, độc với nguồn nước hay liên đới là chó mèo nếu ăn phải.
Có tình trạng là thuốc Tàu cùng nhãn đó, lần thì đánh tốt, lần lại không do trộn kiểu thủ công, chất lượng không giống nhau. Tôi có hỏi các đại lý bán thuốc thì phần lớn thuốc Tàu nhập lậu đang bán ở Việt Nam cũng không phải là loại được công khai bán ở nước đó.
Đã dùng thuốc Tàu thì khó quay lại
Thuốc của các hãng lớn ngoài vấn đề chết sâu, bệnh còn phải đảm bảo an toàn cho cây, cho người, cho cá, ong...Thuốc Tàu nhập lậu, từ đại lý đến nông dân đều biết là rất độc bởi có những triệu chứng như phun về bị xây xẩm mặt mày, mệt mỏi, khác hẳn phun thuốc bình thường.
Độ độc cao thường tồn lưu trong nông sản, môi trường rất dài, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm mà nhất là khi dùng ở trên rau, đặc biệt là với những loại thu hái hàng ngày hay cách ngày như dưa chuột, đậu đỗ hoặc rau ăn lá. Về nguyên tắc thuốc độ độc càng cao thì khả năng kháng thuốc càng lớn. Về sau những công ty lớn có đưa về các loại thuốc kể cả dùng tốt ở nơi khác nhưng khi sử dụng ở đây cũng không còn tác dụng nữa.
Giống như kháng sinh vậy, khi đã dùng loại mạnh nhất thì đến một lúc nào đó không còn một loại nào có thể điều trị bệnh được nữa. Nông dân cũng biết điều đó, họ không dám ăn rau ở những khu ruộng có phun thuốc Tàu, nhưng cũng vì hoàn cảnh, phải lo kinh tế cho gia đình của mình trước. Một điều khó nữa là đã “đâm lao thì phải theo lao”, không còn dùng thuốc Tàu nữa thì không biết dùng thuốc gì để trừ những đối tượng đó cả. Ở những vùng như thế, đã qua giai đoạn người dân có thể quay đầu trở lại, bắt buộc người ta phải đi theo.
Theo tôi thuốc lậu tràn về có 2 hình thức chính, thứ nhất là những người Trung Quốc sang chào mời các công ty nhỏ, các đại lý lớn của Việt Nam mua hàng. Thứ hai là chính những người Việt móc nối với phía Trung Quốc để tuồn về, thậm chí còn đặt hàng theo yêu cầu về bao bì, về trộn thêm chất này, chất nọ rồi tuồn qua đường tiểu ngạch, không loại trừ cả chính ngạch.
Lợi nhuận phân phối thuốc lậu rất cao, bởi với những chất bị cấm hay quá đát, giá bán thường rất rẻ. Nhiều công ty hay đại lý thích nhập thuốc Tàu về bởi rẻ và chết tốt sâu, bệnh dù có ảnh hưởng đến sức khỏe hay môi trường. Có lần tôi biết một công ty nhập hóa chất Tàu về rồi sản xuất ngay tại Việt Nam nhưng lại đóng mác Tàu bởi đánh vào tâm lý nông dân là sính ngoại.
Triệt thuốc Tàu không khó!?
Muốn siết chặt thuốc Tàu thì có thể làm được ngay. Lực lượng công an, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng nơi các cửa khẩu có lẽ rất rành chuyện này chỉ có điều họ có muốn làm hay không mà thôi. Giá trị của lô hàng thuốc lậu dù là vài tấn cũng chỉ vài chục triệu, vài trăm triệu so với các lô điện thoại lậu, thuốc lá lậu, rượu lậu hay ma túy dường như không “bõ bèn” gì để làm. Nhưng họ không nghĩ đó không phải chỉ là giá trị kinh tế mà khi thuốc lậu tràn vào sẽ gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả xã hội trong đó có chính họ, gia đình họ.
Nếu chặn từ trên biên giới sẽ dễ hơn, gọn hơn vì lúc đó chỉ đánh vào 3-4 đầu mối lớn, khác hẳn với chuyện để nó tràn vào nội địa, phân phối ra 300-400 đại lý. Còn để riêng cơ quan chuyên môn về bảo vệ thực vật làm chuyện này thì rất khó vì nếu thuốc lậu đã vào nội địa rồi đòi hỏi nguồn lực tương đối lớn để chặn. Khi đó tất cả các địa phương phải cùng làm chặt, cứ “đánh” mạnh các đại lý bán hàng nhập lậu thì sẽ dẹp được.
Xưa bảo vệ thực vật là theo ngành dọc, ở tỉnh, thành có Chi cục trong đó có khá nhiều phòng ban như kỹ thuật, thanh tra…Và Chi cục phải chịu trách nhiệm toàn bộ về vấn đề bảo vệ thực vật ở trong tỉnh, thành mình từ chuyện khuyến cáo, quản lý, thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó còn có thanh tra của Sở Nông nghiệp và PTNT nữa, họ có thể đi riêng hay đi liên ngành.
Ở dưới huyện, mỗi Trạm Bảo vệ Thực vật có 3-5 người, chịu quản lý trực tiếp của Chi cục với nhiệm vụ khuyến cáo, quản lý thuốc. Tuy không được quyền tự thanh tra nhưng Trạm lại phối hợp với các đợt thanh tra hoặc cung cấp thông tin về thuốc lậu để thanh tra. Nói chung là rất chủ động trong công việc vì được giao quyền, tự chịu trách nhiệm. Thứ nữa là nguồn lực tương đối tốt vì các Chi cục Bảo vệ Thực vật quân số thường 20-30 người, đủ để làm được nhiều thứ, từ chuyên môn đến quản lý thuốc.
Cách đây 2-3 năm, bắt đầu có chuyện sáp nhập các cơ quan chuyên môn trong ngành nông nghiệp, ở dưới huyện nhiều nơi không còn Trạm Bảo vệ Thực vật nữa mà nhập với Trạm Thú Y, Trạm Khuyến nông thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và chịu sự quản lý của UBND huyện. Theo định hướng Trung tâm này về sau phải tự kinh doanh mà nuôi quân nên chuyện khuyến cáo, quản lý thuốc sẽ kém đi.
Về danh nghĩa trong Trung tâm vẫn có phần về bảo vệ thực vật nhưng không độc lập như trước. Có lần tôi nói chuyện với một người làm bảo vệ thực vật ở một Trung tâm như vậy, sâu bệnh đầy đồng mà lại không chỉ đạo thì họ nói: “Ôi giời ôi, anh đang phải đi chỉ đạo dịch cúm gà”.
Kết nối trong hệ thống giữa huyện và tỉnh không còn như trước, Chi cục Bảo vệ thực vật giờ chỉ khuyến cáo, còn nghe hay không là chuyện của các Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp vì giờ họ không trực thuộc nữa. Ngay cả hoạt động của các Chi cục cũng khó hơn trước. Vai trò bị bó hẹp, nhân sự kém đi do chỉ còn cỡ xung quanh 10 người mà thôi.