| Hotline: 0983.970.780

Người lan tỏa triết lý 'đất khỏe thì cây khỏe'

Thứ Hai 30/09/2024 , 17:01 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Chị trang quan niệm đất khỏe thì cây khỏe, cây khỏe thì chống chịu sâu bệnh tốt, thế nên dù không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc BVTV, trang trại luôn trĩu quả.

Không dùng phân bón hóa học, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng vườn cây ăn quả của chị Trang rất ít sâu bệnh, mỗi mùa đều trĩu quả.

Từ vùng đất cằn cỗi, trước đây chỉ trồng keo, vợ chồng chị Trang đã xây dựng thành trang trại với vườn cây ăn quả xanh tốt. Ảnh: L.K.

Từ vùng đất cằn cỗi, trước đây chỉ trồng keo, vợ chồng chị Trang đã xây dựng thành trang trại với vườn cây ăn quả xanh tốt. Ảnh: L.K.

Giữa bạt ngàn rừng keo trên con đường chạy dọc vào thôn An Hòa (xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) bất ngờ có một vườn cây ăn quả tươi tốt rộng hơn 3ha với đủ các loại cây như ổi, mãng cầy, vú sữa, chuối, sầu riêng..., đó là Trang trại vườn cây ăn quả sạch Gò Vui Điền Trang. Trang trại là thành quả suốt gần 5 năm của vợ chồng chị Nguyễn Thị Bích Trang (46 tuổi) với tâm huyết và đam mê làm nông nghiệp sạch, tạo ra những sản phẩm an toàn cho sức khỏe.

Khi trang trại này chưa hình thành, không ai nghĩ rằng một vùng đất vốn cằn cỗi lại phù hợp với các loại cây ăn quả. Tuy nhiên, thành công xuất phát từ khó khăn không phải tự nhiên mà có được. Trước khi bắt tay vào thực hiện, chị Trang đã đi nhiều nơi, tìm hiểu các kỹ thuật trên sách, báo, mạng internet để học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Trong quá trình canh tác, những phương pháp được chị Trang áp dụng cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng, khác hắn với cách làm truyền thống của người dân địa phương.

Thảm cỏ trong vườn không chỉ giữ ẩm mà sau khi cắt bỏ còn là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Ảnh: L.K.

Thảm cỏ trong vườn không chỉ giữ ẩm mà sau khi cắt bỏ còn là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Ảnh: L.K.

Chị Trang cho biết, sau một thời gian, chị đúc rút ra rằng, khi đất khỏe thì cây sẽ khỏe. Do đó, thảm cỏ trên đất là một yếu tố rất quan trọng. Cỏ không chỉ có tác dụng giữ ẩm, bảo vệ đất mà còn là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. “Cỏ càng để thời gian lâu, lá cỏ già thì khi phân hủy mới có nhiều chất kali. Vậy nên thấy nhà tôi để các loại cỏ trong vườn phát triển cao đến hơn nửa thân người, họ bảo chúng tôi bị khùng, có ai trồng cây kiểu như vậy?”, chị Trang kể.

Ngoài nguồn cỏ phân hủy làm “thức ăn” cho cây thì cứ khoảng 2 – 4 tháng một lần, chị Trang sẽ bón thêm các loại phân hữu cơ được nhập khẩu từ nước ngoài. Suốt 5 năm qua, trang trại Gò Vui Điền Trang chưa hề sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học nào nhưng đất đai ở đây lại càng ngày càng tơi xốp màu mỡ, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển xanh tươi.

Chị Trang sử dụng keo dính để bẫy ruồi vàng gây hại. Ảnh: L.K.

Chị Trang sử dụng keo dính để bẫy ruồi vàng gây hại. Ảnh: L.K.

“Khi cây khỏe thì sẽ có sức đề kháng để chống chọi lại được với các loại sâu bệnh hại. Vườn cây của tôi thỉnh thoảng cũng có một số loài sâu phá hoại nhưng tôi cũng rất ít khi can thiệp. Sau một thời gian, những cành, lá bị sâu đục, cắn sẽ tự lên mầm, đâm chồi trở lại. Đối với trái cây, tôi sử dụng túi bao trái, đồng thời tạo các bẫy dính treo trên cành cây để bắt ruồi vàng gây hại chứ không dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ”, chị Trang nói.

Ngoài phương pháp bẫy thủ công, vợ chồng chị Trang còn ngâm ủ chế phẩm sinh học để trừ sâu bệnh. Chế phẩm này bao gồm các thành phần nguyên liệu tự nhiên như tỏi, ớt, gừng, men rượu trộn cùng nước theo tỷ lệ 600kg ớt, 30kg tỏi, 30kg gừng tươi, tất cả xay nhiễu ngâm với 1.200 lít nước. Chỉ những cây bị nấm bệnh chị Trang mới lắng lọc dung dịch này hòa cùng với nước để phun chứ không phun đại trà, đồng loạt. Theo chị Trang, chế phẩm sinh học này nhằm mục đích xua đuổi là chính chứ không tiêu diệt sâu bọ.

Dù không sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nào nhưng cây trồng trong trang trại vẫn luôn trĩu quả, đảm bảo an toàn. Ảnh: L.K.

Dù không sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nào nhưng cây trồng trong trang trại vẫn luôn trĩu quả, đảm bảo an toàn. Ảnh: L.K.

Nhờ làm nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường mà thời gian gần đây, Trang trại Gò Vui Điền Trang đã được nhiều người dân không chỉ trong tỉnh Quảng Ngãi mà ở các tỉnh thành lân cận biết tới, tìm đến tham quan. Qua trải nghiệm thực tế, những sản phẩm cây trái từ vườn cây này được mọi người rất ưa chuộng, sẵn sàng bỏ tiền mua với giá cao hơn thị trường. Vậy nên, hầu như trái cây trong vườn chị Trang đều không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

“Canh tác bằng phương pháp hữu cơ nên trái cây luôn giữ được hương vị tự nhiên. Vụ sầu riêng vừa qua, khách đến tham quan rồi ăn thử đều cảm nhận được sự khác biệt, đặc trưng. Nếu như bình thường, giá sầu riêng ở ngoài thị trường khoảng từ 65.000 – 85.000 đồng/kg thì sầu riêng trong vườn nhà tôi bán với giá 120.000 đồng/kg. Mùa vừa qua, nhà tôi thu được hơn 3 tấn quả nhưng vẫn không đủ để bán”, chị Trang chia sẻ.

Chế phẩm sinh học được chị Trang làm từ ớt, tỏi, gừng, men rượu dùng để xua đuổi sâu bọ hại cây trồng. Ảnh: L.K.

Chế phẩm sinh học được chị Trang làm từ ớt, tỏi, gừng, men rượu dùng để xua đuổi sâu bọ hại cây trồng. Ảnh: L.K.

Với những hiệu quả từ mô hình trang trại của chị Trang, thời gian qua, nhiều hộ dân ở địa phương đã học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn phá bỏ cây keo để trồng cây ăn quả. Sự lan tỏa này không chỉ giúp mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tăng thu nhập cho bà con mà còn từng bước nhân rộng cách làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp tử tế, góp phần bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe con người.

Bằng tư duy năng động, nhạy bén, chị Trang đã thành công với mô hình trồng cây ăn quả hữu cơ. Với sự tiên phong của chị Trang, hiện đã có nhiều nông dân địa phương mạnh dạn thay đổi cách thức làm nông nghiệp truyền thống sang đầu tư trồng cây ăn quả hữu cơ. Đây sẽ là hướng đi mới, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, phát triển nông nghiệp bền vững ở địa phương.

Xem thêm
Hơn 160 tỷ đồng được Bộ NN-PTNT kêu gọi hỗ trợ thiệt hại do bão

HẢI PHÒNG Sáng 28/9, tại Hải Phòng, Bộ NN-PTNT tổ chức nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố ảnh hưởng sau bão.

Chăn nuôi tan tác sau bão lũ: [Bài cuối] Không để xảy ra dịch bệnh khi khôi phục sản xuất

‘Nhiều người chăn nuôi đã trắng tay sau bão số 3, vì vậy cơ quan chức năng cần làm mọi cách để không xảy ra dịch bệnh khi họ sản xuất trở lại’.

Tập huấn vận hành drone phun thuốc BVTV: Bước tiến mới trong khảo nghiệm nông nghiệp

So với phương pháp phun thủ công, phun thuốc bằng drone giúp giảm tới hơn 90% lượng nước, tăng tốc độ phun 30 lần, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương.