| Hotline: 0983.970.780

Người lính đảo say mê làm bột cá

Chủ Nhật 24/08/2014 , 14:48 (GMT+7)

Sinh ra trên vùng quê biển nghèo khó xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An), từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tuyến đã cùng với người thân tham gia bám biển. 

* Điểm sáng bột cá xứ Nghệ

Anh là Phạm Văn Tuyến, Giám đốc Cty TNHH Sản xuất bột cá Bắc Miền Trung. Là người đàn ông phong trần, cương nghị đúng như bản tính dân miền biển, ăn sóng nói gió, giọng đặc xứ Nghệ, lúc mới gặp tôi cứ ngỡ anh là ngư dân thứ thiệt, chứ không phải một chủ DN.

Anh Tuyến nói, ngay từ khi sinh ra anh đã sống với biển khơi. Biển như người mẹ, tuy dữ dằn nhưng đã cung cấp nguồn cá tôm dồi dào nuôi anh khôn lớn. Ở miền biển này ai cũng vậy, lọt lòng đã nghe tiếng sóng biển ì oạp vỗ về. Rồi lớn lên nhờ nguồn thực phẩm vô bờ trong lòng biển. Vì vậy biển là máu thịt.

Sinh ra trên vùng quê biển nghèo khó xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An), từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tuyến đã cùng với người thân tham gia bám biển. Những chuyến thuyền cập bến với cá đầy khoang, gắn với tuổi thơ của Tuyến. Chỉ có điều cá tôm nhiều, nhưng làng biển vẫn cứ nghèo, thiếu trước hụt nhau. Ông bà, cha mẹ Tuyến đều nghèo, bao đời nay đều vậy.

Tốt nghiệp phổ thông Trung học, anh được lệnh nhập ngũ và biên chế vào đơn vị C32 Đảo Mắt tại Nghệ An. Đây là hòn đảo tiền tiêu, với chu vi chưa đầy 4km2 nhưng có vị trí chiến lược để bảo vệ vùng trời, vùng biển khu vực Bắc miền Trung. Suốt 4 năm làm lính đảo, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và những năm canh giữ đảo, càng tôi luyện trong anh tình yêu sâu sắc biển đảo quê hương.

cong-ty-sn-xut-bo-c-bc-mien-trung13324121
Nhà máy chế biến bột cá của Cty TNHH SX bột cá Bắc Miền Trung

Năm 1992, anh Tuyến phục viên, trở về địa phương. Mới hơn 20 tuổi, anh bắt đầu trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để gây dựng kinh tế gia đình từ chính lợi thế, tiềm năng biển cả. “Lúc đầu tôi chẳng biết làm gì khác là cùng với người thân sắm thuyền, sắm lưới ra khơi” – anh chia sẻ. Và chính biển khơi đã dạy dỗ, tôi luyện anh lớn lên cả trong suy nghĩ và hành động. Anh nhanh chóng trở thành một ngư dân giỏi, dạn dày kinh nghiệm, có thể đoán trúng đường đi từng luồng cá.

Nhưng thuyền bè nhỏ, đánh bắt cá khó khăn, lại chẳng có phương tiện bảo quản, nên thành quả lao động của anh và ngư dân cũng thật khiêm tốn. Tháng ba ngày tám, làng biển vẫn dáo dác chuyện hết gạo, thiếu rau. Thủy hải sản đưa về đầy bãi nhưng giá trị thấp, chủ yếu là cá lẹp, lại không có máy móc chế biến nên ươn thiu, thậm chí làm phân bón ruộng. Làm sao để nghề biển vươn lên giàu có, luôn là câu hỏi đeo bám anh Tuyến trong mỗi giấc ngủ, bữa ăn.

Nhìn cảnh vợ con ngư dân vội vàng lượm những con cá lớn, nướng trui hoặc chở đi bán để tránh bị ươn với giá rẻ, còn cá nhỏ cho không đắt, đành chở lên các vùng quê miền núi gần đó bán làm thức ăn chăn nuôi cũng chẳng được là bao, tiền cá không đủ tiền xăng dầu khiến anh Tuyến thấy xót xa. Vì khai thác, đánh bắt gần bờ nên chỉ thu được cá nhỏ, giá trị thấp; nếu muốn đi khơi xa phải sắm tàu lớn, lại vướng phải câu hỏi muôn thưở: Tiền đâu?

Càng ngày anh Tuyến càng nung nấu ý nghĩ phải làm gì để tiêu thụ hết số cá vụn cho bà con, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mình, vừa góp phần giúp đỡ mọi người. Đến một ngày, anh Tuyến quyết định đi tìm hiểu cách làm ăn tại một số tỉnh ven biển miền Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, các cụ nói cấm sai, càng đi anh Tuyến càng vỡ ra nhiều điều.

Hồi ấy, ở đâu người dân cũng chăn nuôi trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, dùng rất nhiều thức ăn công nghiệp. Đầu những năm 1990, các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm mọc lên như nấm khắp các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam,... cần rất nhiều ngô, đậu tương, bột cá.

my-che-bien-bot-c-trong-co-so-sn-xut-cu-nh-tuyen13325612
Hấp cá- một khâu quan trọng trong dây chuyền chế biến bột cá

Có thể nói, bột cá chính là một trong những nguyên liệu quan trọng, tạo mùi thơm hấp dẫn không thể thiếu trong chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, các doanh nghiệp thức ăn lại phải bay nửa vòng trái đất sang tận Chile, Argentina, Peru,... nhập bột cá ngoại về dùng, tốn kém không biết bao nhiêu ngoại tệ của đất nước.

Anh Tuyến vô cùng vui mừng, như thấy ánh sáng cuối đường hầm. Anh hiểu rằng, mình đã tìm ra một lối thoát cho ngư dân địa phương. Từ đó, anh quyết định tìm hiểu công nghệ và kỹ thuật chế biến bột cá.

donh-nhn-phm-vn-tuyen133249256Không chỉ là doanh nhân thành đạt, anh Phạm Văn Tuyến còn là người có trách nhiệm trước những công việc chung của địa phương. Anh kể: “Rất nhiều lần nhận được tin các thuyền cá của ngư dân trong vùng gặp nạn tôi đều trực tiếp đưa thuyền và các phương tiện ra tận hiện trường trục vớt, cứu người và đưa thuyền bè của ngư dân vào bờ”.

Tìm gặp các chuyên gia thủy sản, dinh dưỡng gia súc,... để tham vấn, rồi có sách báo nào nói về phương pháp chế biến bột cá, anh đều ngấu nghiến đọc nên vỡ vạc dần. Hóa ra làm bột cá cũng không quá khó, cái khó là làm sao để các nhà máy tin dùng bột cá nội, bởi tư tưởng sính dùng bột cá ngoại không dễ bỏ ngày một ngày hai.

Cơ sở chế biến Bột cá Tuyến Hiền của vợ chồng anh được thành lập tại xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu dần phôi thai ra đời từ những ngày đầu bỡ ngỡ đó. Lúc đầu, chưa có ý thức làm thương hiệu, chưa lập công ty, anh bàn với vợ cứ tạm ghép tên hai vợ chồng là Tuyến Hiền làm tên giao dịch.

Kỹ thuật ngày ấy cũng đơn sơ, anh chỉ đạo công nhân phơi khô cá rồi đưa vào máy nghiền thành bột, sau đó đóng bao và phân phối đến các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi trong và ngoài tỉnh Nghệ An. Công việc làm ăn thuận lợi, thị trường mở rộng thêm, anh đăng ký thành lập Cty TNHH Bột cá Bắc Miền Trung.

Vốn là người thích tìm tòi, anh Phạm Văn Tuyến không dừng lại với những gì đã đạt được. Càng phát triển thị trường, càng có điều kiện giao lưu, học hỏi, anh càng nuôi ý chí vượt lên chính mình, cập nhật những phương cách làm ăn mới hiệu quả hơn.

Anh nhận thấy, các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ngày càng nhiều, xu hướng chăn nuôi trang trại phổ biến, mà bột cá trong nước rất thiếu hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu, vì thế nghề sản xuất bột cá của anh còn có nhiều đất phát triển và lại được Bộ Thủy sản (cũ) cũng như địa phương đặc biệt quan tâm.

Năm 2009, khi xã có chủ trương xây dựng làng nghề, anh là một trong những người đầu tiên mạnh dạn đấu thầu đất và xây dựng cơ sở SX bột cá mới khang trang, trên diện tích gần 4.000m2. Anh cũng chuyển đổi phương thức kinh doanh, đầu tư dây chuyền công nghệ hấp sấy, nghiền và đóng bao, tiết giảm các công đoạn thủ công nên công suất cũng nâng lên mà chất lượng bột cá ngày càng cao.

thuyen-chi-133302616
Mỗi chuyến thuyền cập bến lại nặng trĩu khoang cá tươi

Cứ mỗi lô bột cá đóng bao xong, trong ánh mắt anh Tuyến lại lấp lánh niềm vui sướng vì ít nhiều anh đã góp phần làm giàu cho gia đình và quê hương.

Sản phẩm bột cá của công ty anh đã đến với khắp các nhà máy chế biến thức ăn trên cả nước, được bạn hàng tín nhiệm. Đơn đặt hàng tới tấp gửi về, bột cá Bắc Miền Trung đã trở thành một thương hiệu uy tín. Hiện tại, công ty anh đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 100 công nhân, với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng mỗi tháng và giúp bà con ngư dân tiêu thụ cá nhỏ, cấp thấp vốn trước đây bỏ phí hoặc bán rẻ.

Trong Hội nghị đối thoại danh nghiệp của tỉnh nghệ An tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, khi được lãnh đạo UBND tỉnh hỏi về nguyện vọng của mình, anh Tuyến mong muốn tiếp tục mở rộng cơ sở chế biến kinh doanh, nâng cấp công nghệ và phát triển mạnh ngành hàng bột cá, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Đồng thời, anh cũng mong muốn nhà nước hỗ trợ hình thành một đội tàu ra tận ngoài khơi thu mua cá trực tiếp cho ngư dân, tránh tốn kém khi bà con phải liên tục đưa các mẻ cá vào bờ. Anh cho rằng đó là một việc làm cần thiết, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển liên tục mà vẫn tiêu thụ được cá.

Anh và bà con ngư dân cũng mong mỏi chính quyền tỉnh, huyện, xã... đầu tư vốn nạo vét luồng lạch ra vào lạch Vạn để tàu thuyền của ngư dân, nhất là tàu to, công suất lớn ra vào nhanh chóng, an toàn, có thể tiêu thụ cá sớm nhất để đảm bảo chất lượng. Theo anh Tuyến, một khi ngư dân sống được và làm giàu từ biển, thì bà con mới yên tâm bám biển, từ đó chủ quyền biển đảo Tổ quốc mới được giữ vững. Vì suy cho cùng, không ai có thể giữ biển tốt hơn ngư dân.

Anh cũng thường xuyên tài trợ trang phục cho các đội thiếu niên trong xã, tham gia các chương trình từ thiện với mong ước duy nhất, mọi ngư dân xung quanh đến một ngày nào đó cũng có thể làm giàu nhờ biển như gia đình anh.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm