| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi gà gồng mình vực dậy chuẩn bị cho vụ Tết

Thứ Sáu 18/10/2024 , 08:23 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Người chăn nuôi gà tại Hải Phòng đang gặp nhiều khó khăn để khắc phục hậu quả, tái thiết lại chăn nuôi sau bão số 3, trong đó cơ bản là thiếu vốn.

Anh Vũ Văn Tăng sửa soạn lại hệ thống cho gà ăn để chờ vốn đầu tư lứa mới phục vụ dịp Tết. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Vũ Văn Tăng sửa soạn lại hệ thống cho gà ăn để chờ vốn đầu tư lứa mới phục vụ dịp Tết. Ảnh: Đinh Mười.

Dù bão số 3 đã đi qua hơn 1 tháng nhưng khu chăn nuôi gà và nuôi cá của gia đình anh Vũ Văn Tăng tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão vẫn gần như còn nguyên dấu vết của sự tán phá, việc tái thiết sản xuất đang được tích cực triển khai nhưng vẫn còn ngổn ngang.

Cân xong loạt gà cuối cùng bán cho khách lẻ, anh Vũ Văn Tăng chia sẻ, sau 78 ngày chăm sóc khi đàn gà hơn 2 vạn con của gia đình bắt đầu xuất bán cơn bão ập đến gây thiệt hại ngay tức hơn 2.000 con. Cùng với đó là toàn bộ khu ương giống cá Koi hơn 50 vạn con đã vào thời điểm xuất bán cũng mất sạch.

Sau bão, nước lụt, nước bẩn tràn vào chuồng khiến đàn gà mắc bệnh, khiến anh mất thêm khoảng 400 con nữa. Tổng cộng, thiệt hại riêng về gà của anh Tăng lên tới hơn 200 triệu đồng, còn nếu tính cả cá thì hơn 2 tỷ đồng.

Sợ đàn gà sẽ tiếp tục hao, anh Tăng đã liên hệ với các mối quen và bán với giá thấp do thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Các mối hàng, nhà hàng, khách sạn đều chưa hoạt động trở lại sau bão nên đành chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn. Cùng với đó, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp, khu vực chuồng trại đã được phun thuốc sát trùng, rắc vôi, cấp phát hóa chất, men vi sinh để xử lý môi trường.

Những con gà cuối cùng được vợ chồng anh Tăng dồn lại để nuôi tiếp. Ảnh: Đinh Mười.

Những con gà cuối cùng được vợ chồng anh Tăng dồn lại để nuôi tiếp. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Tăng cho biết, dịch bệnh đã được khống chế, nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là vốn. Để phòng ngừa thiệt hại do thiên tai, cần đắp bờ ao cao thêm 1 mét, đầu tư chuồng trại kiên cố hơn, đường điện nước đảm bảo hơn. Cùng với đó sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp đường nước, điện, cơ sở vật chất để chuẩn bị cho việc nuôi gà trong thời gian tới đây.

“Mấy hôm nay, tôi mới bán hết đàn gà, dọn dẹp chuồng trại và chuẩn bị cho lứa gà mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện tại là nguồn vốn, tôi đã thế chấp hết tài sản để vay ngân hàng, giờ chỉ mong có quỹ hỗ trợ nào đó cho phép vay tín chấp để kịp nuôi thêm một lứa gà trước Tết, gỡ gạc lại phần nào thiệt hại”, anh Tăng chia sẻ.

Tại xã Tân Viên, huyện An Lão, một trong những khu chăn nuôi tập trung lớn của thành phố Hải Phòng, hệ thống trai trại nuôi gà thương phẩm quy mô lớn của anh Đào Quang Hưng cũng gặp nhiều khó khăn tương tự. Theo anh Hưng, toàn bộ các trang trại đều thiệt hại, trong và những ảnh hưởng sau cơn bão khiến gần 1 nửa trong tổng số 10 vạn gà thương phẩm bị chết.

Những ngày đầu sau bão số 3, giá cả thị trường có giảm do việc tiêu thụ bị ảnh hưởng nhưng nay đã ổn định trở lại. Khó khăn nhất với gia đình chính là vốn và những thiệt hại lớn chưa khắc phục xong để tái đầu tư lứa mới phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. “Ngoài bị tốc mái gà chết cũng nhiều, cả trong và sau bão. Thiệt hại nhiều lắm, thống kê không xuể, giờ khó khăn nhất là hết tiền rồi”, anh Hưng cho hay.

Gà tại nhiều trang trại bị dính nước mưa, chết rải rác sau bão. Ảnh: Đinh Mười.

Gà tại nhiều trang trại bị dính nước mưa, chết rải rác sau bão. Ảnh: Đinh Mười.

Tại huyện An Lão, mô hình trang trại chăn nuôi gà thương phẩm của ông Đào Quang Hưng, tại xã Tân Viên, được xem là một minh chứng rõ nét cho sự thành công của việc cơ cấu lại ngành chăn nuôi tại địa phương này với quy mô 2 trang trại của mình và nhận gia công cho 20 trang trại khác, doanh thu bình quân đạt từ 4-5 tỷ đồng mỗi năm.

“Ngoài bị tốc mái thì gà chết cũng nhiều, cả trong và sau bão với số lượng ước tính lên đến 4 vạn con. Thiệt hại nhiều lắm, thống kê không xuể, giờ khó khăn nhất là hết tiền rồi”, anh Đào Quang Hưng cho hay.

Ngoài gia đình ông Hưng, ông Tăng, tiếp tục ghi nhận tại các địa phương khác, người chăn nuôi cũng đang gặp những khó khăn tương tự, đó là thiếu vốn để khắc phục hậu quả, tái thiết đầu tư. Cùng với đó là những hỗ trợ, chia sẻ đến nay còn chậm, chưa kịp thời do nhiều yếu tố khách quan khác nhau.

Theo phòng NN-PTNT huyện An Lão, sau bão, ngoài việc hướng dẫn người dân chủ động tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng,… khu vực chăn nuôi, đơn vị cũng đã phối hợp với các địa phương tổng hợp, thống kê đầy đủ số lượng loại vật nuôi bị thiệt hại và báo cáo, đề xuất xem xét, hỗ trợ khắc phục hậu quả theo quy định.

Từ năm 2015 đến nay, đàn gia cầm phát triển ổn định, chỉ riêng năm 2018 xảy ra dịch bệnh với 1 đàn chăn nuôi nhỏ lẻ (đàn vịt), cho thấy sự hiệu quả của mô hình chăn nuôi tập trung trong việc phòng chống dịch bệnh. Những năm gần đây mô hình trang trại phát triển mạnh mẽ tại địa phương.

Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại và quy trình chăn nuôi khoa học, các trang trại đã đạt hiệu quả kinh tế cao và hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh, giúp chăn nuôi phát triển ổn định, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.