| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi nói gì?

Thứ Tư 09/05/2012 , 11:01 (GMT+7)

Dịch bệnh trên tôm tại 2 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu vẫn chưa tìm được nguyên nhân, chưa có giải pháp hữu hiệu.

Dịch bệnh trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng (TCT) tại 2 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu- vùng nuôi thâm canh nhiều nhất khu vực bán đảo Cà Mau vẫn chưa tìm được nguyên nhân, chưa có giải pháp hữu hiệu.

>> Tổng kiểm tra SX-KD tôm giống: Be bét sai phạm!
>> Nuôi tôm quy trình chuẩn, vẫn chết
>> Nuôi tôm thất bát, nông dân xin chuyển trồng lúa
>> ĐBSCL: Tôm tiếp tục chết
>> Tôm thẻ chân trắng mắc ''bệnh lạ''
>> Sử dụng thảo dược, tôm chết hàng loạt


Ông Võ Hồng Ngoãn, xã Vĩnh Trạch Đông, Bạc Liêu - một người nuôi tôm
 dày dạn kinh nghiệm nhưng cũng không lý giải được hiện tượng tôm chết hàng loạt

Nông dân Trần Văn Khúc, xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết, năm nay bà con đều cải tạo ao rất kỹ lưỡng để diệt mầm bệnh gan, tụy. Thế nhưng tôm vẫn bị thiệt hại. Đầu vụ, ông Khúc thả vài ao giống tôm sú, song tất cả đều "chết yểu". Số ao còn lại ông chuyển sang nuôi TCT.

Ở địa bàn thị xã Vĩnh Châu thì xã Vĩnh Hiệp và Hòa Đông có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nhiều nhất, chủ yếu do bệnh đốm trắng đầu vàng, không phải gan tụy. Năm ngoái, mấy ao tôm sú đầu vụ của ông Khúc cũng bị bệnh chết hết.

"Các nhà khoa học đưa ra nhiều nguyên nhân, nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì 2 nguyên nhân chính, là con giống chưa đảm bảo chất lượng và môi trường nuôi chưa tốt; do có người nuôi thả tôm sớm bị thiệt hại lén xả ra sông rạch. Hơn nữa, năm nay, độ mặn lên rất chậm và thấp hơn so mọi năm, còn thời tiết ban ngày nóng, đêm lạnh, nên tôm rất dễ bị bệnh chết", ông Khúc nhận định.

Ông Khúc cho biết, sắp tới thả thêm 6-7 ao nuôi tôm TCT (4.000 m2/ao), bởi theo ông thì TCT có dịch bệnh, nhưng ít thiệt hại hơn.  Muốn hạn chế thiệt hại phải tốn chi phí cải tạo ao, xử lý nước bằng các chế phẩm sinh học và nuôi với mật độ thưa...
Ông Nguyễn Văn Công - Chủ nhiệm HTX tôm-lúa ấp Hòa Lời-xã Ngọc Đông-huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết: Vụ nuôi tôm năm 2011 dẫu không thành công như những năm trước, nhưng phần lớn xã viên HTX đều không bị lỗ. Với giá cả hầu hết các dịch vụ, vật tư đầu vào đều tăng cao, không ít xã viên gặp khó khăn đầu tư cho vụ nuôi năm nay.

Một số công ty trước đây có liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm với HTX thì nay cũng gặp khó khăn về nguồn vốn, nên suất đầu tư không đủ. Hơn nữa, từ đầu vụ đến nay, tình hình thiệt hại tôm nuôi diễn ra khá nhiều khiến đại lý cung ứng thức ăn và ngân hàng ngại cho vay.

Song, theo ông Công, lo nhất vẫn là chất lượng con giống và môi trường. Trên một số kênh rạch trong vùng nuôi, tình trạng sử dụng thuốc hóa học để đánh bắt tôm càng tự nhiên vẫn diễn ra, làm ảnh hưởng đến môi trường nước. Đó là chưa kể những hộ nuôi sớm bị thiệt hại lén lút xả thẳng ra sông rạch làm cho môi trường càng thêm ô nhiễm.

Đó là lý do vì sao vừa qua xuất hiện tình trạng, một số ao nuôi được cải tạo, lấy nước vào, xử lý đúng bài bản nhưng vẫn không thể gây màu nước được. Trong khi vùng này chủ yếu là tôm-lúa, nên lịch mùa vụ rất quan trọng. Nếu dịch bệnh nhiều buộc phải thả nuôi chậm lại thì sẽ trễ vụ lúa. Đây thật sự là vấn đề khó cho nông dân.

Anh Trần Văn Lâm, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu cho biết: Nhiều năm nay tại khu vực nuôi của phường Khánh Hòa, việc cấp và thoát nước đều thông qua một con kênh. Vì thế, mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, nếu không thận trọng rất dễ bị lây lan. Năm nay, dịch bệnh cũng xuất hiện khá sớm và tỷ lệ thiệt hại tương đối cao, dù diện tích thả nuôi ít.


Anh Trần Văn Lâm (mặc áo đen) đang kiểm tra dịch bệnh trên tôm
 

"Người nuôi tôm khó biết trước được điều gì, vì môi trường đang xấu đi rất nhiều. Ở đây, có những hộ dân làm rất kỹ, bài bản từ khâu cải tạo ao, xử lý nước, đến chọn mua con giống. Vậy mà cũng bị thất bại ngay trong lần thả tôm nuôi đầu tiên", anh Lâm buồn bã.

Theo anh Lâm, mùa vụ bây giờ đã khác so trước đây. Môi trường, thời tiết thay đổi rất nhiều, nên lịch thả nuôi, quy trình nuôi và cả đối tượng nuôi cần phải thay đổi cho phù hợp. Năm nay, ai cũng nơm nớp lo bệnh gan tụy, nhưng phần lớn lại thiệt hại do đốm trắng đầu vàng, vì thời tiết nắng nóng gay gắt vào ban ngày và lạnh về ban đêm. Nhiều hộ dân quanh đây gần như tạm dừng thả tôm nuôi để chờ mưa vài đám làm dịu thời tiết và môi trường mới dám thả nuôi tôm sú. Một số hộ nuôi dưỡng tôm sú trong vèo chờ đến khoảng 1 tháng mới bung ra ao có tỷ lệ thành công cao hơn.

Nông dân Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn), xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu cho hay: Ở vùng nuôi tôm ven biển Bạc Liêu, nhiều hộ đang “khóc” vì tôm chết. Vào vụ thả nuôi tôm năm nay thời tiết quá bất thường. Một phần nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, phần còn lại là dịch bệnh tôm. Tôm nuôi cứ tới gần 1 tháng tuổi lủi vạc vào mé ao chết, người nuôi lấy mẫu đưa đến Chi cục Thủy sản bạc Liêu, Phân viện thủy sản của tỉnh xét nghiệm. Nhưng không thấy kết quả bệnh đầu vàng, đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy…và chưa tìm ra nguyên nhân chết do bệnh gì.

Đánh vào tâm lý không dùng thuốc hóa học nữa, vừa qua có một công ty quảng cáo dùng thuốc thảo dược diệt loài giáp xác, một số người thử dùng nhưng thất bại ngay sau thi thả giống. Bản thân ông Ngoãn dùng thuốc này xử lý 1 ao không thành công. Vấn đề này cho thấy rất cần các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu, các nhà SX thuốc có kiểm nghiệm xác thực hiệu lực tốt cho dân sử dụng hiệu quả.

Nhờ vùng ao nuôi tôm của ông rộng 15 ha, thiết kế ao lắng liên hoàn. Mặt khác, bằng kinh nghiệm đối phó với thời tiết nóng lúc này là dùng nhiệt kế thả xuống đáy ao thăm dò nhiệt độ. Nếu nóng trên 33 độ C thì giảm cho tôm ăn, dời quạt. Từ 14 giờ đến 16 giờ chiều là nhiệt độ không khí ngoài trời nóng gay gắt có thể tăng lên 36-37 độ C, lúc này nhiệt độ dưới nước khoảng 33-34 độ C. Nếu phía đáy ao tăng trên 33 độ C tôm không ăn, ôxy giảm, tăng độc tố. Nhận thấy thời tiết dù nóng phải chờ sau 16-17 giờ chiều mới cho chạy quạt đảo nước.

Khi các cơ quan chức năng khuyến cáo không dùng thuốc hóa học có nguồn gốc thuốc BVTV diệt giáp xác, dùng clo liều cao xử lý thì tốn chi phí cao, khó gây màu tảo. Riêng ông Ngoãn dùng “thiên địch” như cá chẽm, cá chét biển, cá heo (ét)… thả vào ao lắng ăn tôm tạp; nuôi sò huyết lọc nước làm sạch môi trường; ngăn cua, còng... bằng cách lấy lưới bao miệng cống khi lấy nước vào ao; nuôi thả tôm mật độ thưa 7-9-10 con/m3. Đến nay vùng tôm nuôi của Sáu Ngoãn vượt qua hơn 2 tháng tuổi. Vấn đề còn lại nếu ao nào chưa thả tôm giống lúc này hãy chờ mưa xuống. 

Ngày 5/5/2012, khoa Thủy sản, khoa Nông nghiệp & sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) phối hợp Cty Vemedim VN tổ chức hội thảo “Quản lý dịch bệnh trên động vật nuôi”, công bố các công trình nghiên cứu dịch bệnh trên thủy sản và động vật nuôi trên cạn; nghiên cứu các bệnh tôm nuôi; sử dụng vacxin và các chất thay thế kháng sinh để phòng bệnh thủy sản…

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.