| Hotline: 0983.970.780

Thắng thua nghề nuôi ngao: [Bài 1] Mưu sinh từ những cồn cát

Thứ Năm 28/11/2019 , 09:00 (GMT+7)

Nghề nuôi ngao ở Hải Phòng bắt đầu phổ biến gần 10 năm nay, xuất phát từ việc đánh bắt cá ngày càng khó khăn.

Người dân phấn khởi thu hoạch vụ ngao thắng lợi...

Với hàng trăm hộ dân ven biển, đất nông nghiệp không có, thì đây chính là nguồn sống của họ.
 

Nguồn sống từ ngao…

Một buổi chiều đầu mùa đông năm 2019, chiếc thuyền đưa chúng tôi ra bãi ngao là của cặp vợ chồng trẻ quê tận Kim Sơn, Ninh Bình. Anh chồng tên Chiến, vợ là Thu, vì mưu sinh nên dạt ra tận Hải Phòng để đánh bắt thủy sản, mọi sinh hoạt ngủ nghỉ đều trên chiếc thuyền này.

Đường đi ra các bãi nuôi ngao xa và nguy hiểm hơn chúng tôi vẫn tưởng, con thuyền mưu sinh của đôi vợ chồng ngư dân trẻ tuổi đôi lúc chòng chành muốn lật nghiêng. Như hiểu được tâm trạng chúng tôi, anh Chiến lái thuyền trấn an: “Sóng hôm nay bình thường, khi nào chúng tôi không ra khơi được nữa thì mới gọi là sóng lớn. Người nuôi ngao chúng tôi ngày nào cũng như thế này cả, không sao đâu”.

Lái thuyền đưa chúng tôi ra bãi ngao được hơn 30 phút, khi đã bắt đầu quen dần, câu chuyện bắt đầu thoải mái thì anh Chiến chia sẻ: Hai vợ chồng mới hơn 20 tuổi, làm nghề đánh bắt cá, khi đánh bắt trong khu vực Ninh Bình không ăn thua thì sẽ ra đây, cả năm về đôi ba lần, có khi đi ô tô, có khi đi thuyền bằng đường biển hoặc đường sông. Nhiều lúc đánh bắt kém cũng đi bắt ngao thuê cho các chủ ngao để mưu sinh, cả hai vợ chồng mỗi ngày cũng kiếm được 5 – 6 trăm nghìn đồng.

Gần 1 tiếng đồng hồ dập dềnh trên biển, chiếc thuyền tấp vào 1 chiếc chòi cao khoảng 5 mét chơ vơ đứng giữa mênh mông biển cả, đón tiếp chúng tôi là 2 ngư dân da đen nhẻm, có vẻ khắc khổ.

Ngư dân đứng tuổi tên là Nguyễn Văn Chung cho biết, anh quê ở Nam Định lên đây cùng anh em làm nghề nuôi ngao, mỗi tháng được trả lương 7 triệu đồng. Là người gắn bó với con ngao gần 10 năm nay, anh Chung cho biết: “Trong tất cả các loài hải sản, ngao là loại sạch nhất và rất bổ. Con ngao sống hoàn toàn bằng tự nhiên, thức ăn của ngao chủ yếu là tảo biển. Chúng chỉ cần thay đổi môi trường, nguồn nước bị nhiễm bẩn thì không sống nổi, nó rất khó sống ở môi trường bị ô nhiễm, dù ở mức nhẹ”.

Trên căn chòi nhỏ, gió biển thổi dồn dập, tiếng máy nổ tàu thuyền, chúng tôi phải nói thật to mới nghe rõ được tiếng nhau. Anh Chung cho biết, những người đi đánh ngao đi tàu ra khơi phải từ sớm, vì nếu ra muộn thì nước thủy triều rút, tàu sẽ không đi vào trong bãi ngao để khai thác được.

“Máy cào ngao chỉ hoạt động được khi nước còn mức cao, khi nước rút xuống còn dưới 40cm phải dừng công việc. Khi thủy triều rút có những nơi trơ lại cát nhưng có những nơi nước rút cũng chưa đến 20cm nước, thuận tiện cho đi bộ, nhưng lại không hề thuận tiện cho việc khai thác ngao và đưa tàu thuyền về bờ”, anh Chung nhấn mạnh.

Chị Đỗ Thị Thu, vợ anh Chiến chia sẻ thêm: “Những đợt cào ngao thuê, sáng dậy sớm để 7, 8 giờ lên tàu để đi ra ngoài bãi ngao đánh bắt, đến tối muộn, có hôm sớm nhất cũng 11, 12 giờ đêm mới về, còn không ngày nào cũng phải 1, 2 giờ sáng hôm sau”.

Theo chị Thu, thường mỗi ngày 2 lượt đánh bắt ngao để cung cấp cho khách hàng, hôm nay tại khu vực chúng tôi đang dừng chân người dân sẽ thu hoạch ngao để cung cấp hơn 20 tấn ngao cho khách hàng đến từ Thanh Hóa.

Chúng tôi trú đêm tại chòi canh để ghi nhận cảnh đánh bắt ngao của ngư dân. Khi đêm buông xuống, lúc nước thủy triều rút, mặt nước chỉ chừng trên dưới 1m, mọi người nhanh chóng chuẩn bị hết đồ nghề cần thiết để thu hoạch ngao.

Trên mỗi chiếc tàu, có từ 4 đến 5 người để rửa máy sàng ngao, đây là công đoạn rất quan trọng, giúp phân loại được các loại ngao to, nhỏ và nhỡ phù hợp với khách hàng đặt mua. Công suất tối đa của 1 máy cào ngao là 6 tấn cho 1 buổi đánh bắt, mỗi máy có chừng 5 người, vừa vận hành vừa “tuyển” ngao.

Hơn 12h đêm, những chiếc tàu những ngư dân vẫn miệt mài bắt ngao cho đủ lượng khách hàng yêu cầu trước lúc thủy triều dâng cao. Thường khi ngao lấp đầy khoang tàu, ngư dân trở về tổ ấm của mình cũng là lúc thời gian đã sang ngày hôm sau.

Vất vả là vậy nhưng con ngao đem lại miếng cơm, manh áo… là cần câu cơm để mưu sinh không chỉ với các chủ nuôi ngao mà còn đối với người dân.

Chị Nguyễn Thị Yến, một chủ bãi ngao quê ở Nam Hải, huyện Kiến Thụy chia sẻ: “Khu vực chúng tôi sinh sống trước bà con làm nghề đánh bắt cá, giờ đánh bắt kém hầu như chuyển qua nuôi ngao gần 10 năm nay, chúng tôi không có đất nông nghiệp, chỉ biết nuôi ngao để sống. Trung bình cứ 10ha cần 1 người trông và 10 người thu hoạch. Tính riêng xã Nam Hải, phải có đến trên dưới 300 hộ sống liên quan đến con ngao, hoặc làm thuê hoặc nuôi ngao. Thu nhập bình quân đối với người trông chòi từ 7 - 10 triệu/tháng, người cào ngao từ 3,5 - 5 trăm nghìn đồng 1 ngày công. Nhiều hộ có của ăn của để từ nuôi và khai thác ngao”.
 

Đánh bạc với trời

Về làng Quần Mục (Kiến Thụy), không khó để tìm hỏi những hộ nuôi ngao, đa số họ đều nhà cao cửa rộng, khang trang. Hộ nuôi ít cũng hơn trên dưới 20ha, nhiều có cả hàng trăm ha… Trung bình mỗi hecta đầu tư hết khoảng 100 triệu con giống, nếu mưa thuận gió hòa, ngao không chết thì lãi gấp 3, 4 lần vốn bỏ ra.

...Nhưng nuôi ngao cũng lắm rủi ro.

Anh Phạm Đức Huy là một hộ nuôi nhiều ngao ở khu vực cửa sông Vân Úc, tiếp chúng tôi trong một ngôi nhà rất khang trang, rộng lớn. Anh Huy cho biết, trước đây đi thuyền đánh bắt cá, nhưng ngày càng khó khăn, sau này chuyển về nuôi ngao thì cuộc sống mới đỡ vất vả.

“Tôi và 6, 7 anh em khác có nuôi chung hơn 50ha ngao, nếu tốt thì hơn 1 năm thu hoạch, trung bình cứ 2 năm thu 1 lần, mỗi lần bỏ ra hơn 4 tỷ tiền con giống. Trung bình mỗi hecta thu hoạch được khoảng 40 tấn. Nếu thuận thời tiết thì thu lãi về gấp 2 gấp 3. Còn không thì gần như mất trắng. Tháng 2/2019, tôi bị chết khoảng 500 tấn ngao. Năm 2017 chết gần hết. Nói chung rất rủi ro, nhiều người nói với tôi rằng, đem tiền đi vứt. Nhưng không nuôi ngao thì không biết làm gì”.

Tuy nghề nuôi ngao “dễ ăn” mà cũng dễ chết, nhưng nhiều ngư dân ở Hải Phòng khó mà có thể bỏ được nó.

Đơn cử như năm 2017, tại khu vực bãi bồi cửa sông Văn Úc - khu vực tiếp giáp giữa các huyện Kiến Thuỵ, Tiên Lãng và quận Đồ Sơn xuất hiện hiện tượng trên 500ha ngao đang và sắp đến thời kỳ thu hoạch bỗng nhiên chết hàng loạt, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí mất trắng, thiệt hại gần trăm tỷ đồng.

Từ cuối tháng 5/2019 tại khu vực bãi bồi cửa sông Văn Úc, khu vực quận Đồ Sơn tiếp tục xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Trên 100ha nuôi thả ngao tại quận Đồ Sơn đều có hiện tượng ngao chết, tập trung tại các phường Vạn Hương, Bàng La, Ngọc Xuyên…

Nhớ lại việc này, ông Bùi Trường Giang – một hộ nuôi ngao ở phường Vạn Hương cho biết gia nuôi hơn 20ha, đầu tư hơn 5 tỷ đồng thả con giống. Ngao chưa đến kỳ thu hoạch nhưng vừa qua ngao chết trắng xóa, khiến cả gia đình điêu đứng. Không những mất trắng tiền đầu tư mà các hộ nuôi phải mất thêm chi phí về thuê nhân công dọn bãi.

Theo tìm hiểu từ thực tiễn tại Hải Phòng, giá trị kinh tế từ nuôi ngao rất lớn, ngao ngoài phục vụ xuất khẩu còn cung cấp số lượng lớn cho thị trường trong nước. Hiện tại, khu vực ven biển các huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy, Đồ Sơn… được đánh giá là thích hợp với hệ sinh thái nuôi ngao và đạt năng suất cao nhất nhì cả nước. Chỉ tính riêng huyện Kiến Thụy đã có 232 hộ nuôi ngao với khoảng 2.000 lao động sống nhờ các bãi ngao này. Tuy nhiên, người dân vẫn nuôi tự phát dẫn đến nhiều tranh chấp, rủi ro trong sản xuất và mất an ninh trật tự trên địa bàn. TP Hải Phòng cũng đã có quan tâm đến quy hoạch tuy nhiên đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.

Ông Nguyễn Văn Thiện – Chủ tịch UBND xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, cho hay: “Tại xã chúng tôi có 46 hộ nuôi ngao tại khu vực cửa sông Văn Úc, thực tế là rất nhiều hộ giàu có lên nhờ nuôi ngao, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người dân.

Các hộ nuôi ngao bị chết là có, tuy nhiên, các hộ nuôi tự phát, huyện đã có quy hoạch nuôi 750 ha, tuy nhiên đến nay cơ bản người dân không thực hiện theo quy hoạch. Họ có ngao chết cũng không báo với chính quyền và chính quyền địa phương chưa thu bất cứ khoản gì từ những hộ nuôi ngao”.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Ngư dân Quảng Nam được mùa mực biển

Giá mực cao, sản lượng nhiều hơn các năm trước nên sau một đêm đánh bắt trên biển, các ghe thuyền ở Quảng Nam có thể thu về hàng chục triệu đồng.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất