| Hotline: 0983.970.780

Người sưu tập bộ giống cây độc, lạ

Thứ Hai 30/03/2020 , 05:35 (GMT+7)

Rất nhiều nông dân các tỉnh Bắc Bộ biết đến ông, bởi họ cần giống gì là có giống đó.

Ông Nguyễn Văn Thanh (áo trắng) đang giới thiệu cho khách hàng các giống cây độc lạ trong trại. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Văn Thanh (áo trắng) đang giới thiệu cho khách hàng các giống cây độc lạ trong trại. Ảnh: Minh Phúc.

Thợ săn cây giống

Sinh ra ở làng quê thuần nông xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thanh đã gắn hơn nửa cuộc đời mình trong lĩnh vực giống cây trồng.

Không hổ danh là người săn tìm giống cây trồng “siêu mới độc, lạ”, vườn giống đa hệ của ông có khoảng 200 loài khác nhau. Bao gồm cây ăn quả, cây dược liệu và cây lâm nghiệp.

Ở đây xuất hiện những “kỳ hoa dị thảo”, được ông tìm tòi và đưa về từ khắp mọi miền quê Việt Nam và một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan,...

Dẫn chúng tôi ra khu vườn giống, ông Thanh giới thiệu một số giống mới được đưa về trại như hồng xiêm ruột đỏ có nguồn gốc từ Thái Lan. Sau thời gian thử nghiệm, cây ra trái rất to, ít hạt, nhiều nước và rất ngọt. Đặc biệt, giống hồng xiêm này vừa chịu nước và chịu hạn tốt, nên thích nghi được nhiều chân đất khác nhau.

Cây mít vàng Hoàng Hậu được ông sưu tập từ Đồng bằng sông Cửu Long, quả có thể nặng tới 40kg. Ảnh: Minh Phúc.

Cây mít vàng Hoàng Hậu được ông sưu tập từ Đồng bằng sông Cửu Long, quả có thể nặng tới 40kg. Ảnh: Minh Phúc.

Kế tiếp là giống mít vàng Hoàng Hậu với đặc trưng là quả to, múi giòn và ít xơ. Mỗi quả trọng lượng từ 30 – 40kg. Để mô tả về loài cây thú vị này, ông ngẫu hứng đọc mấy câu thơ nghe vui tai: “Ngọt như mít mật, sần sật như mít dai/Múi dài, xơ ít, nhựa không có (ít)/Gái xinh, gái đẹp, gái hiền/Con nhà tỷ phú lại còn “nguyên đai”.

Có nhiều giống cây ở miền Nam, được ông đưa về miền Bắc đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Điển hình như cây cà na Thái, người dân Nam bộ trồng để xào, kho, luộc hoặc ăn gỏi, làm mứt. Khi trồng tại miền Bắc, quả ra bốn mùa “Chua chua ngọt ngọt bùi bùi, có đủ các mùi quả lại quanh năm”.

Những chủ vườn cây ăn quả ở miền Bắc xưa nay đã gắn bó với cây na bản địa, nhưng vài năm trở lại đây, rất nhiều hộ đã tìm đến nhà ông Thanh để mua cây na Đài Loan. Đây là giống cây cho năng suất cao, quả to, nặng bình quân 700 – 800g/quả và đặc biệt là rất ít hạt. Hiện nay, giá na Đài Loan cũng cao hơn so với các giống na khác trên thị trường.

Tuy nhiên, loài cây mà ông Thanh tâm đắc nhất, đó là giống bưởi Soi Hà – một trong những đặc sản của tỉnh Tuyên Quang. Hiện tại, rất hiếm nhà vườn nào ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng có thể cung ứng số lượng lớn giống bưởi Soi Hà như trại giống đa hệ Thanh Cổ Đô, vì vườn cây đầu dòng không nhiều.

Ông Thanh cho biết, bưởi Soi Hà hội tụ đủ tất cả các yếu tố để tạo nên những nông dân tỷ phú. Thứ nhất, đây là giống chín rất sớm (thu hoạch từ tháng 8 âm lịch hàng năm), quả to, tôm giòn, mọng nước, vị ngọt thanh. Mỗi cây có thể cho 400 – 500 quả. Thời điểm thu hái bưởi Soi Hà, các vườn bưởi diễn ở miền Bắc vẫn còn vị cài đắng, do đó, đây là lợi thế cạnh tranh số 1 trên thị trường.

Dù tuổi đã cao, nhưng hiếm khi thấy ông Thanh có một ngày thảnh thơi. Bạn làm vườn của ông ở khắp mọi miền đất nước. Mỗi khi có giống mới là ông lại hăm hở lên đường để nhìn tận mắt và học hỏi kỹ thuật nhân giống, gieo trồng.

Ăn phải sang, chơi phải "độc"

Có thời điểm, ông lang thang ở khắp các miệt vườn lớn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cả tháng trời. Khi thì ông theo chân Hội Làm vườn Việt Nam đi nước ngoài.

“Tôi lúc nào cũng có tư duy là phải tìm tòi. Phương châm của tôi là “siêu mới độc, lạ”. Đây là một trong những bí quyết của người làm giống thị trường. Bởi ttrước đây là ăn no mặc đủ; sau chuyển sang ăn ngon mặc đẹp, và bây giờ phải chuyển sang ăn sang mặc chảnh và chơi thì cũng phải mới độc lạ”, ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.

27 năm gắn bó với nghề sản xuất kinh doanh giống cây trồng, ông Thanh đã đi khắp các miền quê của Việt Nam và nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc... Ảnh: Minh Phúc.

27 năm gắn bó với nghề sản xuất kinh doanh giống cây trồng, ông Thanh đã đi khắp các miền quê của Việt Nam và nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc... Ảnh: Minh Phúc.

Khách hàng tìm đến trại cây giống của ông Thanh ngày càng nhiều, bởi khi đã xuất bán ra thị trường, chủ vườn đã mất nhiều thời gian để thử nghiệm chất lượng giống. Nhờ đó, hạn chế được thiệt hại cho người nông dân.

Để đạt được thành công hôm nay, ông Thanh đã không ít lần nếm mùi thất bại. Cách đây hơn 20 năm, ông lặn lội vào tận đồng bằng sông Cửu Long để tìm đường đưa nhãn tiêu da bò ra Bắc, trở thành người đầu tiên ghép thành công nhãn tiêu da bò. Cứ tưởng giống nhãn quả co, tùi dày này sẽ cho năng suất cao, nhưng đáng buồn là thời kỳ cây ra hoa không phù hợp nên tỷ lệ đậu quả cực thấp.

Ông Thanh cũng là người đưa những giống cây đặc sản ở miền Bắc di thực khá nhiều vào Tây Nguyên, Nam bộ thông qua các bạn hàng và chủ vườn đi xây dựng kinh tế mới. Điển hình như một trang trại ở Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) nhập của ông Thanh gần 2.000 cây táo Gia Lộc (là cây đặc sản của Hải Dương) để trồng.

Do táo có vị chua chua, ngọt ngọt, nên bán tại vườn giá 15 – 20 ngàn đồng/kg, trong khi ở miền Bắc chỉ bán được 5 – 7 ngàn đồng/kg.

Mấy năm trở lại đây, cây dổi (được trồng nhiều ở tỉnh Hòa Bình) được nhiều chủ vườn săn tìm để mua, bởi mỗi kg quả dổi có giá 1 triệu đồng. Tuy nhiên, do trồng cây thực sinh nên nông dân tỉnh Hòa Bình phải chờ 10 năm mới được thu hoạch.

Bằng phương pháp ghép cành, những cây giống của ông Thanh chỉ cần 2-3 năm là thu hoạch. Tại Đắk Lắk, có những vườn dổi mỗi cây cho thu hoạch 20kg, chủ vườn... hái ra tiền.

Về thăm trại giống của ông Thanh, chúng tôi như lạc vào một vườn bách thảo. Tình yêu và niềm đam mê của ông đối với lĩnh vực giống cây trồng, đã giúp nhiều nông dân lựa chọn được giống tốt, cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao và bền vững.

Sinh ra từ làng, ông Thanh nguyện sống chết với nghề nông và người nông dân. Mỗi cây giống mới được đem về trại quý giá hơn bắt được vàng. Câu chuyện nghề của ông trở thành cảm hứng thi ca, để rồi có người đã làm thơ về ông: “Trùm cây giống trại Nguyễn Thanh/Ươm cây đa hệ - đất lành Cổ Đô/Ba Vì sâu nặng hồn thơ/Muôn vàn cây giống xanh mơ trái lành”.

Xem thêm
Cải thiện chất lượng bò thịt tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Pháp

HÀ NỘI Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì ký kết thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Thủ công nghiệp Ile-de-France (CMA IDF) nâng cao chất lượng bò thịt Việt Nam.

Muôn kiểu phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

BÌNH ĐỊNH Trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ngành chức năng Bình Định có nhiều cách phòng dịch bệnh nguy hiểm này để bảo toàn đàn lợn.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Giống dừa xiêm xanh Tam Quan, lựa chọn số 1 cho vùng Nam Trung bộ

Dừa xiêm xanh Tam Quan được các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ bình tuyển là giống dừa uống nước ngon nhất Nam Trung bộ…

Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU: [Bài 1] Tuyệt đối không vượt ranh giới

Tiếp thu những khuyến nghị của EC, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chuyển biến tích cực trong việc khắc phục các tồn tại về chống khai thác IUU.

Trước tuyên bố áp thuế đối ứng 46% của Mỹ: Doanh nghiệp gỗ 'không bi lụy, than khóc'

Dù không dễ thực hiện, ý tưởng sẽ được chính quyền Trump ủng hộ, còn Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam coi như biện pháp ứng phó lâu dài với thuế đối ứng.

Bình luận mới nhất