| Hotline: 0983.970.780

Làng chuyên săn tìm kho báu cổ dưới lòng đại dương

Thứ Hai 11/09/2017 , 14:30 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Ngãi vừa phát hiện và chuẩn bị khai quật một chiếc tàu chở cổ vật tại khu vực Cảng Hào Hưng nằm trong Khu kinh tế Dung Quất. Thông tin trên làm chộn rộn làng chài chuyên lặn cổ vật ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

09-56-54_1_tho_ln_xuong_dy_bien_co_con_tu_m
Một ngư dân chuẩn bị phóng xuống đáy biển

Thợ lặn ở làng này đi khắp các vùng biển và từng nẫng tay trên 2 cổ vật rất nổi tiếng tại Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam và bán với giá 150 cây vàng.
 

Săn tin tàu cổ

Con đường vào thôn Định Tân, xã Bình Châu như đi giữa bàn cờ. Những ngôi nhà san sát, chỉ cách nhau một lối đi vừa lọt 2 người. Thỉnh thoảng giới cổ vật ở Đà Nẵng, Hà Nội lại tới lui ngôi làng này để uống trà và hóng tin chuyện lặn vớt cổ vật, đồng thời moi tin về những món hàng độc mà người dân trong làng ém kỹ, chờ có dịp là bung ra bán. Làng biển này có 6 thôn, trong đó 4 thôn có nhiều cổ vật như: Định Tân, Châu Thuận, Phú Quý và An Hải. Ngư dân các thôn này chuyên làm nghề đánh lưới khơi và lặn hải sâm ban đêm.

Nghe nói chuyện cổ vật, một ngư dân tóc nâu, da chì cho biết, ở làng này nhà nào cũng có cổ vật. Nhà ít nhất thì cũng vài cái ché, bộ ly; gia đình nhiều thì số cổ vật lên đến hàng trăm món. Vùng biển Việt Nam nơi nào nghe có tàu cổ bị chìm là ngư dân Bình Châu tới thăm dò bằng phương pháp tàu ngầm người. Khi kết luận là nơi đó có kho báu đã ngủ yên cả trăm năm, những ông thuyền trưởng chuyên lặn cổ vật sẽ tuyển đội thợ lặn thiện chiến nhất và bí mật xuất phát. Những thợ lặn đó được ngư dân ví như tàu ngầm vì có thể chinh phục những độ sâu chết người dưới đáy đại dương.

Đến thăm nhà các ngư dân ở thôn Định Tân, Châu Thuận, Phú Quý, nhà nào cũng chất đầy cổ vật trong tủ kính, gồm bát, đĩa, bình tỳ bà bằng gốm men nâu, men xanh được chạm khắc hoa văn rất cầu kỳ. Nhiều nhất vẫn là đĩa gốm có đường kính 35 cm có in hoa văn màu xanh, niên đại thế kỷ 15. Có ngư dân nhiều cổ vật đến mức lấy chén đĩa ra làm gạt tàn thuốc, trồng cây kiểng đặt trên bàn.

Theo các ngư dân, cổ vật được chưng ra để anh em thỉnh thoảng tới uống rượu thì vừa nhìn ngắm vừa có chuyện để bàn. Và câu chuyện mà các ngư dân bàn tới, thường là thông tin về những chuyến biển kéo lưới, tự dưng có dính theo những mảnh gốm sứ. Hoặc ngư dân lặn hải sâm phát hiện ra dấu vết của một con tàu đắm tại tọa độ nào đó. Khi nắm chắc tọa độ, mấy ông thuyền trưởng quăng lưới ở nhà, lắp hệ thống bình nén khí, máy cam pét xơ và tuyển ngay đội tàu ngầm để đi tìm kho báu.

Nói chuyện cổ vật và những tọa độ bí mật có kho báu dưới biển, ông Thành, một ngư dân chuyên làm tàu ngầm đóng chặt cửa sau đó hào hứng đề nghị “nói bự một chút chớ tai tui hơi nặng, dân lặn cổ vật cha nào cũng bị hơi nặng tai vì lặn sâu quá và bị nước bùng màng nhĩ”.

Ông Cư, một thuyền trưởng ở Châu Thuận có biệt danh là Cư "điếc" nhưng cũng lặn cổ vật giỏi như ông Thành. Ngồi trong đất liền nhưng 2 ngư dân này có thể kể vanh vách những mê cung dưới đáy đại dương ở khắp vùng biển Việt Nam như trên đất liền.

“Cổ vật độc nhất mà dân Bình Châu đang có là hàng gì, chắc toàn là những thứ hàng men gốm sứ vài triệu một món thường được bán đầy ở phố bán cổ vật tại Sài Gòn?” - nghe nhà báo hỏi có vẻ khiêu khích, ông Nghĩa cho biết, “hàng xô thì cả núi, hàng độc có nhiều nhưng người ta giữ kín lắm. Làng cổ vật này có lưu truyền lại 2 cổ vật độc mà dân lặn đã “nẫng” tay trên, trước khi các công ty trục vớt vào cuộc.
 

Tượng cổ dát vàng

Cách đây gần 4 năm, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức chia phần cổ vật cho Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương theo Luật Di sản, vì đã hợp đồng lặn vớt cổ vật từ con tàu cổ tại khu vực đảo Cù Lao Chàm. Số cổ vật mang ra chia là gần 16.000 cổ vật. Các loại bát, đĩa, chum, bình vẫn giữ được lớp men Chu Đậu láng bóng. Con tàu chở cổ vật này có niên đại thế kỷ 15. Khi xem chương trình thời sự, mấy lão ngư dân ở xã Bình Châu cho rằng, số cổ vật dưới con tàu này đã bị ngư dân tại địa phương nẫng đi mất 3 phần. Trong số đó có nhiều cổ vật quý.

Để chứng minh cho việc này, các ngư dân địa phương thống kê hàng loạt vụ giao dịch bán hàng độc của ngư dân địa phương với giới buôn cổ vật ở Sài Gòn, Đà Nẵng và Hà Nội. Pho tượng dát vàng là một trong những cổ vật độc đáo được dân Bình Châu vớt lên từ con tàu chở cổ vật ở Quảng Nam. Ông K, chủ nhân của tượng cổ nói với tôi: ‘‘Bán cái tượng đó 70 cây vàng, nhưng tính ra vẫn tiếc, vì pho tượng này có giá gấp nhiều lần’’.

Gia đình ông K có mấy người con trai đều là ngư dân vai u bắp thịt. Anh em trong nhà đi chung một tàu ra lặn vớt cổ vật thì có được lợi thế, đó là đoàn kết và giữ kín được thông tin khi vớt hàng độc. Mấy anh em trai đánh tàu ra Cù Lao Chàm và bắt đầu phiên lặn. Mới lặn được vài hơi, người em trai ở dưới đáy biển giật dây ra hiệu là kéo cả người và hàng lên tàu, bên dưới đang có hàng độc. Khi hàng độc được đưa lên tàu, các ngư dân bắt đầu săm soi cổ vật lạ đang dính đầy rong rêu, đó là một pho tượng cổ có chiều cao khoảng 70 cm. Bề ngoài pho tượng trông giống như nhân vật Tôn Ngộ Không trong phim Tây Du Ký. Khi cạo nhẹ lớp bùn đất, các ngư dân phát hiện một số điểm trên pho tượng được dát vàng.

09-56-54_2_co_vt_duoc_truc_vot_tu_700_nm
Một chiếc bình gốm sứ trên con tàu chở cổ vật thế kỷ 14 được ngư dân trục vớt

Khu vực này thường có tàu tuần tra của biên phòng Quảng Nam để bắt các tàu lặn cổ vật trái phép, vậy là ngư dân đánh tàu vội vã trở về và mang theo bí mật pho tượng cổ. Những tay buôn bán cổ vật đến Quảng Ngãi ém quân và tối mới xuống coi hàng nhưng ông K đều lắc đầu chưa bán. Cẩn thận hơn, ông K mua chiếc máy ảnh chụp lại pho tượng và nhờ người quen ở Sài Gòn soi hàng. Người quen của ông trả lời đây là pho tượng cổ rất lạ, dân mua cổ vật trả giá thật cao thì mới bán.

Một tay buôn cổ vật từ Hà Nội vào gặp và coi hàng được ông K bí mật đưa đến một ngôi nhà nhỏ nằm giữa xóm chài chi chít nhà và phải đi qua nhiều con đường loằng ngoằng như ma trận. Tay buôn cổ vật này xem xong thì trả giá 30 cây vàng. Ông K nhớ lời dặn dò nên hét giá hơn gấp đôi. Cuộc ngã giá diễn ra khá nhanh, khi tay buôn cổ vật lần lượt nâng giá trị của pho tượng này tương đương 70 cây vàng thì ông K gật đầu cái rẹt và nói “thôi thì bán cho rồi chứ giữ mấy thứ đồ này trong nhà thì ăn không ngon, ngủ không yên vì lo bị đánh cắp, sợ bị thu hồi mang về bảo tàng”.

Thấy bán pho tượng dát vàng được giá, một ngư dân gần đó cũng bật mí mời tay buôn cổ vật tới để bán tháo luôn pho tượng Phật bằng gốm sứ được chạm khắc nhiều đường nét đẹp. Pho tượng này cũng được vớt lên từ con tàu cổ ở Cù Lao Chàm. Do am hiểu về cổ vật, ngư dân này đã cố ép giá và cuối cùng đã bán pho tượng cổ với giá tương đương 80 cây vàng. Một cái giá mà dân chơi cổ vật phải kính nể.

Còn một gia đình khác ở gần nhà ông K thì vớt được một xâu vàng từ con tàu cổ ở Cù Lao Chàm. Anh em bạn đi chung một chuyến lặn không thống nhất chuyện ém hàng để kiếm giá cao. Có nhiều người ý kiến, nếu giao chủ tàu cất giữ biết đâu đến lúc chủ tàu ẵm trọn một mình và la làng là cổ vật bị mất cắp thì ngư dân đi bạn trắng tay. Vậy là xâu vàng này được mang ra bán để chia cho anh em.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất