Mục Đồng bỗng dưng đập con heo đất và ngồi đếm tiền lẻ. Tiều Phu nhắc nhở: “Con vừa mới mua chiếc xe đạp rồi mà. Cần dùng đến tiền làm gì nữa. Đừng hoang phí quá. Phải biết tích cốc phòng cơ”.
Mục Đồng giọng buồn: “Con phải thuê luật sư để giải quyết hậu quả chiếc xe đạp. Mua được mấy ngày mà phát hiện nhiều chỗ không ưng ý, nên con làm clip đưa lên mạng để công khai chuyện phải quấy. Ai dè, công ty sản xuất xe đạp lại làm đơn tố cáo con ra cơ quan công an, vì họ cho rằng con đã cố tình bôi nhọ sản phẩm của họ”.
Tiều Phu ngạc nhiên: “Quái lạ nhỉ? Quan hệ dân sự giữa người sản xuất và người tiêu dùng thì lại sao lại đưa ra công an? Nếu cần, có thể kiện nhau ra tòa chứ. Sao lại hình sự hóa kiểu ấy”.
Mục Đồng mếu máo: “Thì họ muốn chứng minh chân lý sức mạnh luôn nằm trong tay kẻ có tiền mà cha. Họ tố cáo con ra công an với lý do “kiên quyết không thỏa hiệp với những hành vi sai trái, cố tình gây tổn hại tới thương hiệu và hoang mang cho người dùng”. Vì vậy, con phải thuê luật sư để bảo vệ mình”.
Tiều Phu bần thần: “Con làm đúng đấy. Cha chỉ băn khoăn về khái niệm người tiêu dùng thông minh, không lẽ bao gồm những khách hàng cắn răng chấp nhận cả sản phẩm kém chất lượng?”. Mục Đồng giải thích: “Đã có tiền lệ mà cha. Chai nước có con ruồi hoặc chai bia còn một nửa, thì nhà sản xuất đều chủ trương hình sự hóa quan hệ với khách hàng. Khái niệm “khách hàng là Thượng Đế” xưa lắm rồi”.
Tiều Phu ngao ngán: “Muốn có người tiêu dùng thông minh, thì trước hết phải có nhà sản xuất thông minh. Chứ không thể nào hy vọng vào quy trình ngược lại! Chúc con may mắn được làm người tiêu dùng sắp sửa thông minh”.