| Hotline: 0983.970.780

Người trồng cam xoay xở chống hạn

Thứ Tư 19/06/2024 , 16:30 (GMT+7)

HÀ TĨNH Đợt nắng nóng gay gắt tại Hà Tĩnh dự báo kéo dài. Đây là thời điểm cây cam ở giai đoạn nuôi quả, quyết định năng suất nên người dân đang xoay xở chống hạn.

Những ngày qua, thời tiết trên địa bàn Hà Tĩnh không có mưa, gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn làm độ ẩm trong không khí giảm thấp, ban đêm trời oi bức khó chịu, ban ngày trời nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất ở Hà Tĩnh phổ biến 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C, riêng ở huyện miền núi Hương Khê có những thời điểm lên đến 41 độ C; thấp nhất phổ biến 27 - 30 độ C; độ ẩm thấp nhất 38 - 48%. Dự báo hình thái thời tiết này vẫn còn tiếp diễn trong nhiều ngày tới nên ảnh hưởng lớn đến các diện tích cây ăn quả, nhất là cây cam đang trong giai đoạn nuôi quả non.

Vườn cam của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết ở thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc) được bao quả để hạn chế bị sâu bệnh, giữ được mẫu mã đẹp. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Vườn cam của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết ở thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc) được bao quả để hạn chế bị sâu bệnh, giữ được mẫu mã đẹp. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết ở thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc) hiện có hơn 300 gốc cam đang thời kỳ nuôi quả nên trước dự báo đợt nắng nóng gay gắt còn kéo dài nhiều ngày, chị càng thêm lo lắng.

Chị Tuyết cho biết: “Nhận định tình hình, tôi đã đầu tư 1 máy bơm nước công suất lớn và hệ thống tưới dài hơn 200m, đồng thời mua bao trái chuyên dụng với tổng chi phí 15 triệu đồng để bọc toàn bộ số quả cam trên cây. Quả được bọc bởi túi chuyên dụng sẽ không bị côn trùng chích hút, sâu bệnh phá hoại, mẫu mã đẹp,ít bị cháy nắng. Dù vất vả nhưng chúng tôi vẫn cố gắng với hi vọng cuối vụ cho kết quả tốt".

Trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 40 - 42 độ C, việc chăm sóc cây cam càng trở nên khó khăn. Những ngày qua, bà con nông dân xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc) phải chủ động dậy từ sáng sớm, kéo các đường ống lên khu vực đồi cao, tập trung tưới nước cho gần 250ha cam, trong đó có hơn 150ha đang thời kỳ ra quả.

Anh Nguyễn Văn Hướng (thôn anh Hùng, xã Thượng Lộc) chia sẻ: "Năm nay, tỷ lệ ra hoa, đậu quả của cam ít hơn năm ngoái khoảng 15% nên việc chăm sóc theo quy trình kỹ thuật đóng vai trò quan trọng để cây phát triển, đảm bảo năng suất tốt nhất vào cuối vụ. Đợt này, bà con còn phải dùng rơm rạ, thân cây ngô để tủ gốc, tăng cường thời gian tưới giữ ẩm trên tất cả diện tích cam".

Nông dân Hương Khê đầu tư đường ống, tích cực tưới nước cho cam. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Nông dân Hương Khê đầu tư đường ống, tích cực tưới nước cho cam. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Tại huyện Hương Khê - “chảo lửa” của Hà Tĩnh, những ngày này, gần 5h sáng, ông Hồ Huy Hoàng tại xã Hà Linh đã lên đến vườn cam, cật lực kéo đường ống tưới nước cho 500 gốc cam của gia đình.

Ông Hoàng chia sẻ: “Cam là cây chịu hạn kém, thời điểm này cây đang phát triển quả, cần lượng nước đủ và đều đặn, nếu để đất khô hạn thì cây sẽ sốc nước, rụng trái hàng loạt khi xảy ra mưa lớn. Năm nay, tỷ lệ đậu quả không cao, gia đình đang tập trung dùng các loại bao chuyên dụng để bọc toàn bộ quả trên cây nhằm hạn chế ảnh hưởng của nắng nóng và làm các bẩy bả sinh học để tiêu diệt côn trùng gây hại”.

Nắng nóng kéo dài những ngày qua cùng với gió Tây Nam khô, nóng thổi mạnh khiến một số diện tích cam trên khu vực đồi cao của gia đình anh Trần Văn Hạnh (xã Hương Đô, huyện Hương Khê) bị khô héo dần.

Anh Hạnh chia sẻ: “Độ ẩm thấp, lượng bốc hơi lớn nên gần như số nước bơm tưới cho cây hàng ngày không thấm tháp gì, tôi càng thêm lo lắng. Để cứu cây cam, tôi đã phải thuê thêm 1 nhân công thời vụ kéo đường dẫn nước; tận dụng nước từ khe suối, hồ đập; khoan thêm giếng bổ sung; cắt cỏ, lấy rơm rạ tấp thêm vào gốc để giữ ẩm...”.

Ngoài tưới nước, bao quả, người dân còn sử dụng bẫy bã sinh học để diệt côn trùng chích hút quả cam. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Ngoài tưới nước, bao quả, người dân còn sử dụng bẫy bã sinh học để diệt côn trùng chích hút quả cam. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Bà Lê Thị Thắm – Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hương Khê cho biết, địa phương hiện có hơn 2.000ha cam các loại, trong đó diện tích cho quả khoảng 1.500ha. Theo bà Thắm, hiện đang là thời điểm rất quan trọng, cây cam đang nuôi quả nên nếu không được chăm sóc tốt thì quả phát triển kém, giảm năng suất, chất lượng. Phòng đã chỉ đạo các địa phương tích cực hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp như: Tủ gốc cho cây, đầu tư hệ thống tưới, bao quả, chủ động đào ao tích nước nếu có điều kiện, thường xuyên thăm vườn để có biện pháp chăm sóc phù hợp...

Hà Tĩnh hiện có trên 7.600ha cam, tập trung ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn và Can Lộc, trong đó hơn 6.600ha đã cho quả và đang trong giai đoạn phát triển quả non. Trước dự báo đợt nắng nóng gay gắt còn kéo dài, các địa phương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tập huấn cho người dân các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ cây trồng.

Ngành chuyên môn hướng dẫn người dân chăm sóc cam trong mùa nắng nóng. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Ngành chuyên môn hướng dẫn người dân chăm sóc cam trong mùa nắng nóng. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Ông Nguyễn Xuân Toàn - Trại trưởng Trại Giống cây ăn quả Truông Bát (Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh) lưu ý: Giai đoạn này, ngoài việc kiểm tra nguồn nước và hệ thống tưới, nông dân cần sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cành lá khô để tủ gốc nhằm giữ ẩm cho đất, giúp cây tránh bị ánh nắng táp vào gốc. Quan tâm cắt tỉa các cành cây già cỗi, cành bị sâu bệnh và cành vượt tán để tạo tán cho cây thông thoáng, hạn chế nơi trú ẩn của sinh vật gây hại.

Để hạn chế tình trạng thoát hơi nước, giảm nóng cho cây trồng, giai đoạn này, bà con có thể dùng lưới che trên phần tán cây và gốc cây hoặc dùng bao chuyên dụng để bao quả nhằm chống rám nắng, côn trùng chích hút và tạo mẫu quả đẹp về sau.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.