| Hotline: 0983.970.780

Người trồng keo thiệt hại nặng do nắng hạn

Thứ Tư 10/07/2019 , 13:10 (GMT+7)

Nắng nóng gay gắt kéo dài dẫn đến rừng keo khô héo, mất nước nên khối lượng giảm gần phân nửa. Cùng với đó giá keo đột ngột giảm sâu, thấp hơn trước 300.000 đồng/tấn làm cho người trồng keo ở Phú Yên thiệt hại nặng.

Nông dân xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) thu hoạch keo.

Ông Bùi Văn Minh, ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), đang thu hoạch keo cho hay, nắng kéo dài mấy tháng qua nên rẫy keo mất nước, khô lá dẫn đến nhẹ ký. Đống keo trước đây 1 tấn giờ cân còn 600-700kg là cùng.

Còn ông Nguyễn Văn Lý, thu hoạch keo ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) phân trần: Từ đầu năm đến nay chỉ có 2 đợt mưa ngoi Nam (mưa nhỏ) nên rừng keo xuống sức thấy rõ. Vùng này có nhiều người thu hoạch keo, tuy nhiên ai cũng lo lắng vì keo quá nhẹ ký. Trước đây xe chở keo trọng tải 20 tấn thì nay keo mất nước nhẹ ký, chở đến nhà máy cân còn 14 tấn, đó là keo trồng vùng gần suối, còn trồng trên đỉnh đồi thì chỉ đạt 12 tấn.

Không những thế, cây keo gặp nắng hạn mất nước nên vỏ keo bó lại ôm sát thân cây rất khó lột vỏ. Cũng chính vì thế, cách đây 3 tháng, công cưa hạ, lột vỏ và bốc lên xe là 250.000 đồng/tấn, giờ công thu hoạch này “ăn” lên 260.000 thậm chí 270.000 đồng/tấn.

Là người chuyên nhận khoán công cưa, lột vỏ và bốc lên xe, ông Phan Văn Tấn, ở xã An Xuân (huyện Tuy An) chia sẻ: Thu hoạch keo trước đây lột vỏ tách phần đầu rồi dùng tay bóc ra chạy từ đầu đến đuôi, còn nay keo khô nước vỏ keo bám chặt nên phải dùng rựa dạt thậm chí cạy từng miếng.

Thời tiết nắng gắt keo nhẹ ký, giá keo trên thị trường đột ngột xuống thấp khiến người trồng keo lỗ nặng. Bà Phan Thị Hiền, ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) cho hay: Giá keo đầu tháng 5 là 1,3 triệu đồng/tấn, bước qua tháng 6, đùng một cái giá hạ xuống còn 900.000 đồng/tấn, mất 300.000 đồng/tấn, giá keo chênh lệch quá nhiều, từ hồi nào đến giờ người trồng keo chưa từng gặp.

Bà Hiền cho biết thêm, chưa năm nào giá keo lên cao như năm nay 1,3 triệu đồng/tấn (mấy năm trước thời điểm keo tăng giá chỉ lên đến 1,2 triệu đồng/tấn). Nhưng cũng chưa năm nào giá keo xuống thấp dưới 10 (dưới 1 triệu đồng/tấn) như năm nay (mấy năm trước thời điểm keo hạ giá chỉ chạm mức 1 triệu đồng/tấn).

Theo nhiều người trồng keo, nguyên nhân giá keo hạ thấp là do nắng hạn nhiều người tranh thủ thu hoạch keo bán sợ để lâu keo rụng lá khô cháy. Với giá keo như hiện nay cộng với keo nhẹ ký thì người trồng keo thua lỗ.

Ông Kso Y Thư, người trồng keo ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) giãi bày: Thời điểm đầu năm nay, keo phát triển tốt, giá keo tăng thì 1ha keo trung bình thu 60 - 70 triệu đồng, sau khi trừ công cưa, lột vỏ và bốc lên xe…người trồng còn 40 triệu đồng. Nay nắng hạn kéo dài, keo nhẹ ký cộng với giá keo hạ thì người trồng keo chỉ còn 20 triệu đồng, trong khi đó vùng này trồng keo trồng ít nhất 4 năm mới thu hoạch. Như vậy, so với trồng sắn, trung bình 1ha thu 15 triệu đồng/năm, với 4 năm thu 60 triệu đồng, thì người trồng keo lỗ nặng so với trồng sắn.

Keo gặp nắng hạn mất nước nên vỏ keo bó lại ôm sát thân cây rất khó lột vỏ.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng toàn tỉnh đạt khoảng 20.780ha, chỉ trong tháng 6, lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 26.150 m3 (khoảng 4.000ha), như vậy giá gỗ nguyên liệu giảm, chỉ trong tháng 6 người trồng keo thiệt hại số tiền khổng nhỏ.

Keo nhẹ ký, giá keo hạ thấp, thế nhưng nhiều người đành chấp nhận bán. “Rẫy keo nhà tôi nằm dưới hố cạnh suối, nếu thời điểm này không bán khi trời mưa thì xe không xuống được. Còn để sang năm mà giá keo vẫn giữ nguyên thì càng lỗ vì keo chiếm đất, suy đi nghĩ lại tôi chấp nhận bán rẫy keo. Không chỉ tôi mà nhiều người ở đây chuyển đổi cây trồng bỏ sắn, mía sang trồng keo nên keo hạ giá cũng gặp khó khăn”, ông So Minh Trá, người trồng keo ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) nói.

TS Nguyễn Trọng Tùng, GĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Nắng hạn kéo dài gây ảnh hưởng đến các hoạt động SX nông, lâm, ngư nghiệp, nhất là cây trồng ngắn ngày. Cụ thể nắng hạn làm cây trồng phát triển kém, sản lượng gỗ rừng trồng thấp. Ngành nông nghiệp đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị lâm nghiệp tiếp tục bảo vệ và phát triển rừng theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, trong đó tập trung bảo vệ rừng tự nhiên, chăm sóc rừng trồng, gieo ươm và chăm sóc cây con để phục vụ kế hoạch trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán năm 2019.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.