| Hotline: 0983.970.780

Người Việt mạnh tay chi tiền mua sắm trên các sàn thương mại điện tử

Thứ Năm 24/10/2024 , 21:02 (GMT+7)

227.700 tỷ đồng, tương đương hơn 8,9 tỷ USD là số tiền người Việt đã chi để mua sắm trên 5 sàn thương mại điện tử phổ biến nhất Việt Nam trong 9 tháng.

Theo báo cáo mới công bố từ Metric, 9 tháng đầu năm 2024, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với những con số ấn tượng về doanh thu bán hàng.

Cụ thể, chỉ riêng doanh số của 5 sàn thương mại điện tử phổ biến nhất (Shopee, Lazada, Tiktok, Tiki, Shendo) đã đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ 2023, với 2,43 triệu sản phẩm được bán ra, tăng 49,8% so với cùng kỳ 2023.

Trong đó, chỉ riêng quý III, doanh thu đã lên tới 84.750 tỷ đồng, tăng 15,9% so với quý III/2023 với 897 triệu sản phẩm.

Theo thống kê, TikTok Shop và Shopee là 2 sàn thương mại điện tử có doanh số lớn nhất, lần lượt ghi nhận tăng trưởng 110,6% và 11,3% về doanh số so với cùng kỳ 2023.

"TikTok Shop đã đạt mức tăng trưởng doanh số gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, thể hiện chiến lược hiệu quả trong việc kết hợp giữa mô hình mua sắm và giải trí", báo cáo của Metric đánh giá.

Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Metric

Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Metric

Bên cạnh đó, Tiki cũng là một điểm sáng bất ngờ trong quý vừa qua. Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2023, Tiki đã có sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 38,1% so với quý II, tạo ra một bước ngoặt khả quan cho nền tảng nội địa này.

Đáng chú ý, ở quý III, Shopee, TikTok Shop và Tiki đều ghi nhận doanh số tăng cao từ tháng 7, cao nhất vào tháng 8, sau đó giảm nhẹ vào tháng 9. Trong khi đó, Lazada và Sendo lại cùng có doanh số giảm dần qua từng tháng.

Hàng giá rẻ là phân khúc tạo nên doanh thu lớn nhất

Dữ liệu thống kê cho thấy, các sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng tiếp tục có doanh số gia tăng mạnh trong quý III, chiếm hơn một nửa toàn thị trường, tăng 9% thị phần so với năm ngoái. Đặc biệt, phân khúc dưới 100.000 đồng đã tăng 5% thị phần, trong khi phân khúc 100.000-200.000 đồng tăng thêm 4%.

Thêm vào đó, một trong những xu hướng đáng chú ý trong quý III/2024 là sự tăng trưởng mạnh mẽ của các cửa hàng Shop Mall (cửa hàng chính hãng). Mặc dù chỉ chiếm 5% tổng số shop phát sinh đơn hàng, nhưng Shop Mall đóng góp gần 1/3 tổng doanh số của toàn thị trường, với mức tăng 53.11% so với cùng kỳ 2023.

Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm chính hãng và chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm có giá thành cao - phản ánh xu hướng dịch chuyển tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam.

Trong số các sàn thương mại điện tử, Shopee và Tiktok Shop là hai nền tảng ghi nhận mức tăng trưởng cả về số lượng bán lẫn doanh số từ Shop Mall. Tiktok Shop mặc dù sở hữu số lượng cửa hàng chính hãng ít hơn Shopee, nhưng lại có mức tăng trưởng doanh số cao gấp 3 lần.

Đồng thời, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong các ngành hàng chủ chốt như Làm đẹp, Giày dép nam, Bách hóa – Thực phẩm, và Phụ kiện thời trang.

Nguồn: Metric

Nguồn: Metric

Số liệu cho thấy, ngành hàng Làm đẹp tiếp tục giữ vị thế quan trọng khi sở hữu doanh số 15,508 tỷ đồng, chiếm 18% thị phần doanh số trong quý, tăng 26.58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo cho quý IV/2024, ngành hàng Làm đẹp sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi Tết Nguyên đán đến sớm hơn thường lệ. Điều này khiến người tiêu dùng bắt đầu mua sắm các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân sớm hơn.

Theo dự báo, tổng doanh số của ngành hàng này trên Shopee sẽ đạt 10,3 nghìn tỷ đồng, với 90 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra trong quý, tăng trung bình 35% so với cùng kỳ năm ngoái...

Quý III/2024 cũng đánh dấu sự xuất hiện của một số sản phẩm "hottrend", với sự tăng trưởng đột biến cả về doanh số lẫn sản lượng bán ra. Đáng chú ý nhất là sữa gấu và đồ chơi Labubu, hai sản phẩm đã trở thành hiện tượng nhờ vào sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Ẩn số tới từ cơn lốc: Temu, Taobao, 1688

Cũng tại báo cáo này, Metric cũng nhận định các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang có động thái đẩy mạnh vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, Temu mới đây đã chính thức gia nhập thị trường. Trong khi đó, ứng dụng thương mại điện tử 1688, phiên bản iOS đã có ngôn ngữ tiếng Việt. Taobao - nền tảng thương mại điện tử của Alibaba dù chưa hỗ trợ tiếng Việt, tuy nhiên đã cho phép vận chuyển đến địa chỉ của người dùng tại Việt Nam.

"Những động thái này càng làm gia tăng áp lực cạnh tranh thị trường trong nước, khi trước đó thị trường đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, Lazada và TikTok Shop", Metric đánh giá.

 

Thực tế, theo ghi nhận, trên website của Temu Việt Nam, đã ra mắt phiên bản tiếng Việt. Việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ mất 4-7 ngày do lợi thế về khoảng cách địa lý và sự kết nối thông qua đường bộ.

Đáng chú ý, sàn này cũng vừa ra mắt hình thức kiếm tiền nhờ tiếp thị liên kết qua nền tảng tiếp thị liên kết của Temu tại Việt Nam. Mức hoa hồng dao động 10-30%. Bên cạnh đó, còn nhận thêm 150.000 đồng khi có một người đăng ký từ đường link và nhiều mã giảm giá đến 90% trên sản phẩm.

Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử này cũng miễn phí vận chuyển đơn đặt hàng từ 120.000 đồng. Người dùng Việt Nam có thể thanh toán bằng Google Pay, Visa, MasterCard...

Diễn biến trên khiến các nhà bán hàng trong nước đang chịu mức độ cạnh tranh ngày càng cao, nhất là khi các sàn thương mại điện tử từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam. Trước làn sóng này, có thể thấy, "miếng bánh" thị phần buôn quán qua sàn thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều biến động thời gian tới.

Tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương chiều 23/10, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết ông cũng thaays giật mình vì thấy mức giá quá rẻ của hàng bán trên Temu, nhưng cần phải điều tra, nghiên cứu cụ thể. Chưa thể khẳng định mức giá rẻ đó là thật hay không thật.

Ông Tân khẳng định Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động và cho rằng cần bình tĩnh trước thực trạng trên để đánh giá kỹ lưỡng.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Long An có thêm 2 điểm giao dịch ngân hàng tự động Autobank

Agribank Long An vừa đưa vào hoạt động 2 máy gửi rút tiền tự động Autobank (CDM) tại chi nhánh huyện Tân Hưng và Châu Thành, mang đến trải nghiệm ngân hàng số hiện đại.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.