Sông Hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. |
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, kết quả dự báo của Trung tâm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), cho hay, lượng mưa ngày dự báo trên khu vực hạ lưu sông Mekong trong 6 ngày tới biến động khá lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 6 trên biển Đông.
Lượng mưa dự báo lớn nhất vào ngày 11/11 trên khu vực Đông bắc Campuchia, và khu vực Tây Nguyên của Việt Nam, lượng mưa ngày biến đổi từ 60 – 100 mm, một số nơi vượt quá 100 - 125 mm, sau đó lượng mưa giảm mạnh xuống dưới mức 20 mm.
Các khu vực khác hầu như không bị ảnh hưởng của cơn bão số 6 nên lượng mưa dự báo ở mức rất thấp, và hầu như không mưa.
Lũ thượng nguồn sông Mekong đang ở mức thấp và có xu thế giảm, nhận định sẽ có xu thế tăng trở lại trong 2–4 ngày tới do mưa lớn từ cơn bão số 6.
Lũ ĐBSCL đang ở mức thấp và có xu thế tăng theo kỳ triều lên. Đến ngày 10/11: Mực nước lớn nhất tại Tân Châu là 1,72 thấp hơn 1,24 m so với TBNN (2,96 m), thấp hơn 0,52 m so với năm 2018 (2,24 m); mực nước tại Châu Đốc là 1,80 m, thấp hơn 0,92 m so với TBNN (2,72), thấp hơn 0,43 m so với năm 2018 (2,23 m).
Dự báo đến ngày 14/11/2019 là 1,80 m tại Tân Châu và 1,90 m tại Châu Đốc.
Mưa do ảnh hưởng từ cơn bão số 6 xảy ra trên lưu vực là khá lớn, nhưng chỉ tập trung ở khu vực Đông bắc Campuchia và Tây Nguyên của Việt Nam, thời gian mưa không dài, nên nguồn nước bổ sung về ĐBSCL được nhận định là không lớn.
Tuy vậy, trong bối cảnh mực nước lũ hiện nay trên ĐBSCL đang xuống rất thấp, thì nguồn nước bổ sung từ thượng nguồn về ĐBSCL là rất cần thiết để cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân, cũng như góp phần làm giảm nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn trong thời kỳ đầu mùa khô.