| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ lây lan dịch lở mồm long móng ở Quảng Ngãi rất cao

Thứ Sáu 05/03/2021 , 19:07 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương chỉ đạo các đơn vị tập trung nguồn lực, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM không cho dịch lây lan.

Bệnh lở mồm long móng típ O đã xảy ra và lây lan rộng trên địa bàn 21 xã của 5 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Lê Khánh.

Bệnh lở mồm long móng típ O đã xảy ra và lây lan rộng trên địa bàn 21 xã của 5 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Lê Khánh.

Công văn số 1229/BNN-TY do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến vừa ký gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, theo báo cáo của cơ quan thú y địa phương, từ ngày 12/01/2021 đến nay, bệnh lở mồm long móng (LMLM) típ O đã xảy ra và lây lan rộng trên địa bàn 21 xã của 5 huyện, thành phố (gồm các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và TP. Quảng Ngãi) của tỉnh Quảng Ngãi, tổng số gia súc mắc bệnh 585 con, số bị chết và tiêu hủy là 46 con.

Nguy cơ dịch LMLM tiếp tục lây lan trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh, thành khác rất cao. Để khẩn trương kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh LMLM lây lan trên diện rộng và xử lý dứt điểm các ổ dịch LMLM tại tỉnh Quảng Ngãi, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM theo đúng quy định.

Cụ thể, tỉnh Quảng Ngãi căn cứ theo Luật thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021 - 2025” cùng các văn bản của Bộ NN-PTNT (Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY ngày 17/02/2016; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT), trong đó chú trọng các nội dung sau:

Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp. Thành lập ngay các đoàn công tác do lãnh đạo Sở NN-PTNT, Ủy ban nhân dân các cấp chính quyền địa phương đến các nơi đang có dịch LMLM để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo kịp thời.

Phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp kiểm soát vận chuyển, vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn gia súc mắc bệnh, địa bàn nguy cơ cao, dụng cụ, phương tiện vận chuyển gia súc bệnh và người tham gia xử lý ổ dịch.

Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Quảng Ngãi thực hiện nghiêm việc công bố dịch, tổ chức chống dịch, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân, chủng loại vi rút gây bệnh. Ảnh: Phúc Hảo.

Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Quảng Ngãi thực hiện nghiêm việc công bố dịch, tổ chức chống dịch, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân, chủng loại vi rút gây bệnh. Ảnh: Phúc Hảo.

Tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới, kinh nghiệm của các nước và thực tiễn của Việt Nam thời gian qua, trong trường hợp phải tiêm phòng bao vây ổ dịch, gia súc nên được tiêm vắc xin 2 có hiệu lực cao từ 6PD50 trở lên. Tiêm phòng bổ sung vacxin phòng bệnh LMLM cho đàn gia súc, nhất là tại những khu vực có nguy cơ cao.

Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh LMLM. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác gia súc bệnh, nghi mắc bệnh LMLM ra môi trường. Báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định của Luật thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thú y.

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan. Tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc bất hợp pháp.

Thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh LMLM, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cần chỉ đạo thực hiện “kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật thú y, nhất là tại cơ sở, bảo đảm lực lượng tổ chức có hiệu quả công tác thú y, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh động vật” theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư.

Tiếp đến là Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 09/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm lực lượng tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp thời và có hiệu quả.

  • Tags:
Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất