| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ thiếu hụt thịt lợn vào cuối năm

Thứ Sáu 03/05/2019 , 08:48 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo: Người chăn nuôi cần bình tĩnh, không nên quá lo sợ và bán lợn “chạy dịch” ồ ạt, khiến nguồn cung tăng đột biến và giá lợn giảm sâu. Điều này cũng có nguy cơ khiến nguồn cung thịt lợn bị thiếu hụt vào các tháng cuối năm 2019.

* Không nên ồ ạt bán lợn “chạy dịch”

17-47-03_trong
Ông Nguyễn Văn Trọng


Có thể xảy ra một đợt thiếu hụt thịt lợn

- Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) khiến nhiều người chăn nuôi dừng tái đàn, kéo theo nguồn cung giảm. Tuy nhiên, giá thịt lợn sau một giai đoạn “ấm” lên, gần đây đã lại có dấu hiệu tụt sâu. Nguồn cung thịt lợn giảm, nhưng giá cũng giảm. Có vẻ như điều này có gì đó không ổn về mặt nguyên tắc thị trường, thưa ông?

Với sự vào cuộc của truyền thông, đến nay, phải khẳng định người tiêu dùng đã quay lại và sử dụng thịt lợn bình thường. Tuy nhiên, giá thịt lợn sau giai đoạn ngắn được phục hồi trở lại, thời gian gần đây đã lại giảm mạnh, có khi một số nơi đã giảm sâu xuống 34.000 - 35.000 đồng/kg. Việc giá thịt lợn giảm trở lại trong thời gian gần đây, có thể lí giải do nhiều yếu tố.

Một là diễn biến DTLCP mặc dù đã có những dấu hiệu dịu đi ở một số nơi, nhưng nhìn chung vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Sau khi giảm được 2 tỉnh hết dịch thì lại tăng thêm 3 tỉnh bùng phát dịch và đang đe dọa lan rộng, tấn công vào các tỉnh phía Nam. Người chăn nuôi lợn sau giai đoạn dài chịu ảnh hưởng của đợt khủng hoảng giá lợn, chỉ mới phục hồi chưa được bao lâu thì lại dính vào dịch LMLM cuối năm 2018, rồi lại tới DTLCP bùng lên đầu năm 2019, vì thế tâm lí như “chim sợ cành cong”.

Khác với đợt khủng hoảng giá lợn năm 2017 người chăn nuôi vẫn cố hi vọng giữ lợn lại chờ giá lên, đợt DTLCP lần này sẽ diễn biến dai dẳng, chưa biết khi nào thì có thể ổn định trở lại. Vì vậy, không chỉ tại các tỉnh xảy ra các ổ DTLCP, mà các tỉnh lân cận khi nghe tin xuất hiện DTLCP thì tâm lí hộ nào có lợn cũng muốn bán tống lợn để “chạy dịch”. Điều này khiến nguồn cung lợn hơi tăng đột ngột, đồng thời các thương lái có thêm cơ hội ép giá, đẩy giá lợn xuống thấp.

Trong bối cảnh đó, phải khẳng định là mặc dù xảy ra DTLCP trên diện rộng ở nhiều tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, nhưng nhìn chung, hầu hết các cơ sở chăn nuôi xảy ra DTLCP đều là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng lợn bị dịch, phải tiêu hủy so với quy mô tổng đàn của cả nước là không lớn so với quy mô tổng đàn. Một số vùng trọng điểm chăn nuôi lợn tại phía Nam, tổng đàn lợn vẫn được duy trì ổn định, vì vậy nhìn chung, nguồn cung thịt lợn trên thị trường thời gian qua là không thiếu hụt đáng kể. Một số nơi, do ảnh hưởng của DTLCP nên các hộ dân phải chuyển lợn giống sang lợn thịt, một số đàn đang gây nái cũng chuyển sang nuôi thịt, khiến nguồn cung lợn thịt thậm chí còn tăng rất cao.

- Nhiều dự báo e ngại, việc ồ ạt bán lợn “chạy dịch” sẽ kéo theo một đợt thiếu hụt nguồn cung thịt lợn nghiêm trọng từ các tháng cuối năm 2019? Ông nhận định và có giải pháp nào để ổn định cung - cầu thịt nói chung trong thời gian tới?

Dù chúng ta khuyến cáo đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, sống chung với DTLCP nhưng rõ ràng hiện nay, đúng là người nuôi lợn không dám tái đàn do lo sợ DTLCP. Một số cơ sở giống nhỏ lẻ cũng dừng gây giống lợn. Điều này có thể sẽ xảy ra một đợt thiếu hụt nguồn cung thịt lợn vào các tháng cuối năm 2019.

Để ổn định cung cầu thịt lợn, Bộ NN-PTNT cũng đã có các buổi làm việc sâu với các DN lớn về chăn nuôi lợn như C.P, Dabaco, CJ... nhằm bàn bạc các giải pháp để chủ động nguồn giống lợn, sẵn sàng cung cấp cho việc tái đàn khi tình hình DTLCP được khống chế. Vì vậy, chúng tôi khẳng nguồn cung giống lợn sẽ không thiếu trong thời gian tới. Tuy nhiên, như ngành thú y đã có khuyến cáo, các cơ sở chăn nuôi lợn muốn tái đàn khi hết dịch cũng phải hết sức thận trọng, đủ tiềm lực và khả năng áp dụng chăn nuôi đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh thì mới tái đàn.

Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo đối với những vùng chăn nuôi lợn chưa có dịch, cần áp dụng nghiêm ngặt quy trình phòng chống DTLCP, đồng thời cũng không nên quá lo lắng, bán tháo lợn để “chạy dịch”. Điều này vừa dẫn tới thiệt hại cho người chăn nuôi, vừa khiến tư thương ép giá, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ làm mất cân đối cung cầu thịt lợn trong các tháng cuối năm 2019.
 

Bù đắp bằng gia cầm

- Giá thịt lợn rẻ cũng đang kéo theo giá các sản phẩm gia cầm, nhất là thịt gà, trứng xuống mức thấp và kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay. Điều này cũng có thể sẽ kéo theo một đợt “thiếu hụt kép” nguồn cung thịt đối với 2 sản phẩm chủ lực là thịt lợn và thịt gà vào cuối năm 2019. Nên chăng, cần đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm trong thời gian tới để bù đắp cho nguy cơ thiếu hụt thịt lợn?

17-47-03_100_6200
Các cơ sở chăn nuôi gia cầm có điều kiện có thể đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm trong thời gian tới. (Ảnh: Trần Hồ).

Nhằm đảm bảo cho tăng trưởng chung của ngành chăn nuôi do ảnh hưởng của DTLCP, vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức hội nghị đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, với mục tiêu tăng trưởng chăn nuôi gia cầm đạt 7% trong năm 2019 nhằm bù đắp cho sự tụt giảm của chăn nuôi lợn. 4 tháng đầu năm 2019, chăn nuôi gia cầm đã có sự bứt phá mạnh mẽ với mức tăng trên 6,2% về số lượng và 6,8% về sản lượng. Tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục có hội nghị lớn về đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc. Bên cạnh việc bù đắp cho chăn nuôi lợn thì đây cũng là định hướng lớn tổng thể về tái cơ cấu ngành chăn nuôi nước ta theo hướng đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, nâng dần tỉ trọng gia cầm lên 25 - 26% gắn với đẩy mạnh XK, giảm dần sự lệ thuộc vào cơ cấu thịt lợn như hiện nay (chiếm trên 72%).

Đối với các cơ sở chăn nuôi gia cầm, chúng tôi cho rằng cơ sở nào đủ các điều kiện về điều kiện chuồng trại, nguồn lực tài chính, có kinh nghiệm và đảm bảo quy trình an toàn sinh học thì nên đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm trong thời gian tới. Việc đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm cần đa dạng, gồm cả nhóm gà lông màu, gà trắng công nghiệp, gà trứng, thủy cầm... để đa dạng sản phẩm.

Dĩ nhiên là không được chạy theo phong trào một cách ồ ạt, dẫn tới việc dư thừa nguồn cung ở các tháng sau này. Đây là bài học mà cuộc khủng hoảng giá lợn năm 2017 đã thấm thía, khi nhiều người không có kinh nghiệm, thậm chí “trái nghề” cũng ào ạt đổ xô vào chăn nuôi lợn khi giá lợn tăng cao ở giai đoạn trước đó, khiến nguồn cung dư thừa quá khủng khiếp. Thời gian vừa qua, chăn nuôi thủy cầm, nhất là vịt đang có dấu hiệu phát triển nóng tại nhiều nơi do giá trứng thủy cẩm thời gian dài gần đây luôn ổn định. Tuy nhiên, việc tăng đàn vịt quá nóng ở nhiều nơi cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rớt giá trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Mặc dù con số thống kê tổng đàn lợn cả nước chỉ xoay quanh hơn 20 triệu con, mỗi năm xuất chuồng 50 triệu con, nhưng thực tế tổng đàn lớn hơn so với thống kê khá nhiều.

Ví dụ Hà Nội thống kê chỉ có khoảng 1,7 triệu con, nhưng thực tế ước phải 2,2 triệu con, Đồng Nai thống kê khoảng 1,8 triệu con, nhưng thực tế có thể lên tới khoảng 2,5 triệu con. Vì vậy khi xảy ra tình trạng bán lợn “chạy dịch”, nguồn cung bị đẩy lên đột biến, khiến giá lợn hơi hạ thấp.

Bên cạnh đó, theo quy luật, mùa hè thường là giai đoạn nhu cầu tiêu thụ thịt giảm so với các thời điểm khác trong năm, cũng là yếu tố khiến giá lợn hạ thấp thời gian qua.

Một yếu tố nữa đó là hiện nay, người dân ngày càng có rất nhiều sự lựa chọn tiêu dùng trong rổ thực phẩm thịt. Dù thịt lợn chiếm trên 70% thị phần thịt các loại, nhưng xu hướng đa dạng hóa cơ cấu tiêu dùng thực phẩm ngày càng cao. Theo đó cơ cấu chuyển sang thủy sản, thịt gia cầm, trứng, sữa... ngày càng phổ biến, đặc biệt là sản phẩm thịt, trứng gia cầm hiện nay cũng đang tăng mạnh.

(Ông Nguyễn Văn Trọng)

 

Xem thêm
Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khuyến nông cộng đồng cùng nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát thải thấp

Cà Mau Khuyến nông cộng đồng cùng nông dân thực hiện giải pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, phát thải thấp trong thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 4] Kết quả kiểm tra sức khỏe đất tỉnh Đồng Tháp và Hà Nam

Thạc sĩ Trương Xuân Cường - Phó trưởng Bộ môn Phát sinh học và Phân loại đất thông tin về kết quả kiểm tra sức khỏe đất tỉnh Đồng Tháp và Hà Nam.