| Hotline: 0983.970.780

Nhà báo Thái Duy: Sống như... ông

Thứ Ba 16/04/2024 , 22:00 (GMT+7)

Chính thức trở thành phóng viên báo Cứu quốc (nay là báo Đại đoàn kết) từ năm 1949, nhà báo lão thành Thái Duy gắn bó với nghề đến khi nhận sổ hưu năm 1996.

Nhà báo Thái Duy (1926 - 2024). Ảnh: KMS.

Nhà báo Thái Duy (1926 - 2024). Ảnh: KMS.

Hưu nhưng không nghỉ, ông vẫn cần mẫn viết bài. Cuộc đời ông gắn bó thủy chung với một tờ báo: Đại đoàn kết. Đau đáu với người nông dân Việt Nam, ông đã để lại cho đời tác phẩm “Khoán chui hay là chết” (Nxb Trẻ, 2013). Tròn 60 năm trước, bám sát thời sự đất nước khi chính quyền Việt Nam cộng hoà xử tử hình anh Nguyễn Văn Trỗi, ông cho ra mắt “Sống như anh” (1964) - ký tên Trần Đình Vân.

Báo chí làm cho Quốc hội sôi động lên

Đất nước thống nhất, với tư cách là một phóng viên nghị trường, nhà báo Thái Duy tham dự tất cả các kỳ họp của Quốc hội từ khoá VI (1976). Nhớ lại những tháng năm đi làm phóng viên nghị trường các khóa từ 1976 đến trước Đổi mới, nhà báo Thái Duy kể: Đại biểu Quốc hội trước khi phát biểu phải viết ra giấy, sau đó nộp cho Đoàn Thư ký xem xét. Nếu phát biểu nào gai góc, có vấn đề, Đoàn Thư ký cắt đi. Đại biểu Quốc hội đọc tham luận đã được biên tập trên hội trường. Phóng viên nghị trường thì khỏe re.

Phiên khai mạc, bế mạc lấy tin TTXVN. Còn các phiên thường kỳ thì đến được phát một bản mang về cứ thế đăng báo. Hồi ấy không có phỏng vấn Đại biểu Quốc hội, không có trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội và họp Quốc hội thì hầu như không có tranh luận. Chỉ sau Đại hội Đảng lần VI (12/1986), ông Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí thư, Quốc hội bắt đầu công cuộc Đổi mới từ khoá VIII (1987).

Đó là cuộc gặp gỡ thân mật giới báo chí của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Ban Bí thư Trung ương Đảng hai ngày 24 và 25/8/1988. Ông Hồng Chương - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam lúc đó nhắc ông Thái Duy:

- Gặp giới văn học, nghệ thuật, ông Linh ngồi nghe đủ bốn buổi. Gặp báo chí Ban Bí thư muốn nghe mọi ý kiến của chúng ta, vậy đến lượt anh phát biểu anh cứ nói như đã nói với tôi...

Như đã nói với ông Hồng Chương, ấy là lời than vãn của Thái Duy: 

- Tôi đi làm phóng viên nghị trường theo Quốc hội chỉ có mỗi việc là đến lĩnh thông báo rồi về đăng thôi. Bao nhiêu kỳ Quốc hội rồi, tôi chẳng được viết bài nào.

Sau phát biểu của Thái Duy, đến kỳ họp Quốc hội, ông thấy các Đại biểu Quốc hội không phải nộp báo cáo trước khi phát biểu nữa. Ai phát biểu thì cứ bước lên diễn đàn, một thời gian sau mỗi bàn có một micrô. Ai phát biểu thì đứng tại chỗ. Rồi Quốc hội bắt đầu chất vấn các Bộ trưởng trong mỗi kỳ họp. Sau chất vấn là tranh luận tại nghị trường. Không khí Quốc hội dần dà nhộn nhịp hơn lên. Các phóng viên cũng bắt đầu các cuộc phỏng vấn Đại biểu Quốc hội bên hành lang.

“Có thể nói, chính báo chí đã làm cho các cuộc tranh luận của Quốc hội sát lại gần dân hơn và hoạt động của Quốc hội cũng sôi động hơn lên”, nhà báo Thái Duy nhớ lại.

Nghỉ hưu, ông vẫn thường dự các kỳ họp Quốc hội. Đồng nghiệp hậu sinh gọi ông là “phóng viên nghị trường” không mang thẻ. Và trên mặt báo Đại đoàn kết lại xuất hiện bài của tác giả Thái Duy.

Bìa sách 'Khoán chui hay là chết?', tác phẩm của nhà báo Thái Duy.

Bìa sách “Khoán chui hay là chết?”, tác phẩm của nhà báo Thái Duy.

Ủy viên Bộ Chính trị cũng làm chui

Tôi gặp ông khi nhà báo lão thành Thái Duy đã ngưỡng tuổi cận bách niên. Cầm trên tay cuốn sách “Khoán chui hay là chết” của mình, ông chia sẻ:

- Đảng và Nhà nước đưa ra khoán, nông dân cũng đưa ra khoán. Nông dân biết thân phận mình tự gọi là chui. Nào có chui đâu. Chui đó hoàn toàn thành công.

Ông còn kể thêm, đồng chí Võ Chí Công, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng phụ trách nông - lâm - ngư nghiệp đồng thời là Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương cũng làm “khoán chui”.

Kinh tế chủ đạo của đất nước ta hồi đấy vẫn là khoán việc. Nông dân theo kẻng ra đồng. Ruộng hợp tác xã bị bỏ bê. Một số chuyên viên đã nói thẳng, nói thật về sự tan rã không thể tránh khỏi của các hợp tác xã nông nghiệp nếu còn bắt nông dân làm khoán việc. Từ một nhà quân sự, đã đảm đương các công tác Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, phụ trách Bí thư Khu ủy Khu V, Chính ủy Quân khu V, với tác phong sâu sát đời sống quần chúng nhân dân, sau một thời gian tìm hiểu tại chỗ về khoán việc của Nhà nước và “khoán chui” của nông dân, ông Võ Chí Công hoàn toàn ủng hộ “khoán chui”. Ông đề nghị với Ban Bí thư sớm công nhận khoán sản phẩm. Nông dân và đảng viên cơ sở tìm ra cách làm ăn thêm lúa, thêm lợn, thoát đói nghèo, tại sao lại phải "chui" mãi?

Trong hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Võ Chí Công phát biểu thẳng:

- Khoán việc có phải là cái bàn thờ đâu mà không dám đụng chạm đến. Nông dân không chịu nổi, không đồng tình, nông dân khắp mọi nơi đòi hỏi, phải thay đổi khoán...

Đầu năm 1981, Ban Bí thư triệu tập hội nghị tại Hải Phòng để bàn việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ chín: mở rộng và hoàn thiện các hình thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp.

Ưu thế của khoán sản phẩm càng áp đảo. Hầu hết đại biểu nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí Võ Chí Công. Nhưng con đường của Đổi mới còn lắm chông gai. Người đứng đầu Tỉnh ủy Hải Hưng với tuyên bố nếu cần thiết sẽ cho rào tỉnh để làn sóng “khoán sản phẩm” không thể lan tới. Lần này, sau phát biểu của Phó Thủ tướng Võ Chí Công, tại Hội nghị đoàn tỉnh Hải Hưng trình bày tham luận bảo vệ khoán việc. Tỉnh ủy Hải Hưng tập trung phê phán khoán sản phẩm đang phá hoại phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Tham luận của Hải Hưng đánh giá: Không thể vì lợi ích trước mắt mà làm tan rã cơ sở của chủ nghĩa xã hội ở nông thôn.

Nhà báo Thái Duy vẫn nhớ, tham luận dành một đoạn lên án báo chí đã đứng về phía khoán sản phẩm, làm cho trắng, đen lẫn lộn, nông dân khó phân biệt đâu là chính, đâu là tà. Một số đoàn vẫn bảo vệ đến cùng khoán việc, quyết liệt đến mức chỉ có khoán việc là duy nhất đúng.

Sự thật là chân lý. Người nông dân no bụng nhờ khoán sản phẩm. Tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp khẳng định dứt khoát khoán sản phẩm đã trở thành xu thế áp đảo ở nông thôn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cũng đánh giá cao báo chí đã góp phần quan trọng tuyên truyền mở rộng khoán sản phẩm. Băng ghi âm ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Võ Chí Công do Đài Phát thanh Hải Phòng thu, được nhiều đại biểu xin đem về địa phương tuyên truyền cho bà con nông dân.

Sau Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Thanh Nghị đã có bài đăng báo Nhân dân nêu lên thế mạnh đầy sức thuyết phục, chứng minh khoán sản phẩm hơn hẳn khoán việc. Tiếp đó, Chỉ thị Khoán 100/CT - TƯ (ngày 13/1/1981) về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp” do Thường trực Ban Bí thư Lê Thanh Nghị ký ban hành; rồi Nghị quyết số 10-NQ/TW (còn gọi là Khoán 10) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, đã trở thành những “cú hích” mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn cán bộ Văn nghệ Giải phóng (1966), nhà báo Thái Duy ngồi ngoài cùng bên phải.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn cán bộ Văn nghệ Giải phóng (1966), nhà báo Thái Duy ngồi ngoài cùng bên phải.

Phóng viên chiến trường Điện Biên Phủ (1954)

Ít người biết rằng, tròn 70 năm trước, nhà báo Thái Duy cũng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông là 1 trong 3 nhà báo còn được chứng kiến những ngày kỷ niệm 70 năm chiến dịch mở màn. Đó là nhà báo Phạm Phú Bằng (mới qua đời ngày 17/3/2024), nhà báo Thái Duy và nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp - người duy nhất còn tại thế, với tuổi đời 102. Không chỉ viết tin bài cho cơ quan mình, ông còn viết bài cộng tác với toà soạn tiền phương của báo Quân đội Nhân dân phát hành tại mặt trận.

Ngày ấy, sinh hoạt và tác nghiệp của các cộng tác viên chẳng khác nào những phóng viên chiến trường của toà soạn tiền phương, như Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp... Ông thường ăn cùng, ở cùng, đến các công sự, trận địa cùng đồng nghiệp báo Quân đội nhân dân.

Nhà báo Thái Duy đã đến các đơn vị công binh làm đường. Thái Duy đã đến trận địa pháo 105mm ở lưng chừng núi. Thái Duy đã đến công sự, hào chiến đấu của Trung đoàn bộ binh 174 (Đại đoàn 316), Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308). Thái Duy đã chứng kiến cả bộ đội ta đào giao thông hào chia cắt sân bay Mường Thanh chặn đường tiếp tế đường không của quân Pháp. Và kể cả lực lượng đào hầm ngầm đặt khối bộc phá gần 1.000kg trong lòng đồi A1,... Thái Duy cũng đã đến.

Ngày 13/5/1954, tại Điện Biên Phủ giải phóng, Bộ Tổng tư lệnh cử hành lễ duyệt binh mừng đại thắng. Nhà báo Thái Duy đã viết bài “Lễ duyệt binh các đơn vị chiến thắng tại Điện Biên Phủ” đăng báo Quân đội Nhân dân số 184 ngày 16/5/1954 - số báo cuối cùng của Toà soạn tiền phương trong rừng Mường Phăng.

“Đồng chí Võ Chí Công phát biểu kết luận Hội nghị, nêu bật chân lý sáng ngời mà Đảng ta coi như nguồn gốc của mọi thắng lợi trong chiến tranh cũng như trong hòa bình: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng". Đồng chí nói:

- Khoán sản phẩm đã trở thành phong trào cách mạng sôi nổi, dấy lên khí thế sản xuất chưa từng có của quần chúng ở nông thôn, đã đem lại kết quả thiết thực và đang mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp cho sản xuất nông nghiệp…” (Thái Duy: “Ngày hội của quần chúng", Đại đoàn kết ngày 2/9/1981).

Nhà báo Thái Duy tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926 tại Bắc Giang. Ông từ trần ngày 14/4/2024 (tức ngày 6/3 âm lịch), hưởng thọ 99 tuổi. Lễ viếng, truy điệu và đưa tang diễn ra chiều ngày 16/4/2024. Hoả táng tại Đài hoá thân Hoàn Vũ (Văn Điển - Hà Nội).

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.