| Hotline: 0983.970.780

Ông chủ nhiệm 'khoai lang' và câu chuyện ‘khoán chui’ thời bao cấp

Thứ Ba 20/02/2024 , 09:45 (GMT+7)

Ngót nghét tuổi 80, trước khi bắt đầu câu chuyện 'khoán chui' của xã Đoàn Xá năm xưa, ông Thưởng xin vài phút để uống hết liều thuốc tiểu đường, huyết áp của mình.

Ông Phạm Hồng Thưởng phấn khởi khi chia sẻ về những ngày cùng bà con Đoàn Xá 'khoán chui' nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Phạm Hồng Thưởng phấn khởi khi chia sẻ về những ngày cùng bà con Đoàn Xá "khoán chui" nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Những ngày cuối năm Quý Mão, trời đổ mưa lạnh. Con đường dẫn vào xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng trơn như bôi mỡ. Từ UBND xã dẫn về cửa sông Văn Úc, đâu đâu cũng thấy máy ủi, máy xúc. Hỏi ra mới biết, người dân nơi đây vừa hiến đất để nâng đường giao thông liên xã lên đúng chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Một không khí rộn ràng, phấn khởi xua tan đợt không khí lạnh tăng cường.

Bên tách trà nóng, bà con nơi đây lâng lâng niềm tự hào khi là xã đầu tiên của Hải Phòng cán đích nông thôn mới. Giữa niềm vui ấy, câu chuyện năm xưa, đã đi vào lịch sử ngành nông nghiệp nước nhà, về việc Đoàn Xá là nơi khởi phát phong trào “khoán chui” - hay còn gọi là khoán tăng sản - lại được nhen lên, thôi thúc chúng tôi tìm đến ông Phạm Hồng Thưởng, năm nay đã ngót nghét 80 tuổi, để được nghe ông kể lại những hoài niệm về thời kỳ “đêm trước đổi mới”.

Ngày ấy, ông giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm hợp tác xã, cũng là người trẻ nhất trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã Đoàn Xá lúc bấy giờ. Một cái chớp mắt đã hơn 40 năm qua đi, nhưng ký ức cũ dường như chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí người lính già.

Đó là những ký ức về một giai đoạn không thể nào quên trong lịch sử đất và người Đoàn Xá.

Ông chủ nhiệm “khoai lang”

Năm 1977, Nghị quyết số 03-NQ/TW được ban hành tại Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương đảng khóa IV. Sau đó, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 289-CP nhằm triển khai việc tổ chức và thực hiện Nghị quyết số 03. Mục tiêu là tận dụng và phát huy đến mức cao nhất tiềm lực sẵn có của đất nước, trước hết là tiềm lực rất to lớn về lao động và đất đai.

Trong đó, nhấn mạnh đến vấn đề quy hoạch và phân bố lại lực lượng sản xuất, tổ chức lại sản xuất. Tư tưởng chiến lược được cấp ủy, chính quyền quán triệt trong mọi lĩnh vực, mà trước hết là trong lĩnh vực nông nghiệp vì ở đây tiềm lực về lao động và đất đai là vốn to lớn nhất, quý nhất, nhưng lại chưa phân bố hợp lý. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ tạo ra những điều kiện cơ bản để giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác.

Bây giờ, nông nghiệp được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, là ngành đóng góp một nửa vào tổng giá trị xuất siêu của cả đất nước. Những năm cuối thập niên 1970, nông nghiệp thậm chí còn là ưu tiên hàng đầu bởi nếu không phát triển cây lương thực, cây thực phẩm thì dân mình đói. Đói thì đầu gối cũng phải bò, phải trằn trọc suy tư làm thế nào để cái bụng no trước đã.

Ruộng đồng ở Đoàn Xá đang vào độ gieo mạ, chuẩn bị cho vụ đông xuân. Ảnh: Tùng Đinh.

Ruộng đồng ở Đoàn Xá đang vào độ gieo mạ, chuẩn bị cho vụ đông xuân. Ảnh: Tùng Đinh.

Tôi sinh năm 1947, tại miền đất thuộc diện vùng sâu, vùng xa của huyện An Thụy (cũ). Lớn lên khi đất nước đang chiến tranh, như bao thanh niên trai tráng thời đó, tôi đăng ký lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

Năm 1975, tôi phục viên, về địa phương. Một năm sau, được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã. Cũng đúng năm ấy, vụ chiêm gặp trời rét đậm. Mạ gieo chết hàng loạt. Nông dân bỏ ruộng, không chịu đi cấy vì là ruộng của hợp tác xã. Xã có mấy trăm hecta đất ruộng thì hơn một nửa bị bỏ hoang. Vụ đó, cả xã thu hoạch đâu được ngót nghét 180 tấn thóc, chia cho hơn 7.000 khẩu, vị chi mỗi người chỉ được nhận 30kg thóc cho cả mấy tháng trời.

Với cách làm của thời bao cấp lúc ấy, là sáng gõ kẻng đi làm, chiều chờ kẻng lại lững thững đi về, mỗi người ai cũng như ai nhận số lượng thóc cố định, thì chuyện mất mùa cũng không có gì lạ. Ai cũng thấy là chưa hợp lý, nhưng gỡ như thế nào để đúng với tinh thần Nghị quyết của Đảng, Nhà nước là điều không dễ. Nhiều người Đoàn Xá đã phải bỏ quê hương đi nơi khác kiếm việc làm. Tôi vẫn nhớ có đến 50 - 60 người trong xã phải ra ngoài thành phố ăn xin, sống tạm qua ngày.

Trong Thường vụ Đảng ủy xã năm đó, tôi trẻ nhất (30 tuổi). Nói thật là tính vẫn thanh niên lắm. Một đôi lần tôi được nghe và cũng từng bị bà con gọi là “ông chủ nhiệm khoai lang”, nghĩa là chế giễu tôi làm chủ nhiệm nhưng không đảm bảo đủ gạo cho người dân. Mình làm cán bộ mà để người dân như vậy thì liệu còn xứng đáng không? Những lời dạy từ trong quân ngũ, về việc “sống với dân không để dân đói” thôi thúc tôi về ý tưởng khoán ruộng cho người dân, nhất là khi được nghe trực tiếp người dân đồng tình về việc người nào làm thì có ăn, người nào không làm thì chịu đói.

Ngày 10/6/1977, khi đang là Phó bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã, tôi cùng 4 cán bộ, đảng viên chủ chốt trong Thường vụ Đảng ủy xã gồm Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Điệng, Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Ảo, Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Kim Đé và Thường trực Đảng ủy Nguyễn Thị Choạng họp bàn về vấn đề này. Tôi đề xuất, cho thí điểm giao ruộng và khoán sản lượng cho nông dân bởi nếu tình trạng cấy chung trong hợp tác xã tiếp tục, vụ tới khả năng cao lại mất mùa.

Người ta bảo, trong nông nghiệp, “nhất thì nhì thục”. Thì là thời gian, nghĩa là đáng lẽ phải gieo mạ sớm để tránh rét, hoặc ứng phó kịp thời với thay đổi thời tiết, thì đại bộ phận lại làm theo kế hoạch chung. Thế là đói. Biết là đói nhưng lúc đó, Đảng và Nhà nước cấm việc khoán ruộng, chỉ cho khoán việc, khoán công điểm và sợ cấp trên biết. Chúng tôi họp mấy đêm liền rồi đi tới quyết định là trước mắt là giữ kế hoạch trong vòng “bí mật”. Lấy danh nghĩa là “khoán tăng sản”, tôi bàn với anh em là trước mắt cho bà con thí điểm trên ruộng rau xanh (phần ruộng mỗi người dân được sử dụng để tăng gia nuôi trâu, bò, trồng rau lúc ấy). Hợp tác xã khoán mỗi sào 70kg thóc, gia đình nào vượt bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.

Đoàn Xá đang gấp rút xây dựng, mở rộng đường, phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Tùng Đinh.

Đoàn Xá đang gấp rút xây dựng, mở rộng đường, phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Tùng Đinh.

Hợp tác xã Đoàn Xá ngày ấy có 9 đội sản xuất. Tôi nhớ là trong đợt giao khoán đầu tiên, có đến 1.800 hộ xin nhận phần đất khoán. Mỗi hộ được giao nửa sào Bắc bộ. Có một chi tiết nữa mà sau này tôi mới biết, đó là giao khoán mỗi hộ nửa sào, nhưng ở cấp dưới, người ta thấy có chủ trương khoán thì lại giấu mình, tiếp tục khoán tăng thêm. Những diện tích ruộng ở vùng sâu, vùng xa, ở chỗ khó cày cấy được giao khoán hết, cho nên thủ tục khoán mới diễn ra nhanh như vậy. Tôi cảm nhận rõ rệt được sự hăng say lao động, sản xuất của các hộ nhận khoán. Có hộ còn đốt đèn nhổ mạ ban đêm để cấy cho kịp thời vụ, đó là điều mà trước đây nhiều người tâm sự với tôi là chưa từng thấy. Kết quả, vụ mùa năm 1977, người dân cấy kịp thời vụ và kín diện tích được giao.

Đoàn Xá từ một xã nghèo, khó khăn đã vươn lên là một trong những điểm sáng của huyện, của toàn TP Hải Phòng trong việc đi đầu về tăng gia sản xuất, lao động. Mừng thì có, nhưng cũng lo lắm. Đi họp trên huyện là chẳng ai dám ngồi bàn trên bởi bị phát hiện ra là kỷ luật như chơi. Câu chuyện “khoán chui” sinh ra là như vậy. Về sau, chúng tôi thống nhất, là nếu cấp trên về kiểm tra mà phát hiện thì sẽ báo cáo là chỉ thí điểm giao khoán ở vùng ruộng xấu cho “nhẹ tội”.

Câu chuyện khoán chui cũng không xuất hiện trong bất cứ giấy tờ, công văn, sổ sách nào. Nhưng tài một cái là diện tích khoán cứ thế mở ra mãi. Đến năm 1978, hợp tác xã nhất trí nâng diện tích khoán lên thành 1 sào/hộ gia đình. Cả xã có tới 180 mẫu ruộng giao khoán. Từ 10% diện tích khoán ban đầu, đến cuối năm 1979 xã đã tăng lên tỷ lệ phần khoán tới 50%.

Bia đá ghi dấu nơi mở đầu phong trào khoán sản phẩm cây lúa tại xã Đoàn Xá. Ảnh: Tùng Đinh.

Bia đá ghi dấu nơi mở đầu phong trào khoán sản phẩm cây lúa tại xã Đoàn Xá. Ảnh: Tùng Đinh.

Đêm không ngủ với Bí thư Huyện ủy

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Tôi cũng không rõ cơ sự cụ thể như nào, bắt đầu từ đâu nhưng đầu năm 1980, huyện An Thụy (cũ) cử 5 đoàn cán bộ về “nằm vùng” để nắm tình hình tại Đoàn Xá. Các đoàn của huyện về báo cáo, đa số theo hướng phải kiên quyết kiểm điểm, kỷ luật. Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, Huyện ủy xét phát thẻ đảng viên. Gần như tất cả chỉ tiêu của Đoàn Xá đều đứng đầu nhưng do vướng việc “khoán chui” nên cả Ban Thường vụ Đảng ủy xã bị đình chỉ không được phát thẻ đảng.

Run rủi thế nào, cũng trong thời gian này, huyện An Thụy thực hiện chia tách. Theo đó, 21 xã của huyện, gồm toàn bộ địa giới của huyện Kiến Thụy trước đây, sáp nhập vào thị xã Đồ Sơn thành huyện Đồ Sơn. Bí thư Huyện ủy Đồ Sơn ngày ấy, ông Nguyễn Đình Nhiên trong một lần họp nói với tôi thế này: “Tớ nghe nói các cậu làm cái gì sai lớn lắm”. Nghĩ đến người dân đang trong cảnh ấm no, nên tôi mạo muội mời ông Nhiên về Đoàn Xá một bữa.

Quả nhiên, tối hôm ấy, Bí thư Nhiên về tận nhà, nghe tôi kể sự tình. Ông giở sổ ra ghi ghi chép chép đến tận đêm, xong sáng sớm hôm sau hoãn một cuộc họp trên huyện và giục tôi cho ra đồng sớm. Sau khi thăm mấy trăm hecta ruộng khoán lúa tốt bời bời, đối chứng với các thửa ruộng hợp tác xã èo uột, vàng hoe, Bí thư Nhiên trấn an tôi.

Ông cũng trực tiếp lên báo cáo ông Bùi Quang Tạo, khi đó là Bí thư Thành ủy và ông Đoàn Duy Thành, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, xin cho huyện Đồ Sơn được nhân rộng cách làm của xã Đoàn Xá.

Nghe chuyện, ông Đoàn Duy Thành đích thân về Đoàn Xá, lại ra thăm đồng. Phó Bí thư Thành ủy đội nón, lội ruộng cùng nông dân, xem Đoàn Xá làm hiệu quả thế nào, hình ảnh đó đẹp lắm. Tôi nhớ ông Thành phấn khởi lắm và đồng ý cho huyện Đồ Sơn làm thí điểm cho toàn thành phố.

Cũng chính Chủ tịch Thành đã nói đỡ tôi trong một cuộc họp Đảng ủy thế này: Suy đến cùng, mục đích của Đảng ta là làm cho dân được ấm no, nên đồng chí Thưởng nói “Thà không có thẻ đảng, dân tôi no là được” cũng có lý. Bởi nếu được phát thẻ đảng mà người dân đói thì việc phát thẻ cũng lại là hình thức. Thế là tôi được miễn kỷ luật, rồi sau đó được phát thẻ đảng.

Ông Phạm Hồng Thưởng trầm ngâm khi nhớ về những đêm thức cùng Bí thư Huyện ủy, trao đổi về việc khoán ruộng cho bà con xã viên. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Phạm Hồng Thưởng trầm ngâm khi nhớ về những đêm thức cùng Bí thư Huyện ủy, trao đổi về việc khoán ruộng cho bà con xã viên. Ảnh: Tùng Đinh.

Tháng 6/1980, Huyện ủy Đồ Sơn ra Nghị quyết 05 cho triển khai khoán sản phẩm tới 50% diện tích của toàn huyện. Chỉ một tháng sau, trong tháng 7/1980, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ra Nghị quyết 24 về Củng cố quản lý hợp tác xã nông nghiệp ở Hải Phòng, cho khoán 100% diện tích, ngay trước khi triển khai vụ mùa năm 1980.

Rút gọn cả quá trình từ khi xã Đoàn Xá quyết định khoán 50% diện tích, đến Nghị quyết 05 của Huyện ủy Đồ Sơn rồi Nghị quyết 24 của Thành ủy Hải Phòng chỉ trong vòng 4 tháng, từ tháng 3 - 8/1980.

Thấy Hải Phòng ra nghị quyết mạnh mẽ như vậy, Trung ương rồi các tỉnh bắt đầu về Đoàn Xá, tham quan và học tập khi mà nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu.

Có thể nói các chính sách được ban hành là sự công nhận đối với chủ trương khoán của Đoàn Xá, từ lúc chỉ đạt 36 tạ/ha, xã đã vươn lên đạt sản lượng 5 tấn/ha vào năm 1981 rồi sau đó được nhận Huân chương Lao động hạng 3 trong nông nghiệp.

Mặc dù không thiếu những ý kiến trái chiều, nhưng Đoàn Xá nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ từ Bộ Nông nghiệp, khi đó do ông Nguyễn Ngọc Trìu là Bộ trưởng. Ông Trìu cũng đã về xã, ăn ở với bà con Đoàn Xá để đánh giá và sau đó là ủng hộ chúng tôi trong việc khoán này.

Rồi Ban Kinh tế Trung ương, khi đó ông Lê Nhật Quang làm Phó Trưởng ban cũng về Đoàn Xá một tháng để điều tra, tìm hiểu. “Tớ về điều tra, các cậu mà sai thì đi tù, còn nếu đúng thì Trung ương sẽ ra nghị quyết”, ông Quang nói với tôi thế. Thế qua một tháng, ông Quang chỉ chốt lại: “Đúng sai tớ chưa nói được nhưng mà các cậu to gan đấy. Trên tớ, còn anh Huy (Võ Đức Huy) nữa, phải để anh ấy về đánh giá thêm”.

Thế quãng một tuần sau ông Huy về thật, nghe cán bộ, nhân dân Đoàn Xá trình bày cùng với đi thực tế, ông đã công nhận những lợi ích của hình thức khoán mà xã chúng tôi đã làm. Khi ấy, đại diện Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cách làm này không chỉ đem lại lợi ích cho người dân mà còn giúp hợp tác xã được củng cố, các phong trào cũng từ đó mà đi lên.

Chỉ có một điều khiến đại diện Ban Kinh tế Trung ương băn khoăn, đó là diện tích ruộng, vì ông sợ khi khoán cho xã viên, lượng bờ ruộng sẽ tăng lên, giảm diện tích sản xuất. Nhưng thực tế, khi được khoán, xã viên chủ động dọn dẹp, đắp “bờ gió” rất mỏng để giữ nước giữ phân thôi, còn trước đây thì không vạt bờ, cuốc góc, cày thì bỏ góc, lãng phí hơn nhiều.

Ông Huy bị thuyết phục hoàn toàn, trở về Trung ương và đến ngày 3/1/1981 thì Ban Bí thư ra Chỉ thị 100 về Thực hiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp trên toàn quốc. Sau đó, đến năm 1988 thì Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Ông Thưởng xem số đặc biệt chào năm mới 2024 của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Thưởng xem số đặc biệt chào năm mới 2024 của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Chớ bỏ ruộng hoang

Nghĩ lại, ngày ấy chúng tôi có những quyết định phải nói là liều, nhưng mà thấy nhân dân đói, thấy ruộng bỏ hoang, người nông dân không chịu lao động thì chúng tôi phải hành động.

Bây giờ, ruộng lại bỏ hoang, người ta đi làm cái khác nên tôi nghĩ phải có cách nào đó, chính sách nào đó, để họ khai tác được giá trị của đồng ruộng, chứ để ruộng bị bỏ hoang, phí lắm.

Dưới góc nhìn của tôi, có lẽ chúng ta phải làm mạnh hơn, khuyến khích hơn việc tích tụ ruộng đất. Bây giờ cơ giới hóa, hiện đại hóa rồi, cần tạo thêm điều kiện để những người thực sự muốn làm nông nghiệp có đủ diện tích lớn để đưa máy móc vào ruộng đồng. Ở chiều ngược lại, những người có ruộng mà không muốn làm cũng sợ, không dám cho thầu, cho mượn vì sợ mất.

Các cơ quan Trung ương, các cấp, các ngành, cần có cách nào đó để giải tỏa, tháo gỡ được vấn đề này. Muốn làm được điều đó, rõ ràng là phải có thêm những nghiên cứu, đánh giá từ thực tiễn, từ địa phương.

Ngày trước, khi đánh giá về công tác khoán, Bí thư Huyện ủy Đồ Sơn Nguyễn Đình Nhiên đã từng nói: “Mọi đáp án của cuộc sống đều có sẵn ở cơ sở. Đảng và các tổ chức của Đảng phải sâu sát cơ sở để nắm bắt được những thực tiễn này, rút kinh nghiệm để ra được những chính sách đúng cho nhân dân thực hiện”.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.