| Hotline: 0983.970.780

Nhà báo Trương Phong say mê và trăn trở với nông nghiệp

Thứ Ba 21/06/2022 , 11:00 (GMT+7)

Trong lúc đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, nhà báo Trương Phong đã thành lập nhóm Nông sản Vĩnh Long với tâm huyết hỗ trợ tiêu thụ nông sản ùn ứ cho nông dân.

Tôi là thành viên của nhóm Nông sản Vĩnh Long

Tình cờ được người quen giới thiệu, tôi biết đến nhóm “Nông sản Vĩnh Long” trên mạng xã hội Zalo với khoảng 500 thành viên. Nhóm hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản của bà con nông dân tỉnh Vĩnh Long trong những ngày ĐBSCL và TP.HCM thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Những ngày này, việc đi lại vô cùng khó khăn khiến hầu hết mặt hàng nông sản rớt giá. Nhóm hoạt động đã giúp được một lượng không nhỏ nông sản được tiêu thụ.

Nhóm Nông sản Vĩnh Long trên nền tảng mạng xã hội Zalo. Ảnh: Minh Đảm.

Nhóm Nông sản Vĩnh Long trên nền tảng mạng xã hội Zalo. Ảnh: Minh Đảm.

Thấy ý tưởng hay, tôi cũng xin gia nhập để tìm hiểu giá cả cũng như tình hình tiêu thụ nông sản của bà con nơi đây. Để được duyệt vào nhóm, tôi trải qua vòng “phỏng vấn” của trưởng nhóm Trương Phong. Bất ngờ, tôi biết được anh cũng là nhà báo. Anh chia sẻ, thấy bà con đi bán nông sản khó khăn nên anh đã thành lập nhóm trên Zalo và Facebook với tên “Nông sản Vĩnh Long” để kết nối bà con và thương lái với nhau.

Từ đó mỗi ngày tôi chứng kiến được những lời mời chào hàng của bà con đang có nông sản sắp thu hoạch cũng như nhu cầu của thương lái, mạnh thường quân. Cái chợ trên Zalo này rộn rã những tin nhắn trao đổi kêu gọi mua hàng như: “Mình ở cù lao Thanh Bình. Quê mình bây giờ có bưởi 5 Roi chín nhiều mà không có đầu ra. Anh chị nào cần thì mua giúp mình, bưởi từ 800g trở lên, 8K/kg”. Hay như “Giải cứu hộ người dân Ngãi Tứ, Tam Bình. Hàng tươi mới mỗi ngày vô bọc 10kg như hình. Bí đao 8K, bầu 7K, đậu bắp 5K, mướp 5K. Cước xe 3 triệu nếu lấy từ 2,5 tấn. Mong mọi người hỗ trợ vì người dân nha!”… Hoặc là những kêu gọi hỗ trợ xe chuyển hàng “Mọi người giúp em, có xe nào lấy hàng tại cầu Cái Lóc”. Nông sản ùn ứ của bà con đã được các thành viên trong nhóm chung tay hỗ trợ tiêu thụ rất tốt.

Nhà báo Trương Phong (bên phải) cùng bạn bè vận động mạng thường quân hỗ trợ nông sản cho bà con thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Ảnh: Minh Đảm.

Nhà báo Trương Phong (bên phải) cùng bạn bè vận động mạng thường quân hỗ trợ nông sản cho bà con thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh đó, anh Trương Phong còn vận động các doanh nghiệp, cơ quan anh quen biết cùng ủng hộ thu mua nhiều nông sản khó tiêu của bà con nông dân Vĩnh Long khi đó, mà tiêu biểu nhất là khoai lang tím Nhật của bà con trồng khoai huyện Bình Tân. Ước tính có đến trên 300 tấn khoai lang tím Nhật do nhóm hỗ trợ tiêu thụ. Cụ thể như: Quân khu 7, nơi anh công tác tiêu thụ khoảng 40 tấn, một đồng nghiệp của anh ở Công an tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ trên 100 tấn, siêu thị khoai lang 0 đồng tại TP.HCM cũng tiêu thụ hơn trăm tấn.

Tâm huyết với nhiệm vụ 3 trong 1

Nhà báo Trương Phong, tên thật là Trương Thanh Phong, 37 tuổi, quê ở xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Hiện nay, anh là phóng viên Ban đại diện Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội tại TP.HCM với quân hàm Đại úy. Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khó, anh Phong hiểu được nỗi khó khăn vất vả của người nông dân. Trong quá trình sản xuất tạo ra nông sản, người dân phải cực khổ với biết bao công sức, mồ hôi và tiền bạc.

Anh Trương Phong tác nghiệp tại buổi hỗ trợ người dân gặp khó khăn tại các khu cách ly. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Trương Phong tác nghiệp tại buổi hỗ trợ người dân gặp khó khăn tại các khu cách ly. Ảnh: Minh Đảm.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nhiều chuỗi cung ứng nông sản bị đứt gãy. Dẫn đến đầu ra của nông sản gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Anh tâm sự TP.HCM là nơi cưu mang anh, còn Vĩnh Long là nơi chôn nhau cắt rốn. Trước tình cảnh đó với niềm thương và nỗi nhớ và sẻ chia đối với bà con nông dân ở mảnh đất quê hương, nhiều đêm anh suy nghĩ phải làm sao có giải pháp nào đó để giúp người nông dân cũng như giúp được cho người dân ở TP.HCM.

Với nhiều năm làm nghề, anh đã vận dụng những kinh nghiệm đưa ra sáng kiến với giải pháp kết nối doanh nghiệp, mạnh thường quân với nhà nông thông qua nền tảng mạng xã hội facebook và Zalo, web mobile. Các nhóm do anh thành lập có hình thức trực quan sinh động, người dân dễ dàng tiếp cận với độ tương tác cao, nhanh chóng và tiện lợi.

Trong thời gian ngắn, lượng nông sản được hỗ trợ tiêu thụ lên đến hàng trăm tấn, mà điển hình nhất là ở TP.HCM. Từ đó, mục tiêu 3 trong 1 anh đặt ra ban đầu đã được giải quyết. Đó là giúp người nông dân tiêu thụ nông sản, Mạnh Thường Quân có nguồn nông sản giá rẻ, còn người dân ở TP.HCM có được nguồn cung cấp nông sản miễn phí hoặc là giá rẻ.

Anh Trương Phong thực hiện đề tài nông nghiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Trương Phong thực hiện đề tài nông nghiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Trăn trở với vất vả của người nông dân

Sau thời gian đại dịch Covid-19 tạm lắng, người dân bắt đầu ổn định và an tâm sản xuất. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp nước ta trước nay vẫn có rất nhiều điều đáng lưu tâm. Đó là tình trạng được mùa mất giá, mất mùa giá cao. Nguyên nhân chủ yếu là bà con thường sản xuất nông nghiệp theo phong trào, thấy ai trồng gì và trồng theo. Bà con đang bán ra thị trường những gì mình có, tức là mình sản xuất ra chứ không phải đáp ứng nhu cầu thị trường. Chính vì vậy việc được mùa mất giá sẽ rất dễ xảy ra do cung vượt cầu.

“Chính vì những điều đó mà làm tôi rất trăn trở. Dự định tôi trong tương lai muốn xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín. Đó là có sự chuẩn bị chu đáo từ khâu sản xuất, đóng gói, tiêu thụ, ứng dụng công nghệ kéo dài thời gian bảo quản như đóng gói, sấy khô….Đặc biệt là nghiên cứu các loại nông sản mới, có giá trị dinh dưỡng cao, dễ trồng, ít sâu bệnh”, anh nói.

Sắp tới, anh Trương Phong còn ấp ủ ý định xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp với những tiến bộ khoa học mới. Ảnh: Minh Đảm.

Sắp tới, anh Trương Phong còn ấp ủ ý định xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp với những tiến bộ khoa học mới. Ảnh: Minh Đảm.

Anh còn ấp ủ ý định xây dựng mô hình sản xuất, trong đó có sự thay đổi phương pháp nhân giống truyền thống sang cấy mô sinh học với ưu điểm là giảm được sâu bệnh, sản xuất nhanh, sản lượng cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công nghệ cơ khí và tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp, giảm nguồn nhân công, chi phí sản xuất thấp, hiệu quả cao.

Khi cuộc sống trở lại bình thường mới, dù trao đổi của bà con ít nhộn nhịp như khi cách ly xã hội nhưng nhóm “Nông sản Vĩnh Long” vẫn được anh duy trì và hoạt động khá hiệu quả. Anh còn kêu gọi mở rộng thành phần thành viên tạo thành nhóm mở đa dạng các lĩnh vực: cây giống, con giống, phân bón.. đến thành viên là chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp mua bán nông sản. Chủ đề trao đổi trong nhóm cũng rộng hơn như vùng hợp tác kinh doanh, xây dựng nguyên liệu lớn đạt chuẩn hoặc tư vấn thành lập hợp tác xã…

Anh Nguyễn Hoàng Hưởng, một nông dân ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long tham gia nhóm Nông sản Vĩnh Long thời gian gần đây, cho hay "sau mùa dịch cam sành và bưởi của bà con gần nhà gặp khó đầu ra". Được người quen giới thiệu, anh Hưởng tham gia nhóm và cho biết rất phấn khởi vì nông sản của anh được tiêu thụ rất tốt.

Anh Hưởng chia sẻ: “Tôi mới tham gia hơn một tháng nay nhưng thấy chất lượng hoạt động của nhóm rất tốt. Mỗi lần mình đăng bán được vài trăm kg cam, bưởi. Đến nay cũng trên 10 tấn sản phẩm được tiêu thụ qua kênh này. Bên cạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, các thương lái còn san sẻ đầu ra nguồn hàng với nhau, anh chị làm ăn rất đàng hoàng. Tôi thấy rất hiệu quả, nên duy trì nhóm này”.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.