Nhà biên kịch Lê Phương tên thật Nguyễn Văn Tiến, sinh ngày 28/1/1933 tại thôn Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhà biên kịch Lê Phương có một tuổi thơ rất buồn thương, mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ, khi ông được 3 tuổi thì mẹ cũng đi bước nữa.
Nhà biên kịch Lê Phương lớn lên trong sự đùm bọc và cưu mang của họ hàng. Năm 16 tuổi, ông gia nhập quân đội. Bút danh Lê Phương cũng là bí danh của ông những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhà biên kịch Lê Phương vào nghề cầm bút với vai trò một nhà văn. Sau năm 1954, ông về công tác tại Nhà xuất bản Lao Đông và có được nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Người sông Giang”, “Vết xích trên đường mòn”, “Thung lũng Cô Tan”...
Đặc biệt, nhà văn Lê Phương rất chú trọng đến số phận những con người vô danh tận tụy trong công cuộc dựng xây đất nước thời hậu chiến, như tiểu thuyết “Bạch đàn” viết về ngành lâm nghiệp, tiểu thuyết “Ngã ba thời gian” viết về ngành thủy lợi, tiểu thuyết “Bông mai mùa lạnh” viết về ngành thủy điện...
Nhà văn Lê Phương quan niệm: “Nhà văn chỉ thực sự là nhà văn khi mình đang sáng tác, và chỉ nên để độc giả biết về mình qua tác phẩm. Cái khó của nhà văn là làm sao để đủ bản lĩnh biết dừng lại khi đã cạn duyên văn”.
Thực hiện đúng điều ấy, từ năm 1977, nhà văn Lê Phương chính thức chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực điện ảnh. Nhà biên kịch Lê Phương nhanh chóng gặt hái được thành tựu với những kịch bản “Nơi gặp gỡ của tình yêu”, “Câu lạc bộ không tên”, “Cơn lốc biển”, “Biệt động Sài Gòn”, “Tình sử Cô Ti Lưa”, “Địa ngục khoái lạc”, “Tráng sĩ Bồ đề”...
Khi đã ngoài tuổi 60, nhà biên kịch Lê Phương vẫn góp phần xây dựng thể loại phim nhiều tập trên truyền hình Việt Nam bằng bộ phim “Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ” sản xuất năm 1996, nói về sự chuyển mình của kinh tế tư nhân.
Những năm cuối đời, nhà biên kịch Lê Phương được sự chăm sóc rất chu đáo và tận tình của người bạn đời - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã. Tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa 10 diễn ra vào tháng 11/2020, nhà biên kịch Lê Phương đã đến dự trên chiếc xe lăn, nhưng nụ cười móm mém vui vẻ và độ lượng của ông vẫn tạo được thiện cảm ấm áp cho bao nhiêu đồng nghiệp.
Bây giờ, nhà biên kịch Lê Phương đã trở về “câu lạc bộ không tên”. Cuộc đời ông cống hiến say mê và lặng lẽ, mà không cần những hư danh hào nhoáng, chỉ mong đem đến cho công chúng những tác phẩm rung động thương yêu.