| Hotline: 0983.970.780

Những 'hậu phương' thầm lặng đấu Covid-19

Nhà khoa học đằng sau công nghệ 'bị ruồng bỏ'

Thứ Tư 15/09/2021 , 06:55 (GMT+7)

Nghiên cứu về mRNA của Katalin Kariko từng không được giới khoa học đánh giá cao nhưng nay, nó chính là chìa khóa giúp tạo nên những vacxin hiệu quả với Covid-19.

Katalin Kariko, một trong những nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về mRNA. Ảnh: Hungary Today.

Katalin Kariko, một trong những nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về mRNA. Ảnh: Hungary Today.

Nhờ các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn, nhân loại đang lạc quan hơn bao giờ hết về viễn cảnh thoát khỏi đại dịch Covid-19. Đóng góp vào thành quả này không thể không kể đến công trình nghiên cứu của một nhà khoa học ít ai biết đến đã mở ra con đường phát triển cho vacxin ở thế giới phương Tây.

Katalin Kariko, nhà hóa sinh người Hungary, là một trong những người tiên phong nghiên cứu về RNA thông tin tổng hợp (mRNA), công nghệ được Pfizer/BioNTech và Moderna sử dụng trong các loại vacxin do họ sản xuất. RNA cung cấp hướng dẫn cho các tế bào về cách tạo ra protein.

Đây là câu chuyện về một nhà khoa học đã không ngừng đấu tranh, chịu đựng và không bao giờ biết đến hai chữ “từ bỏ”.

Kariko đã dành phần lớn sự nghiệp của mình đối mặt với những lời từ chối. Nghiên cứu mà bà theo đuổi, cố gắng khai thác sức mạnh của mRNA để chống lại bệnh tật, suốt một thời gian dài bị coi là quá phi chính thống đối với các khoản tài trợ từ chính phủ hay các tập đoàn. Thậm chí đồng nghiệp cũng không ủng hộ bà.

Sinh năm 1955, Kariko là con gái một người bán thịt ở thị trấn nhỏ Kisujszallas, Hungary. Say mê khoa học từ khi còn trẻ, Kariko lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Szeged và làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Sinh học của trường. Năm 1985, khi chương trình nghiên cứu tại trường đại học cạn tiền, bà chuyển đến Mỹ cùng chồng và cô con gái hai tuổi, làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Temple ở Philadelphia.

Năm 1989, Kariko nhận một vị trí cấp thấp là trợ lý giáo sư nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, nơi bà làm việc với tiến sĩ, bác sĩ tim mạch Elliot Barnathan. Bà không thể nhận tiền trợ cấp và khi tiến sĩ Barnathan rời trường đại học vì nhận được vị trí cấp cao tại một công ty công nghệ sinh học, Kario bị bỏ lại mà không có phòng thí nghiệm hay bất kỳ khoản hỗ trợ nào.

May mắn thay, một đồng nghiệp khác đặt niềm tin vào bà: Tiến sĩ David Langer, bác sĩ phẫu thuật thần kinh, người đã thuyết phục trưởng khoa phẫu thuật thần kinh cho nghiên cứu của Kariko thêm cơ hội.

Theo như lời bác sĩ Langer, không như hầu hết các nhà khoa học khác, Kariko không bao giờ quan tâm tới bằng sáng chế hay cách kiếm tiền từ một khám phá mới. Langer về sau cũng rời trường đại học.

Năm 1995, 10 năm sau khi đến Mỹ, Kariko bị cho thôi việc tại Đại học Pennsylvania rồi tiếp tục nhận tin dữ mắc ung thư. Không có tiền hỗ trợ các nghiên cứu về mRNA, bà sẵn sàng chấp nhận làm những công việc cấp thấp trong giới khoa học.

Nhưng cuộc gặp định mệnh bên một chiếc máy photocopy vào cuối những năm 1990 đã tạo ra bước ngoặt cho sự nghiệp của Kariko. Bà đã gặp tiến sĩ, nhà miễn dịch học Drew Weissman, người đang nghiên cứu về vacxin HIV.

Hai người hợp tác nghiên cứu cùng nhau và đi xin tài trợ khắp nơi. Tuy nhiên, họ không gặp nhiều may mắn.

“Chúng tôi không thể thuyết phục hầu hết bọn họ. Mọi người không hứng thú với mRNA. Những người xem xét các khoản tài trợ nói rằng mRNA sẽ không phải một liệu pháp tốt, vì vậy đừng bận tâm đến nó nữa”, Weissman cho hay.

Các tạp chí khoa học hàng đầu không coi trọng công trình nghiên cứu của họ. Khi nghiên cứu được công bố, nó không gây được nhiều chú ý.

“Thông thường, ở hoàn cảnh như thế, người khác sẽ nói tạm biệt và từ bỏ bởi mọi chuyện diễn ra quá tồi tệ”, Kariko chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, bà không phải người dễ dàng từ bỏ. Kariko vẫn kiên trì đối mặt với mọi khó khăn.

“Từ bên ngoài nhìn vào, mọi người sẽ cho là tôi bị điên, cố chấp, nhưng tôi hạnh phúc khi được làm việc trong phòng thí nghiệm”, bà nói với trang tin Business Insider.

Cuối cùng, vào năm 2005, Kariko và Weissman đã đạt được một bước đột phá lớn, cho phép RNA tổng hợp vượt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Nghiên cứu của họ được hai nhà khoa học quan trọng chú ý đến. Một trong số đó là nhà sinh học tế bào gốc Derrick Rossi đến từ Canada, người sau này đã giúp thành lập Moderna và là đối tác tương lai của Pfizer, BioNTech. Rossi không chỉ công nhận nỗ lực của Kariko và Weissman là một bước đột phá mà còn cho rằng họ xứng đáng được nhận giải Nobel Hóa học.

Các nhà nghiên cứu tại Pfizer-BioNTech và Moderna đã sử dụng những kỹ thuật này để phát triển vaccine. Sau nhiều thập kỷ đứng ngoài rìa cộng đồng khoa học, giờ đây Kariko và Weissman đã giành được chỗ đứng cho mình.

“Nó sẽ còn phát triển”, tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói về nghiên cứu liên quan đến mRNA. “Nó đã được biến đổi để áp dụng trong chế tạo vacxin Covid-19 và còn nhiều loại vaccine khác nữa như HIV, cúm hay sốt rét”.

Khi các thử nghiệm lâm sàng hồi tháng 11/2020 cho thấy vacxin Covid-19 Pfizer-BioNTech an toàn và có hiệu quả đến 95%, Kariko cho biết cảm giác đầu tiên của bà là thấy “như đã trả được nợ”.

Nữ khoa học gia người Hungary thêm rằng sẽ chờ đến khi các chiến dịch tiêm chủng đại trà loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa từ virus, lúc đấy bà mới “thực sự ăn mừng”.

  • Tags:
Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.