| Hotline: 0983.970.780

Nhà khoa học xuống ruộng cùng nông dân

Thứ Tư 01/03/2017 , 15:05 (GMT+7)

Theo ông Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, tại Bình Định có khoảng 500ha từ đầu vụ đến nay chưa gieo sạ được...

Những ngày qua, Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đã phối hợp cùng Sở NN-PTNT Bình Định xuống đồng hướng dẫn kỹ thuật cho bà con khôi phục lúa ngập úng nhằm cứu vãn năng suất vụ quan trọng nhất trong năm.

11-16-45_2
Nông dân hào hứng nghe ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật cứu lúa ngập úng

 

Theo ông Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, tại Bình Định có khoảng 500ha từ đầu vụ đến nay chưa gieo sạ được đợt giống nào vì ruộng liên tục bị ngập nước; những diện tích đã gieo sạ được thì do ngập úng nên hiện bị rũ lá, thối rễ, phát triển èo uột. Sau khi nghiên cứu giải pháp, đoàn công tác của Viện và Sở NN-PTNT đã lặn lội về tận xã Phước Quang và xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), những địa phương vùng trũng có nhiều diện tích lúa bị ngập để hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.

Ông Hồ Huy Cường trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật phục hồi lúa cho bà con nông dân. Đối với diện tích lúa chưa xuống giống do nước chưa rút hết và diện tích lúa bị ngập không còn khả năng khôi phục, vì cây lúa đã bị chết hoàn toàn hoặc rễ đã bị thối, nông dân được hướng dẫn thực hiện các giải pháp tích cực nhất để tiêu thoát nước. Nếu nước có thể rút cạn trong ruộng để gieo sạ lại trước ngày 20/2 thì nông dân nên sử dụng các giống cực ngắn ngày (90 - 100 ngày) như: OMCS96, ML48, ANS1…) để gieo sạ.

Sau đó phải áp dụng các biện pháp chăm sóc tích cực để cây lúa sinh trưởng tốt, đảm bảo thời điểm thu hoạch gần với các trà lúa trước. Trường hợp nước không thể rút cạn để gieo sạ lại trước ngày 20/2 thì đành phải hủy SX vụ ĐX này, vì nếu gieo sạ muộn hơn sẽ ảnh hưởng đến thời vụ xuống giống vụ hè thu và không thu hoạch lúa kịp trước lũ tiểu mãn (tháng 4 âm lịch), lúa gần thu hoạch mà bị lũ vùi dập là mất ăn.

Đối với những diện tích lúa còn 2 - 3 lá, bộ rễ chưa bị thối đen, còn có khả năng khôi phục, nông dân được hướng dẫn tỉa dặm để đảm bảo mật độ phân bố đều trên ruộng; đồng thời điều chỉnh nước trên ruộng phù hợp, không để cây lúa bị đổ rạp.

“Khi lá lúa nhô cao lên mặt nước trên 10cm, lá chuyển màu xanh, bà con cần phun phân bón lá Polyfeed 5 Chim Én hỗn hợp Kithita 1.4 DD với liều lượng 72g Polyfeed + 12 ml Kithita pha 16 lít nước phun cho 1 sào, để giúp lúa nhanh ra rễ và phục hồi. Bà con cũng có thể sử dụng một số chế phẩm phân bón lá và kích thích sinh trưởng khác hiện bán ở địa phương, nhưng có tác dụng tương tự các chế phẩm trên.

11-16-45_1
Các nhà khoa học đi khảo sát đồng ruộng để đề ra giải pháp khắc phục
 

Để giúp cây lúa phát triển mạnh, cần bón từ 4-5kg NPK 16.16.8/sào hoặc 2-3kg DAP + 2kg kali/sào nhằm giúp cây lúa hồi phục nhanh và đẻ nhánh khỏe. Đối với những diện tích lúa đã sạ từ 22 - 25 ngày, cây lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, cần bón 3kg urê + 3kg kali/sào để lúa đẻ nhánh khỏe và tập trung”, ông Cường khuyến cáo.

Do gieo sạ muộn lịch thời vụ nên lúa đang bị nhiều đối tượng sâu bệnh tập trung gây hại. Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, ốc bươu vàng đang phát triển mạnh, tập trung ở những vùng ngập lụt, nông dân cần theo dõi đồng ruộng và áp dụng các biện pháp phòng trừ.

“Nông dân có thể sử dụng các thuốc có hoạt chất Metaldehyde để rải như: Boxer 15GR, liều lượng rải 300g thuốc/sào...; hoặc sử dụng thuốc Starpumper 800WP với liều lượng 17 - 25g pha 16 lít nước phun cho 1 sào; sử dụng thuốc Anpuma 700 WP với liều lượng 35g pha 16 lít nước phun cho 1 sào... Những diện tích lúa đang bị bọ trĩ gây hại, bà con cần sử dụng thuốc Virtako 40WG với liều lượng 3g pha vào bình 24 lít nước phun cho 1 sào; hoặc sử dụng thuốc Regent 800WG, Tango 800WG với liều lượng 2 - 3g thuốc pha vào bình 24 lít nước phun cho 1 sào”, ông Cang nói.

Hiện lúa cũng đang bị chuột phát sinh gây hại cục bộ trên các trà lúa từ đẻ nhánh – làm đòng, tỷ lệ hại phổ biến 2-3%, cao 5-15%; bệnh đạo ôn lá phát sinh trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – đứng cái, tỷ lệ bệnh phổ biến 1-3%, cao 5-15% tại TX An Nhơn và các huyện: Tây Sơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước và Vĩnh Thạnh; rầy nâu và rầy lưng trắng trưởng thành mang trứng trên lúa chân 3 vụ giai đoạn đòng trỗ ở Phù Cát và Phù Mỹ, mật độ phổ biến 100 – 200 con/m2, có những ổ rầy mật độ cao đến 1.000 con/m2.

 

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.