Nhà thơ Xuân Diệu từ giã cõi người vào ngày Hà Nội trở rét 18/12/1985. Nhà thơ Xuân Diệu sau 35 năm không còn trên dương thế, vẫn không ra ngoài niềm thương nỗi nhớ của công chúng. Ngoài tài năng thiên bẩm, nhà thơ Xuân Diệu còn là tấm gương sáng tạo miệt mài và nghiêm túc. Với tập nghiên cứu “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam”, cũng đủ để nhà thơ Xuân Diệu chứng minh mình có sức làm việc tương đương một Viện Văn học.
Nhà thơ Xuân Diệu được xem là “ông hoàng thơ tình” Việt Nam. Nhắc đến nhà thơ Xuân Diệu là nhắc đến những rung động non tơ và xanh mướt. Ông dễ dàng xao xuyến và ông dễ dàng nghẹn ngào trước cái đẹp. Vì vậy, hoa cũng là một đối tượng thẩm mỹ trong thơ Xuân Diệu.
Nhà thơ Xuân Diệu từng viết về nhiều loài hoa khác nhau. Từ nỗi hân hoan “Anh tặng cho em hoa ngọc trâm/ Hoa như ánh sáng ngọc như mầm/ Như cài trên tóc hoa trâm ngọc/ Anh tặng cho em hoa ngọc trâm” đến nỗi bịn rịn “Em về nhớ tặng anh/ Mấy cành hoa cải cúc/ Cánh trắng nhị vàng thanh/ Xinh tự nhiên, hàm súc/ Tính giản dị, chân thành/ Giống lòng em như đúc”.
Sinh ra ở Bình Định, sống nhiều năm trai trẻ ở Mỹ Tho và trải qua phần lớn cuộc đời ở miền Bắc, nhà thơ Xuân Diệu có sự chiêm nghiệm phong phú về vẻ đẹp của mỗi loài hoa. Ông đã viết về hoa gạo khá ấn tượng: “Giữa đời xuân mới tới/ Hội đỏ cũng vừa lên/ Đỏ như môi, như má/ Đỏ như suối, như men/ Như ngực dâng triều ứ/ Như tình vừa nắng nhen”. Thế nhưng, một chuyến đi thực tế vào Tây Nguyên, đã khiến ông sững sờ với một loài hoa độc đáo: Hoa cà phê.
Bài thơ “Hoa cà phê” được nhà thơ Xuân Diệu viết tại Buôn Ma Thuột ngày 12/2/1979. Bài thơ “Hoa cà phê” ít được đưa vào các tuyển tập Xuân Diệu nên người đọc cũng ít dịp thưởng thức. Tuy nhiên, bài thơ “Hoa cà phê” lại rất phổ biến ở các nông trường cà phê. Thậm chí, nhiều bác nông dân ở vùng cà phê Krong Ana, Cư Mgar, Ea Kao, Chư Sê… cũng đọc thuộc lòng bài thơ “Hoa cà phê” mỗi lúc trò chuyện với nhau giữa mùa gặt hái.
Bài thơ “Hoa cà phê” gồm 12 câu, được chia làm 3 khổ. Vần điệu và cấu tứ nhịp nhàng của bài thơ “Hoa cà phê” gần gũi với đám đông, mà vẫn toát lên sự ca ngợi thành quả lao động.
Bài thơ “Hoa cà phê” sau 3 thập niên ra đời, vẫn là một khúc tâm tình dạt dào của nhà thơ Xuân Diệu gửi lại cho con người và thiên nhiên Tây Nguyên.
LÊ THIẾU NHƠN (chọn và giới thiệu)
HOA CÀ PHÊ
Hoa cà phê thơm lắm, em ơi
Hoa cùng một điệu với hoa lài
Trắng ngà, trong ngọc, xinh mà sáng
Như miệng em cười đâu đây thôi
Hoa dạt dào thơm, mắt dạt dào
Mỗi hoa như thể một vì sao
La đà mỗi nhánh hoa chi chít
Tất cả hoà hương: sâu, rộng, cao…
Em đến đây em, đặng bốn bề
Ta cùng lạc giữa hoa cà phê
Cho sương ướt tóc, hương đầy áo
Cho trĩu hồn thơm, mới trở về