| Hotline: 0983.970.780

Nhạc sĩ Trần Tiến: 'Thời nào có nhạc đó!'

Thứ Năm 01/02/2024 , 09:12 (GMT+7)

Bị K giai đoạn 3 mới phát hiện, qua hơn 30 lần trị xạ, nhạc sĩ Trần Tiến vẫn sống lạc quan. Ông dành cho người yêu nhạc Trần Tiến cuộc trò chuyện cuối năm thú vị.

Nhạc sĩ Trần Tiến trên bìa tạp chí.                                                                Ảnh: NVCC.

Nhạc sĩ Trần Tiến trên bìa tạp chí.                                                                Ảnh: NVCC.

Ngày 22/12/2023, nhạc sĩ Trần Tiến (1947) và nhà giáo Trần Thị Bích Ngà (1949)  kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Hai con gái làm tiệc cho bố mẹ ở  khách sạn 5 sao New Word Sài Gòn. Thảo Nguyên (1975) ở Mỹ cùng Nhật Vi (1983) về nước làm việc tại TPHCM, chăm sóc bố mẹ cho tiện.

Nhạc sĩ nghĩ sao khi có nhà thơ nhắn tin cho ông: “Khi không khoẻ đừng đi cùng mọi người, đừng chụp ảnh nhé. Trông buồn quá, xuất hiện phải phong độ, đại ca!"

Bạn ấy nói đúng quá. Anh Trịnh Công Sơn cũng nói thế, khi người ta mời lên sân khấu lúc anh mái tóc đã bạc phơ. Vậy hình ảnh nhà bác học thiên tài Hawkings thì sao? Đôi khi người ta ở lại đời sống, không chỉ bằng hình ảnh khuôn mặt, phong độ đi đứng của mình. Mà còn bằng điều khác. Ý nghĩa hơn. Ấm áp và lâu bền hơn. 

Nghe nói hồi trẻ ông giỏi Toán - Lý lắm, ông thích làm nhà khoa học hơn. Bây giờ thì sao?

Bây giờ chỉ thích làm nhà chạy bộ dẻo dai thôi. Nghề nghiệp đôi khi không do mình chọn đâu. Ngược lại, nghề sẽ chọn mình. Hoặc hoàn cảnh sống đưa đẩy mình vào. Ngày xưa, mình giỏi Toán, nhưng Văn thì dốt. Vậy mà, bây giờ người ta biết đến tôi bằng Văn và Nhạc. Chính cô giáo Đặng Anh Đào (1934 - 2023) nhận ra tôi khác biệt. Cô động viên tôi. Nhờ cô là em gái phu nhân Đặng Bích Hà, tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và viết tặng Tướng Võ bài hát "Tôi cô đơn như một ngọn cờ". Tôi đã hát tặng Đại tướng và được nghe ông chơi đàn tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.

Mọi tính toán cuộc đời đều sai bét. Số phận con người kỳ ảo lắm. Cứ bước tiếp thôi. Việc đến đâu, làm đến đó. Hãy làm cái mình có thể làm tốt nhất. Đó chính là nghề nghiệp hiện tại. Đừng trông vào ngày mai. Vì ngày mai không bao giờ đến. Tiếng Anh có câu: Tomorow never come.

Nhạc sĩ Trần Tiến qua nét cọ.                                                                     Ảnh: NVCC.

Nhạc sĩ Trần Tiến qua nét cọ.                                                                     Ảnh: NVCC.

Ông nghĩ gì về tình yêu?

Tình yêu là có thật. Như lá Diêu bông là có thật, không phải huyền thoại. Nhưng ai tìm được? Muốn tìm cũng không thấy. Tình yêu tự đến, dù bạn không chào đón. Và có thể tự đi, nếu bạn không biết giữ.

Cũng cần nói thêm: đó còn là chuyện của Trời. Là duyên số, là vận mệnh đời người nữa. Có người, Trời sinh ra để yêu, ngoài tình yêu, không biết làm gì khác. Cũng có người, Trời sinh ra biết làm đủ mọi việc khác, trừ tình yêu. Thế nên có kẻ thừa tình ca mà thiếu tình đời. Và ngược lại - như tôi, cuối đời chỉ mong có được một khúc tình ca thật lãng mạn.

Nhạc sĩ nghĩ gì về cái chết?

Nhạc sĩ Trần Tiến luôn gắn với hình ảnh cây đàn guitar.                                         Ảnh: NVCC.

Nhạc sĩ Trần Tiến luôn gắn với hình ảnh cây đàn guitar.                                         Ảnh: NVCC.

Chết là lẽ thường. Sống không vui mới là chuyện đáng nói.

Chung cư Thủy Tiên nơi tôi ở thành phố Vũng Tàu, có bốn cây dừa. Sớm dậy, tôi hay ra ngắm những đọt lá mọc thẳng, mỗi ngày lớn lên, xòe ra dưới ánh bình minh. Và tôi không quên ngắm chiếc lá đã úa vàng một mình bên đám lá trẻ kia.

Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra, nếu cậu bảo vệ không hồn nhiên giật chiếc lá vàng, vứt đi. Tôi chẳng nói gì chỉ buồn thôi. Sao không để chiếc lá vàng tự rụng, như đọt lá xanh tự mọc?

Đôi khi có những cái chết đẹp hơn kẻ sống rất nhiều. Chết là lẽ thường. Sống không vui mới là chuyện đáng buồn. Nhiều kẻ chết sớm vì sống không vui.

Năm nay ông 77 tuổi, vẫn viết rất nhiều bài hát mới, chúng tôi được nghe trên VTV3, chương trình Cassette Hoài niệm. Nhạc phát trên nền tảng nhạc Spotify trên mạng, người nghe phải trả tiền. Dân nghiền nhạc phát hiện, nhiều bài của Trần Tiến viết từ lâu, bây giờ mới được nghe. Ông có thể kể về chuyện này không?

Cái thời của tôi, viết nhạc không để kiếm tiền, cũng chẳng ai trả tiền. Nên cứ thế hồn nhiên viết để tự sướng, để khoe với bạn bè, rồi cất vào ngăn kéo, cả đống. Các ca sỹ thấy tôi hát trên sân khấu, hoặc nghe đồn, tìm đến tôi xin bài, thì tôi tặng free thôi, miễn phí. Không như bây giờ, người ta ca hát, sáng tác để kiếm tiền, một cách chân chính của thế giới showbiz. Thời của tôi, làm nghề để cho vui. Tình cho không, biếu không. Thời ấy là thời lãng mạn cách mạng. Nó xưa và cực kỳ vô lý. Ấy thế mà vui. Hồn nhiên, trong sáng. Chỉ tội đói, nghệ sỹ ai cũng gày giơ xương và tất nhiên chẳng biết chuyện “xuống cân” là gì. Ai lên sân khấu có da, có thịt là hoành tráng lắm. Khán giả vỗ tay nể phục, hoan hô ầm ĩ.

Có một thời như thế đã đi qua đấy các bạn. Tôi vẫn cứ quen lối sống thuở ấy, thế hệ chúng tôi khó thay đổi lắm. Tôi ở ẩn tại Vũng Tàu 16 năm sau khi về hưu. Các em và các cháu như Nguyên Vũ, Nguyễn Thành Đạt chơi vui cùng tôi, thấy anh, chú mình còn hàng trăm bài hát không ai biết đến mới lập ra trang Web, đăng ký trên các nền tảng nhạc đơn thuần, không quảng cáo để mọi người cùng thưởng thức. Hiện giờ mới là Spotify, Youtube Music, Apple Music đã thu hút hơn 6.000 người theo dõi hàng tháng. Tôi chưa theo dõi được, vì phải đóng tiền mới được nghe nhạc mình (cười).

Trong chương trình Cassete VTV3 Hoài niệm, MC Anh Tuấn giới thiệu Trần Tiến là nhạc sỹ có công mở đường cho nền âm nhạc Việt Nam đương đại. Ông có thể cho thế hệ sau một vài lời khuyên gì không?

Nhạc sĩ Trần Tiến vẫn phong độ ở tuổi U80.                                       Ảnh: NVCC.

Nhạc sĩ Trần Tiến vẫn phong độ ở tuổi U80.                                       Ảnh: NVCC.

Mỗi thế hệ hãy sống và tự mình lựa chọn cho phù hợp với thời của mình. Không ai có thể khuyên bảo được ai. Mỗi con người, ngọn cỏ, con dế, con kiến... đều là một sinh linh, ngang hàng nhau trong vũ trụ. Nếu cần phải nghe lời khuyên, chỉ là vấn đề nên học hỏi và tôn trọng nhau để cùng sống dưới một mặt trời.

Ngày thống nhất đất nước, tôi mới có dịp vào Sài Gòn học hỏi âm nhạc Âu - Mỹ từ các nhạc sỹ, nhạc công nổi tiếng trước 1975. Lúc đó, ngoài Bắc còn chưa biết điệu slow rock là gì. Tôi chỉ là người đầu tiên thể nghiệm các phong cách nhạc đương đại vào giai điệu, lời ca Việt Nam. Từ nhạc Pop, Rock, đến Jazz, Blues, Disco, Dance đến Hiphop và Rap. Tôi may mắn được công chúng yêu thích và ủng hộ. Các bạn trẻ bây giờ, không cần phải nghe lời khuyên của bất cứ ai. Hãy tự tìm kiếm con đường của mình! Thời nào có nhạc đó. Luôn nhớ về truyền thống, nhưng không bao giờ quay lại phía sau. Các bạn đã làm rất tốt, vì đơn giản, nhạc các bạn đã có số view rất cao cho những thành công của mình.

Chúc các bạn sống thú vị và đương đại trên con đường dài của tuổi trẻ. Không cần phải tham khảo gì bọn tôi, những kẻ đang ngồi ngắm con đường ngắn ngủi của tuổi già. 

Chúc nhạc sĩ nhiều niềm vui, cảm hứng sáng tác và may mắn trong năm mới!

(Thực hiện)

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Nguyễn Xuân Son nhận thưởng cao nhất đội tuyển Việt Nam

Tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son là cầu thủ nhận thưởng cao nhất đội tuyển Việt Nam, khoảng 3,5 tỷ đồng tính đến thời điểm này.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.