| Hotline: 0983.970.780

Nhận diện công nghệ để nâng cao giá trị tôm

Thứ Sáu 29/11/2019 , 08:50 (GMT+7)

Ngành nuôi tôm nước ta đang sôi động với rất nhiều quy trình kỹ thuật đã đặt ra vấn đề nhận diện công nghệ cao để phát triển bền vững nâng cao giá trị tôm Việt.

Phóng viên có cuộc trao đổi với TS Cao Lệ Quyên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Bộ NN-PTNT.

15-21-55_2811191
TS Cao Lệ Quyên.

Bà Cao Lệ Quyên cho biết, nuôi tôm Việt Nam đang gặp phải một số vấn đề như diện tích nuôi tôm chủ yếu là quảng canh cải tiến, năng suất nuôi thấp, trung bình chỉ 0,3-0,5 tấn/ha. Môi trường ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, chi phí sản xuất còn cao, hiệu quả nuôi và thị trường chưa ổn định.

Trong lúc đó, trình độ lao động nuôi tôm còn thấp, áp dụng công nghệ cao hạn chế. Về tổ chức thì liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị, chia sẻ rủi ro rất khó khăn; cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện đều chưa đáp ứng nhu cầu.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2025 theo Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ, cần thiết phải cập nhật, cải thiện công nghệ nuôi tôm nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường.
 

Quy trình nuôi đã có nhiều hướng mở

Hiện nuôi tôm đã áp dụng nhiều công nghệ mới với xu hướng chung là gì?

Khái niệm quy trình nuôi đã có sự thay đổi, theo hướng mở hơn; trước đây hệ thống nuôi tôm đóng, còn bây giờ chuyển đổi sang hệ thống mở. Trước năm 2010, các công nghệ nuôi tôm gồm có nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh với đặc điểm chung là phân biệt dựa trên mật độ và năng suất nuôi, điều kiện cơ sở hạ tầng, diện tích ao nuôi. Còn bây giờ các mô hình công nghệ cao như hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS), nuôi tôm nước chảy kiểu sông trong ao (raceway), nuôi tôm theo quy trình 3 pha trong ao, nuôi siêu thâm canh nhiều tầng, nuôi siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm sử dụng thức ăn có nguồn gốc từ thực vật lên men và mô hình nuôi biofloc, semi-biofloc, copefloc…

Thiết kết cơ sở hạ tầng kỹ thuật ao nuôi thay đổi như thế nào?

Có rất nhiều loại ao nuôi tôm với thiết kế khác nhau. Ao đất thiết kế chìm không lót bạt hoặc có lót bạt xung quanh bờ ao. Ao đất thiết kế bán nổi có lót bạt xung quanh bờ ao và đáy ao. Lại có ao đất thiết kế nổi được lót bạt toàn bộ ao. Còn có bể nuôi tôm bằng khung sắt được lót bạt xung quanh, đặt nổi trên mặt đất.

Còn sự thay đổi về quy trình kỹ thuật, thiết bị công nghệ nuôi tôm?

Chúng ta thấy, nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến có diện tích mặt nước nuôi tôm thường chiếm 95 - 100% diện tích khu nuôi, mỗi ao rộng 1 - 2ha. Mật độ thả giống dưới 10 con/m2, thời gian nuôi một vụ kéo dài 4 - 5 tháng. Thức ăn cho tôm chủ yếu từ tự nhiên. Chi phi đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu thấp.

Sang nuôi thâm canh và bán thâm canh, diện tích mặt nước nuôi tôm chỉ chiếm 70 - 75% tổng diện tích khu nuôi bởi phải dành 25 - 30% làm các công trình phụ trợ, diện tích mỗi ao còn khoảng 3.500m2. Mật độ thả giống 20 - 60 con/m2, thời gian nuôi một vụ giảm xuống còn 3 - 4 tháng. Thức ăn cho tôm chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Chi phi đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu cao.

Đến nuôi ứng dụng công nghệ cao, diện tích mặt nước nuôi tôm chỉ còn chiếm 25 - 30% tổng diện tích khu nuôi bởi phải dành 70 - 75% cho các công trình phụ trợ, diện tích một ao chỉ còn 1.500m2. Mật độ thả giống 250 - 300 con/m2, thời gian một vụ nuôi còn 3 tháng. Thức ăn cho tôm là thức ăn công nghiệp kết hợp với nhân nuôi sinh khối vi sinh vật làm thức ăn (Biofloc, semi-biofloc…). Chi phi đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu rất cao.

Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu gồm những gì?

Chủ yếu là thiết bị phụ trợ nuôi. Nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến không có thiết bị phụ trợ. Sang nuôi thâm canh và bán thâm canh, thiết bị phụ trợ là quạt tạo ô xy và thiết bị kiểm tra môi trường cầm tay. Còn nuôi ứng dụng công nghệ cao có rất nhiều thiết bị phụ trợ: Quạt tạo ô xy, sục khí đáy, máy cho ăn tự động, kiểm tra môi trường bằng tay, giám sát môi trường, hệ thống RAS, hệ thống nhà kính…

Khi đầu tư tăng lên thì kết quả nuôi cũng tăng lên. Nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến năng suất một vụ chỉ 0,1 - 0,5 tấn/ha và không ổn định, phụ thuộc vào tự nhiên nên rủi ro rất lớn về dịch bênh, môi trường. Nuôi thâm canh và bán thâm canh năng suất tăng lên một vụ 3 - 10 tấn/ha nhưng cũng không ổn định và vẫn gặp rủi ro về dịch bệnh, môi trường. Còn nuôi ứng dụng công nghệ cao, năng suất một vụ tới 30 - 50 tấn/ha, hiệu quả cao và ổn định vì ít chịu tác động từ bên ngoài, ít gặp rủi ro dịch bệnh, môi trường.
 

Thực tế nuôi tôm công nghệ cao

Thực tế khả năng ứng dụng công nghệ cao trong ngành tôm như thế nào?

Chúng tôi nghiên cứu ở 3 tỉnh là Sóc Trăng, Bạc Liêu. Nhìn chung cả 3 tỉnh, những khả năng khá cao là về hệ thống điện, trang thiết bị của cơ sở nuôi, thủy lợi, điều kiện thời tiết; khả năng kém nhất là xử lý chất thải, nước thải từ cơ sở nuôi tôm của chủ cơ sở, yếu kém này đều khắp cả 3 tỉnh.

Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu, bà thấy các công nghệ cao đang áp dụng hiện nay còn vấn đề gì không?

Các công nghệ đang áp dụng như RAS, bio-floc, siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm nhiều giai đoạn, quy trình nuôi tôm dựa trên công nghệ Copefloc, Biofloc, nuôi tôm sạch 5C là công nghệ cho quá trình nuôi tạo ra nguyên liệu tôm, đó là công nghệ “đầu vào”.

Đến nay chưa có nhiều công nghệ được nghiên cứu liên quan đến xử lý “đầu ra” từ nuôi tôm như nước thải, bùn thải... Mới có biogas nhưng quy mô còn ít và khó khăn trong nhân rộng.

Văn bản quản lý về “đầu ra” mới chỉ có QCVN 02-19:2014/BNNPTNT riêng cho nuôi nước lợ và QCVN 01-80:2011/BNNPTNT cho nuôi; chưa có quy chuẩn về bùn thải.

Các quy chuẩn chủ yếu quan tâm đến hàm lượng kim loại nặng và một số chất gây ô nhiễm môi trường mà chưa đề cập đến việc phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh trong nước thải và bùn thải của nuôi tôm nói riêng, nuôi trồng thủy sản nói chung.

Rất cần nghiên cứu để có quy định. Bởi vì, để đạt mục tiêu theo QĐ 79/QĐ-TTg thì cần thiết phải cập nhật, cải thiện công nghệ nuôi tôm nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội và quan trọng nữa là phải bảo vệ được môi trường.

15-21-55_2811192
Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính.

Bên cạnh, hướng dẫn quy trình kỹ thuật được ban hành mới chủ yếu cho nuôi thâm canh, bán thâm canh; chưa có hướng dẫn cho nuôi siêu thâm canh, công nghệ cao. Khái niệm thế nào là nuôi công nghệ cao hoặc nuôi siêu thâm canh đến nay cũng chưa rõ trong các văn bản quản lý.
 

Chính sách và hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ thuật ngành

Từ thực tế đó, bà có đề xuất gì về cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghệ cao?

Tổ chức nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ vốn đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; gồm hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, vốn đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị, hỗ trợ vốn chia sẻ rủi ro và tham gia bảo hiểm; chú trọng cả hỗ trợ đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao, nhân rông mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Nhà nước xây dựng ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật ngành, điều kiện để ứng dụng công nghệ cao, xây dựng quy trình nuôi ứng dụng công nghệ cao. Các địa phương quy hoạch riêng vùng nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao.

Trong phát triển công nghệ cao, nhân lực có vai trò quyết định mà lúc nãy bà cho biết trình độ lao động nuôi tôm còn thấp, áp dụng công nghệ cao hạn chế, vậy cần đào tạo thế nào để đáp ứng yêu cầu?

Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đủ số lượng và chất lượng là rất quan trọng. Theo tôi, cần đa dạng hóa các hình thức đào tạo, xã hội hóa đào tạo; khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia đào tạo thông qua xây dựng các mô hình khuyến ngư, gắn lý thuyết với thực tiễn. Địa phương thành lập các trung tâm ứng dụng, chuyển giao, hỗ trợ đào tạo công nghệ cao trong nuôi tôm. Hình thành hiệp hội nuôi tôm để hỗ trợ đào tạo; phát triển việc ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới. Chú trọng chính sách hỗ trợ sinh viên học ngành nuôi trồng thủy sản.

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.