| Hotline: 0983.970.780

Nhật Bản hỗ trợ nâng chuỗi giá trị cây trồng an toàn

Thứ Bảy 24/09/2022 , 16:21 (GMT+7)

HÀ NỘI Trước khi bắt tay vào sản xuất, người nông dân cần nghĩ xem ai sẽ mua sản phẩm của mình, cần phải định hình sẽ tiếp cận thị trường nào…

Hội thảo chia sẻ kiến thức Dự án 'Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam'. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hội thảo chia sẻ kiến thức Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam”. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bài học kinh nghiệm từ các địa phương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa tổ chức hội thảo chia sẻ kiến thức Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Dự án).

Hội thảo hướng đến việc xác định thách thức và bài học kinh nghiệm nhằm tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Tại tỉnh Hải Dương, hiện có trên 15.500ha diện tích sản xuất rau quả áp dụng theo quy trình GAP, trên 5.000ha rau được sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Tỉnh cũng có 94 vùng trồng rau, trái cây với diện tích trên 1.200ha được cấp chứng nhận theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.

Các địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến hữu ích trong việc tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Ảnh: NNVN.

Các địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến hữu ích trong việc tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Ảnh: NNVN.

Nhằm tăng cường hoạt động xây dựng chuỗi giá trị cây trồng an toàn và tiếp thị cây trồng an toàn tại địa phương, thời gian qua, Ban Quản lý Dự án Hải Dương cho biết tỉnh đã triển khai hỗ trợ quy vùng sản xuất, cấp chứng nhận VietGAP vùng sản xuất rau quả an toàn, hỗ trợ một phần vật tư (giống, phân bón, thuốc BVTV) cho vùng sản xuất.

Trong công tác phát triển thị trường, địa phương đã tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ xúc tiến thương mại; tổ chức và tham gia các hội chợ trong, ngoài nước cho các doanh nghiệp, trang trại, HTX và các hộ sản xuất tham gia quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Chia sẻ tại Hội thảo, Ban Quản lý Dự án tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh đã có chính sách, chương trình hỗ trợ sản xuất quy hoạch vùng trồng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, sơ chế, chế biến, tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá đưa sản phẩm nông sản Sơn La lên các sàn giao dịch điện tử, phát triển các website giới thiệu, quảng bá, bán hàng, mở rộng thị trường bán hàng trực tuyến, kết nối để các doanh nghiệp, hợp tác xã có thị trường tiêu thụ ổn định.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng đang đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, hoa quả, cây dược liệu vùng Tây Bắc, tăng cường nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Dự án sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mối liên kết giữa người sản xuất với thị trường. Ảnh: TL.

Dự án sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mối liên kết giữa người sản xuất với thị trường. Ảnh: TL.

“Hiện nay, một số sản phẩm nông sản có sản lượng lớn của tỉnh đã chuyển từ bán dạng tươi sang sơ chế, chế biến như quả nhãn nhằm vừa nâng cao giá trị, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, qua đó đã hình thành chuỗi khép kín liên kết từ khâu sản xuất gắn với sơ chế, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ và từng bước nâng tầm từ chuỗi nông sản, thủy sản an toàn lên thành chuỗi giá trị”, đại diện Sơn La chia sẻ.

Với 26 trung tâm thương mại, 142 siêu thị (trong đó có 110 siêu thị kinh doanh tổng hợp có kinh doanh lương thực, thực phẩm), chủ yếu tập trung tại các quận nội thành; 455 chợ, trên 1.800 cửa hàng tiện ích, 809 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm…, hiện nay, Hà Nội là một thị trường kinh doanh tốt và là nơi tập trung các đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả nước.

Ban Quản lý Dự án Hà Nội thông tin, hiện nay, Thành phố có sản lượng sản xuất rau củ 1 tháng là 67.299 tấn, trong khi nhu cầu của Thành phố là 103.300 tấn/tháng.

“Như vậy, sản lượng tự sản xuất rau củ trên địa bàn mới chỉ đáp ứng 65,1% tổng nhu cầu. Lượng rau củ cần cung cấp từ bên ngoài Thành phố là 36.001 tấn, tương đương 34,9%”, đại diện Ban Quản lý Dự án Hà Nội nêu thực trạng.

Định hình tư duy thị trường cho nông dân

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam bên lề Hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia bày tỏ kì vọng, Dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp người sản xuất thông qua mô hình các HTX để phát triển chuỗi giá trị đến tận các thị trường với sự tham gia của 7 tỉnh miền Bắc và những bài học kinh nghiệm quý giá của JICA.

Theo đó, Dự án sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mối liên kết giữa người sản xuất với thị trường. Đồng thời, giúp người dân tiếp cận các thị trường tiêu thụ những sản phẩm chất lượng cao, những thị trường minh bạch trong các chứng nhận, chứng chỉ của các chuỗi sản xuất.

Ông Lê Quốc Thanh kỳ vọng Dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp người sản xuất thông qua mô hình các HTX. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Lê Quốc Thanh kỳ vọng Dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp người sản xuất thông qua mô hình các HTX. Ảnh: Phạm Hiếu.

Dự án đã lựa chọn các địa phương đang phát triển mạnh mẽ sản xuất rau quả, từ đó xây dựng kế hoạch cho từng chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bàn ăn.

“Thông qua Dự án, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và JICA cũng muốn định hình tư duy thị trường cho người nông dân. Trước khi bắt tay vào sản xuất, người dân cần phải nghĩ xem ai sẽ mua sản phẩm của mình, cần phải định hình sẽ tiếp cận thị trường nào, từ đó mới có được quy trình sản xuất đi kèm. Việc hình thành tư duy thị trường cho người sản xuất cũng phù hợp với định hướng phát triển, lan tỏa tư duy kinh tế nông nghiệp hiện nay”, ông Lê Quốc Thanh bày tỏ.

Để làm được điều đó, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, đầu tiên Dự án đã xác định, lựa chọn mục tiêu rõ ràng những thị trường mà sản phẩm của các HTX tham gia Dự án cần hướng đến. Sau đó, Dự án sẽ cung cấp các giải pháp công nghệ, kỹ thuật cho đối tượng sản phẩm đó có thể đạt được những tiêu chuẩn của thị trường mục tiêu.

Bà Kaigai Mariya, chuyên gia của Văn phòng JICA Nhật Bản, phụ trách Dự án. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bà Kaigai Mariya, chuyên gia của Văn phòng JICA Nhật Bản, phụ trách Dự án. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo bà Kaigai Mariya, chuyên gia của Văn phòng JICA Nhật Bản, phụ trách Dự án, thông qua Dự án, JICA sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để cải thiện chuỗi giá trị cây trồng an toàn.

“Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy việc sản xuất an toàn cũng như áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân. Bên cạnh gia tăng thu nhập, việc sản xuất an toàn còn là điều kiện bắt buộc để nông dân có thể tham gia và duy trì bền vững trên thị trường”, bà Kaigai Mariya lưu ý.

Theo đó, qua việc tăng cường năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, đại diện JICA mong muốn nông dân Việt Nam có thể duy trì hoạt động sản xuất an toàn ngay cả khi Dự án kết thúc.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm