Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một vật thể được cho là đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa (Ảnh: Reuters) |
Trong thông báo phát đi ngày 3/9, Triều Tiên cho biết nước này đã thử thành công bom nhiệt hạch và tuyên bố có thể kích nổ quả bom ở tầng khí quyển cao để tạo ra xung điện từ (EMP). EMP là một loại sóng, có thể làm cháy các thiết bị điện và phá hủy hệ thống thông tin liên lạc trong vòng bán kính hàng trăm km.
Các chuyên gia cho biết một quả bom hạt nhân phát nổ ở độ cao từ 30-400 km có thể làm tê liệt gần như tất cả các thiết bị điện trong phạm vi nổ của nó, bao gồm hệ thống máy vi tính, điện và thông tin liên lạc. Sau đó, sẽ phải mất nhiều năm mới có thể khắc phục được các sự cố này.
Mặc dù vậy, báo cáo năm 2008 của một ủy ban tại Mỹ, vốn được giao nhiệm vụ đánh giá về EMP với Quốc hội, Tổng thống và các cơ quan chính phủ Mỹ, không coi loại vũ khí này là một mối đe dọa quá nghiêm trọng.
“Xung điện từ được tạo ra từ một vụ nổ hạt nhân trên cao chỉ là một trong số ít các mối đe dọa đặt xã hội chúng ta trước nguy cơ của các hậu quả thảm khốc”, báo cáo cho biết.
Một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về các kết luận trong báo cáo trên. Trong khi đó, các chuyên gia khác cho rằng Triều Tiên sẽ không tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân như vậy, vì nếu điều đó xảy ra, Bình Nhưỡng sẽ ngay lập tức hứng chịu một cuộc tấn công đáp trả quy mô lớn từ Mỹ.
Tuy nhiên, điều đáng báo động nhất đó là, Triều Tiên vẫn có thể gây ra một cuộc tấn công EMP mà không cần phóng tên lửa đạn đạo phức tạp. Thay vào đó, chỉ cần một quả bom đơn giản cũng có thể tạo ra một vụ tấn công xung điện từ.
“Triều Tiên có thể tấn công EMP nhằm vào Mỹ bằng cách phóng một tên lửa tầm ngắn từ một tàu nổi hoặc một tàu ngầm, hay phóng một đầu đạn ở độ cao 30 km. Thậm chí chỉ một đầu đạn phát nổ ở độ cao 30 km cũng có thể đánh sập hệ thống điện phía đông, vốn tạo ra 75% lượng điện của Mỹ và cung cấp điện cho phần lớn người dân Mỹ”, William Graham, chủ tịch ủy ban quốc hội Mỹ, nhận định.
Các chuyên gia cũng nhận định nếu Triều Tiên tấn công xung điện từ, Nhật Bản sẽ bị tổn thất nhiều hơn so với Mỹ vì Washington đã có các biện pháp bảo vệ các cơ sở trọng yếu của chính phủ và Bộ quốc phòng trước nguy cơ từ EMP.
Nhật Bản lo ngại
Đồ họa mô phỏng bán kính ảnh hưởng của cuộc tấn công xung điện từ nếu bom hạt nhân phát nổ ở độ cao 30 km và 135 km. (Ảnh: Japan Times) |
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản cho biết nước này mới chỉ đang ở giai đoạn đầu tiên của quá trình đánh giá mối đe dọa từ EMP, đồng thời chỉ ra rằng phát biểu của ông Suga cho thấy chính phủ “mới chỉ bắt đầu nghiên cứu” vấn đề này.
Thiếu tướng về hưu Takashi Onizuka của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản từ lâu đã cảnh báo một cuộc tấn công hạt nhân tạo ra xung điện từ có thể là “thảm họa” đối với Nhật Bản.
“Cho tới mãi gần đây Nhật Bản mới nhận thức được mối đe dọa từ EMP”, ông Takashi cho biết, đồng thời khẳng định ông không tin Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã chuẩn bị phương án đối phó với EMP.
Theo tướng Takashi, nếu một quả bom nguyên tử với sức công phá 10 kiloton phát nổ ở độ cao trên 30 km tại khu vực Kanto, tầm ảnh hưởng EMP mà nó gây ra sẽ bao trùm khu vực trong bán kính 602 km, tức là toàn bộ khu vực Honshu. Còn nếu phát nổ ở độ cao 135 km, bán kính ảnh hưởng của quả bom đó sẽ mở rộng lên tới 1.300 km, tức bao trùm toàn bộ khu vực Hokkaido và Kyushu.
Trong một bài viết năm 2016, ông Takashi từng cảnh báo rằng một cuộc tấn công xung điện từ có thể gây thiệt hại hoặc phá hủy hoàn toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc và giao thông của Nhật Bản. Ngoài ra, EDM cũng sẽ làm tê liệt các ngân hàng, bệnh viện và các nhà máy điện hạt nhân của nước này.
“Nếu việc cấp điện cho một nhà máy điện hạt nhân bị dừng lại, trong khi nhà điều hành chưa kịp xử lý tình huống bằng cách vận hành hệ thống điện hay máy phát điện tạm thời, nó có thể dẫn tới tình trạng khẩn cấp giống như vụ nhà máy điện hạt nhân Fukushima”, ông Takashi cho biết, đề cập tới thảm họa rò rỉ phóng xạ tại Nhật Bản cách đây 6 năm.
Trong khi đó, tại một cuộc họp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật Bản hồi tháng 5, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Hạt nhân (NRA), thừa nhận rằng các nhà máy điện hạt nhân tại nước này vẫn chưa có bất kỳ biện pháp cụ thể nào để đối phó với mối đe dọa từ tấn công xung điện từ.
Ông Tanaka cho biết hệ quả của một cuộc tấn công xung điện từ vẫn chưa được xem xét theo các quy chuẩn về an toàn hạt nhân tại Nhật Bản. Còn trong trường hợp chiến tranh xảy ra, NRA sẽ yêu cầu đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản.