| Hotline: 0983.970.780

Nhiệt điện than và nguy cơ với thủy sản

Thứ Hai 06/01/2020 , 09:50 (GMT+7)

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (tổ chức khoa học - công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) vừa có nghiên cứu “Phân tích chi phí, lợi ích của kịch bản năng lượng dưới góc nhìn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

08-18-14_0301201
Chuyên gia sinh thái Nguyễn Hữu Thiện.

Nghiên cứu đã đưa ra nhiều thông tin về ảnh hưởng môi trường của nhiệt điện than. Trong đó, chuyên gia sinh thái Nguyễn Hữu Thiện nghiên cứu sâu về nguy cơ đối với thủy sản ĐBSCL và ông có cuộc trao đổi với NNVN.
 

Thủy sản di cư

Vùng thủy sản quốc gia ở ĐBSCL có đặc điểm gì nổi trội cần chú ý, thưa ông?

Vùng thủy sản ĐBSCL quan trọng nhất là lưu vực các cửa sông đổ ra biển, gồm lưu vực sông và cả diện tích biển gần bờ vì đó là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản.

Bởi vì các loài thủy sản luôn di chuyển và sự di chuyển của thủy sản giữa sông với biển được xếp thành ba loại: Anadromous là các loài thủy sản sống phần lớn thời gian ở biển nhưng phải đi vào nước ngọt để sinh sản; Catadromous là các loài ngược lại, sống ở nước ngọt nhưng ra biển sinh sản; Potamodromous sống hoàn toàn trong nước ngọt nhưng phải di cư, thường là đường dài, trong hệ thống sông để sinh sản, tìm mồi, sinh sống.

Ông có thể cho ví dụ về một số loài thủy sản có giá trị ở ĐBSCL di chuyển giữa các vùng mặn, ngọt, lợ trong các giai đoạn vòng đời của chúng?

Chẳng hạn cá bông lau (Pangasius krempfi), một loài trong nhóm Anadromous, là cá nước ngọt nhưng di chuyển ra biển trong một số giai đoạn của vòng đời. Sau khi sinh sản ở các vùng thác trung lưu Mekong, trứng trôi xuống vùng hạ lưu ĐBSCL, loài cá này khi còn nhỏ sinh sống một số giai đoạn ở Biển Đông đến khi đạt kích cỡ nào đó, di chuyển vào vùng nước ngọt và lên nam Lào vào tháng 5 - 6 để sinh sản vào đầu mùa mưa.

Đây là một trong các loài có đường di cư dài nhất của các loài cá Mekong. Tương tự là cá tra bần (Pangasius mekongensis) cũng sinh sống vùng cửa sông ở ĐBSCL và di cư ngược dòng sông Mekong lên nam Lào để sinh sản. Chúng là đối tượng khai thác quan trọng đối với nghề đánh cá ở các vực nước sâu trên sông Tiền, sông Hậu như cù lao Tân Lộc, kinh Vàm Nao và vùng ven biển.

Một loại đặc sản của ĐBSCL là cá kèo (Pseudapocryptes elongatus), theo nghiên cứu của Đại học Cần Thơ, chúng di cư ra biển mỗi tháng 2 lần tương ứng với 2 thời kỳ triều lên trong tháng là con nước rằm và cuối tháng. Trong đó cá di cư với số lượng lớn và thường xuyên hơn trong thời kỳ con nước cuối tháng.

Về kích cỡ, chúng bắt đầu di cư ở chiều dài 116,1mm và di cư nhiều nhất khi đạt chiều dài 147,8mm. Hầu hết cá di cư đều chưa đến giai đoạn thành thục sinh dục. Mặc dù nhiệt độ nước biến động không lớn giữa các tháng nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy cá di cư nhiều hơn khi nhiệt độ thấp; ngược lại, cá di cư ít khi nhiệt độ cao hơn.

Còn cá ngát (Plotosus canius) sống được ở cả ba môi trường nước ngọt, lợ và mặn, thường phân bố khá rộng từ vùng nước ngọt trên sông Tiền, sông Hậu đến vùng nước lợ ở cửa sông và ven biển.

Với họ hàng nhà tôm, như tôm càng xanh vòng đời có 4 giai đoạn rõ ràng là trứng, ấu trùng, hậu ấu trùng và tôm trưởng thành. Tôm trưởng thành sống ở vùng nước ngọt, thành thục và giao vĩ trong nước ngọt, sau đó di cư ra vùng nước lợ (có độ mặn 6 - 18%o) và ấu trùng nở ra, sống phù du trong nưóc lợ. Khi hoàn thành 11 lần lột xác để thành tôm con thì di chuyển dần vào vùng nước ngọt.

Trong tự nhiên, tôm thành thục và giao vĩ xảy ra hầu như quanh năm. Tùy từng nơi mà chỉ tập trung vào những mùa chính, ở ĐBSCL có hai mùa tôm sinh sản chính là tháng 4 - 6 và tháng 8 - 10. Tôm cái thành thục lần đầu ở 3 - 3,5 tháng kể từ hậu ấu trùng 10 - 15 ngày tuổi. Kích cỡ tôm nhỏ nhất đạt thành thục được ghi nhận là khoảng 10 - 13cm và 7,5g.
 

Ô nhiễm nhiệt

Đã có nhiều chuyên gia cảnh báo ảnh hưởng của nhà máy nhiệt điện than với thủy sản ĐBSCL nhưng cụ thể như thế nào, qua nghiên cứu của ông?

Trước tiên dễ thấy là nhà máy nhiệt điện than sẽ gây ô nhiễm nhiệt môi trường nước. Vì lượng nước làm mát của các nhà máy nhiệt điện than lấy trực tiếp từ sông Hậu, sông Tiền, sau khi làm mát thì xả ra lại dòng sông với nhiệt độ chênh lệch 7oC, làm cho nhiệt độ khúc sông gần miệng xả tăng lên, gây ra ô nhiễm nhiệt. Đó là sự hủy hoại chất lượng nước bởi những tiến trình làm thay đổi nhiệt độ của nước.

08-18-14_0301202
Ông Nguyễn Hữu Thiện: Tình trạng ô nhiễm nhiệt đối với nguồn nước là chắc chắn xảy ra.

Các hậu quả cụ thể như gây sốc nhiệt cho các loài sinh vật: Trong môi trường thiên nhiên, các loài sinh vật thủy sinh sống và tăng trưởng trong giới hạn biến động nhiệt độ hẹp, một số loài nhạy cảm nhiệt có thể chết do sự thay đổi nhiệt độ vượt khỏi mức chịu đựng.

Ô nhiễm nhiệt còn làm thay đổi lượng oxy hòa tan trong nước. Việc tăng nhiệt độ của nước làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước. Bên cạnh đó, làm thay đổi sự phân bố tự nhiên của các loài sinh vật thủy sinh. Thành phần và sự đa dạng các loài thủy sinh trong khu vực gần nơi xả nước làm mát nhà máy sẽ bị ảnh hưởng do trực tiếp tiếp xúc với nhiệt quá cao, sự di chuyển của các sinh vật ra xa khỏi môi trường không thuận lợi vì thiếu oxy và nhiệt độ cao.

Theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, có 12 nhà máy nhiệt than với tổng công suất 15.780MW dự kiến được xây dựng tại khu vực ĐBSCL. Như vậy, cùng với 2 nhà máy đã xây dựng, đi vào vận hành (Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3), tới năm 2030, tổng công suất từ nhiệt than sẽ là 18.268MW. Nghiên cứu của ông có tính được sự ô nhiễm nhiệt khi đó như thế nào không?

Tính toán của chúng tôi, nước làm mát được giả định có nhiệt độ đầu vào là 25 - 27oC (có thể lên tới 32oC vào mùa hè) và nhiệt độ đầu ra cao hơn so với nhiệt độ đầu vào là 7oC thì nhiệt độ ở nhiều khúc sông bị tăng lên.

Nếu số nhà máy nhiệt điện than được xây dựng theo quy hoạch mà không bị hạn chế thì từ năm 2020 đến năm 2050, tổng lượng nước làm mát tăng hàng năm 21,8 tỉ m3.

So với tổng lưu lượng sông Mekong trung bình 475 tỉ m3/năm, thì lượng nước làm mát chiếm đến 4,5%. Đây là tỉ lệ rất đáng kể.

Hơn thế, lượng nước sông Mekong vào Việt Nam thay đổi lớn theo mùa và theo năm. Mùa lũ có lưu lượng của năm trung bình khoảng 28.000 - 30.000 m3/s (tháng lớn nhất 32.000 - 34.000 m3/s) và mùa kiệt từ 3.000 - 5.000 m3/s (tháng kiệt nhất từ 2.200 - 2.500 m3/s).

Theo tính toán của Trung tâm Khí tượng quốc gia, tổng dòng chảy 6 tháng mùa cạn vào ĐBSCL trong giai đoạn 1994 - 2012 cao nhất là 150 tỉ m3 và thấp nhất (năm 1993) chỉ 79 tỉ m3.

Trong đó dòng chảy qua nhánh Sông Hậu chiếm 49% hoặc tương tương 73 tỉ m3 và thấp nhất là 40 tỉ m3.

Riêng cho trường hợp Trung tâm Nhiệt điện Long Phú ở nhánh sông Trần Đề, có thể làm tăng nhiệt độ nhánh sông này lên cao hơn nữa, tới 31,8 - 32,07oC.

Trong tình huống mùa khô, khi lưu lượng nhánh sông Hậu vào tháng kiệt nhất là 1.078 - 1.225 m/s, và tổng lượng nước làm mát Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu và Trung tâm Nhiệt điện Long Phú là 338,4 m3/s thì nhiệt độ sông Hậu đoạn đó bị tăng lên tới 31,48 - 31,6oC, cao hơn khá nhiều mức bình thường 25 - 27oC.

Nhánh sông Trần Đề có tỉ lệ dòng chảy là 21% tổng lưu lượng Mekong (21% của 2.200 - 2.500 m3/s), tương đương 462 - 525 m3/s, lưu lượng nước làm mát của Trung tâm Nhiệt điện Long Phú là 194,4 m3/s.

Đó mới tính toán theo thời tiết bình thường, còn tình huống đặc biệt khô hạn như năm 2016 thì ảnh hưởng sẽ rất lớn. Cũng cần nói rõ, các số liệu này vì dựa vào rất nhiều giả định nên chỉ mang tính chất tham khảo.

Trên thực tế, nước sông có thể bị ảnh hưởng bởi thủy triều lên xuống, sự lan truyền nhiệt có thể không đồng nhất do ảnh hưởng của dòng chảy, và mức tăng nhiệt độ của nước sông có thể thấp hơn nhưng thời gian giữ nhiệt lâu hơn vì trong nước sông có chứa phù sa. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nhiệt đối với nguồn nước là chắc chắn xảy ra.

Sông Mekong về ĐBSCL đổ ra biển có nhiều cửa, tại sao ông vừa nhấn mạnh đến cửa Trần Đề?

Vì ở nhánh sông Trần Đề đang xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than. Trong lúc, môi trường cửa sông là một trong những nơi giàu tài nguyên thủy sản nhất trên thế giới. Rất nhiều loài thủy sản di chuyển vào ra hành lang này, từ biển vào sông và từ sông ra biển trong vòng đời của chúng. Khi ô nhiễm nhiệt độ xảy ra, thiệt hại chưa lường hết được, chỉ dự đoán là rất lớn.

Có vấn đề thời sự hiện nay là các nhà máy nhiệt điện than gây ra bụi và mưa axít, việc đó có ảnh hưởng tới thủy sản không?

Các nhà máy nhiệt điện than phát thải các chất khí như SOx, NOx là nguồn đóng góp quan trọng cho mưa axít. Mưa axit có thể làm ô nhiễm nguồn nước, đất và một loạt các thiệt hại môi trường khác. Mưa axít xảy ra khi các chất khí thải như SOx, NOx phản ứng với các phân tử nước trong khí quyển tạo ra sulfuric acid (H2SO4) rơi xuống đất khi gặp mưa, tạo thành mưa axít (pH dưới 5.6). Mưa axít ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái, thông qua ảnh hưởng sinh sản và khả năng sống của các loài sinh vật thủy sinh.
 

Cần quan tâm tổng lượng phát thải

Những người ủng hộ nhiệt điện than gần đây có giải thích về công nghệ siêu tới hạn và trên siêu tới hạn thải ra ít tro xỉ và bụi, ông đánh giá thế nào?

Việc áp dụng công nghệ mới như siêu tới hạn (SC) hoặc trên siêu tới hạn (USC) dù là một bước tiến quan trọng, có thể giúp tăng hiệu suất phát điện và giảm lượng nhiên liệu sử dụng, lượng phát thải và tro xỉ với cùng một lượng điện năng tạo ra nhưng vẫn không giảm được lượng phát thải, tro xỉ, và lượng nhiệt làm mát trên tấn nhiên liệu.

Do đó, nếu có nhiều nhà máy phát điện tập trung xả thải nước làm mát vào cùng một thủy vực thì tổng lượng ô nhiễm nhiệt vẫn có thể vượt ngưỡng chịu đựng của hệ sinh thái hoặc nếu có nhiều nhà máy tập trung ở một khu vực địa lý thì tổng lượng phát thải vẫn có thể vượt ngưỡng an toàn về sức khỏe cộng đồng.

Nhưng các nhà máy nhiệt điện than đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan thẩm quyền phê duyệt...

Thực tế cho thấy các dự án thường được đánh giá tác động môi trường riêng lẻ và trong phạm vi hẹp về địa lý. Ví dụ khi đánh giá về ô nhiễm nhiệt của các trung tâm nhiệt điện gồm một cụm nhiều nhà máy nhiệt điện hoặc khi có nhiều trung tâm nhiệt điện đặt trên cùng một dòng sông, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường cho từng nhà máy nhiệt điện riêng lẻ sẽ không thấy được tác động tích lũy của sự tăng nhiệt độ do tác động của nước thải làm mát từ tất cả các nhà máy đối với dòng sông.

08-18-14_0301203
Danh sách nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL theo quy hoạch hiện nay. Tuy nhiên, theo báo cáo số 58/BC-BCT ngày 4/6/2019 của Bộ Công thương, phần lớn dự án chậm tiến độ, một số đang bị đề nghị loại bỏ khỏi quy hoạch.

Đối với tác động về sinh thái, việc đánh giá tác động môi trường riêng lẻ cho từng dự án trong phạm vi vùng dự án như cách làm hiện nay sẽ không cho thấy được tác động lên hệ sinh thái. Các hệ sinh thái không phải là các hệ tồn tại trong trạng thái tĩnh mà sự biến thiên theo mùa, ví dụ mùa lũ và mùa kiệt.

Và như trên tôi đã nói, giữa các loại sinh cảnh có sự giao lưu, trao đổi và phụ thuộc lẫn nhau, ví dụ sự di cư sinh sản, sinh trưởng, tìm thức ăn của các loài thủy sản giữa các vùng nước mặn, ngọt, lợ và sự di cư đường dài của các loài thủy sản từ vùng biển ĐBSCL lên thượng nguồn sông Mekong tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa môi trường sông và môi trường biển. Tác động ở một nơi có thể dẫn đến tác động ở phạm vi địa lý lớn hơn và thậm chí có tác động xuyên biên giới.

Thực tế cho thấy các báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án riêng lẻ thường được thực hiện khi các dự án đã được phê duyệt về mặt chủ trương và không có thông tin sớm về các tác động cho các quyết định phê duyệt ở tầm chiến lược này để giúp các cấp thẩm quyền có đủ thông tin cân nhắc trong quá trình phê duyệt.
 

Trong chọn lựa phương án phát điện, nếu chỉ so sánh lợi ích và chi phí thuần túy về mặt tài chính, hoặc chỉ đánh giá tác động tại chỗ của từng dự án, trong khung thời gian ngắn, thì không đủ để đưa ra những quyết định sáng suốt nhằm tối ưu hóa sự cân bằng giữa lợi ích và chi phí.

Kiến nghị giới hạn phát thải toàn vùng

Tất cả các phương án phát điện đều có những thuận lợi và những tác động môi trường cần được giải quyết, trong đó có những tác động mang tính cục bộ về mặt địa lý như năng lượng mặt trời sử dụng tốn nhiều đất. Có những tác động có thể giải quyết được bằng biện pháp kỹ thuật; có những tác động vươn xa, khó giải quyết bằng biện pháp kỹ thuật và gây ảnh hưởng dây chuyền tạo ra các tác động khác về lâu dài, thưa ông?

Do đó, khi chọn lựa một hỗn hợp các phương án phát điện để đáp ứng nhu cầu phát triển, cần có sự cân nhắc ở tầm chiến lược, xem xét tác động tích lũy của tất cả các dự án, tác động dây chuyền ở không gian và thời gian phù hợp.

Cụ thể qua nghiên cứu này, ông có kiến nghị gì?

Tôi có 5 kiến nghị.

Một, để giúp những người có thẩm quyền ra quyết định với các dự án có thể đưa ra được những quyết định sáng suốt về việc chọn lựa gói hỗn hợp các phương án phát điện, công nghệ, vị trí đặt dự án, cần tiến hành đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) về năng lượng ở cấp khu vực cho ĐBSCL. Thực tế đã có ĐMC cấp quốc gia cho Quy hoạch điện 7, nhưng vì báo cáo ĐMC cấp quốc gia được thực hiện trên phạm vi cả nước nên đã không phản ánh được những vấn đề quan trọng về mặt môi trường đặc thù của ĐBSCL.

Hai, đối với ĐBSCL, cần đặc biệt chú ý vấn đề ô nhiễm nhiệt đối với sông ngòi vì thủy sản là một trong những trụ cột quan trọng của hệ sinh thái, kinh tế, văn hóa, và sinh kế của vùng ĐBSCL. Trong đó các cửa sông có vai trò đặc biệt quan trọng, là hành lang kết nối sinh thái giữa môi trường sông và môi trường biển.

Ba, đánh giá môi trường chiến lược ĐMC nên được tiến hành trước khi phê duyệt chủ trương cho các dự án và đánh giá tác động tích lũy của tất cả các dự án cùng lúc để đưa ra những quyết định chiến lược giảm thiểu được những tác động trên diện rộng, ảnh hưởng lớn.

Bốn, việc xem xét chi phí và lợi ích của các phương án phát điện không nên chỉ dựa đơn thuần vào chi phí đầu tư và lợi nhuận về tài chính mà cần bao gồm các chi phí về môi trường và xã hội, được tính đúng và đầy đủ với phạm vi không gian và thời gian phù hợp.

Cuối cùng, trong quy hoạch không gian vị trí các nhà máy phát điện, để bảo đảm an toàn cho môi trường, hệ sinh thái, và sức khỏe cộng đồng, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến (SC, USC) là rất cần thiết, tuy nhiên cần đưa ra quy định vế giới hạn phát thải đối với một vùng địa lý và giới hạn làm tăng nhiệt độ của một hay các thủy vực, đặc biệt là các thủy vực quan trọng như cửa sông. Tôi xin nhấn mạnh, đặc biệt là các thủy vực quan trọng như cửa sông.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.