| Hotline: 0983.970.780

Không giao mặt nước, làm sao cấp mã vùng nuôi thủy sản?

Nhiều địa phương chưa có quy hoạch vùng nuôi

Thứ Tư 22/11/2023 , 06:30 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều địa phương ven biển thuộc tỉnh Quảng Ninh chưa có hồ sơ, quy hoạch chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt để xác định vùng nuôi trồng thủy sản.

Lãnh đạo huyện Vân Đồn kiểm tra công tác xử lý các trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Lãnh đạo huyện Vân Đồn kiểm tra công tác xử lý các trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Lập lại trật tự trong nuôi trồng thủy sản

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có thế mạnh sản xuất tôm và nuôi biển khi sở hữu đường bờ biển dài trên 250km với 50.000ha eo biển, bãi triều cùng hơn 2.000 hòn đảo. Bên cạnh đó, tỉnh còn sở hữu môi trường, độ sâu nuôi phù hợp với nhiều động thực vật phù du, nhiều vụng kín, tốc độ dòng chảy nhỏ, ít ảnh hưởng bởi gió bão cũng như xa nguồn ô nhiễm dầu, chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt.

Cùng với đó, thị trường tiêu thụ tôm và sản phẩm nuôi biển của Quảng Ninh khá thuận lợi khi có các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, các cảng biển, cửa ngõ ASEAN. Vì vậy, ngành thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.

Mặc dù có tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản, nuôi biển nhưng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tình trạng nhiều hộ dân tự ý kéo lồng bè nuôi trồng thủy sản không phép, không chỉ gây ô nhiễm môi trường xung quanh, mà còn cản trở, gây mất an toàn giao thông tuyến đường thủy.

Trước tình hình đó, từ đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt ra quân tại các địa phương ven biển từ TX Quảng Yên đến TP Móng Cái, nhằm xử lý, xử phạt, tháo dỡ các trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép.

Đơn cử tại TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh), địa phương đã di dời, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản tại 9 khu vực rải rác trên biển vào các vùng tập trung theo quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản trên biển đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 156 ngày 17/01/2023. Đến nay, việc di dời, sắp xếp các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vùng biển Cẩm Phả vào vùng quy hoạch của thành phố đã hoàn thành.

TP Cẩm Phả đã yêu cầu các phường, xã tuyên truyền đến các hộ dân nuôi trồng thủy sản về việc di dời, tháo dỡ công trình nuôi trồng thuỷ sản trái phép, mục tiêu giảm thiểu tối đa thiệt hại cho các hộ như vận động các hộ thu hoạch thủy sản đã đạt kích thước thương phẩm để thực hiện di dời theo đúng tiến độ.

Sau hơn 1 tháng triển khai xử lý các trường hợp nuôi trồng trái phép trên biển, toàn thành phố đã thực hiện tháo dỡ, di dời xong 77/77 hộ vi phạm với tổng số 4.700 dây phao và  gần 2.500 mảng tre, đạt 100%.

Lực lượng chức năng thu gom, xử lý phao xốp trên vùng biển TP Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Thành.

Lực lượng chức năng thu gom, xử lý phao xốp trên vùng biển TP Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bên cạnh những địa phương đã cơ bản xử lý xong các trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép, vẫn còn tồn tại những hộ nuôi không chấp hành theo quy định. Tại khu vực tây nam đảo Tuần Châu và khu vực giáp ranh giữa TP Hạ Long và TX Quảng Yên nằm trên vịnh Hạ Long, qua kiểm tra cho thấy, có 56 trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép ngoài vùng quy hoạch với tổng diện tích khoảng 212ha. Nhiều hộ trong số này hiện sử dụng phao xốp, bè tre để nuôi trồng thủy sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường, an toàn giao thông luồng lạch.

Trước đây, UBND TP Hạ Long đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long và yêu cầu các hộ này di dời, tháo dỡ cơ sở nuôi trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên, nhiều hộ đã không chấp hành, tiếp tục nuôi trồng thủy sản trái phép.

Trước thực trạng này, UBND TP Hạ Long chỉ đạo các phòng, ban liên quan, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và phương án, sớm tổ chức cưỡng chế đối với các hộ nuôi trồng thủy sản trái phép này để bảo vệ môi trường biển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch tại vịnh Hạ Long.

Nhiều địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch vùng nuôi

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, mã số vùng nuôi là khâu cuối cùng của quá trình hoàn thiện thủ tục về nuôi biển. Để được cấp mã số nuôi trồng thủy sản, người dân phải đáp ứng những điều kiện như được giao mặt nước, có đơn đề nghị, hoàn thiện sơ đồ mặt nước.

"Đi kèm với đó là đề án (bản đồ) hay phương án (sơ đồ) mặt nước được địa phương phê duyệt. Hiện nay, có địa phương xây dựng được đề án kèm theo bản đồ như Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên. Cụ thể, các bản đồ chi tiết kẻ vẽ các ô, thửa, có tọa độ và giao cho dân. Các địa phương có sơ đồ như Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên nhưng còn sơ sài. Các địa phương Móng Cái, Hạ Long, Cô Tô chưa có sơ đồ vùng nuôi. Vì chưa hoàn thiện nên lãnh đạo huyện chưa phê duyệt được", ông Minh cho biết.

Người dân huyện Hải Hà thu hoạch ngao. Ảnh: Cầm Khuê.

Người dân huyện Hải Hà thu hoạch ngao. Ảnh: Cầm Khuê.

Tại TP Cẩm Phả, địa phương xây dựng vùng nuôi biển với diện tích 2.400ha. Tuy nhiên, đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển của TP Cẩm Phả chưa được phê duyệt vì thiếu quy hoạch chi tiết, bao gồm các yếu tố tác động môi trường, yếu tố phù hợp của từng đối tượng nuôi ở từng vùng nuôi.

Ngày 12/9/2023, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với UBND TP Cẩm Phả về rà soát hồ sơ phương án sử dụng không gian biển của địa phương. Tuy nhiên, TP Cẩm Phả chưa có hồ sơ sau rà soát, chỉnh sửa gửi về Sở NN-PTNT vì lý do thiếu nguồn thanh toán cho đơn vị tư vấn lập đề án.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Văn Cường, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Cẩm Phả, cho biết, phòng Kinh tế đã xây dựng đề án về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, dự kiến thuê đơn vị tư vấn chi tiết cho đề án. "Nhưng vướng mắc hiện nay là nguồn kinh phí chi trả cho đơn vị tư vấn thì chúng tôi chưa được phê duyệt", ông Cường chia sẻ.

Còn tại huyện Hải Hà, căn cứ Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND huyện Hải Hà đã phối hợp với Sở NN-PTNT tích hợp quy hoạch không gian biển phục vụ nuôi trồng thủy sản vào quy hoạch tỉnh với diện tích là 2.570 ha, tại 6 khu vực nuôi nhuyễn thể và nuôi lồng bè.

UBND huyện Hải Hà đã có Văn bản số 1772/UBND-NNPTNT ngày 8/8/2023 đề nghị thẩm định sơ đồ vùng nuôi trồng thủy sản trên biển huyện Hải Hà (kèm theo sơ đồ vị trí vùng nuôi trồng thủy sản trên biển). Ngày 13/10/2023, Sở NN-PTNT có Văn bản số 4791/SNNPTNT-CCTS về việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ phương án sử dụng không gian biển để giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản của các địa phương, trong đó có huyện Hải Hà.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, UBND huyện Hải Hà gặp vướng mắc vì hiện nay chưa có căn cứ pháp lý như Nghị định hay Thông tư quy định, hướng dẫn về định mức để lập dự toán kinh phí thuê đơn vị tư vấn trong lập đề án hoặc phương án và lập bản đồ quy hoạch phương án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, cũng như bố trí nguồn kinh phí thực hiện.

Hiện nay, nhiều địa phương còn gặp vướng mắc trong việc xây dựng đề án, lập bản đồ chi tiết quy hoạch vùng nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện nay, nhiều địa phương còn gặp vướng mắc trong việc xây dựng đề án, lập bản đồ chi tiết quy hoạch vùng nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, trước vướng mắc của huyện Hải Hà, ngày 13/11, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản số 5359 đề nghị UBND huyện Hải Hà nghiên cứu, tham khảo các định mức tài chính theo Văn bản số 4479/STC-QLNS ngày 29/8/2023 của Sở Tài chính.

Cụ thể, định mức chi trả công lao động cho các thành viên thực hiện Đề án theo Thông tư số 55/2015/TT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của liên Bộ Tài chính và Bộ Khoa học công nghệ về việc Hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phi đố với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; Quyết định số 2107/QĐ-UBND ngày 08/7/2016 của UBND tỉnh về việc Ban hành quy định định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đố với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

"Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, Chi cục Thủy sản thường xuyên đốc thúc các địa phương ven biển nhanh chóng hoàn thiện đề án, phương án quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, tiến độ thực hiện là rất chậm", ông Minh cho biết.

Tại TP Móng Cái, trong tổng số 135 cơ sở nuôi với tổng diện tích 35,8ha, trong đó được cấp phép là 2 cơ sở, chưa cấp phép 133 cơ sở (trong đó 112 cơ sở trong quy hoạch, 21 cơ sở ngoài quy hoạch). Đến nay, thành phố không phát sinh hộ nuôi mới ngoài quy hoạch. Đối với các cơ sở nuôi phù hợp với quy hoạch, chưa được giao khu vực biển, thành phố xử phạt 15 trường hợp.

Tại huyện Hải Hà, trong số 400 cơ sở nuôi với tổng diện tích 810ha, có 355 cơ sở được cấp phép, 45 cơ sở chưa cấp phép (trong đó có 22 cơ sở trong quy hoạch, 23 cơ sở ngoài quy hoạch). Huyện xử lý vi phạm hành chính 14 trường hợp. 

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Phối hợp xử lý tàu cá bị mất kết nối giám sát hành trình trên biển

BÌNH THUẬN Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá nhằm nỗ lực tháo gỡ 'thẻ vàng' EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.