| Hotline: 0983.970.780

Phòng bệnh trên tôm nuôi vụ đông

Thứ Ba 14/11/2023 , 08:46 (GMT+7)

QUẢNG NINH Trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, đặc biệt là thời điểm cuối năm, công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi vụ đông được xem là nhiệm vụ quan trọng.

Quảng Ninh hiện có 7.500ha tôm nuôi, trong đó khoảng 4.000ha nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh hiện có 7.500ha tôm nuôi, trong đó khoảng 4.000ha nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tôm là vật nuôi chủ lực trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dễ nảy sinh các nguy cơ dịch bệnh, người nuôi cần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ sản xuất.

Hiện, toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 32.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó, riêng nuôi tôm là 7.500 ha. Theo các hộ nuôi tôm, thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5, nắng nóng kéo dài, đã xuất hiện nhiều ổ dịch bệnh trên tôm nằm trong danh mục các bệnh phải công bố dịch.

Tôm chủ yếu bị các bệnh điển hình là đốm trắng, hoại tử gan tụy, vi bào tử trùng. Diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh hơn 98 ha thuộc 4 huyện của 109 hộ, chủ yếu tại các vùng nuôi tôm trọng điểm như Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên, Hạ Long.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng và nhà khoa học, trong thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài hoặc rét đậm rét hại sẽ dẫn tới nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh ở tôm nuôi.

Tại huyện Tiên Yên, trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại, huyện đã tập trung tuyên truyền đến các hộ nuôi tôm không được chủ quan, lơ là. Huyện Tiên Yên yêu cầu các xã, phường mở cống lấy nước vào những vùng nuôi tôm, tạo thuận lợi cho người dân nâng mực nước ao nuôi thích hợp.

Cùng với đó, khuyến cáo các hộ nuôi tôm dùng máy sục khí liên tục tạo nguồn lưu thông tăng lượng oxy trong đầm, hướng dẫn các hộ nuôi có chế độ chăm sóc đặc biệt cho giống thủy sản, cho ăn bằng thức ăn đủ chất dinh dưỡng hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao có bổ sung vitamin C và khoáng chất theo lượng quy định của nhà sản xuất.

Thời điểm cuối năm, công tác chủ động chống rét trong nuôi tôm công nghiệp đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện. Theo đó, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người nuôi tôm cần tuân thủ nghiêm hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản tại địa phương; chủ động xây dựng phương án phòng chống rét và sản xuất phù hợp.

Chủ động kiểm tra nguồn nước để đảm bảo môi trường nuôi tôm an toàn, sạch bệnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chủ động kiểm tra nguồn nước để đảm bảo môi trường nuôi tôm an toàn, sạch bệnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Để phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ sản xuất vai trò quan trọng nhất chính là sự chủ động của các hộ nuôi, vì vậy ngành chức năng khuyến cáo đối với các cơ sở các hộ nuôi chưa xảy ra dịch bệnh, phải thực hiện đầy đủ quy trình đảm bảo nuôi an toàn, chỉ mua giống tôm ở những cơ sở uy tín, được kiểm dịch và được xét nghiệm PCR, đảm bảo không có mầm bệnh ngay từ đầu vào.

Trong quá trình nuôi, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, những dấu hiệu bất thường khi nảy sinh, nhất là những nơi hạ tầng nuôi chưa hoàn thiện, đồng thời phải chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thuộc thủy, không sử dụng sản phẩm trôi nổi.

Đối với cơ sở đã bị dịch bệnh, phải cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, trung thực tới Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cũng như chính quyền sở tại, để có các biện pháp hỗ trợ nhanh chóng khoanh vùng xử lý dập dịch, giảm tối đa thiệt hại và không ảnh hưởng tới các hộ nuôi lân cận.

Tập trung xử lý, giám sát môi trường đầm nuôi đảm bảo an toàn mới tiến hành sản xuất. Đối với các cơ sở nuôi chưa xảy ra dịch bệnh trong vùng có dịch, phải áp dụng ngay các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh khu vực nuôi, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước để không có những yếu tố rủi ro xâm nhập.

Khi xảy ra những vấn đề bất thường, người nuôi tôm phải báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và tuyệt đối phải tuân thủ các biện pháp quy trình được cơ quan chức năng hướng dẫn.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường xuống địa bàn để nắm bắt, hỗ trợ các hộ nuôi trong quá trình dịch bệnh diễn ra phức tạp.

Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã và đang chủ động thực hiện quan trắc đánh giá môi trường nuôi, hỗ trợ các địa phương, người nuôi trồng thủy, hải sản về mức độ ô nhiễm môi trường nuôi, để có quy trình xử lý phù hợp, an toàn dịch bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm thủy, hải sản. 

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tạo cú hích cho Đề án 1 triệu ha lúa trong vụ đông xuân 2024-2025

Vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều giải pháp, mô hình đồng bộ sẽ được triển khai phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.