| Hotline: 0983.970.780

Nhiều giải pháp giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc

Thứ Hai 22/04/2019 , 13:10 (GMT+7)

Huyện Trà Cú (Trà Vinh) có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 60,8%). Trà Cú hôm nay đã có những chuyển biến tích cực, diện mạo các phum sóc khởi sắc, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.

14-17-03_dscn5860
Tuyến đường giao thông về xã Long Hiệp được làm từ vốn Chương trình 135

Với đặc thù là một huyện có đông người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức không đồng đều nên đời sống kinh tế – xã hội, điều kiện học tập và chăm sóc sức khỏe người dân còn khó khăn. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh, Trà Cú đã ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, từng bước thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con Trà Cú đã cải thiện và nâng cao.

Riêng năm 2018, Trà Cú triển khai 103 công về trình điện, giao thông, thủy lợi, nước sạch, trường học, y tế, chợ, nhà cộng đồng… với kinh phí 92 tỉ đồng. Bên cạnh đó, huyện thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về vốn theo các Quyết định 63, 65, 68 và Nghị quyết 55 của Chính phủ…, đã giải ngân gần 275 tỉ đồng. Từ các nguồn vốn đầu tư, năm 2018 Trà Cú đã chuyển đổi được 950 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi khác...

Từ khi triển khai các chính sách liên quan đồng bào Khmer, chính quyền cơ sở đã chủ động tổ chức những mô hình thực tiễn giúp phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo nhanh. Theo ông Nhan Na Ri, Phó Chủ tịch UBND huyện hiện nay, các tuyến đường liên xã đã nối kết tổng thể trong toàn huyện. Chương trình kéo điện về vùng đồng bào dân tộc Khmer, đã nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện lên 99,22%; có điện chẳng những thắp sáng mà còn giúp bà con tăng gia SX, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước.

14-17-03_dscn5866
Mô hình trồng ớt của nông dân Khmer xã Tập Sơn đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ Khmer nghèo

“Đến nay, Trà Cú có 4 xã đạt chuẩn xã NTM, có trên 65% hộ đạt 8 tiêu chuẩn gia đình NTM; 98,51% hộ sử dụng nước sinh hoạt (70,72% hộ dân sử dụng nước sạch). Với nhiều chương trình, nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi và các giải pháp tích cực, trong năm 2018, Trà Cú đã có 1.496 hộ thoát nghèo bền vững (trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer là 1.093 hộ), góp phần giảm hộ nghèo xuống còn 10,3% (với 4.351 hộ; trong đó, 3.166 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer), thu nhập đầu người trên 36 triệu đồng”, ông Nhan Na Ri nói .

Bên cạnh đó, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, đất ở, vốn phát triển SX là một trong những chính sách cơ bản giúp hộ nghèo vươn lên, việc hỗ trợ miễn, giảm học phí, kinh phí học tập, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện và lồng ghép tốt các chính sách an sinh xã hội đã giảm đáng kể gánh nặng về kinh tế cho hộ nghèo.

Anh Thạch Hoài ở ấp Nô Rè A, xã Long Hiệp (huyện Trà Cú) chia sẻ: “Mấy năm trước, tôi được hỗ trợ căn nhà tình thương và được hỗ trợ vốn nuôi bò. Ngoài ra, chúng tôi còn được tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo, được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, nhờ vậy gia đình an tâm hơn. Vẫn đi làm thuê nhưng giờ đây cuộc sống đã ổn định hơn rất nhiều, có được 3 con bò làm vốn nữa”.

14-17-03_dscn5870
Anh Thạch Hoài ở ấp Nô Rè A, xã Long Hiệp, vay vốn ưu đãi nuôi bò, đã giúp anh thoát nghèo

Còn ông Sơn Sa Lene, ở ấp Tắc Hố (xã Ngọc Biên) đã tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất vườn cây đang cho trái, trị giá không dưới 100 triệu đồng, cho biết: Con đường này trước đây chỉ là lối mòn nên đi lại, vận chuyển hàng hóa rất khổ. Nay được Nhà nước đầu tư làm đường nhựa, thương lái sẽ đến tận vườn mua nông sản với giá cả cao hơn, bộ mặt nông thôn đổi thay. Chính vì vậy, khi cán bộ đến vận động hiến đất làm đường, không suy tính thiệt hơn, tôi tự nguyện hiến đất để làm đường.

Đến xã Kim Sơn (người Khmer chiếm 93,57%), vùng đất từng được mệnh danh nghèo nhất tỉnh Trà Vinh; giờ tỷ lệ hộ giàu, khá và trung bình đã hơn 70%; nhà kiên cố và bán kiên cố trên 86%; hộ sử dụng điện và nước hợp vệ sinh chiếm trên 94%; có gần 97% hộ dân là gia đình văn hoá, nhiều hộ có thu nhập vài trăm triệu nhờ trồng mía và nuôi tôm sú.

Trầm Thị Sa Nên, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn: “Trước đây, nơi này là vùng kinh tế mới còn thưa người lắm, làm ruộng năng suất rất thấp nên nhiều người bỏ đi làm thuê, làm mướn. 5 năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là bắt tay vào xây dựng NTM, được sự giúp đỡ của Trung ương, tỉnh, huyện, mới chuyển qua nuôi tôm sú, trồng mía giống mới, áp dụng kỹ thuật vào trồng lúa…nên đời sống người dân thay đổi thấy rõ”.

 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.