| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chế biến nông sản

Thứ Năm 10/04/2025 , 04:34 (GMT+7)

Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Yên, địa phương đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà máy chế biến nông sản.

Kỳ vọng dự án liên kết khoảng 15.000 ha lúa

Phú Yên là tỉnh có diện tích đồng bằng lớn với đất đai màu mỡ và khí hậu 2 mùa rõ rệt. Tỉnh có hệ thống sông suối dày đặc, nguồn nước tương đối dồi dào nên thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp.

Nông dân Phú Yên thu hoạch lúa. Ảnh: KS.

Nông dân Phú Yên thu hoạch lúa. Ảnh: KS.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình thủy lợi như: Hệ thống thủy nông Đồng Cam, hệ thống thủy lợi Tam Giang, 51 hồ chứa, 1.156 km kênh mương và nhiều trạm bơm, đập dâng các loại cơ bản cung cấp đủ nước sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày, trong đó đảm bảo cung cấp đủ nước sản xuất khoảng 55.000 ha lúa/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Phú Yên, hiện tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên trên địa bàn tỉnh khoảng 164.321 ha, trong đó hơn 134.200 ha đất trồng cây hàng năm, còn lại đất trồng cây lâu năm.

Hàng năm diện tích gieo trồng của tỉnh khoảng 135.000 ha, chủ yếu tập trung vào nhóm cây trồng chính như lúa, ngô, mía, sắn.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có khoảng 7.300 ha cây ăn quả có chất lượng tại các huyện miền núi như: bơ, sầu riêng, mãng cầu, mít, cam, quýt, xoài bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phú Yên ứng dụng hệ thống giám sát côn trùng trong sản xuất lúa. Ảnh: KS.

Phú Yên ứng dụng hệ thống giám sát côn trùng trong sản xuất lúa. Ảnh: KS.

Để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất trồng trọt, nhất là sử dụng giống đạt chất lượng, nhân rộng các mô hình phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái chủ yếu trên cây lúa, ứng dụng phần mềm RiceMoRe hỗ trợ công tác theo dõi, quản lý và chỉ đạo sản xuất lúa; ứng dụng hệ thống giám sát sâu, rầy thông minh hỗ trợ quản lý, giám sát và cảnh báo sâu bệnh trên cây lúa và cây ăn quả. Đồng thời kết hợp với kỹ thuật canh tác phù hợp cho cây trồng nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Năm 2024, giá trị sản xuất trồng trọt của tỉnh đạt khoảng 5.502 tỷ đồng, vượt 1,3% kế hoạch, tăng 4,18% so với năm 2023. Trong đó sản lượng lúa đạt trên 395.000 tấn, vượt 2,2% kế hoạch, tăng 2,6% so với năm 2023. Tuy nhiên để nâng giá trị hơn nữa, tỉnh đang thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh.

Điều vui mừng là thời gian gần đây, tỉnh Phú Yên đã thu hút dự án “Vùng liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao, thu mua, chế biến xuất khẩu gạo tỉnh Phú Yên” của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ).

Nông dân Phú Yên rất kỳ vọng dự án liên kết sản xuất lúa gạo. Ảnh: KS.

Nông dân Phú Yên rất kỳ vọng dự án liên kết sản xuất lúa gạo. Ảnh: KS.

Dự án đã được UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 757 ngày 20/6/2023 chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Mục tiêu của dự án là xây dựng cụm nhà máy chế biến gạo xuất khẩu, gắn với xây dựng phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ tại các huyện, vùng trọng điểm lúa và lân cận tỉnh Phú Yên thông qua hình thức liên kết trên địa bàn các huyện: Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, thị xã Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Từ đó nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi lúa gạo phục vụ nội địa và chế biến xuất khẩu, cũng như xây dựng thương hiệu gạo mạnh của doanh nghiệp của tỉnh và quốc gia.

“Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 590 tỷ đồng, quy mô liên kết khoảng 15.000 ha lúa theo hướng hữu cơ; đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cụm kỹ thuật gồm dây chuyền máy sấy lúa, cụm silo chứa lúa, nhà máy xay xát, kho chứa vật tư, văn phòng làm việc, nhà ăn, nghỉ công nhân và các hạng mục phụ trợ khác với diện tích khoảng 10,26 ha tại xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa”, ông Minh chia sẻ.

Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư

Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Yên, hiện lĩnh vực trồng trọt của tỉnh Phú Yên còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Tỉnh đang mong muốn tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà máy chế biến, thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ các mặt hàng rau, củ quả theo hướng GAP, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, đóng gói, bảo quản và tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Miền núi huyện Sông Hinh đã hình thành vùng cây ăn trái. Ảnh: KS.

Miền núi huyện Sông Hinh đã hình thành vùng cây ăn trái. Ảnh: KS.

“Tỉnh Phú Yên chào đón và mời, gọi các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư vào những dự án đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt tại quyết định số 1826 ngày 16/12/2021 như: xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến hoa quả, đóng gói trái cây xuất khẩu tại huyện Sông Hinh, quy mô khoảng 300 ha. Dự án nhà máy chế biến các loại trái cây và thảo dược tại huyện Sơn Hòa, quy mô dự kiến 5 ha, công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm. Hay đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị các loại cây gia vị, cây dược liệu ở các vùng đồng bằng nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đạt hiệu quả”, bà Thủy chia sẻ và cho biết thêm, khi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh.

Cụ thể như quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh để tăng cường đầu tư hệ thống tưới phục vụ cho cây trồng cạn; Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND ngày 04/9/2020 của UBND tỉnh Phú Yên sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về mức hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên ban hành kèm theo Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND ngày 22/3/2018 của UBND tỉnh…

Lĩnh vực trồng trọt ở tỉnh Phú Yên còn nhiều tiềm năng để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Ảnh: KS.

Lĩnh vực trồng trọt ở tỉnh Phú Yên còn nhiều tiềm năng để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Ảnh: KS.

Về phía ngành Nông nghiệp và Môi trường luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, vừa qua, Sở đã tham mưu tích hợp quy hoạch vùng sản xuất trồng trọt tập trung đối với các loại cây trồng chủ lực của tỉnh vào Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã tham mưu các chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất trồng trọt như: Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 21/4/2023 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 18/10/2023) về mức hỗ trợ giống trồng cây ăn quả giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh; Đề án xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030 tại Quyết định số 1914/QĐ-UBND ngày 28/12/2021; Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 97/QĐ-UBND ngày 08/02/2023 của UBND tỉnh.

Theo bà Thủy, để thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu cần sự quan tâm các sở, ngành, địa phương trong việc hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời nắm bắt vướng mắc để kịp thời kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị về thủ tục, nguồn vốn. Mặt khác, để có vùng nguyên liệu, các địa phương phải quy hoạch được vùng trồng, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất; bảo đảm sản phẩm sạch, chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết theo chuỗi để thu mua nông sản cho người dân.

Xem thêm
Nuôi gà đồi sinh học bán theo con giá nửa triệu đồng

QUẢNG BÌNH Cơ sở này nuôi gà thả đồi thời gian dài 7-8 tháng, thịt gà săn chắc, thơm ngon nên bán lẻ theo con 500.000 - 600.000 đồng/con.

15 năm phát triển chương trình đào tạo ngành thú y theo chuẩn quốc tế

TPHCM Chiều 12/4, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM tổ chức kỷ niệm 15 năm chương trình đào tạo tiên tiến ngành thú y - chương trình duy nhất đào tạo thú y bằng tiếng Anh.

Sản xuất cà phê sạch, bền vững

Dự án thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững, tập trung quản lý chất thải, nâng cao nhận thức nông dân sau gần 2 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Chuyện nước mắm, tương, nem chua... và vấn đề amin sinh học

Nhóm nghiên cứu amin sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam muốn giúp những sản phẩm lên men truyền thống của người Việt an toàn hơn, giá trị hơn, hướng tới xuất khẩu.

Quảng Ngãi bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững

Quảng Ngãi xác định phát triển nghề cá theo hướng giảm các ngành nghề tận diệt, tăng nghề thân thiện với môi trường để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững.

Đồng Tháp tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên từ Thái Lan

Đồng Tháp Việc chuyển giao và tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Vương quốc Thái Lan về Việt Nam là dấu mốc quan trọng nhằm bảo tồn sếu đầu đỏ.