Thử nghiệm vượt tầm
Tiến hành kiểm tra một số diện tích lúa trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh trong vụ mùa này, cán bộ chuyên môn của huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) tá hỏa khi thấy hàng trăm ha giống lúa mới, không nằm trong cơ cấu giống đã bị tuồn vào đồng ruộng, lấy dân làm thí nghiệm. Xác định rõ hơn thì đơn vị cung ứng chính là Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn.
Hai giống mới được xác định đã “nhảy’ vào đồng ruộng Ngân Sơn là giống lúa thuần KB1 và lúa lai 3 dòng PAC 837. Thống kê có 31,5ha giống KB1 thuộc 8 xã bị bệnh đạo ôn lá, trong đó có 4ha bị nhiễm nặng, có khả năng mất trắng. 69,9ha giống PAC 837 ở 6 xã bị nhiễm đạo ôn lá, trong đó có 3ha nhiễm nặng, có khả năng mất trắng.
UBND huyện Ngân Sơn đã tức tốc làm công văn trình UBND tỉnh và Sở NN-PTNT Bắc Kạn với lý do, 2 giống lúa trên chưa được sản xuất thử và đương nhiên không có trong cơ cấu giống. Việc Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn đưa 2 giống trên về địa bàn để bán cho nhân dân là không đúng quy định. UBND huyện Ngân Sơn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xác định rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý đối với đơn vị vi phạm.
Gạn giống từ dân
Thực tế, nguồn giống lúa Bao Thai do Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn bán cho người dân trên địa bàn huyện Chợ Đồn không phải xuất xứ từ trung tâm sản xuất nào mà được lấy chính từ nguồn thóc của người dân trên địa bàn. Xuất phát từ việc một số người dân kiến nghị trả lời rõ việc thu mua giống tại xã Ngọc Phái (huyện Chợ Đồn) có một số lượng giống đã bị thối do mưa từ vụ mùa 2015.
Phòng NN-PTNT huyện Chợ Đồn đã giải trình như sau: Vụ mùa năm 2015, Phòng NN-PTNT huyện được Viện Di truyền nông nghiệp cấp cho 180kg thóc giống Bao Thai siêu nguyên chủng được phục tráng từ nguồn giống lúa Bao Thai Chợ Đồn. Phòng đã phối hợp với người dân xã Ngọc Phái sản xuất trên quy mô 5ha. Ngày 5/6/2016, Phòng đã phối hợp với xã thống kê số lượng thóc là 3,5 tấn. Đơn vị tiến hành lấy mẫu ngâm ủ để kiểm tra tỷ lệ nảy mầm. Kết quả có 11 mẫu/11 hộ đạt tỷ lệ nảy mầm trên 85%, 1 mẫu đạt tỷ lệ nảy mầm 72%.
Từ kết quả trên, Phòng NN-PTNT đã có công văn đề nghị Chi nhánh Vật tư nông nghiệp liên hệ với xã Ngọc Phái để thu mua, bao tiêu số lượng thóc giống của người dân theo thỏa thuận. Tuy nhiên, phía Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn đã thu mua số lượng thóc giống lên đến 4,7 tấn (vượt 1,2 tấn so với số liệu thống kê).
Vậy là đã rõ! Số lượng thóc giống 1,2 tấn thừa ra nói trên đã được mua gạn, mua cố trong dân mà không được kiểm tra, đánh giá chất lượng. Đó có thể chính là nguyên nhân của tình trạng hạt giống kém phẩm chất, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo ông Nguyễn Đình Điệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn, mô hình sản xuất giống lúa chất lượng, áp dụng biện pháp canh tác cải tiến SRI trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong vụ mùa 2016 có quy mô 500ha.
Để đáp ứng diện tích trên, số lượng giống lúa sẽ cần khoảng 15 tấn. Trên danh nghĩa là người dân được hỗ trợ 100% giá giống. Nhưng nếu giá giống chênh lệch hơn hẳn so với thị trường thì lợi ích của doanh nghiệp là không nhỏ. Xem ra, một phân lớn ngân sách của Nhà nước dùng để hỗ trợ cho người dân đã đi theo đường khác. Được biết Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn, tiền thân là Cty Tư vấn dịch vụ NN-PTNT được UBND tỉnh Bắc Kạn thành lập năm 1997. Sau khi cổ phần hóa như một doanh nghiệp tư nhân, Cty đã đổi tên vào năm 2006. Giám đốc Cty từng là cán bộ Sở NN-PTNT. Ngược lại cũng có cán bộ Sở NN-PTNT từng trưởng thành từ Cty này.
Từ phân tích nói trên, dư luận tại Bắc Kạn đang đặt ra nghi vấn về việc Cty là "sân sau" nên được tạo đặc quyền cung cấp một số vật tư cho các chương trình, dự án mà các đơn vị khác dù có chất lượng phục vụ cạnh tranh nhưng vẫn không có cửa vào. Với một tỉnh miền núi nghèo, thuần nông như Bắc Kạn, nếu tình trạng người nông dân mãi phải chấp nhận sự hỗ trợ với chất lượng thấp kéo dài thì không biết đến bao giờ địa phương này mới khởi sắc?
Ông Đào Xuân Sơn, Giám đốc Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn thừa nhận việc Cty cung ứng giống chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân thì có cả khách quan, chủ quan. Năm nay việc triển khai mô hình quá chậm, dẫn đến thiếu nguồn giống, phải đi mua bổ sung của chính bà con nhân dân. |