| Hotline: 0983.970.780

Kinh doanh giống 'câm', hạt lép, giá trên trời

Thứ Hai 29/08/2016 , 13:10 (GMT+7)

Vụ mùa 2016 đã đi được nửa chặng đường nhưng đến nay câu chuyện về việc người nông dân tỉnh nghèo miền núi Bắc Kạn bị nhận một lượng giống lúa kém chất lượng vẫn còn nóng hổi.

Ngay trong vụ đầu tiên thực hiện mô hình sử dụng giống lúa chất lượng, ứng dụng canh tác lúa cải tiến SRI, Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn đã đưa giống lúa kém chất lượng và vật tư nông nghiệp giá "trên trời" để cung ứng cho nông dân.

 

Giống "câm", hạt lép

Theo mô hình thì huyện Chợ Đồn được hỗ trợ gieo cấy 240ha giống lúa Bao Thai triển khai tại các xã Đông Viên, Phương Viên, Rã Bản, Yên Thượng, Yên Nhuận, Bằng Lũng, Ngọc Phái và thị trấn Bằng Lũng với tổng số 1.226 hộ tham gia.

Theo đó, người dân thực hiện mô hình được hỗ trợ 100% tiền giống, 50% tiền phân bón. Gia đình anh Vi Văn Hách ở thôn Làng Sen, xã Đông Viên đã đăng ký gieo cấy trên diện tích 1.000m2 và được hỗ trợ 3kg lúa giống Bao Thai, đạm 17kg, kali 14kg, lân 50kg, thuốc diệt ốc bươu vàng 3 gói. Tuy nhiên, sau khi tiến hành ngâm ủ giống lúa để gieo mạ thì số thóc giống trên đều không mọc mầm và bị thối.

Ông Nguyễn Đức Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã Đông Viên cho biết, toàn xã được hỗ trợ mô hình gieo cấy 33,82ha. Có 41 hộ dân báo cáo đã tiến hành ngâm ủ 163kg giống lúa này nhưng không mọc mầm. Nhiều người dân trong xã cũng phản ánh, khi nhận được giống lúa Bao Thai hỗ trợ, họ thấy nhiều hạt giống bị lép, bẩn, có nhiều hạt bị đen, một số hạt giống đã có rễ, nhiều người dân cho rằng, đây là lúa giống kém chất lượng. Theo báo cáo nhanh của Phòng NN-PTNT huyện Chợ Đồn thì không chỉ có xã Đông Viên, các  xã Rã Bản, Yên Thượng cũng xảy ra tình trạng trên.

Tình trạng hạt lúa giống mô hình không nảy mầm cũng diễn ra tại huyện Bạch Thông. Ở huyện này, mô hình được triển khai trên quy mô 119,3ha thuộc 4 xã Hà Vị, Lục Bình, Quân Bình và Vy Hương với tổng số 808 hộ dân tham gia. Giống lúa được sử dụng trong mô hình là Bao Thai và DT68. Trong đó, diện tích lúa Bao Thai là 109,8ha, DT68 là 9,5ha.

07-14-22_2
Ảnh: Đồng Thưởng
 

Ông Triệu Tiến Phin ở thôn Thủy Điện, xã Vi Hương cho biết, gia đình ông đã gieo mạ DT68 để cấy hơn 3.000m2 ruộng của gia đình. Được 4 ngày, khi kiểm tra thì toàn bộ diện tích mạ đã gieo đều bị thối, không mọc được cây nào, nên gia đình ông phải tự bỏ tiền mua giống về để gieo lại. Đáng chú ý, khi đem giống lúa DT68 đi ngâm thấy nước có màu đục như nước vôi, có nhiều hạt lép nên ông đã phải lọc bỏ đi rất nhiều và đặc biệt thấy xuất hiện nhiều con mọt.

Ông Dương Văn Tập, Phó Chủ tịch UBND xã Vi Hương cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, hạt giống bị mối mọt, ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm.

 

Giá trên trời

Điều thắc mắc nữa của nhiều hộ dân trong vùng được hỗ trợ của mô hình là giá hỗ trợ về giống và phân, đạm đều cao hơn so với giá của thị trường. Cụ thể, giá kali được hỗ trợ là 10.500 đồng/kg trong khi giá ở ngoài thị trường là 10.000 đồng/kg; giá đạm được hỗ trợ là 9.000 đồng/kg trong khi giá thị trường bán lẻ là 8.000/kg; đánh giá giống lúa được hỗ trợ, nhiều người dân cho rằng, giống lúa này được lấy chính từ địa phương có giá bán vào khoảng 8.000 đồng/kg, trong khi giá Nhà nước hỗ trợ cho mỗi kg giống lúa này là 23.000 đồng/kg (mức chênh lệch lên tới 15.000 đồng/kg).

07-14-22_3
Ảnh: Đồng Thưởng
 

Ông Nông Quốc Huấn, Chủ tịch UBND xã Đông Viên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở, của Phòng NN-PTNT huyện, mô hình được bà con nông dân hưởng ứng. Tuy vậy, do triển khai gấp rút, giá vật tư cung ứng lại cao hơn giá thị trường, tỷ lệ hạt giống nảy mầm kém.

Trước những bức xúc của cán bộ và người dân cơ sở tham gia mô hình, Sở NN-PTNT Bắc Kạn đã thành lập đoàn công tác, kiểm tra, đánh giá thực tế nói trên. Đoàn kiểm tra đã xác nhận tình trạng tỷ lệ hạt giống nảy mầm kém tại các địa phương. Theo đó, đơn vị cung ứng giống là Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn cam kết hỗ trợ lại cho người dân hạt giống có tỷ lệ nảy mầm dưới 60% vào vụ mùa năm 2007.

Ông Đào Xuân Sơn, GĐ Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn cho biết, nguyên nhân hạt giống có tỷ lệ nảy mầm kém có thể do người dân ngâm ủ giống không đúng quy trình kỹ thuật, trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, phía Cty vẫn nhận trách nhiệm và cam kết hỗ trợ 100% bằng cách cung ứng số lượng giống tương đương vào vụ mùa 2007.

07-14-22_4
Ảnh: Đồng Thưởng
 

Liên quan đến phản ánh về giá vật tư nông nghiệp quá cao, ông Sơn cho hay, giá thuốc bảo vệ thực vật (trừ ốc bươu vàng) bán 8.000 đồng/gói, cao hơn 3.000 đồng/gói là do Cty thông báo nhầm giá và đã đính chính giá bán là 5.000 đồng/gói và xin lỗi, trả lại tiền cho nhân dân.

Thật khôi hài với lý do báo giá nhầm đã qua được cả một hệ thống cán bộ chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở. Nếu không được người dân phản ứng thì mức giá trên sẽ được giữ nguyên. Như vậy, đơn vị cung ứng giống đã nhận trách nhiệm và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, việc thay đổi cơ cấu mùa vụ, công sức đầu tư và đặc biệt là niềm tin của người dân vào SX dạng mô hình bị ảnh hưởng thì ai chịu trách nhiệm? Hơn thế, những rủi ro và khuất tất nói trên liệu có do sơ xuất hay từ những ý thức chủ quan, cố ý và sẽ lặp lại vào những mùa vụ sau?

Được biết tình trạng giống kém chất lượng đã xảy ra tại nhiều nơi trong nhiều mùa vụ ở Bắc Kạn. Ngay trong vụ mùa này, ngoài mô hình nói trên, đơn vị cung ứng giống cũng thừa nhận có tình trạng người dân đem trả lại giống lúa tại huyện Pác Nặm.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.