| Hotline: 0983.970.780

Nhiều thách thức trong khắc phục 'thẻ vàng' IUU ở Quảng Trị

Thứ Hai 29/03/2021 , 20:46 (GMT+7)

Việc thực hiện các khuyến nghị của Uỷ ban Châu Âu (EC) về khắc phục "thẻ vàng" IUU ở Quảng Trị vẫn còn tồn tại nhiều thách thức cần được tháo gỡ.

Việc khắc phục 'thẻ vàng' IUU sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cho ngư dân. Ảnh: Công Điền.

Việc khắc phục "thẻ vàng" IUU sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cho ngư dân. Ảnh: Công Điền.

Còn nhiều hạn chế

Theo Sở NN-PTN Quảng Trị, việc thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh thời gian qua dù đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn những điểm còn hạn chế cần được khắc phục như: việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá chưa đảm bảo lộ trình đối với khối tàu cá từ 15m đến dưới 24m, chỉ mới lắp đặt được 140/362 tàu.

Chưa đối chiếu thông tin về hệ thống giám sát hành trình khi giám sát sản lượng thủy sản cập cảng mà chỉ dừng lại ở việc đối chiếu với nội dung trong báo cáo và nhật ký khai thác thủy sản mà ngư dân cung cấp, do đó chưa đảm bảo độ tin cậy trong công tác kiểm tra, kiểm soát và giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU như không thông báo trước khi vào cảng theo quy định, tắt thiết bị giám sát hành trình tàu cá…  

Ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, địa phương có số tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh Quảng Trị cho biết, để nâng cao hiệu quả và khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện chống khai thác IUU huyện đã triển khai nhiều giải pháp.

Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương vùng biển gồm xã Gio Hải, Gio Mai, Gio Việt, Trung Giang và thị trấn Cửa Việt tăng cường tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp chống khai thác IUU như vận động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định; yêu cầu các tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình phải bật thiết bị 24/24h khi hoạt động trên biển; tổ chức ký cam kết với các chủ tàu không vi phạm khai thác thủy sản trên các vùng biển nước ngoài.

Đặc biệt là khối tàu có chiều dài từ 15m trở lên và khai thác các nghề lưới rê, lưới vây, lưới chụp thường xuyên hoạt động ở vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc); thông báo cho các chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải cập và rời cảng cá chỉ định gồm cảng cá Cửa Việt và cảng cá Cửa Tùng; đối với tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên phải chấp hành đầy đủ việc ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản.

Kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển; xây dựng các tiêu chí đối với tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, tiến hành lập danh sách và tổ chức theo dõi, giám sát đặc biệt để ngăn ngừa những tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc những nghề khai thác thường vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đường ranh giới vùng biển chưa được phân định

Theo ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng do ý thức chấp hành về khai thác thủy sản của một số ngư dân còn hạn chế, ngư dân còn nghèo nên chuyển đổi nghề còn khó khăn.

Lực lượng chức năng tuyên truyền cho ngư dân về 'thẻ vàng' IUU. Ảnh: Công Điền.

Lực lượng chức năng tuyên truyền cho ngư dân về "thẻ vàng" IUU. Ảnh: Công Điền.

Bên cạnh đó, với đặc thù là nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ, số lượng tàu thuyền nhiều nhưng chủ yếu là tàu thuyền nhỏ, cũ, trang bị thiếu; hạ tầng nghề cá chưa đồng bộ nên việc áp dụng phương pháp quản lý tiên tiến gặp nhiều khó khăn.

Một số tàu cá không cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ thủy sản khai thác được nên công tác thu nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản và giám sát sản lượng, kiểm tra tàu cá cập cảng gặp nhiều khó khăn.

Hệ thống neo đậu của cảng cá Cửa Việt không đáp ứng đủ nhu cầu cập cảng khi có nhiều tàu cá cùng cập cảng; chưa có cầu cảng có mái che theo quy định để tàu bốc dỡ, phân loại thủy sản.

Cũng theo ông Huân, một trong những khó khăn nhất của tỉnh trong việc chống khai thác IUU đó là tàu cá của ngư dân Quảng Trị thường xuyên hoạt động ở ngư trường vùng biển Hoàng Sa và phía Đông Bắc đảo Cồn Cỏ, đây là ngư trường có ranh giới vùng biển Việt Nam và các nước chưa được phân định nên khó khăn trong công tác thông tin, hướng dẫn ngư dân biết để không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép và giám sát phát hiện xử lý kịp thời các tàu cá vi phạm.

Ngoài ra, theo bản đồ trên hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản cung cấp cho các địa phương khai thác và sử dụng với đường ranh giới trên một số vùng biển đi qua ngư trường khai thác truyền thống lâu nay của ngư dân Quảng Trị, nếu đi ra phía Đông của đường này thì xem như vượt qua ranh giới trên biển và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP với mức phạt lên tới 1 tỷ đồng.

Như vậy, qua hệ thống giám sát tàu cá này ngư trường khai thác truyền thống của ngư dân Quảng Trị bị hạn chế lại, làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác của ngư dân; ảnh hưởng đến tàu thuyền khai thác xa bờ, nhất là tàu thuyền khai thác vùng biển xa, ngư trường Hoàng Sa.

“Sở NN PTNT sẽ phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong việc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt xử lý nghiêm các tàu cá không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình quy định hoặc lắp thiết bị nhưng không mở máy hoặc không duy trì hoạt động 24/24h; không đánh dấu tàu cá; không nộp ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản…”, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay.

Hiện Quảng Trị đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thủy sản cung cấp bản đồ phân định ranh giới vùng biển Việt Nam và các nước để thông tin cho ngư dân biết, tránh tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác thủy sản.

Đồng thời, đề nghị Bộ NN- PTNT có hướng dẫn đối với trường hợp các tàu cá sau khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì ngư trường khai thác truyền thống của ngư dân bị hạn chế, các tàu ra khai thác ở vùng biển xa bị hệ thống giám sát cảnh báo vượt ranh giới, khai thác bất hợp pháp.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm