| Hotline: 0983.970.780

Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi

Thứ Ba 01/12/2020 , 07:30 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Bắc Ninh vừa tổ chức hội thảo “Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực chăn nuôi”.

Viện Chăn nuôi đã mang đến hội thảo 21 tiến bộ kỹ thuật (TBKT) mới được công nhận năm 2018-2020, trong đó có 6 sản phẩm KHCN được Bộ NN-PTNT tặng "Giải thưởng Bông lúa vàng" gồm dòng vịt V52, V57 và con lai thương phẩm VSM6; giống vịt biển 15 - Đại Xuyên; giống lợn Landrace-BT88S và Yorkshire-BT66S; tinh trâu đông lạnh dạng cọng rạ nhãn hiệu VINALICA; gà VCN-HAH; giải pháp sử dụng chế phẩm thảo dược IAS-1 và IAS-2 cho chăn nuôi để sản xuất thịt lợn an toàn.

3 sản phẩm KHCN được trao tặng "Sản phẩm vàng chăn nuôi gia cầm Việt Nam năm 2018” gồm vịt siêu trứng Đại Xuyên TC và vịt bố mẹ và thương phẩm VSM4; vịt biển 15 - Đại Xuyên; vịt chuyên thịt VSM6 và gà VCZ16.

Hiện tại, Viện Chăn nuôi cũng đã hoàn thiện thủ tục trình Bộ NN-PTNT công nhận 17 TBKT về giống vật nuôi, gồm 4 giống lợn, 6 giống gia cầm, 6 giống thủy cẩm và 1 giống ngỗng. Các loại giống cụ thể là lợn Mường Tè, lợn cỏ Bình Thuận, lợn Xao Va và lợn H'Mông; vịt Sín Chéng, vịt Minh Hương, vịt VSH-Thuỵ Phương 2, vịt VSD-Thuỵ Phương 1, ngan NVS Thụy Phương 1, ngan NV7 Thụy Phương 2 và giống ngỗng xám.

Theo đó, hàng năm, Viện đã cung cấp cho người chăn nuôi trong nước 14-16 triệu con gà giống ông bà và bố mẹ, trên 2 triệu con ngan, vịt giống các loại, 800-1.000 tỷ liều tinh trâu, bò chất lượng cao, hơn 25.000 lợn giống bố mẹ chuyển giao trực tiếp và 100.000 lợn giống bố mẹ chuyển giao gián tiếp qua con giống ông bà.

Giống Vịt biển 15 - Đại Xuyên.

Giống Vịt biển 15 - Đại Xuyên.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 3 sản phẩm KHCN được các nhà khoa học và người chăn nuôi trong nước đánh giá cao gồm: Chế phẩm vi sinh vật VNUA-BIOMIX và Quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm VNUA-BIOMIX làm đệm lót chăn nuôi lợn; Que thử thai bò VNUA BQT giúp chẩn đoán có thai sớm ở bò.

Cũng trong lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc, TS. Tăng Xuân Lưu (Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì – Viện Chăn nuôi) giới thiệu Quy trình phối giống cho bò sử dụng tinh phân định giới tính cái trên bò sữa, cho tỷ lệ phối giống có chửa lần 1 tăng từ 30% lên 80-83%, được coi là một trong những TBKT vượt trội.

Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Mebipha cũng "trình làng” Chế phẩm sinh học Immuno On S – chế phẩm thay thế hoàn toàn kháng sinh trong nuôi cúm gia cầm hoặc sử dụng kết hợp với kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng ở giai đoạn gia cầm trưởng thành. Đây là thành tựu nghiên cứu của Mebipha từ năm 2013. Tuy không mới nhưng vẫn mang tính thời sự cao. Vì hiện nay, không ít hộ chăn nuôi nước ta đang lạm dụng thuốc kháng sinh, dẫn tới nguy cơ nhiều loại bệnh trên vật nuôi có khả năng kháng kháng sinh.

Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Viện Thú y, Công ty Giống Gia cầm Minh Dư, Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Hòa Bình và một số trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Chăn nuôi… cũng có rất nhiều TBKT tâm huyết trình bày hội thảo.

Hàng loạt câu hỏi của các nhà nông liên quan đến các TBKT nói trên đã được các nhà khoa học giải đáp thỏa đáng ngay tại hội thảo.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Các TBKT mới đã hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội có tầm quan trọng của các địa phương, như nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, phát huy thế mạnh nội vùng, thông qua hỗ trợ chuyển giao cho các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại đổi mới công nghệ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Các TBKT mới cũng hướng tới thích ứng với biến đổi khí hậu, như giống Vịt biển 15 - Đại Xuyên có khả năng nuôi trong môi trường nước mặn, lợ và ngọt; các dòng vịt V22,V27,V52,V57 có khả năng nuôi khô; việc cải tạo tầm vóc trâu, bò địa phương; các dòng lợn nuôi cho năng suất, chất lượng cao phù hợp với chăn nuôi trang trại quy mô lớn, cũng như các dòng phù hợp với nuôi nông hộ; các dòng/giống đặc sản (gà HAH) với thịt gà đen cho nuôi đặc sản đạt chất lượng tương đương gà H’Mông...

Những TBKT nêu trên đang được cơ quan chuyên môn làm căn cứ đề xuất với Nhà nước, các chủ trương, chính sách phát triển chăn nuôi, hội nhập quốc tế, quản lý và phòng trị dịch bệnh cho gia súc gia cầm, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

  • Tags:
Xem thêm
Tiêm vacxin tả lợn châu Phi, đàn lợn đạt tỷ lệ bảo hộ 80%

QUẢNG NINH Qua kiểm tra đánh giá, đàn lợn tại TP Móng Cái được tiêm thử nghiệm vacxin dịch tả lợn Châu Phi, đạt tỷ lệ bảo hộ 80%.

Độc đáo mô hình lúa bệ

KIÊN GIANG Lúa bệ là cách gọi quen thuộc của nông dân huyện Gò Quao (Kiên Giang). Lúa được trồng trên bờ liếp xen khóm (dứa).

Một số giống sầu riêng có giá trị xuất khẩu cao

Các giống sầu riêng dưới đây đang được thị trường ưa chuộng, có giá trị xuất khẩu cao, nhưng để phát triển sản xuất chỉ trồng bằng cây đầu dòng nhân giống vô tính