| Hotline: 0983.970.780

Nhìn vào vụ lúa thu đông 2023 [Bài 1]: Thắng lợi chưa từng có

Thứ Hai 16/10/2023 , 06:30 (GMT+7)

ĐBSCL Vụ thu đông 2023, ĐBSCL gieo sạ được 680.000ha, tăng 31.000ha so với năm 2022, ước sản lượng đạt khoảng 3,86 triệu tấn. Nông dân phấn khởi vì vụ lúa thắng lợi chưa từng có.

Thảnh thơi sau vụ lúa thắng lớn

Những ngày đầu tháng 10, lũ chính vụ mùa nước nổi ở ĐBSCL đã đạt đỉnh. Phù sa từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn theo hệ thống kênh mương, tràn lên “tắm rửa” cho đồng ruộng. Chạy xe máy trên đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa rộng rãi nằm dọc theo hai bên bờ kênh 4B (ấp Kênh 4B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) thấy xộc lên mùi ngai ngái của rơm rạ đang phân hủy.

Vừa thu hoạch xong vụ lúa thu đông 2023 thắng lợi, cho nước tràn đồng, anh Tú đặt lú để bắt cá đồng tự nhiên. Ảnh: Trung Chánh.

Vừa thu hoạch xong vụ lúa thu đông 2023 thắng lợi, cho nước tràn đồng, anh Tú đặt lú để bắt cá đồng tự nhiên. Ảnh: Trung Chánh.

Ấp Kênh 4B là địa phương gieo sạ lúa thu đông 2023 sớm nhất tại tỉnh Kiên Giang. Từ giữa tháng 9, bà con nông dân nơi đây đã bắt đầu thu hoạch lúa thu đông. Gặt lúa xong, bà con cho máy xới, trục vùi rơm rạ và mở đồng đón nước lũ tràn về để vệ sinh đồng ruộng. Sau 3 vụ lúa liên tiếp, ruộng được ngâm mình trong mùa nước lũ khoảng 1,5 - 2 tháng, chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho vụ lúa đông xuân 2023 - 2024.

Lúa đã cắt xong, vợ chồng anh Ngô Thanh Tú (ấp Kênh 4B) có những tháng ngày nông nhàn, ở nhà chăn nuôi thêm heo và nuôi cá. Nước tràn đồng, anh Tú đặt 2 miệng lú (dụng cụ bắt cá) bắt cá đồng để ăn, còn cá tạp thì đổ xuống dèo làm thức ăn cho cá nuôi. Anh Tú bảo, chưa bao giờ có vụ lúa thu đông thắng lợi lớn như vậy. Lúa thu hoạch sớm còn có thời gian xả lũ, giảm chi phí cho vụ sau.

Anh Tú canh tác gần 3ha lúa, vừa làm diện tích ruộng nhà, vừa chăm sóc giúp cho người anh trai đang sống ở phố chợ. Gieo sạ giống lúa IR 50404, chỉ 3 tháng là thu hoạch. Năm nay lúa đắt như tôm tươi, thương lái rảo quanh dò hỏi, thậm chí xin đặt cọc trước từ lúc lúa mới trổ bông. Lúa cắt xong chở về là có ghe tải chờ sẵn ở bờ kênh để cân chở về nhà máy chế biến.

Gặt lúa thu đông xong, nông dân ấp Kênh 4B mở đồng đón nước lũ tràn về để vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho vụ lúa tiếp theo. Ảnh: Trung Chánh.

Gặt lúa thu đông xong, nông dân ấp Kênh 4B mở đồng đón nước lũ tràn về để vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho vụ lúa tiếp theo. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, vụ lúa thu đông 2023, nông dân trong tỉnh gieo sạ được gần 85.000ha, tăng 13.000ha so với kế hoạch. Trong đó, riêng 2 huyện Tân Hiệp và Giồng Riềng chiếm gần 54.000ha, còn lại là Giang Thành, Châu Thành, Hòn Đất, Gò Quao và TP Rạch Giá. Nông dân Tân Hiệp vụ này gieo sạ chủ lực là giống lúa OM18, OM5451, còn lại là OM34, IR50404. Hiện nông dân đang vào vụ thu hoạch, lúa đạt năng suất khá và bán được giá cao nên rất phấn khởi.  

Anh Tú nhẩm tính: “Mỗi công thu hoạch được hơn 700kg lúa tươi, giá thương lái mua là 8.000 đồng/kg, thu về được 5,6 triệu đồng/công. Trừ chi phí đầu tư khoảng 2 triệu, lợi nhuận được 3,6 triệu đồng/công. Với gần 3ha, cũng lãi được ngót nghét trăm triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận mà ngay cả vụ đông xuân cũng khó đạt được”.

Cầm chắc lợi nhuận hơn 3 triệu đồng/công

Thời điểm này, nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa thu đông 2023. So với nhiều địa phương lân cận, nông dân Cờ Đỏ xuống giống sớm, gặp thời giá lúa gạo tăng, bà con nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ 2.000 – 2.500 đồng/kg so với vụ thu đông trước.

Chạy dọc tuyến đường Bốn Tổng – Một Ngàn nối trung tâm huyện Cờ Đỏ với thị trấn Một Ngàn (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), hầu hết các cánh đồng lúa đã được thu hoạch nằm “phơi mình” trong dòng nước lũ. Lác đác một vài cánh đồng, máy gặp đập chạy bon bon tranh thủ cắt cho xong trước khi khuất bóng mặt trời.

Nhiều cánh đồng ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đang gấp rút thu hoạch dứt điểm lúa thu đông 2023. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều cánh đồng ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đang gấp rút thu hoạch dứt điểm lúa thu đông 2023. Ảnh: Kim Anh.

Ngồi trên phía bờ chờ cân lúa, nông dân Nguyễn Văn Hùng ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ nhẩm tính: "Giá lúa nhận cọc 7.800 đồng/kg, thu hoạch xong 8 công lúa OM5451 này (công lớn 1.296m2), năng suất đạt 800kg/công, tôi cầm chắc lợi nhuận trên 3 triệu đồng/công". Trong tâm trạng hồ hởi, ông Hùng cho rằng mức lợi nhuận này cao hơn nhiều so với vụ thu đông các năm trước. Nhờ hệ thống đê bao đầu tư khép kín, nông dân trong vùng hầu như ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, lúa ít sâu bệnh.

Ghi nhận thực tế từ thương lái thu mua tại ruộng, giá lúa OM18 và Đài thơm 8 dao động ở mức khoảng 7.800 – 8.200 đồng/kg, giá lúa IR50404 cũng tầm 7.300 – 8.000 đồng/kg. Vụ thu đông 2023, toàn huyện Cờ Đỏ xuống giống trên 19.700ha, với hai giống lúa chủ lực là OM5451 và OM18, đến nay diện tích thu hoạch đã đạt trên 90%.

Đánh giá tổng quan về vụ thu đông 2023, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, toàn Thành phố đã thu hoạch hơn 50.000ha, diện tích lúa còn lại đang trong giai đoạn chắc xanh đến chín. Vụ thu đông 2023 được ông Nghiêm đánh giá khả quan khi sâu bệnh ít, bà con nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư. Năng suất lúa hiện dao động khoảng 5,4 – 5,5 tấn/ha, tương đương với trung bình nhiều năm.

Đối với giá lúa, hiện nay đang có xu hướng chững lại ở mức 7.200 – 7.800 đồng/kg, nhưng vẫn giữ ở mức cao hơn nhiều so với các vụ trước. Từ đầu vụ đến nay, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ luôn khuyến cáo bà con tuân thủ đúng mối liên kết để tránh rủi ro, bởi giá lúa dù lên cao nhưng đến thời điểm nào đó khi thị trường bất ổn giá sẽ biến động. Đặc thù cây lúa có chu kỳ ngắn ngày, nếu mối quan hệ, uy tín trong việc liên kết không được duy trì chặt chẽ, về lâu dài sẽ không bền vững.

Thu hoạch lúa thu đông thời gian qua gặp nhiều bất lợi do mưa nhiều, đồng ruộng lầy lún, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ khuyến cáo bà con nông dân chủ động máy bơm rút nước ra, không để bị ngập úng cục bộ ảnh hưởng đến năng suất. Ảnh: Kim Anh.

Thu hoạch lúa thu đông thời gian qua gặp nhiều bất lợi do mưa nhiều, đồng ruộng lầy lún, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ khuyến cáo bà con nông dân chủ động máy bơm rút nước ra, không để bị ngập úng cục bộ ảnh hưởng đến năng suất. Ảnh: Kim Anh.

Theo ông Nghiêm, việc thu hoạch lúa thời gian qua không được thuận lợi do mưa nhiều, đồng ruộng lầy lún tương đối phổ biến. Lũ năm 2023 được dự báo thấp hơn so với trung bình nhiều năm, tuy nhiên hiện nay nhiều cánh đồng ở TP Cần Thơ đã bị ngập úng do mưa lớn kết hợp với triều cường.

Bên cạnh đó, nửa đầu tháng 10 tình hình mưa xuất hiện nhiều, mưa to cục bộ nên một số nơi lúa bị ngập, sập. Tại khu vực phía bắc Cái Sắn, khoảng 12.000ha lúa thu đông ở 3 xã của huyện Vĩnh Thạnh có thể thu hoạch rơi vào thời điểm cuối tháng 10, dự báo con nước thời điểm đó sẽ ngập sâu hơn do chịu tác động của triều cường. Nguy cơ việc thu hoạch lúa thu đông sẽ chịu ảnh hưởng. Do đó, ông Nghiêm đề nghị những khu vực chưa thu hoạch lúa thu đông phải chủ động máy bơm để đảm bảo điều kiện đất khô, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất.

Dự báo những tháng cuối năm 2023, giá lúa gạo vẫn có khả năng giữ vững ở mức cao như hiện nay. Nguồn cung gạo xuất khẩu của Việt Nam không còn dồi dào do vụ lúa hè thu đã thu hoạch xong, lúa thu đông diện tích tăng không nhiều. Nguồn cung gạo các nước trên thế giới vẫn khá hạn hẹp bởi lệnh cấm xuất khẩu từ Ấn Độ. Indonesia có nhu cầu mua số lượng lớn. Philippines có khả năng giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống còn 10% để tăng lượng gạo thu mua dự trữ.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.