| Hotline: 0983.970.780

Nhờ đâu Thanh Hóa khống chế tốt dịch tả lợn Châu Phi!?

Chủ Nhật 12/05/2019 , 20:45 (GMT+7)

Chủ động phương án, vào cuộc phòng chống dịch sớm, đến nay, Thanh Hóa đã có nhiều xã công bố hết dịch; lợn và sản phẩm từ lợn đã trở lại lưu thông bình thường trên thị trường.

* Nhiều xã công bố hết dịch
 

Xây dựng “pháo đài” chống dịch từ người dân

Thanh Hóa có ngành chăn nuôi lợn lớn với gần 1,2 triệu con, được nuôi tại hơn 500 trang trại tập trung, 2.334 gia trại, 190.197 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ; 2.414 cơ sở, điểm giết mổ, 488 chợ có bán thực phẩm. Trong khi địa bàn tỉnh rộng, chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ chiếm tỷ lệ lớn, tỉnh Thanh Hóa xác định rõ, cần phải nêu cao ý thức, trách nhiệm của người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch.

Vôi bột được rải trắng xóa trên các trục đường thôn, xã. Ảnh: VD.

Bà Lê Thị Tâm, một hộ chăn nuôi tại thôn Xuân Quang, xã Thiệu Công, Thiệu Hóa cho biết: “Họp thôn lần nào cũng đều đề cập đến công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Đài truyền thanh cấp xã phát thường xuyên kêu gọi người dân nêu cao cảnh giác với dịch bệnh nguy hiểm này. Mỗi người dân đều ý thức được công tác phòng chống dịch.

Hộ nào chăn nuôi thì tuyệt đối không đến khu vực chuồng trại của các hộ khác. Các chốt kiểm dịch được dựng lên, vôi bột được tập kết ở khắp mọi nơi, khi cần là huy động ngay chẳng khác nào tổng động viên thời chiến. Dù chỉ 1 con lợn ốm, chết thôi cũng phải báo ngay cho thôn, thôn báo cho xã, xã báo cho huyện để xử lý kịp thời”.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, 100% cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách xã Thiệu Công luôn ở trong tình trạng sẵn sàng để khi cần điều động làm nhiệm vụ là đi ngay. Hàng trăm lít hóa chất, hàng chục tấn vôi bột được sử dụng cho công tác chống dịch. Có thời điểm, chưa mua kịp áo chống dịch, các thành viên chống dịch phải sử dụng áo mưa, dùng một lần rồi tiêu hủy luôn. Dù vậy, công tác chống dịch ở Thiệu Công nói riêng và Thiệu Hóa nói chung chưa bao giờ được phép lơ là.

Còn tại xã Thiệu Phú, ông Lê Vũ Khang, Xã đội trưởng được phân công làm trưởng chốt cổng chính làng Đỉnh Tân. Ông Khang cho biết: “Từ trước Tết Nguyên đán 2019, dù dịch chưa vào nhưng khi có dịch lở mồm long móng, xã đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật. Thời điểm có dịch tả lợn châu Phi, xã Thiệu Phú tăng cường thêm 2 chốt, trực chiến ở những con đường dẫn vào xã. Mỗi chốt được biên chế 6 người, chia làm 2 ca trực 24/24.

Các chốt kiểm dịch duy trì hoạt động 24/24 giờ. Ảnh: VD.

Riêng cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách, vào thời điểm chống dịch tất cả đều được phân công thường trực tại cơ sở để nghe ngóng tình hình, động viên, cùng nhân dân chống dịch.

Đối tượng lựa chọn trực tại các chốt, ngoài việc có tinh thần, trách nhiệm cao trong công việc thì yếu tố quan trọng là chăn nuôi rất ít hoặc không chăn nuôi nhằm giảm tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Lúc đầu, người dân cũng cảm thấy rườm rà vì cứ qua chốt là phải phun tiêu độc khử trùng nhưng dần dần ý thức được nâng lên, họ coi việc làm đó là trách nhiệm của tất cả mọi người”.

Thiệu Hóa, một trong những huyện có số lượng lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, tính đến thời điểm này, toàn huyện đã tiêu hủy 1.643 con với tổng trọng lượng 126.846kg. Thiệu Hóa cũng đã công bố hết dịch tại 6 xã.

“Nếu tính số lượng xã, hộ có dịch tả lợn Châu Phi thì tương đối lớn. Nhưng nếu nhìn vào các số liệu thống kê thì có thể thấy, Thiệu Hóa nói riêng và Thanh Hóa nói chung vẫn đang làm tốt công tác phòng chống dịch. Trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, ngoài sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền thì ý thức của người dân đóng vai trò rất quan trọng", ông Anh bày tỏ quan điểm.
 

Phòng chống dịch, nhiệm vụ số 1

Ngay sau khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa ra công văn yêu cầu các địa phương tập trung nhân lực, vật lực; giảm nhiều cuộc họp để chống dịch.

Các thành viên chống dịch vượt khó, thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch. Ảnh: VD.
Từ ngày 23/2 - 11/5, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 280 hộ (chiếm 0,14% tổng số hộ chăn nuôi) của 112 thôn (chiếm 3,29% tổng số thôn), 57 xã (chiếm 8,97% tổng số xã) của 13 huyện, thị, tỉnh Thanh Hóa. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 5.390 con lợn với tổng trọng lượng 339.444,6 kg. Đến ngày 9/5 toàn tỉnh đã có 18 xã công bố hết dịch. Như vậy, đến ngày 11/5/2019, trên địa bàn tỉnh còn 91 thôn, 39 xã của 12 huyện đang còn dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 30 ngày. Thanh Hóa nhiều lần được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.

Ngày 8/3/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kinh phí mua vật tư, hóa chất và kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi; huy động trên 79 nghìn lít hóa chất sát trùng; 415 tấn vôi bột; in và cấp 150.000 tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch.

Địa phương đã mua 4.300 bộ quần áo bảo hộ phòng chống dịch; 1.090 đôi ủng cao su; 20.000 khẩu trang phòng dịch; 20.000 đôi găng tay cao su; 500 lọ dung môi lấy mẫu…

Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, ngay từ cuối năm 2018, khi dịch tả lợn Châu Phi chưa xuất hiện tại địa phương, Thanh Hóa đã lên kịch bản chống dịch. Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại Thanh Hóa trở thành nhiệm vụ số 1.

“Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Thanh Hóa đã vào cuộc rất quyết liệt. Các huyện là các pháo đài; huyện giữ huyện, xã giữ xã, thôn giữ thôn, gia đình giữ gia đình.

Ngành nông nghiệp, từ giám đốc đến các phó giám đốc làm trưởng các đoàn đến các hộ chăn nuôi để kịp thời phát hiện, lấy mẫu xử lý, tiêu hủy kịp thời cũng như áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trực tiếp đến nhiều trang trại, gia trại kiểm tra công tác phòng chống dịch…”.

Đến ngày 9/5/2019, toàn tỉnh đã lập 5 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại các đầu mối giao thông và tăng cường lực lượng cho 2 trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông để phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.

Ngoài ra, các huyện, xã lập trên 200 chốt kiểm soát để ngăn chặn dịch bệnh động vật. Đầu năm 2019 đến nay, các chốt kiểm dịch đã kiểm tra, kiểm soát, tiêu độc, khử trùng trên 9 nghìn lượt xe chở gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật.

Lợn nhiễm dịch được tiêu hủy đúng quy trình chỉ sau 3-8 giờ có kết quả xét nghiệm. Ảnh: VD.

Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện, xử lý 4 xe vận chuyển lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tiêu hủy 294 con lợn; phát hiện thông báo cho công an 2 xe chở lợn trái phép để xử lý. Ngành thú y lấy 418 mẫu giám sát dịch bệnh trên lợn, trong đó có 259 mẫu để chẩn đoán, giám sát bệnh dịch tả lợn Châu Phi (92 mẫu dương tính)...

Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đang tích cực triển khai thực hiện thống kê, hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi; tạo điều kiện tốt nhất để tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi theo đúng quy định pháp luật. Sau khi một số địa phương công bố hết dịch, tình hình tiêu thụ thịt lợn tại các chợ trên địa bàn tỉnh đã sôi động trở lại.

Phát hiện sớm, tiêu hủy triệt để

“Để khống chế tốt dịch bệnh, ngoài việc nâng cao ý thức cho người chăn nuôi cần phải làm tốt công tác giám sát, phát hiện ổ dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tiêu hủy lợn mắc bệnh một cách triệt để, quyết liệt, kịp thời, đúng quy trình.

Thực tế cho thấy, sau khi có kết quả dương tính với dịch, trong vòng 3 - 8 giờ sau phải hoàn thành việc tiêu hủy sẽ giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch. Vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng, đặc biệt là xử lý các trang trại, hộ chăn nuôi bằng cách rải vôi bột mang lại hiệu quả rất cao trong việc ngăn chặn phát tán dịch bệnh.

Công tác kiểm soát vận chuyển, kinh doanh, buôn bán lợn, sản phẩm lợn từ vùng dịch xâm nhập vào địa bàn tỉnh bằng các trạm, chốt kiểm soát, tổ kiểm dịch lưu động, các lực lượng chức năng, quản lý thị trường, ban chỉ đạo 389... là rất quan trọng”

(Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa)

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.