| Hotline: 0983.970.780

Nhớ thương dồng dộc

Thứ Sáu 30/12/2022 , 06:20 (GMT+7)

Bao đêm, tôi mơ thấy bầy chim dồng dộc trở về, chúng hót líu lo quanh vườn nhà. Nhưng khi tỉnh dậy mới biết đấy là ảo mộng.

Empty

Những tổ chim dồng dộc gắn trên cây giả tại tiệc cưới khiến tôi ngẩn ngơ, thương nhớ ngày xa.

Cánh chim tuổi thơ đã bay đến phương trời nào xa lắc. Tôi như lịm đi khi thấy ba tổ chim dồng dộc treo lủng lẳng trên nhánh cây từ bức ảnh của bạn đồng nghiệp chia sẻ trên zalo chung nhóm. Sau phút giây ngỡ ngàng, tôi nhắn hỏi thông tin thì nhận được câu trả lời từ sếp: "Em không thấy ổ thật nhưng gắn giả à!". Một thoáng ngẩn ngơ, tôi nhắn tin riêng và đồng nghiệp cho biết đấy là những chiếc tổ thật được gắn trên cây giả tại buổi tiệc cưới. Ra vậy! Có lẽ chủ dàn nhạc phục vụ tiệc cưới cũng nhớ về loài chim nhỏ bé líu lo ca hát như thả vào đời những âm điệu vui tai đọng trong ký ức bao người.

Ngày thơ bé, tôi đắm chìm trong âm thanh huyền diệu nơi làng quê. Đêm chưa tan, lũ gà đã tranh nhau cất tiếng gáy gọi bình minh. Người làng thức dậy, bếp lửa cháy bập bùng nấu bữa sớm mai lót dạ trước khi vào ngày mới. Ngoài vườn, chim ríu rít hót ca khi trời chưa sáng tỏ mặt người. Gió vờn quanh xào xạc cây lá cho những giọt sương đêm rơi xuống rồi tan vào đất. Âm thanh nơi làng quê tựa bản hòa ca tuyệt diệu của đất trời. Sớm mai, lũ se sẻ ríu ra rít rít, bay lượn trên ngọn cau cao vút. Chim hoành hoạch khoác trên mình bộ lông xám nhạt tung tăng chuyền cành. Những con chim sâu chăm chỉ tìm mồi trong kẽ lá. Trên ngọn tre cong cong hình lưỡi liềm, những con chim dồng dộc bám vào tổ đu đưa trong gió sớm.

Ngày ấy, làng tôi còn lắm rặng tre xào xạc trong gió. Tre bao quanh vườn nhà. Người dân quê tôi dùng tre làm rui, mè để lợp tranh hay rơm rạ tạo nên mái nhà che mưa nắng. Nhiều người chẻ tre cắm vào nền đất rồi cột ngang gọi là mầm và trĩ trước khi trát đất sét trộn lẫn rơm rạ làm nên vách nhà chắn gió khi đông rét mướt tràn về. Tre còn được chẻ nan mỏng đan thúng, mủng, nong, nia... Những câu thơ tài hoa của thi sĩ Nguyễn Duy ngân nga trong tâm trí: "Tre xanh/Xanh tự bao giờ?/Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh/Thân gày guộc, lá mong manh/Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?... Vươn mình trong gió tre đu/Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành/Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh/Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm/Bão bùng thân bọc lấy thân/Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm/Thương nhau tre chẳng ở riêng/Lũy thành từ đó mà nên hỡi người/Chẳng may thân gãy cành rơi/Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng...".

Vào mùa lúa chín, bầy chim dồng dộc từ đâu bay về chọn những cành nhỏ nơi ngọn tre để đan tổ. Những chiếc tổ bằng lá cỏ, lá mía, lau, lách... đan rất khéo léo và kỳ công. Vậy nên nhiều người gọi chúng là bậc thầy của các loài chim về xây tổ. Lúc đầu, tổ trông tựa chiếc mũ bảo hiểm đội đầu, dân làng tôi gọi là võng dồng dộc. Chim tiếp tục đan thành chiếc tổ hoàn chỉnh có toa dài làm nơi đẻ trứng, ấp nở rồi nuôi con. Trưa nắng, người làng chuyện trò dưới bóng tre râm mát, tay phe phẩy chiếc quạt nan rơi rụng từ thân tre. Lũ trẻ chúng tôi quẩn quanh bên rặng tre bắn bi, đánh trổng, đánh trận giả... và cãi cọ um sùm khi có đứa chơi gian.

Mặc, lũ dồng dộc vẫn buông tiếng gọi đàn trên ngọn tre đong đưa trong nắng. Âm thanh luyến láy tựa tiếng đàn của người nghệ sĩ điêu luyện làm say đắm lòng người. Chiều phai nắng, gió nồm hây hẩy làm mát rượi làng quê. Ngọn tre như cánh tay khẳng khiu giữ lấy những tổ chim đung đưa trước gió. Tiếng kẽo kẹt bởi những thân tre gầy cạ vào nhau tựa lời ru dỗ dành bé thơ khóc hờ vì hờn dỗi. Chim thản nhiên bay ra rồi lại bay vào đan tổ hay tha mồi nuôi con. Dẫu bận rộn nhưng chim vẫn buông những tiếng kêu chíu chít vào chiều khi ngày yên ả trôi. Tôi cùng lũ bạn chung xóm thích thú ngồi nhìn những tổ chim lượn lờ trong tầm mắt. Đôi cánh chim mỏng manh xõa giữa trời chiều vỗ gió tung bay đẹp mơ màng.

chim dồng dộc

Tổ chim dồng dộc.

Ngày nọ, chú út tôi trèo lên ngọn tre bắt chim dồng dộc sau bao ngày chăm chú theo dõi. Tôi ngửa cổ nhìn theo háo hức đợi chờ xen lẫn âu lo. Những cành gai ở gốc tre cào vào da thịt chú tứa máu. Dẫu vậy, chú vẫn gắng leo lên cao rồi đu ngọn tre cong sát mặt đất như phi công nhảy dù giữa tiếng vỗ tay tán thưởng của tôi và lũ bạn chung xóm.

Trong chiếc tổ đã ngả màu từ xanh sang vàng là ba chú chim non phủ đầy lông tơ màu xam xám há mỏ kêu chiêm chiếp. Chú đưa cả tổ và chim vào chiếc lồng lớn đan bằng tre sau bao ngày cặm cụi chẻ nan rồi chuốt bóng láng. Ngày ba bữa, chú mang chim ra khỏi lồng rồi nhai nhỏ từng hạt gạo đút vào chiếc mỏ há to chờ ăn. Tôi lăng xăng bên chú để được sai bảo lấy gạo hay múc nước lã cho chim uống với niềm vui vô bờ bến. Chú đặt tên chúng là chim anh, chim em và chim út khiến tôi cùng lũ bạn khá thích thú.

Bữa ăn, chúng nhịp chân và đôi cánh vỗ liên hồi như muốn tập luyện trước khi vút bay lên trời cao. Chim lớn dần, lông đầu và ức chuyển sang màu vàng khá đẹp mắt. Chú bảo đấy là chim cồ, những con mái chỉ có bộ lông màu xám nâu. Trước khi cho ăn, chú đều chúm miệng huýt gió vi vút bên tai. Rồi chúng chập chững vỗ cánh bay những đoạn ngắn, miệng luôn ríu rít tỏ vẻ mừng vui. Chú dạo quanh xóm chờ chim bay đến đậu trên vai rồi đút những hạt gạo trắng ngần vào chiếc mỏ xinh xắn. Lũ trẻ chúng tôi lon ton chạy theo xem, miệng bi bô nói cười mặc cho đâu đó có tiếng ơi ới gọi con về nhà.

Chú thường mang chim ra sau vườn nhà, nơi có rặng tre khoe dáng vào mỗi buổi nắng mai. Lũ dồng dộc trên cây cất tiếng gọi bầy, thế là cả ba cùng vỗ cánh bay lên thi nhau ca hát. Nghe tiếng huýt sáo của chú, cả ba cùng bay trở về vỗ cánh mừng vui đón những hạt gạo vừa lột bỏ lớp vỏ lúa bên ngoài.

Mùa thu hoạch lúa đi qua sau những ngày người dân quê tôi bận rộn mệt nhoài nhưng gương mặt rạng ngời niềm vui khôn tả. Đồng quê trơ gốc rạ phơi mình dưới nắng. Chú tôi lùa trâu ra đồng, chim ríu rít trên vai. Giữa chiều lộng gió, chim sải cánh bay cao tựa ba dấu chấm nhỏ xíu in vào nền trời trong xanh hiền hòa. Lát sau, cả ba trở về đậu trên vai chú trước ánh mắt thèm muốn của lũ mục đồng.

Ngày tháng yên ả trôi. Từng đàn chim dồng dộc từ nơi xa theo nhau trở về đan tổ trên những rặng tre quanh xóm khi đồng làng sắp bước vào vụ gặt mới. Chú tôi lại mang chim ra sau nhà để chúng cùng bay lượn với đồng loại. Cả ba đã trưởng thành. Trông vẻ chúng vui sướng lắm, luôn miệng hót líu lo. Vườn nhà rộn rã tiếng chim. Tre xào xạc reo vui trong gió. Bầu trời dường như rộng và trong xanh hơn.

Người làng khiêng máy suốt lúa, quảy thúng mủng ra đồng khi những tia nắng đầu ngày còn mê mải rong chơi phía trời xa. Những hạt lúa vàng hươm theo chân người lớn về nhà trải đều trên sân phơi giữa trưa nắng. Con trẻ được bố mẹ giao nhiệm vụ canh chừng, xua đuổi gà, vịt bén mảng quanh sân. Tiếng la dọa nạt "ô... xịt" hòa cùng thanh âm trong trẻo của lũ chim khuấy động làng quê yên bình.

Mùa gặt cũng đi qua như bao năm vẫn thế. Những con chim dồng dộc hòa mình vào cuộc thiên di theo tiếng gọi của bản năng từ trong máu huyết tổ tiên truyền lại. Chim anh, chim em và chim út của chú tôi cũng theo đàn bay về nơi hoang dã xa xôi. Tôi thơ thẩn dạo quanh vườn nhà, mắt nhìn lên những ngọn tre mong ngóng cánh chim thân quen trở về. Chú út đến bên tôi đưa tay xoa đầu và nói những lời lẽ khá văn hoa so với tuổi đời khi ấy: "Chim phải trở về với trời xanh nên cứ để chúng bay đi. Đừng buồn làm gì! Hãy để chúng tự do rong chơi cùng bè bạn!".

Tuổi thơ tôi vẫn đắm chìm giữa ngẩn ngơ và vui sướng khi những bầy chim bay đi rồi lại về. Hai chú cháu không bắt chim non để nuôi như trước, chỉ ngắm nhìn chúng bay lượn và lắng nghe những thanh âm lay động lòng người như được thả từ trời cao.

Rồi, chú út theo nội tôi vào lập nghiệp tận xứ Trầm Hương xa tít tắp chân mây. Chim cũng bay đi sau mỗi vụ gặt. Tôi tha thẩn ngoài đồng giữa trời chiều lộng gió với nỗi thương nhớ khôn nguôi.

Vào một đêm kia, mưa bão ầm ào tựa trời nghiêng đất lở. Anh em tôi nằm co rúm trên giường vì lo sợ. Chợt nghe những tiếng chiêm chiếp thân quen từ phía vườn mía sau nhà. Tôi thảng thốt như vừa giật mình tỉnh khỏi cơn mê, thầm hỏi" "Sao chưa đến mùa mà chúng lại về?". Lát sau, cha cầm đèn pin đến bên giường nhỏ nhẹ: "Đám mía sau nhà nhiều chim về trú bão lắm!". Tôi vội khoác tấm ni lông che mưa bước theo cha sau ánh đèn pin lấp lóa trong đêm tối. Những thân mía ngả nghiêng, oằn mình vì gió bão. Chim dồng dộc, chim sâu, chim sẻ... run rẩy ẩn nấp mưa gió trông thật xót xa. Tôi bước đến gần, chúng không vụt bay như thường ngày, chỉ kêu chiêm chiếp như cần được che chở. Cha ngăn tôi bắt chim mang vào nhà vì sợ không có lồng nhốt sẽ bị mèo làm hại.

Đêm ấy, tôi thao thức đến khi bão tan vào tận sáng hôm sau. Bầy chim ríu rít như chào từ biệt trước khi bay về phía mây ngàn lang thang cùng gió núi. Và, làng quê dần vắng bóng chim khi những nòng súng săn rình rập nơi bụi bờ. Lũ dồng dộc cũng không về vào vụ gặt như những năm xa. Những rặng tre xanh quanh vườn nhà ngày xưa bị đốn hạ, thay vào đó là tường rào trụ bê tông và lưới kẽm màu xám lạnh như trời mây u ám báo hiệu sắp mưa giông. Bao đêm, tôi mơ thấy chúng trở về hót líu lo quanh vườn nhà. Nhưng khi tỉnh dậy mới biết đấy là ảo mộng. Cánh chim tuổi thơ đã bay đến phương trời nào xa lắc. Ôi! Thương nhớ ngày xa!

Xem thêm
Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Mức đầu tư 8,3 tỷ USD

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khoảng 203.231 tỷ đồng (8,369 tỷ USD).

Nhu cầu kiểm nghiệm chất vàng O trong sầu riêng tăng mạnh

TP Cần Thơ Để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, việc kiểm nghiệm chất vàng O là yêu cầu bắt buộc.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Những bó hoa từ rau, củ quả độc lạ dịp Valentine

Những bó hoa lấy cảm hứng từ những nguyên liệu quen thuộc với căn bếp như rau, củ, quả.. trở thành những món quà thú vị trong dịp Valentine 2025 năm nay.