| Hotline: 0983.970.780

Bão tố dưới những cánh rừng vàng [Kỳ 6]: Nghệ An phải gỡ được nút thắt 157.000ha rừng tự nhiên nghèo kiệt

Thứ Sáu 15/09/2023 , 10:00 (GMT+7)

Nghệ An có hàng trăm ha rừng tự nhiên nghèo kiệt với độ phục hồi rất chậm, nếu 'giải phóng' được một phần diện tích, áp lực thiếu đất sản xuất sẽ được xóa nhòa.

Nghệ An có khoảng 157.000ha diện tích rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt nhưng hộ giao khoán chỉ có nghĩa vụ bảo vệ chứ không được thực hiện các biện pháp lâm sinh. Ảnh: Việt Khánh. 

Nghệ An có khoảng 157.000ha diện tích rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt nhưng hộ giao khoán chỉ có nghĩa vụ bảo vệ chứ không được thực hiện các biện pháp lâm sinh. Ảnh: Việt Khánh. 

Thiếu đất sản xuất là nguồn cơn của những hệ lụy

Báo cáo “Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 số 289-BC/TU ngày 10/4/2023 của Tỉnh ủy Nghệ An thể hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến khá toàn diện. Ngược lại vẫn còn đó những rào cản, vướng mắc chưa được tháo gỡ, đặc biệt là nhu cầu hiện hữu về đất sản xuất cho đồng bào vùng cao.

Theo số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2022 toàn tỉnh có gần 790.000ha rừng tự nhiên, đáng nói chỉ khoảng 23.375ha là rừng tự nhiên nguyên sinh (chiếm tỷ lệ 2,96%), 766.558ha còn lại là rừng thứ sinh (chiếm 97,04%). Trong rừng thứ sinh lại có hơn 157.000ha là rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt đã bị tác động do quá trình khai thác “kiệt” ở giai đoạn trước đó, rừng này tốc độ phục hồi rất chậm, giá trị đa dạng sinh học thấp.

Đặc biệt, toàn tỉnh có khoảng 80.467ha diện tích rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt là rừng sản xuất nằm kề sát khu vực sinh sống của đồng bào vùng cao. Hiện người dân không được tác động do “vướng” các quy định chung về bảo vệ, cải tạo, làm giàu các diện tích rừng tự nhiên hiện có, đặc biệt là những khu vực rừng tự nhiên nghèo kiệt, chậm phục hồi (chưa có các tiêu chí cụ thể đối với các loại rừng tự nhiên cần phải bảo vệ).

Những diện tích rừng này có độ phục hồi rất chậm, giá trị không cao. Ảnh: Quốc Toản.

Những diện tích rừng này có độ phục hồi rất chậm, giá trị không cao. Ảnh: Quốc Toản.

Thực tế thì trước khi ban hành Chỉ thị 13-CT/TW, Nhà nước có chủ trương cải tạo rừng sản xuất nghèo kiệt chuyển sang rừng trồng, người dân nhờ đó có thêm đất trồng rừng. Sau Chỉ thị 13-CT/TW việc chuyển đất rừng tự nhiên nghèo kiệt sang rừng trồng bị cấm hẳn, người dân được giao rừng tự nhiên (nghèo, nghèo kiệt) nhưng không được thực hiện các giải pháp lâm sinh (cải tạo, trồng mới rừng…). Đây là bài toán cực kỳ hóc búa, nhất là đặt trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước rất thấp.

Khư khư giữ rừng nhưng bụng đói triền miên, thực trạng đáng buồn tiếp diễn liên hồi đã tác động lớn đến tâm lý của số đông. Bức bách là nguồn cơn của những hành vi sai lệch, theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, trên địa bàn Nghệ An mỗi năm phát hiện, xử lý hàng trăm vụ liên quan đến lâm luật. Đáng nói phần nhiều không đến từ việc khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép mà cơ bản phá rừng do thiếu đất canh tác mà nên:

“Nếu cơ quan kiểm lâm không phát hiện kịp thời, không làm tròn bổn phận thì bị quy kết thiếu tinh thần trách nhiệm, nhẹ thì kỷ luật, nặng thì đuổi việc, thậm chí vướng vòng lao lý. Tình trạng phá rừng dạng này ở huyện Con Cuông gia tăng độ vài năm trở lại đây, khi nhu cầu trồng rừng nguyên liệu tăng mạnh. Trống chỗ nào dân tận dụng trồng keo chỗ đó, có những điểm trước đây trồng bạt ngàn sắn, mía nay phá hết để trồng keo.

Độ che phủ rừng của Con Cuông theo cập nhật diễn biến năm 2022 là 82,91%, hơn 17% còn lại bao gồm cả hệ thống điện đường trường trạm, các công trình thiết yếu… thì lấy đâu ra tư liệu canh tác nữa. Qua những lần tiếp xúc cử tri, chính quyền cấp xã và người dân bản địa đều kiến nghị cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để họ có đất trồng rừng”, một cán bộ kiểm lâm bộc bạch.

Nhắc đến Con Cuông, được biết huyện này có tổng cộng 152.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trải dài khắp địa bàn 12 xã, thị trấn. Hiện có trên 50.000ha đất rừng sản xuất được giao đến tay người dân để khoanh nuôi, bảo vệ, tuy nhiên các hộ có rừng tự nhiên chưa được thụ hưởng chính sách, hoặc được hưởng lợi nhờ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng nhưng đơn giá quá thấp, chỉ dao động quanh quẩn 100 – 150 nghìn/ha/năm, chung quy chả thấm tháp vào đâu.

Do nhu cầu phát triển kinh tế, kết hợp gánh nặng cơm áo gạo tiền, người dân dần dà có sự so sánh lợi ích giữa công tác bảo vệ rừng đơn thuần và trồng rừng nguyên liệu. Nhận thấy mức độ chênh lệch quá lớn (trồng rừng nguyên liệu sau 5 – 7 năm thu lời 70 – 80 triệu đồng) nhiều trường hợp đã “tự ý phát rừng để trồng rừng” mặc cho chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm đã ra sức tuyên truyền. Bằng chứng, chỉ trong vòng 5 năm trở lại lực lượng chức năng đã xử lý đến 480 vụ vi phạm lâm luật, bao gồm 6 vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng. 

Nhằm phát huy bền vững các chức năng của rừng, đồng thời đảm bảo hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an sinh cho người dân, đặc biệt là đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số, Nghệ An đã đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành xem xét chủ trương thực hiện biện pháp lâm sinh cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, trước hết cho phép các địa phương xây dựng phương án cải tạo rừng tự nhiên sản xuất nghèo kiệt có chức năng phòng hộ ít xung yếu, không có giá trị kinh tế sang trồng rừng thâm canh gỗ lớn theo quy định tại Điều 45 Luật Lâm nghiệp 2017.

Giảm tỷ lệ che phủ rừng, tăng diện tích rừng sản xuất

Ngày 21/8/2023 Sở NN-PTNT có Công văn số 3204/SNN-KL gửi UBND tỉnh Nghệ An để làm cơ sở kiến nghị các cấp, ngành liên quan điều chỉnh số liệu trong hồ sơ Dự thảo Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đảm bảo hài hòa các yếu tố.

Dự kiến bước đầu, đến năm 2030 Nghệ An được “ưu ái” quy hoạch trên 1 triệu ha đất có rừng (829.010ha rừng tự nhiên, 218.300ha rừng trồng), tương ứng độ che phủ rừng 63,52%. Nếu đạt đến “ngưỡng” trên tài nguyên rừng sẽ giàu lên trông thấy, ngược lại đất canh tác của đồng bào vốn it ỏi sẽ càng eo hẹp hơn, thậm chí chẳng còn quỹ đất để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Đó là viễn cảnh dễ hình dung, bởi lẽ với mức 58% lúc này thôi người dân khu vực miền núi đã “khát” tư liệu sản xuất đến cùng cực rồi.

Độ che phủ rừng cao đồng nghĩa quỹ đất canh tác của dân bản ngày một ít đi. Ảnh: Việt Khánh.

Độ che phủ rừng cao đồng nghĩa quỹ đất canh tác của dân bản ngày một ít đi. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An xác nhận vấn đề bức bách nhất vẫn xoay quanh câu chuyện thiếu đất canh tác của bà con vùng cao, áp lực của người dân tất thảy kéo theo áp lực cho các bên liên quan: “

“Chi cục Kiểm lâm đã đề xuất phương án rà soát, cải tạo diện tích rừng nghèo, nghèo kiệt nhằm tạo tư liệu cho đồng bào. Mặt khác, Nghệ An cần phát huy tính đa dụng của rừng bằng cách thực hiện tốt chính sách thí điểm về dịch vụ các-bon, dịch vụ môi trường rừng và triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), có như vậy mới giảm thiểu được những áp lực đang bủa vây”, ông Tuấn chia sẻ thêm.   

Giảm tỷ lệ che phủ, tăng diện tích rừng trồng thể hiện tầm nhìn dài hạn của tỉnh Nghệ An trong mục tiêu giữ vững an ninh rừng và tạo sinh kế ổn định cho người dân miền núi. Ảnh: Quốc Toản.

Giảm tỷ lệ che phủ, tăng diện tích rừng trồng thể hiện tầm nhìn dài hạn của tỉnh Nghệ An trong mục tiêu giữ vững an ninh rừng và tạo sinh kế ổn định cho người dân miền núi. Ảnh: Quốc Toản.

Chủ động đề xuất giảm tỷ lệ che phủ rừng, tăng diện tích rừng sản xuất, rừng trồng thể hiện tầm nhìn dài hạn của Nghệ An, qua đó đảm bảo hài hòa giữa công tác quản lý, bảo vệ và giữ vững an ninh rừng song song nhiệm vụ phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân miền núi. Đành rằng phía trước còn lắm chông gai nhưng xem ra đây là hướng đi khả dĩ nhất.

Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 05/05/2023 (hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Tờ trình số 4657/TTr-UBND ngày 13/6/2023); Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu giữ vững độ che phủ rừng ổn định ở mức 58%.

Trước đó, HĐND tỉnh Nghệ An cũng đã thông qua việc điều chỉnh quy mô diện tích rừng và đất lâm nghiệp bằng cách giảm hơn 13.000ha so với quy hoạch đã phê duyệt trước đó, trong đó giảm mạnh đất rừng phòng hộ và tăng đất rừng sản xuất (thêm 8.240ha). Đồng thời, duy trì mục tiêu độ che phủ rừng ổn định 58% (giảm 1%).

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.