| Hotline: 0983.970.780

Bão tố dưới những cánh rừng vàng [Kỳ 5]: Gian nan giải bài toán ‘đất già đá non’

Thứ Ba 12/09/2023 , 06:22 (GMT+7)

Mong mỏi đồng bào ổn định cuộc sống thường nhật, chính quyền huyện Kỳ Sơn đã quy hoạch đến 23.000ha đất phát triển nương rẫy, dù vậy chủ trương này không đến được đích.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn thường trực với đồng bào Kỳ Sơn. Ảnh: Việt Khánh. 

Nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn thường trực với đồng bào Kỳ Sơn. Ảnh: Việt Khánh. 

Khó trăm bề

Kỳ Sơn (Nghệ An) nằm trong số những huyện nghèo, khó khăn bậc nhất cả nước với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 50,9%. An sinh xã hội chưa đảm bảo, đời sống thường nhật còn thiếu thốn đủ bề nên người dân vẫn duy trì thói quen tác động vào rừng.

Là “cánh tay nối dài”, vừa đảm đương công tác quản lý bảo vệ rừng lại trực tiếp phối hợp, đôn đốc và chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ của nhà nước xuyên suốt các thời kỳ, phía Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn hiểu rõ hơn ai hết nội tại ở địa phương này.

Hộ nghèo ở Kỳ Sơn vẫn chiếm tỷ lệ rất cao. Ảnh: Việt Khánh.

Hộ nghèo ở Kỳ Sơn vẫn chiếm tỷ lệ rất cao. Ảnh: Việt Khánh.

Tiếp chuyện PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, Hạt trưởng Hoàng Văn Huynh chia sẻ thẳng thắn: “Có thể ví Kỳ Sơn là một lát cắt thu nhỏ của cả tỉnh Nghệ An. Xét tiêu chí của Bộ NN-PTNT thì nơi đây phải đến 100% là rừng phòng hộ. Độ dốc quá cao, dao động từ 15 - 25 độ trở lên, đất thì già mà đá thì non, tựu chung rất khó để người dân canh tác sản xuất, công tác trồng rừng nguyên liệu cũng thế”.

Mong mỏi từng bước xóa nhòa tư tưởng trông chờ, ỷ lại, huyện Kỳ Sơn đã xây dựng kế hoạch dài hơi khi dành hẳn 23.000ha cho đồng bào địa phương làm nương rẫy. Tưởng chừng nước đi đầy táo bạo sẽ sớm mở ra bước đột phát mới, thế nhưng mọi thứ đã chệch đường ray. Tiếc thay nguyên nhân xuất phát từ chính những thói quen khó bỏ, ấy là tập tục đốt nương làm rẫy, hình thức du canh du cư đã ăn sâu vào máu. Tại đất Kỳ Sơn, người Mông phủ sóng gần như toàn bộ, họ vốn dĩ không canh tác cố định một nơi, thường làm một mùa lại bỏ bẵng dăm bảy năm, thành thử đến khi quay lại thì diện tích trên đã thành rừng, xét theo trữ lượng nghiễm nhiên không được động đến.

'Rừng thì già, đá thì non', đó là nguyên nhân khiến chủ trương quy hoạch 23.000ha nương rẫy không đi đến đích. Ảnh: Quốc Toản.

"Rừng thì già, đá thì non", đó là nguyên nhân khiến chủ trương quy hoạch 23.000ha nương rẫy không đi đến đích. Ảnh: Quốc Toản.

Khó khăn càng thêm chất chồng khi chủ trương giao đất giao rừng tại Kỳ Sơn gặp muôn vàn trắc trở, đến nay chỉ khoảng 2.000ha tại các xã Mỹ Lý, Bắc Lý, Bảo Thắng giao tận tay dân bản, còn lại đều ở… thì tương lai. Đất chưa có sổ, chưa được chứng thực về mặt pháp lý đồng nghĩa việc thụ hưởng các chương trình, chính sách của nhà nước với tổng kinh phí cả trăm tỷ đồng cũng bị gác lại. Đây là điều dễ hiểu khi số đông đều đề cao sự thận trọng, có điều càng chậm trễ thì người dân càng thua thiệt.

“Cần không có, có chẳng cần”, xuyên suốt hành trình giao đất giao rừng tại Kỳ Sơn là những câu chuyện cười ra nước mắt. Đành rằng người dân là đối tượng thụ hưởng nhưng công cuộc vận động “nhận đất” diễn tiến hết sức nhọc nhằn. Cơ quan chuyên ngành phải chấp nhận nhún nhường là chuyện thường ngày, thậm chí cán bộ phụ trách lắm lúc phải chơi chiêu, chấp nhận bỏ cả tiền túi để “lấy lòng”, hòng các bên có thể tìm được tiếng nói chung, cứ thế tỉ mẩn tháo gỡ từng chút một.

Người Mông chỉ thích phát nương làm rẫy, nên kế hoạch giao đất giao rừng chậm tiến độ cũng vì đây mà ra. Ảnh: Việt Khánh.

Người Mông chỉ thích phát nương làm rẫy, nên kế hoạch giao đất giao rừng chậm tiến độ cũng vì đây mà ra. Ảnh: Việt Khánh.

Bản Pù Quặc 1 và bản Pù Quặc 2 của xã biên giới Na Ngoi có khoảng 90 hộ dân, tất cả đều là người Mông. Theo kế hoạch có 170ha rừng phải bàn giao trong năm 2021, thế nhưng quá trình thực hiện không mấy suôn sẻ. Sau khi họp bàn đoàn công tác đã chủ động khâu nối với những người có uy tín tại 2 bản làng để “cậy nhờ” truyền đạt sâu rộng chủ trương. Tính toán sâu sát là vậy nhưng thực tế không dễ dàng khi có quá nhiều ý kiến phản bác, tình hình lúc căng thẳng tột độ.

Tại bản Pù Quặc 1 diễn biến ôn hòa hơn khi ½ danh sách chấp nhận phương án đưa ra, nhưng bản Pù Quặc 2 lại khác, bước đầu chỉ độc 7 hộ đứng ra nhận đất nhận rừng. Trực tiếp xông pha vào “điểm nóng”, bản thân ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn và ông Hoàng Văn Huynh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thấu hiểu hơn ai hết nỗi nhọc nhằn. Trải qua nhiều bận tuyên truyền, nhọc nhằn đi từng ngõ gõ cửa từng nhà, trao đổi cởi mở, thẳng thắn những nút thắt mới dần được tháo gỡ. Nhờ đó đợt kế tiếp có thêm 9 hộ gật đầu, đợt sau nữa thêm 6 hộ ưng bụng, lúc này đoàn công tác mới an tâm bàn giao diện tích còn lại cho cộng đồng thôn, bản quản lý, xong xuôi tất cả mới thở phào nhẹ nhõm.

Một cán bộ phụ trách lâm nghiệp trên địa bàn huyện Kỳ Sơn bộc bạch: “Nhiều hộ dân chưa hiểu rõ ngọn ngành của công tác giao đất giao rừng, đặc biệt là người Mông với tập tục du canh du cư đã ăn sâu vào máu, có những trường hợp cực đoan khăng khăng sẽ vượt biên lẩn tránh nếu bắt nhận rừng. Họ chưa hình dung được việc giao đất, giao rừng là toàn quyền sử dụng phần đất ấy trong vòng 50 năm, họ không thích nhận rừng để lấy tiền khoán bảo vệ, để trồng dược liệu dưới tán rừng, họ không tính kế dài hơi mà chỉ thích chặt rừng để làm nương rẫy trước mắt. Ngay như diện tích giao tại Pù Quặc 1 và Pù Quặc 2, dân bản nằng nặc không nhận nhưng diện tích này thực chất rất tiềm năng nhờ những lợi thế trời ban. Không ít đại gia lắm của nhiều tiền, hay chính như cán bộ địa phương đã nhiều lần đề xuất nhận rừng nhưng bất thành, chúng tôi xác định cái gì của dân phải trao cho dân”.

Bản làng thiếu sức sống

Đỉnh trời Kỳ Sơn vẫn yên ắng như vốn dĩ, nhịp sống thường nhật nơi đây dường như chậm hơn so với vòng quay chung. Không có công ăn việc làm buộc cánh thanh niên sức dài vai rộng, những lao động chính lũ lượt kéo nhau rời đi, để lại người già, trẻ nhỏ thất thểu ngóng theo. Gánh nặng cơm áo gạo tiền kéo theo những cuộc chia ly, dẫu không muốn nhưng chẳng còn sự lựa chọn nào khác.

Rong ruổi khắp các xã vùng biên như Mường Típ, Mường Ải, đập vào mắt là những khoảnh rừng lỗ chỗ đất đá, bạc phếch, nhiều nơi bị đốt cháy xém, đen kịt một màu. Một bên là rừng Kỳ Sơn, bên kia thuộc địa phận các huyện Mường Mọc, Noọng Hét của tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), phân chia định giới bởi con sông Nậm Mộ. Do thủy điện chặn dòng và tác động của thiên tai làm biến đổi dòng chảy, lòng Nậm Mộ đã thu hẹp đi nhiều, nước trên dòng lúc đầy lúc vơi, bất ổn như chính lòng người nơi đây vậy.

Trẻ nhỏ tại xã nghèo biên giới Mường Típ chịu nhiều thua thiệt. Ảnh: Quốc Toản.

Trẻ nhỏ tại xã nghèo biên giới Mường Típ chịu nhiều thua thiệt. Ảnh: Quốc Toản.

Chính Phó Chủ tịch Lầu Bá Nênh khẳng định Mường Típ là xã nghèo biên giới, dân số đa phần là người Mông và Khơ Mú, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm đến 71%. Đất ít nên chỉ vài hộ làm lúa nước, còn lại đa phần làm nương rẫy nhưng bấp bênh lắm. Thời tiết không thuận, nắng lắm mưa nhiều, dịch dã tràn lan khiến lúa, ngô không sống nổi, gia súc, gia cầm chết nhiều.

Ông Lầu Bá Giờ, trưởng bản Phà Nọi, xã Mường Típ chia sẻ thêm: “Toàn bản có 86 hộ, tất cả cùng làm nương rẫy nhưng diện tích ít thôi, chưa đến 1 ha/hộ đâu. Những năm 2010 dân bản chủ yếu trồng bí, bình quân mỗi hộ thu hoạch 5, 6 tấn/ năm, hộ nhiều lên chục tấn. Đến 2015 tình hình diễn tiến khó khăn, được mùa mất giá, thương lái thu mua rẻ mạt phải chuyển sang trồng gừng, được đôi ba năm rồi đâu lại vào đấy. Sản xuất nông nghiệp không đủ trang trải cuộc sống, thành thử nhiều diện tích nương rẫy đang bỏ không.

Toàn bản hiện có trên 100 lao động xa quê, 2 anh trai của tôi là Lầu Nạnh Cải và Lầu Pà Lịa có tổng cộng 6 người con, dựng vợ gả chồng xong chúng nó kéo nhau đi làm xa hết cả, con cái để lại cho ông bà trông coi, dẫu vất vả nhưng cũng đỡ hơn ở nhà nhìn nhau”.

Cha con anh Và Bá Chư, hộ nghèo tại bản Phà Nọi. Ảnh: Việt Khánh.

Cha con anh Và Bá Chư, hộ nghèo tại bản Phà Nọi. Ảnh: Việt Khánh.

Xã Mường Típ còn lắm hộ nghèo, cám cảnh bậc nhất phải là Và Bá Chư. Bố mẹ Chư mất sớm chẳng để lại cho anh tài sản gì đáng giá ngoài căn nhà gỗ xập xệ, xiêu vẹo trên nền đất chừng 45m2, cùng với đó là một khoảnh nương bé tẹo, bé đến mức sớm hôm quần quật cũng chẳng đủ ăn. Và Bá Chư thiếu học, ít giao tiếp, nhận thức không bằng bạn bằng bè nên chịu thua thiệt đủ bề. Tình hình càng khốn khó hơn khi người vợ đã dứt áo ra đi chỉ sau 2 năm chung sống, để lại anh khổ sở trong cảnh gà trống nuôi con.

Trình độ hạn hẹp, nghề ngỗng không có, muốn kiếm đôi đồng lo toan cho con trai đang tuổi ăn tuổi chơi buộc Và Bá Chư phải làm đủ nghề, ai thuê mướn gì cũng không ngần ngại. Có lẽ cũng bởi khó khăn, cơ cực quá mà Chư già khọm so với tuổi 34. Hỏi chuyện gia đình, Chư bập bẹ từng câu khó nhọc, lắm lúc bí từ chỉ biết cười trừ cho qua.  

“Huyện định hướng phát triển công tác trồng gừng, đẩy mạnh chăn nuôi nhưng thực tế rất khó do thị trường bất ổn. Đơn cử như 1 con trâu nặng trên 2 tạ năm trước có giá 60 triệu nhưng giờ rớt xuống 30 triệu, dân lỗ nặng. Hay như mô hình trồng gừng, đỉnh điểm năm 2020 - 2021 tiền giống lên đến 36.000 đồng/kg, nay bán ra chỉ còn 3.000 đồng/kg. Sản phẩm dân làm ra mất giá trầm trọng, trong khi các mặt hàng khác đều tăng, đó là nghịch lý. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành hỗ trợ tìm ra con đường bền vững, chứ chân trong chân ngoài thì không được. Cứ thế này dân chỉ nghèo thêm thôi”, Phó Chủ tịch Lầu Bá Nênh đắn đo.

Xem thêm
Thả 3 cá thể khỉ đuôi lợn quý hiếm về tự nhiên

Sau khi người dân tự nguyện giao nộp, 3 cá thể khỉ đuôi lợn đã được chăm sóc khỏe mạnh trước khi thả về tự nhiên để bảo tồn gen động vật quý hiếm.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm