| Hotline: 0983.970.780

Những bài thuốc dân gian kì lạ và nguy cơ mất mạng nếu tin theo

Chủ Nhật 07/04/2019 , 13:10 (GMT+7)

“Mẹ tôi phải nhập viện vì bà ấy dùng quá nhiều sâm giả mặc dù bà ấy từng vào viện vài lần vì ngộ độc một số chất có trong các bài thuốc dân gian mà bà ấy uống”, Vương Lạc Lạc, một sinh viên trường y ở thành phố Tây An, Trung Quốc nói.

Suýt chết vì truyền hỗn hợp nước trái cây vào tĩnh mạch

Mẹ của Vương năm nay 60 tuổi, bị huyết áp cao, bệnh phổ biến của người già. Nghe nhiều người nói dùng thuốc tây có lắm tác dụng phụ, bà luôn ghi nhớ trong đầu rằng các chất tự nhiên, thuốc rễ cây, lá lẩu đáng tin cậy hơn.

07-18-51_1
Nhiều người cao tuổi châu Á tin dùng các loại thảo dược, tránh xa y học hiện đại

“Bà ấy thu thập các bài thuốc lạ lùng ở khắp nơi để tự chữa bệnh, nhưng cho dù mấy lần phải vào viện, mà bà ấy vẫn không dừng thử các phương thuốc dân gian”, cô Vương nói với Hoàn cầu thời báo.

Ở Trung Quốc, và nhiều nước Á đông khác, nhiều người, đặc biệt là người già, tin tưởng các bài thuốc dân gian. Nhưng hầu hết các bài thuốc họ dùng đều không mang lại kết quả tốt, thậm chí còn độc hại.

Gần đây, một phụ nữ họ Tăng, 51 tuổi, phải đi cấp cứu sau khi bà truyền một hỗn hợp hơn 20 loại trái cây vào tĩnh mạch, theo báo điện tử thepaper.cn. Bà Tăng, một người rất quan tâm đến sức khỏe ở hạt Quý Châu, thành phố Sâm Châu, Hồ Nam, luôn sẵn sàng dùng mọi phương thuốc dân gian, miễn là phương thuốc ấy được nói là tốt cho sức khỏe. Bà nói ăn trái cây tốt cho sức khỏe và cuối cùng bà ấy nghĩ truyền thẳng vào người còn tốt hơn nữa.

Bà Tăng rơi vào hôn mê và có nguy cơ hoại tử, nhiễm trùng. Sau 5 ngày được điều trị tích cực, bà mới qua cơn nguy kịch. Nếu ông chồng không can thiệp kịp thời, nhiều khả năng bà Tăng sẽ không qua khỏi.

“Nhiều người già ở Trung Quốc mắc các loại bệnh về tim mạch có niềm tin sai lầm rằng ăn trái cây và rau cỏ giúp làm thông động mạch và tĩnh mạch”, Hồi Hồi, Phó Giám đốc khoa Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh nói.
 

Những bài thể dục hại người

Ngoài việc sử dụng các phương thuốc dân gian kỳ lạ, một số người già Trung Quốc còn áp dụng nhiều “bài tập thể dục dưỡng sinh” với niềm tin chúng mang lại sức khỏe.

Đến bất kỳ công viên nào đó vào buổi sáng hay buổi tối ở Trung Quốc, bạn cũng sẽ thấy rất nhiều người già cọ người vào cây, đi giật lùi hay nằm trên tượng đá hoặc lối đi lát đá.

Bài thuốc đá này được truyền từ tai người này đến tai người nọ, rằng nó còn hiệu quả hơn môn giác hơi truyền thống của Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia y tế nói không những không có khả năng chữa bệnh, nó còn có thể gây đau đớn. Người tập có thể bị say nắng trong thời tiết nóng bức, hoặc tự làm tổn thương cơ có thể dẫn đến những hậu quả tai hại hơn nữa. Cọ lưng vào gốc cây lại được xem là một bài thuốc thay thế châm cứu bấm huyệt đối với nhiều người.

07-18-51_4
Nhiều người già Trung Quốc ưa thích các bài tập thể dục theo dân gian nhưng thực tế là có hại

“Ở một chừng mực nào đó, cọ lưng vào gốc cây có thể giúp kích thích cơ bắp và xương lưng, giúp hỗ trợ lưu thông máu, giảm đau lưng thông qua việc kích thích kinh mạch lưng”, Cố Lôi, bác sỹ vật lý trị liệu của bệnh viện Tiểu Thang Sơn ở Bắc Kinh nói. Tuy nhiên, bác sỹ Cố nói không phải người cao tuổi nào cũng nên thử phương pháp này. Nhiều người già đang có các bệnh mạn tính như loãng xương hay teo cơ có thể gặp chấn thương như gãy xương, giãn cơ hay thậm chí là các mô lưng. Bác sỹ Cố khuyên chỉ nên đi bộ, đi bộ nhanh hay tập thái cực quyền, những môn vận động nhẹ nhàng.

Uống dấm chữa tim mạch! Đã có nhiều người già tin rằng uống dấm giúp làm mềm tĩnh mạch. Nhưng bác sỹ Hồi nói điều này thật buồn cười, bởi uống quá nhiều chất lỏng chứa acid có thể gây ra tình trạng dư acid, dẫn đến khó tiêu và các vấn đề về dạ dày mạn tính.

Bác sỹ Hồi nói với Hoàn cầu Thời báo rằng mặc dù người cao tuổi muốn sống khỏe mạnh càng lâu càng tốt, nhiều người  không thoát ra khỏi quan niệm sai lầm rằng thuốc tây có các tác dụng phụ phá hủy nghiêm trọng sức khỏe, vì thế họ thường tìm đến các bài thuốc dân gian.

07-18-51_3
Giác hơi, phương pháp chữa bệnh theo một số chuyên gia, là ít cơ sở khoa học

Họ có xu hướng tìm đến các bài thuốc có nguồn gốc tự nhiên và tin vào bất cứ “phương pháp chữa bệnh hiệu quả” mới nhất mà bạn bè hay người thân truyền tụng. Họ thiếu niềm tin vào y học hiện đại.

Theo tờ Guardian, một nghiên cứu năm 2017 phát hiện rằng các phương thuốc đông y có thể gây suy thận và suy gan đối với một số người dùng bởi chúng chứa hóa chất độc hại hoặc kim loại nặng, hoặc phản ứng có hại với các loại thuốc khác.

Phát hiện này được đăng trên tạp chí Y khoa Australia. Các nhà nghiên cứu của Đại học tổng hợp Adelaide đã xem xét 52 nghiên cứu về thuốc đông y và bộ môn độc học. Nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận rằng cần phải có kiểm nghiệm độc lập thuốc đông y trước khi đưa chúng ra thị trường và cần phải có các biện pháp chế tài nếu sản phẩm không đáp ứng các quy định. Khi ra thị trường, sản phẩm cũng vẫn cần được theo dõi chặt chẽ bởi nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

“Tác dụng phụ độc hại của thuốc thảo dược thường không được đề cập và họ thường nói về tính an toàn của thuốc nhiều hơn”, nhóm nghiên cứu viết.

07-18-51_2
Có nghiên cứu nói sâm chỉ có tác dụng như giả dược

Theo nhóm nghiên cứu, nhiều người dùng thảo dược ở Australia thường không nói với bác sỹ về việc này bởi họ cho rằng thảo dược là thuốc tự nhiên và do đó, không có hại.

Nhưng thảo dược có thể là một nguồn chất độc rất mạnh và trong thực tế chúng ta đang dùng nhiều thứ làm thuốc có nguồn gốc cây cỏ rất độc.

Một nghiên cứu thuốc cổ truyền Trung Quốc tại Australia phát hiện ra rằng hàm lượng chì, cadmium và arsenic quá tiêu chuẩn có trong 60% các đơn thuốc, đủ để gây ra ngộ độc cấp tính.

(Kiến thức gia đình số 14)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.