Kẹo Bradford
Năm 1858, khoảng 20 người đã thiệt mạng khi vô tình ăn kẹo nhiễm asen được bán tại một quầy hàng ở trung tâm thành phố Bradford, Anh. Chủ cửa hàng nhập kẹo từ nhà sản xuất Joseph Neal. Neal sử dụng một chất khác để thay thế cho đường nhằm làm giảm giá thành kẹo. Tuy nhiên, nhân viên của ông lại lấy nhầm 5,4 kg asen oxit cho vào sản phẩm. 20 người thiệt mạng và 200 người bị bệnh nặng vì ngộ độc asen. Vụ bê bối đã dẫn tới việc thông qua Luật Dược phẩm 1868 và các quy định chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn việc pha trộn hóa chất vào thực phẩm.
Bệnh bò điên (BSE)
Nhằm xoa dịu nỗi lo sợ của người dân về cuộc khủng hoảng “bệnh bò điên”, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Anh năm 1990 John Gummer đã chia sẻ bức ảnh tai tiếng chụp ông và con gái 4 tuổi đang mải mê ăn hamburger. Bức ảnh trở thành biểu tượng cho bê bối BSE thập niên 90 khi chính phủ Anh sau đó buộc phải thừa nhận rằng nguồn cung thực phẩm thực sự đã bị nhiễm độc.
Cuộc khủng hoảng và sự nổi lên của dạng bệnh bò điên ở người, có tên là Creutzfeldt Jakob, đã dẫn tới lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Anh của Liên minh châu Âu có hiệu lực từ năm 1996 và kéo dài tới 10 năm.
Sữa nhiễm melamine
Hàng tấn sữa nhiễm melamine bị tiêu hủy trên khắp Trung Quốc năm 2008. Ảnh: Ecommerce china agency |
Năm 2008, một lượng lớn hóa chất công nghiệp melamine được phát hiện trong sữa bột và sữa thông thường của các công ty hàng đầu trên khắp Trung Quốc. Ít nhất 6 trẻ em đã thiệt mạng và 300.000 trẻ khác bị bệnh sau khi uống sữa nhiễm độc. Vụ bê bối lên đến đỉnh điểm khi Tập đoàn sữa Sanlu phá sản, 21 lãnh đạo và nhà sản xuất sữa bị kết án, trong đó có hai người bị tử hình.
Khủng hoảng thịt lợn Ireland
Toàn bộ sản phẩm thịt lợn của Ireland trên toàn thế giới bị thu hồi sau khi cuộc khủng hoảng thịt nhiễm độc dioxin xảy ra vào năm 2008.
Nguồn thức ăn bị nhiễm độc đã được cung cấp cho 37 trang trại bò, 9 trang trại lợn trên khắp Cộng hòa Ireland cùng 8 trang trại bò và một trang trại sữa ở Bắc Ireland, thuộc Anh quốc. Trong khi động thái thu hồi sản phẩm nhận được sự ủng hộ từ giới chức y tế châu Âu, hàng nghìn người rơi vào cảnh mất việc làm ở các nhà máy chế biến thịt lợn khắp Ireland.
Thảm họa nước Walkerton
Tháng 5/2000, Walkerton, một cộng đồng dân cư nhỏ tại tỉnh Ontario, Canada, bị chấn động bởi nguồn nước nhiễm khuẩn gây chết người. 7 người thiệt mạng và 2.500 người ở trong tình trạng nghiêm trọng sau khi uống phải nước nhiễm độc. Phải đến 10 ngày sau đợt bùng phát bệnh đầu tiên, giới chức mới đưa ra cảnh báo và yêu cầu tất cả người dân đun sôi nước trước khi uống.
Dưa hấu phát nổ
Năm 2011, các nông dân Trung Quốc hoang mang khi dưa hấu họ trồng phát nổ. Hiện tượng kỳ lạ này xảy ra là do họ sử dụng sai thuốc kích thích tăng trưởng forchlorfenuron. Các nông dân phun thuốc vào dưa hấu vào cuối mùa và trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, khiến dưa hấu phát nổ như mìn.
Dưa hấu phát nổ do sử dụng sai thuốc kích thích tăng trưởng forchlorfenuron |
Forchlorfenuron được tin là giúp đẩy nhanh thời gian thu hoạch lên sớm 2 tuần và tăng kích cỡ cũng như giá dưa hấu thêm 20%. Các chuyên gia nông nghiệp cho hay forchlorfenuron được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc từ những năm 1980. Một số người nói nó không phù hợp với dưa hấu nhưng ít gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Nỗi sợ dưa chuột châu Âu
Tháng 5/2011, sự bùng phát của vi khuẩn E.coli ở Đức làm khoảng 25 người thiệt mạng. Ban đầu, nguyên nhân được cho là do các loại thực phẩm nhập khẩu gồm rau diếp và dưa chuột từ Tây Ban Nha, khiến các nhà sản xuất thiệt hại hàng triệu bảng Anh. Tuy nhiên, sau đó vụ nhiễm khuẩn được xác định không xuất phát từ Tây Ban Nha. Dù nguyên nhân thực sự chưa bao giờ được làm rõ, giá đỗ hữu cơ được trồng ở Đức và rau mầm có khả năng nhiễm khuẩn từ Ai Cập đã bị đưa vào tầm ngắm.
Dầu ăn bẩn tái chế
Năm 2014, hàng loạt bê bối thực phẩm ở Đài Loan bị phanh phui, mở đầu là vụ dầu ăn bị nhiễm bẩn do công ty Chang Guann sản xuất. Ngày 4/9, công ty này bị phát hiện đã pha dầu ăn với dầu tái chế, mỡ và dung dịch tẩy rửa đồ da. Chang Guann đã mua tới 243 tấn dầu bẩn tái chế, sau đó lọc chúng trước khi trộn với mỡ lợn và bán sản phẩm cho các nhà phân phối. Dầu bẩn tái chế được thu thập từ các nhà hàng, chứa cả những phần bỏ đi của động vật, mỡ và da.
Bê bối dầu ăn bẩn mở đầu cho hàng loạt vụ phanh phui thực phẩm bẩn khác ở Đài Loan năm 2014. Ảnh: UBC |
Chủ tịch tập đoàn này xin lỗi công chúng nhưng cho hay không biết và không cố tình mua dầu bẩn. Các báo cáo sau đó còn hé lộ rằng Chang Guann đã nhập khẩu nhầm hàng nghìn tấn dầu mỡ vốn dành cho động vật để tiêu thụ cho người.
Các trường học khắp Đài Loan đã ngừng sử dụng toàn bộ sản phẩm chứa dầu bẩn cho các bữa ăn sau khi 16 trường học được phát hiện đang dùng các sản phẩm dầu nhiễm bẩn. Một tháng sau, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan từ chức.
Trứng nhiễm thuốc trừ sâu Fipronil
Năm 2017, trứng gà và các sản phẩm từ trứng ở châu Âu và châu Á bị xác định nhiễm thuốc trừ sâu Fipronil. Giới chức Hà Lan được cảnh báo về việc sử dụng Fipronil trong các trang trại gia cầm từ trước đó khá lâu nhưng không có động thái gì. Đến tháng 7-8/2017, hàng triệu quả trứng gà đã bị cấm bán hoặc bị thu hồi khỏi thị trường ở Hà Lan, Bỉ, Đức và Pháp sau khi một lượng lớn Fipronil được phát hiện. Khoảng 180 trang trại Hà Lan đã tạm thời bị đóng cửa.
Thịt nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes
Các sản phẩm thịt đóng gói của Enterprise Foods bị nhiễm khuẩn. Ảnh: Wikipedia |
Tháng 1/2018, sản phẩm thịt đóng gói của hãng Enterprise Foods, công ty con của tập đoàn Tiger Brands ở Nam Phi, làm bùng phát dịch bệnh listeriosis do bị nhiễm vi khuẩn listeria monocytogenes. Tính đến ngày 12/3, đã có 183 trường hợp tử vong và 973 người được xác nhận bị nhiễm khuẩn. Đây là vụ lây lan listeriosis lớn nhất trên thế giới.
Chính phủ Nam Phi đã phát lệnh thu hồi tất cả sản phẩm của Enterprise Foods vào đầu tháng 3. Tiger Brands ban đầu phủ nhận các cáo buộc và được cho là chỉ thừa nhận về sự tồn tại của khuẩn Listeria monocytogenes trong một số sản phẩm của hãng 18 ngày trước lệnh thu hồi.
Các nước Botswana, Namibia, Mauritius, Mozambique, Malawi, Kenya và Zambia đều đã ngừng nhập khẩu thịt đóng gói từ Nam Phi.