Cỗ xe Diamond Jubilee State
Lễ đăng quang sẽ bắt đầu khi Vua Charles và Vương hậu Camilla di chuyển từ Cung điện Buckingham tới Tu viện Westminster. Hơi khác so với truyền thống, Vua và Vương hậu sẽ sử dụng chiếc xe Diamond Jubilee State với 6 ngựa kéo. Họ sẽ được những vệ sĩ thân tín nhất của nhà vua trong lực lượng Kỵ binh Household Cavalry hộ tống.
Cỗ xe được thiết kế tại Úc vào năm 2010 và từng được Nữ hoàng Elizabeth II sử dụng hồi năm 2014. Nội thất xe được bọc bằng lụa màu vàng của hoa anh thảo, và được trang trí bằng các đồ vật gắn với lịch sử nước Anh và Hoàng gia Anh.
Cỗ xe Gold State Coach
Sau lễ đăng quang, Vua và Vương hậu sẽ được đưa về cung điện trên cỗ xe Gold State Coach. Đây là cỗ xe truyền thống được sử dụng trong các lễ đăng quang kể từ thời vua William IV năm 1831.
Cỗ xe 260 năm tuổi, có chiều dài khoảng 7 mét, cao 3,6 mét và nặng 4 tấn sẽ di chuyển với tốc độ rất chậm, làm tăng thêm sự hùng tráng và trang nghiêm của buổi lễ.
Ampulla (bình đựng dầu thánh) và chiếc thìa đăng quang
Khi đức Vua ngồi trên ghế đăng quang sẽ được Tổng Giám mục xức dầu thiêng. Tổng Giám mục sẽ đổ dầu từ bình đựng dầu Thánh Ampulla có hình đại bàng bằng vàng vào thìa đăng quang và xức dầu lên đầu, ngực và tay của nhà Vua. Đây được coi là nghi thức thiêng liêng nhất của buổi lễ. Nghi thức được thực hiện kín để bảo đảm sự tôn nghiêm.
Chiếc thìa từ thế kỷ 12 là vật phẩm lâu đời nhất trong lễ đăng quang, trong khi bình Ampulla ban đầu đã bị nấu chảy và được phục dựng lại vào thời Vua Charles II đăng quang năm 1661.
Thanh gươm Sword of Offering
Tại lễ phong chức, đức Vua được mặc lễ phục dát vàng và được trao lễ phục đăng quang, trong đó có các vật dụng quý như thanh gươm báu Sword of Offering hay còn gọi là Gươm nạm ngọc. Vật phẩm được thiết kế năm 1820 và được dùng lần đầu trong lễ đăng quang của Vua George IV. Lưỡi kiếm làm bằng thép, chuôi kiếm bằng vàng, gắn ngọc lục bảo, hồng ngọc, ngọc bích và kim cương tạo hình bông hồng, cây kế, cỏ ba lá, lá sồi, trứng cá và đầu sư tử. Bao kiếm làm từ chất liệu da, bọc vàng tinh xảo.
Quả cầu
Quả cầu tượng trưng cho quyền lực hoàng gia và thế giới Kitô giáo. Quả cầu ghép từ hai bán cầu vàng rỗng được trang bị cùng với một loạt trang sức tinh xảo. Quả cầu được chia thành ba phần đại diện cho ba lục địa được biết đến trong thời kỳ trung cổ với 365 viên kim cương, 18 viên hồng ngọc, 9 viên ngọc lục bảo và 9 viên ngọc bích, trong số đó có nhiều viên đá nguyên bản.
Quyền trượng
Quyền trượng đại diện cho quyền lực và sự lãnh đạo anh minh. Trong những năm qua, quyền trượng đã trải qua một số thay đổi - đáng chú ý nhất là sự kết hợp của viên kim cương Cullinan I, nặng 530 carat đáng kinh ngạc, tô điểm thêm cho đỉnh trượng kể từ năm 1911. Còn được gọi là "Ngôi sao vĩ đại của châu Phi", viên kim cương này được cắt từ một viên kim cương thô 3.106 carat khai thác ở Nam Phi.
Ghế đăng quang
Hay còn gọi là Ghế St Edward, được làm cách đây hơn 700 năm và lần đầu tiên được sử dụng cho lễ đăng quang của Vua Edward II vào năm 1308. Tu viện Westminster đã mô tả chiếc ghế là "một trong những món đồ nội thất quý giá và nổi tiếng nhất trên thế giới".
Vương miện St. Edward’s
Vương miện này được coi là một phần lịch sử của Hoàng gia Anh và được sử dụng cho lễ đăng quang. Vương miện St Edward được chế tạo vào năm 1661, cao 30 cm, làm từ vàng đúc liền, nạm khoảng bằng 444 viên đá quý gồm hồng ngọc, thạch anh tím, ngọc bích, ngọc hồng lựu, đá topaz, đá cầu vồng và bọc nhung tím. Vành mũ là một dải lông chồn.
Vương miện Imperial State
Vương miện Hoàng gia này được thiết kế năm 1937 và dùng lần đầu trong lễ đăng quang của ông nội vua Charles, Vua George VI, và gần như là bản sao của Vương miện Hoàng gia trước đó của Nữ hoàng Victoria. Chiếc vương miện gồm một phần khung bằng vàng, gần 3.000 viên kim cương gắn lại bằng bạc, 17 viên ngọc bích, 11 viên ngọc lục bảo và khoảng 270 viên ngọc trai cùng một viên kim cương cỡ đại. Một số viên đá quý trên Vương miện The Imperial State là món quà đến từ khắp nơi trên thế giới dành cho Hoàng gia Anh. Trong số đó có viên kim cương Cullinan II nặng 317 cara được xẻ ra từ viên kim cương thô lớn nhất trên thế giới phát hiện tại Nam Phi năm 1905.