Để giải quyết triệt để vấn đề này, Năm 2022, Bộ Chính trị đã có Thông báo 20 về chủ trương sắp xếp lại vị trí cho những cán bộ bị kỷ luật nhưng rất ít cán bộ lãnh đạo sau khi bị Trung ương kỷ luật dám dũng cảm từ bỏ vị trí của mình….
Buông bỏ để tự trọng
Chủ trương khuyến khích cán bộ bị Trung ương kỉ luật xin nghỉ hưu sớm hoặc từ chức được Bộ Chính Trị thông báo ngày 8/9/2022. Một trong số rất ít người thực hiện nghiêm túc chủ trương này là Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Tháng 11/2021, tại kỳ họp thứ 8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận những vi phạm, khuyết điểm của tổ chức Đảng nêu trên đồng thời thi hành kỷ luật một số cán bộ, đảng viên vi phạm. Trong số những người bị kỷ luật có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Khuyết điểm của ông Nguyễn Trường Sơn là buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Cục Quản lý dược, một số đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc và nhiều cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; trong cấp phép nhập khẩu thuốc, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và thực hiện liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế; để nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, một số cán bộ, đảng viên đã bị xử lý hình sự.
Cơ quan điều tra xác định Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn sai phạm nhưng không có động cơ vụ lợi. Ông bị Trung ương kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.
Sau khi nhận quyết định kỷ luật Khiển trách, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã xin nghỉ hưu trước tuổi kể từ ngày 1/4/2023.
Ông Nguyễn Trường Sơn sinh năm 1964, là phó giáo sư, tiến sĩ y khoa, nếu theo quy định hiện hành về tuổi nghỉ hưu mới, đến năm 2025 ông Sơn mới đến tuổi nghỉ hưu.
Việc Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn xin nghỉ hưu sớm thực chất là hành động tự trọng, xin từ chức khi có khuyết điểm và được dư luận đánh giá cao.
Níu giữ… chiếc áo quá rộng
Thời điểm, ông Sơn chủ động xin nghỉ hưu sớm cũng là lúc Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đang xem xét kỷ luật Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh. Tại kỳ họp thứ 29 UBKT Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Bùi Hồng Minh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Ngày 28/7/2023 Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật với hình thức Cảnh cáo đối với ông Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Ông Bùi Hồng Minh bị kỷ luật do để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình công tác tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Một loạt các vụ bê bối tại các Công ty Xi măng Hoàng Thạch, Tài chính Xi măng CFC, Xi măng Bỉm Sơn, đều có vai trò, trách nhiệm của ông Bùi Hồng Minh khi làm lãnh đạo và để xảy ra sai phạm tại các doanh nghiệp con của VICEM.
Cụ thể, ông Minh được ghi nhận ký hợp đồng tín dụng cho công ty Med Aid Công Minh vay 80 tỷ đồng và sau đó khoản tiền này trở thành “nợ khó đòi.”
Ông Minh cũng quyết định đầu tư hơn 100 tỷ đồng mua lại cổ phần của công ty Xi Măng Miền Trung (CRC) với giá cao hơn rất nhiều giá cổ phiếu của công ty mẹ. Do công ty CRC làm ăn bết bát, quyết định nêu trên của ông Minh khiến Công ty Xi Măng Bỉm Sơn phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính và dự phòng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Vụ án “vi phạm các quy định về đấu thầu” trong hoạt động mua sắm thiết bị tại Xi măng Hoàng Thạch cũng xảy ra vào thời điểm ông Bùi Hồng Minh đang làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam. Đến nay, cơ quan điều tra đã bắt giữ gần chục bị can trong đó một số cán bộ lãnh đạo tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam có trách nhiệm liên quan.
So với Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thì mức án kỷ luật của Thứ trưởng Bùi Hồng Minh còn cao hơn một bậc. Ông Sơn bị Trung ương khiển trách và đã sớm nhìn thẳng vào khuyết điểm của mình nên chủ động rút lui. Ngược lại, sau khi bị cảnh cáo, ông Bùi Hồng Minh vẫn đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng và phụ trách nhiều lĩnh vực quan trọng: Quản lý nhà nước về kinh tế xây dựng; Chỉ đạo hoạt động khối doanh nghiệp và thực hiện quyền, nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc Bộ; Công tác hợp tác quốc tế; Phụ trách chung về dự án ODA;Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa; Quản lý thực hiện đầu tư xây dựng và kinh tế xây dựng tại các công trình trọng điểm quốc gia....
Đặc biệt, ông Minh còn phụ trách cả công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Có thể thấy nhiệm vụ ông Minh được phân công quản lý, chỉ đạo chủ yếu về kinh tế, đúng lĩnh vực ông có “kinh nghiệm” nhiều năm và cũng chính là lĩnh vực mà ông để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm đến mức phải bị kỷ luật. Đặc biệt dư luận thấy rằng hiện nay chất lượng công việc bị ảnh hưởng, uy tín của Bộ Xây dựng bị giảm sút.
Điều đáng lo ngại là, khi quản lý chỉ một Tổng Công ty Xi măng Việt Nam ông Minh còn thể hiện sự “đuối sức” để xảy ra vi phạm, và có những quyết định đầu tư gây thua lỗ hàng trăm tỉ đồng. Nay ở cương vị mới, giữ trọng trách lớn hơn; đòi hỏi có những quyết định chính sách, ảnh hưởng tầm quốc gia, liệu ông Minh có đủ năng lực, bản lĩnh để không gây thiệt hại cho đất nước, hay lại vi phạm nghiêm trọng hơn?
Được biết, nội dung Thông báo 20 của Bộ Chính trị nêu rất rõ nguyên tắc bố trí lại cán bộ có chức vụ bị kỷ luật nhưng còn thời gian công tác trên 5 năm: "Cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương, xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật. Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương".
Câu hỏi đặt ra ở đây là tổ chức có thẩm quyền sẽ phải ứng xử như thế nào đối với những cán bộ bị Trung ương kỷ luật nhưng vẫn không muốn buông bỏ vị trí lãnh đạo?. Việc thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai,” có được thực hiện triệt để. Liệu vụ việc của ông Bùi Hồng Minh có là ngoại lệ hay bị chìm xuồng không?