| Hotline: 0983.970.780

Dấu hỏi trách nhiệm của nguyên lãnh đạo VICEM Việt Nam trong vụ án Xi măng Hoàng Thạch?

Chủ Nhật 19/03/2023 , 21:39 (GMT+7)

Vụ án tại nhà máy Xi măng Hoàng Thạch xảy ra trong giai đoạn 2019-2020, khi ấy là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Vicem Việt Nam là ông Bùi Hồng Minh...

Ngày 17/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố 6 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Xi măng Hoàng Thạch.  

Trước đó, ngày 12/11/2022, Công an tỉnh Hải Dương đã thi hành quyết định khởi tố và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lê Thành Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xi măng Hoàng Thạch. Tại thời điểm bị khởi tố, ông Lê Thành Long (59 tuổi, trú tại Hải Dương) đang là Thành viên Hội đồng quản trị của Công ty CP Bao bì Hoàng Thạch.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương cũng đã bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Chảng (từng công tác tại Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch) để điều tra hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian công tác tại Công ty xi măng Vicem Hoàng Thạch.

Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố 6 bị can về tội 'Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng' xảy ra tại Công ty Xi măng Hoàng Thạch'. Ảnh: ST.

Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố 6 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Xi măng Hoàng Thạch”. Ảnh: ST.

Như vậy, liên quan đến vụ án này, cho tới nay đã có tới 8 bị can bị cơ quan thi hành tố tụng bắt giữ và chưa chắc sự việc đã dừng lại.

Việc hai cán bộ của Vicem Việt Nam là ông Đỗ Hoàng Linh, nguyên Phó phòng Kĩ thuật và ông Nguyễn Việt Nga, Trưởng ban Kế hoạch chiến lược Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem Việt Nam) bị bắt giữ cho thấy Cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng vụ án.

Theo tìm hiểu, năm 2018, Công ty CP Tư vấn Thương mại và Công nghệ AMIC đã thực hiện dự án xử lý nút thắt công nghệ tại Vicem Bút Sơn. Đầu năm 2019, Vicem Hoàng Thạch triển khai sửa chữa, xử lý nút thắt công nghệ dây chuyền 3, Công ty CP Tư vấn Thương mại và Công nghệ AMIC cũng là đơn vị trúng thầu. Cơ quan điều tra cũng đã bắt giữ bị can Hoàng Ngọc Tâm là nhân viên của Công ty CP Tư vấn Thương mại và Công nghệ AMIC.

Diễn biến của vụ án đến đâu và có còn ai đồng phạm, tiếp sức, thao túng hay không thì chưa biết. Tuy nhiên, có thể khẳng định vụ án tại Xi măng Hoàng Thạch chỉ là “điểm” nổi bật trong hàng loạt những vi phạm có thể gây thất thoát ngân sách Nhà nước tại các công ty thành viên trực thuộc Vicem Việt Nam giai đoạn 2010-2020.

Thời gian qua, báo chí đã phản ánh rất nhiều về vi phạm tại Công ty cổ phần Tài chính CFC; Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn… khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của ông Bùi Hồng Minh khi làm lãnh đạo trực tiếp và để xảy ra sai phạm.

Cụ thể, đối với sai phạm tại Công ty cổ phần Tài chính CFC Cục phòng, chống tham nhũng (thuộc Thanh tra Chính phủ) đã vào cuộc và có văn bản yêu cầu Vicem Việt Nam cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến phản ánh “có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến việc cho vay vốn của CFC”…

Ngày 31/8/2010, Công ty CP Med Aid Công Minh mới có đơn đề nghị CFC cho vay vốn nhưng trước đó một ngày (30/08/2010) ông Bùi Hồng Minh - Tổng Giám đốc CFC đã phê duyệt “báo cáo thẩm định vốn vay” của Công ty CP Med Aid Công Minh.

Tại mục “căn cứ” cho vay trong Hợp đồng hạn mức tín dụng số 24/2010/THD/CFC-MCM nêu rõ: ngày 31/8/2010 Công ty CP Med Aid Công Minh có giấy đề nghị vay vốn và giấy đề nghị cấp bảo lãnh. Không hiểu bằng cách thẩm định thần tốc như thế nào mà chỉ trong một ngày ông Bùi Hồng Minh đã có thể ký hợp đồng tín dụng cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỷ đồng.

Kết cục, khoản vay 80 tỷ đồng này đã trở thành nợ khó đòi khi con nợ là Công ty CP Med Aid Công Minh nhiều năm liền không trả được tiền. Sau này, khoản nợ của Công ty CP Med Aid Công Minh đã lên tới hơn 100 tỷ đồng và bị liệt vào nhóm “nợ xấu”.

Còn vụ việc thất thoát hàng trăm tỉ đồng của Công ty Xi Măng Bỉm Sơn khi quyết định đầu tư vào Nhà máy Xi măng Đại Việt thuộc Công ty cổ phần Xi măng Miền Trung (CRC). Trên thực tế, giá đàm phán mua lại cổ phần của CRC là 11.560 đồng/1 cổ phần. Trong khi đó, giá của cổ phiếu của Xi măng Bỉm Sơn (BCC) trên thị trường chỉ giao dịch ở mức 3.800 - 6.600 đồng/1 cổ phần (giá giao dịch từ 1/7/2012 đến khi kí hợp đồng ngày 6/4/2013). Nghĩa là ông Bùi Hồng Minh đã quyết định đầu tư hơn 100 tỉ đồng mua lại cổ phần của Công ty CRC với giá cao hơn rất nhiều giá cổ phiếu của công ty mẹ?

Chưa hết, những năm sau này tình trạng kết quả sản xuất kinh doanh của Xi măng Miền Trung càng ngày càng bi đát và tính đến ngày 31/12/2021 lỗ lũy kế trên 277 tỉ đồng. Công ty Xi măng Bỉm Sơn đã phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính và dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với Công ty Xi măng Miền Trung số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Sai phạm của ông Minh khi còn là lãnh đạo tại Công ty tài chính Xi măng CFC và Công ty Xi măng Bỉm Sơn đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét và kết luận tại kì họp thứ 26 vừa qua, thông báo kết luận kỳ họp trong đó có nêu: “Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy đồng chí Bùi Hồng Minh trên các cương vị công tác của mình đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ; có nguy cơ mất vốn đầu tư”.

Có thể thấy, từ năm 2010, trải qua nhiều cương vị công tác, ông Bùi Hồng Minh làm lãnh đạo ở doanh nghiệp nào là doanh nghiệp đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bị thất thoát tài sản của nhà nước.

Vậy thời gian ông Minh làm lãnh đạo tại Vicem Việt Nam thì sao? Được biết, vụ án tại nhà máy Xi măng Hoàng Thạch xảy ra trong giai đoạn 2019-2020 khi ông Minh đang làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Vicem Việt Nam.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.