| Hotline: 0983.970.780

Sai phạm quá rõ, ông Bùi Hồng Minh không thể chối bỏ trách nhiệm

Thứ Ba 14/06/2022 , 20:03 (GMT+7)

Suốt quá trình công tác, ông Bùi Hồng Minh đã làm mất vốn nhà nước ở nhiều doanh nghiệp

Như NNVN đã thông tin, Cục phòng, chống tham nhũng (thuộc Thanh tra Chính phủ) đã vào cuộc và có văn bản yêu cầu Tổng công ty xi măng Việt Nam cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến phản ánh “có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến việc cho vay vốn của CFC”…

Nội dung Cục phòng,chống tham nhũng cần làm rõ bao gồm những thông tin, tài liệu liên quan đến sự việc CFC góp vốn thành lập Công ty CP Med Aid Công Minh, quản lý vốn góp, vốn cho vay, thu hồi vốn…tại Công ty CP Med Aid Công Minh.

Công ty Tài chính Xi Măng CFC

Công ty Tài chính Xi Măng CFC

CFC là doanh nghiệp được thành lập bởi 3 cổ đông doanh nghiệp Nhà nước là Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tổng Công ty xi măng Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Ngày 31/8/2010, CFC và Công ty CP Med Aid Công Minh đã ký một hợp đồng tín dụng hạn mức. Theo đó, CFC cung cấp tín dụng cho Công ty CP Med Aid Công Minh số tiền 80 tỷ đồng để thanh toán các chi phí liên quan đến dự án Trung tâm ung bướu và y học hạt nhân bệnh viện 115, gồm chi phí xây dựng và chi phí mua sắm thiết bị.

Kết cục, khoản vay 80 tỷ đồng này đã trở thành nợ khó đòi khi con nợ là Công ty CP Med Aid Công Minh nhiều năm liền không trả được tiền. Đến cuối năm 2015, khoản nợ của Công ty CP Med Aid Công Minh đã lên tới gần 94 tỷ đồng và bị liệt vào nhóm “nợ xấu”. Sau đó, CFC bán khoản nợ này cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam với giá 80 tỷ đồng (CFC thiệt hại gần 14 tỷ đồng). Không những thế, theo Hợp đồng mua bán nợ giữa CFC (bên bán) và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (bên mua) thì CFC không nhận được 80 tỷ đồng tiền mặt mà chỉ nhận được trái phiếu (tương ứng 80 tỷ đồng) của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Trong hợp đồng này còn có điều khoản bất lợi cho CFC ở chỗ “CFC trả lại trái phiếu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và nhận lại khoản nợ trên trong trường hợp Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng”

Có thể khẳng định, trong hoạt động cho vay tài chính thì quy trình thẩm định đánh giá tính khả thi của dự án, năng lực của đơn vị thực hiện dự án, khả năng thu hồi vốn... cần phải tiến hành thực sự cẩn rọng để tránh rủi ro mất vốn Nhà nước. Tuy nhiên, trong giao dịch cho vay vốn giữa CFC với Công ty CP Med Aid Công Minh quy trình thẩm định này lại lộ ra những điểm "bất thường" khi Đề nghị vay vốn, Đề nghị cấp bảo lãnh và Hợp đồng hạn mức tín dụng đều được kí trong cùng một ngày 31/8/2010. Trực tiếp kí Hợp đồng là ông Bùi Hồng Minh, Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Tài chính Xi măng.

Một điểm bất thường nữa là sau khi, số tiền 80 tỷ đồng của CFC được giải ngân vào tài khoản Công ty CP Med Aid Công Minh thì cũng xảy ra ngay việc thay lãnh đạo tại Công ty CP Med Aid Công Minh. Và địa chỉ trụ sở làm việc của Công ty CP Med Aid Công Minh cũng được chuyển về đúng địa chỉ nhà riêng của ông Bùi Hồng Minh là Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Tài chính Xi măng ( tại thời điểm cho vay vốn) Câu chuyện Công ty CP Med Aid Công Minh sau khi vay được tiền lại chuyển trụ sở về hoạt động tại nhà riêng của ông Bùi Hồng Minh khiến người ta không thể không đặt câu hỏi về mối quan hệ lợi ích giữa ông Bùi Hồng Minh và Công ty CP Med Aid Công Minh?

Liệu mối quan hệ này có ảnh hưởng đến quyết định của ông Bùi Hồng Minh khi kí cho vay vốn 80 tỉ đồng? Được biết, trong suốt quá trình ông Bùi Hồng Minh lãnh đạo điều hành Công ty Cổ phần Tài chính Xi măng thì doanh nghiệp này luôn báo lỗ.

Nhà máy xi măng Đại Việt gây ô nhiễm môi trường nên bị người dân phản đối

Nhà máy xi măng Đại Việt gây ô nhiễm môi trường nên bị người dân phản đối

Chưa hết, sau khi rời khỏi CFC, ông Bùi Hồng Minh vẫn tiếp tục làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng của Công ty Xi Măng Bỉm Sơn khi quyết định đầu tư vào Nhà máy Xi Măng Đại Việt. Trước khi đàm phán mua lại cổ phần của Nhà máy Xi măng này, công ty Xi măng Bỉm Sơn cũng đã thành lập Đoàn Khảo sát đánh giá các chỉ tiêu kinh tế, kĩ thuật của nhà máy nghiền xi măng Đại Việt, cũng như xác định giá trị tài sản, đánh giá hiệu quả dự án… có vẻ như rất bài bản.

Tưởng rằng, sau khi rót hàng trăm tỉ đồng vào nhà máy xi măng Đại Việt, công ty Xi măng Bỉm Sơn sẽ biến nơi đây thành ‘bàn đạp” từng bước chiếm lĩnh thị trường miền Trung. Tuy nhiên, trên thực tế Nhà máy Xi măng Đại Việt hoạt động gặp khó khăn do công nghệ gây ô nhiễm môi trường.

Ngay trong năm 2015, 2016 mỗi năm nhà máy Xi măng Đại Việt đã phải chịu lỗ trên 30 tỉ đồng. Những năm sau này tình trạng kết quả sản xuất kinh doanh càng ngày càng bi đát hơn. Năm 2021, kết quả kinh doanh của Xi măng Miền Trung lỗ trên 27 tỉ đồng và tính đến ngày 31/12/2021 lỗ lũy kế trên 277 tỉ đồng. Công ty Xi măng Bỉm Sơn đã phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính và dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với công ty Xi măng Miền Trung số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Có thể thấy, trong suốt quá trình công tác, ông Bùi Hồng Minh làm lãnh đạo ở doanh nghiệp nào là doanh nghiệp đó bị thất thoát tài sản của nhà nước.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.