| Hotline: 0983.970.780

Những chuyển dịch ở vùng 'đệ nhất danh trà'

Thứ Năm 04/11/2021 , 08:30 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Với khoảng 200 hộ sản xuất, kinh doanh chè, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, nghề chè đã biến Tân Cương, một xã thuần nông thành vùng đất trù phú, hiện đại.

Cây chè qua 3 thế hệ

Nhiều hộ không chỉ cha truyền con nối duy trì nghề chè của gia đình mà còn mạnh dạn đầu tư phát triển thành những cơ sở có quy mô tầm cỡ. Tính đến nay, cây chè Tân Cương đã có lịch sử hơn trăm tuổi, kể từ ngày cụ Đội Năm Vũ Văn Hiệt mang những cây chè đầu tiên về trồng tại vùng đất này. Người Tân Cương tính rằng, dù nhìn từ góc độ nào, thì nghề chè Tân Cương cũng đã qua 3 thời kỳ.

Sao chè bằng tôn ga tại cơ sở sản xuất chè Thắng Hường. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Sao chè bằng tôn ga tại cơ sở sản xuất chè Thắng Hường. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Bài liên quan

Nếu tính về người, thì đã trải qua 3 thế hệ. Lớp đầu tiên, là những người làm công của cụ Đội, chập chững học nghề. May mắn thay, đất đồi Tân Cương như sinh ra để dành riêng cho cây chè. Sản phẩm chè búp khô mang nhãn hiệu “con Hạc” ngay khi vừa ló mặt ra thị trường đã liên tiếp thắng những thương hiệu lâu đời của Trung Quốc và Ấn Độ trong các cuộc đấu xảo tại Hà Nội suốt giai đoạn 1925 - 1930, nức tiếng gần xa, đưa Tân Cương trở thành “đệ nhất danh trà” của Việt Nam.

Thế hệ thứ hai, là những xã viên của phong trào xây dựng hợp tác xã chè những năm 1960, mà ông Bùi Văn Tiến, xóm Hồng Thái 2, người trẻ nhất, thì nay cũng đã hơn 70 tuổi, đã lui lại nghỉ ngơi để nhường nghề cho con cháu.

Còn nếu tính về phương tiện, thì bắt đầu từ chảo gang, rồi đến tôn quay đốt bằng củi, và nay đã thay thế bằng tôn đốt bằng ga, máy sấy, máy vò hiện đại. Tính theo bao bì, trước đây sản phẩm được đóng bao nửa tạ một, sau đó là túi bóng kính trọng lượng 1kg mỗi túi, đến nay đóng hút chân không, túi lớn thì 1 kg, túi nhỏ thì vừa đủ pha 1 ấm, bảo quản cả năm trời chất lượng vẫn không suy suyển.

Truyền nghề...

Những người làm chè giỏi nhất Tân Cương hiện nay, chính là thế hệ thứ ba của vùng chè. Mẹ của ông Trần Văn Thắng, chủ cơ sở chè Thắng Hường tại xóm Hồng Thái 2, là cụ Đinh Thị Hương, từng là một trong những người làm chè giỏi nhất Tân Cương.

Đồi chè của cụ Hương đã chia nhỏ cho 8 người con. Hiện, các con của cụ, trong đó có ông Thắng, 52 tuổi, đều làm chè giỏi. Ông cũng là một trong số những người đầu tiên ở Tân Cương đầu tư mua máy sao vò chè thay cho chảo gang trước đây. Vào đầu những năm 2000, khi giá chè phổ biến ở mức 70.000 đ/kg búp khô thì ông Thắng đã làm chè đinh bán với giá 450 nghìn đồng/kg.

Sản xuất chè tại cơ sở Thắng Hường. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Sản xuất chè tại cơ sở Thắng Hường. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Duy trì quy mô sản xuất hộ kinh doanh, song cơ sở chè Thắng Hường không khác gì một doanh nghiệp với hệ thống nhà xưởng, vùng nguyên liệu, đội ngũ làm thị trường được chuyên môn hóa. Bình quân, mỗi năm ông Thắng thu mua hàng chục tấn chè tươi của các hộ trong và ngoài xã để chế biến với điều kiện tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, hái đúng thời gian, tiêu chuẩn kỹ thuật của chè đinh, chè nõn.

Gia đình ông Trần Văn Thắng đầu tư 5 thùng sao, 12 máy vò. Trong thời gian 1 buổi chiều, 3 người làm có thể sao được đến 5 tạ chè khô. Với thương hiệu sản phẩm được gây dựng nhờ uy tín và kinh nghiệm làm nghề, chè của gia đình ông có thị trường tiêu thụ tốt.

Từ chỗ tự tay trồng, hái rồi sản xuất chè để bán, mấy năm gần đây, hầu như cơ sở của ông chỉ chuyên chế biến, thậm chí thu mua chè búp tươi với giá 100 nghìn đồng/kg. Sản phẩm chè nõn thượng ty của gia đình anh tiêu thụ khá tốt với mức giá 600 nghìn đồng/kg. Chè đinh hiện có giá 3,5 triệu đồng/kg.

Ông Thắng tâm sự, trước đây ông theo nghề chè chỉ với mục định ổn định cuộc sống của gia đình và nuôi 5 đứa con. Trong quá trình vừa làm vừa quan sát thị trường, nhận thấy ưu thế của chè Tân Cương so với các địa phương khác, ông chuyển sang chuyên làm chè cao cấp và ngày càng phát triển thuận lợi. Đến nay, cơ sở của gia đình ông không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho các con cháu mà còn thu hút hàng chục lao động địa phương.

Chủ động vùng nguyên liệu

Được thừa hưởng nghề làm chè của gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh trà Phúc Kim của anh Dương Văn Phúc, 36 tuổi, xóm Soi Vàng, xã Tân Cương có sản lượng tiêu thụ từ 3 - 4 tấn chè búp khô mỗi tháng. Năm nay, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc chuyển phát hàng hoá đi các tỉnh khó khăn nên có những tháng chỉ bán được trên 1 tấn, các mức giá từ 150 nghìn đến 2,7 triệu đồng/kg.

Vùng chè Tân Cương ngày nay đã kết hợp rất hiệu quả giữa sản xuất chè với hoạt động du lịch, trải nghiệm. Ảnh: ĐVT.

Vùng chè Tân Cương ngày nay đã kết hợp rất hiệu quả giữa sản xuất chè với hoạt động du lịch, trải nghiệm. Ảnh: ĐVT.

Bà Nguyễn Thị Kim, 60 tuổi, mẹ của Phúc, là một trong những “thợ chè” nổi tiếng của vùng. Không chỉ đảm đang tháo vát, buôn bán rất đắt hàng, bà Kim cũng là người làm chè giỏi, từng giành giải Nhất và Huy chương Bạc nội dung sao chè ngon tại các Liên hoan Trà Thái Nguyên. Tất cả những bí truyền về nghề chè được rèn giũa từ thuở nhỏ, bà Kim đã dần kèm cặp cậu con trai tiếp nối vững vàng nghề truyền thống của gia đình.

Bà Kim chia sẻ kinh nghiệm xương máu trong việc kinh doanh chè là cần phải chủ động được vùng nguyên liệu. Đó là cơ sở để tìm kiếm thị trường và bạn hàng bền vững. Trước đây, chè nguyên liệu được thu mua theo thời vụ nên giá bán thành phẩm chè búp cũng không cố định, tháng chính vụ giá khá thấp nhưng vào dịp Tết nguyên đán lại tăng gấp vài lần. Giá cả biến động như vậy rất khó đưa chè vào hệ thống cửa hàng, siêu thị.

Những năm gần đây, các cơ sở kinh doanh chè hầu như ổn định giá bán trong suốt năm cũng là nhờ chủ động được nguyên liệu. Vùng nguyên liệu chính của Cơ sở Phúc Kim là diện tích chè của 12 hộ trong tổ sản xuất chè VietGAP xóm Soi Vàng. Ngoài ra, mỗi tháng còn thu mua gần 1 tấn chè búp khô của một số hộ lân cận để bán đi nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến, vùng chè Tân Cương đang chuyển biến sản xuất sang hướng hữu cơ, bền vững. Ảnh: ĐVT.

Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến, vùng chè Tân Cương đang chuyển biến sản xuất sang hướng hữu cơ, bền vững. Ảnh: ĐVT.

Riêng sản phẩm chè tôm, chè đinh cao cấp thì dùng nguyên liệu của chính vườn chè do gia đình tự tay chăm sóc, thu hái. Những năm vừa qua, trước thời điểm dịch bệnh, trung bình mỗi năm, gia đình anh đón từ 40 - 50 đoàn khách du lịch đến trải nghiệm hái chè, sao chè và thưởng thức chè miễn phí. Anh Phúc bày tỏ bản thân rất tự hào được sinh ra và lớn lên tại Tân Cương, vùng đất nổi tiếng với cây chè.

Thực tế công việc sản xuất kinh doanh chè của gia đình xưa nay đều thuận lợi. Cây chè cũng giúp cho những người xung quanh anh ổn định cuộc sống, ngày càng khá giả hơn. Chính vì vậy, anh xác định gắn bó với nghề làm chè truyền thống, đồng thời tìm những hướng đi mới mẻ để phát huy giá trị cây chè, như đa dạng hoá các sản phẩm chè để phù hợp với thị hiếu giới trẻ, tham gia làm du lịch sinh thái gắn với nghề chè.

Xem thêm
'Bóc’ các điểm chăn nuôi lợn quy hoạch đầu nguồn nước

QUẢNG TRỊ Sau một loạt các sự cố môi trường trong chăn nuôi, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định đưa ra khỏi quy hoạch điểm chăn nuôi lợn đầu nguồn nước.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm